Đại Hội Trung Ương
Tất Cả Mọi Điều Tốt Đẹp cho Sự Lợi Ích của Chúng Ta
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Tất Cả Mọi Điều Tốt Đẹp cho Sự Lợi Ích của Chúng Ta

Trong thời tại thế và thời vĩnh cửu, mục đích của Sự Sáng Tạo và thiên tính của chính Thượng Đế là hiệp mọi sự lại với nhau vì lợi ích của chúng ta.

Hôm nay là ngày 6 tháng Tư, ngày kỷ niệm Chúa Giê Su Ky Tô phục hồi Giáo Hội ngày sau của Ngài—và là một phần của mùa Phục Sinh, khi chúng ta hân hoan làm chứng về cuộc sống hoàn hảo, sự hy sinh chuộc tội và Sự Phục Sinh vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô.

Một câu chuyện Trung Quốc bắt đầu khi con trai của một người đàn ông tìm thấy một con ngựa đẹp.

Những người hàng xóm nói: “Thật là may mắn”.

Người đàn ông nói: “Để rồi xem”.

Sau đó người con trai bị ngã ngựa và bị thương tật vĩnh viễn.

Những người hàng xóm nói: “Thật là không may”.

Người đàn ông nói: “Để rồi xem”.

Một đội quân đến bắt lính nhưng không bắt người con trai bị thương đi.

Những người hàng xóm nói: “Thật là may mắn”.

Người đàn ông nói: “Để rồi xem”.

Thế giới hay thay đổi này thường mang lại cảm giác hỗn loạn, bấp bênh, đôi khi may mắn và—rất thường—là bất hạnh. Tuy nhiên, trong thế giới khổ sở này,1 “chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.”2 Quả thực, khi chúng ta bước đi ngay thẳng và ghi nhớ các giao ước của mình, thì “mọi việc sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi”3

Tất cả mọi điều tốt đẹp cho sự lợi ích của chúng ta.

Thật là một lời hứa đặc biệt! Lời cam đoan đầy an ủi từ chính Thượng Đế! Theo một cách kỳ diệu, mục đích của Sự Sáng Tạo và thiên tính của Thượng Đế là biết được sự cuối cùng từ lúc ban đầu;4 để mang lại mọi việc mà sẽ hiệp lại làm lợi ích cho chúng ta; và để giúp chúng ta trở nên được thánh hóa và thánh thiện nhờ vào ân điển và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giải thoát và cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô cũng hiểu tường tận mọi nỗi đau đớn, khổ sở, bệnh tật,5 buồn phiền, chia ly của chúng ta. Trong thời tại thế và thời vĩnh cửu, sự chiến thắng của Ngài đối với cái chết và ngục giới có thể làm cho mọi việc được trở nên đúng.6 Ngài giúp chữa lành những người đau khổ và bị khinh thường, hòa giải những người giận dữ và bị chia rẽ, an ủi những người cô đơn và bị cô lập, khuyến khích những người hoài nghi và không hoàn hảo, đồng thời mang đến những phép lạ mà chỉ có Thượng Đế mới có thể làm được.

Chúng ta hát Ha Lê Lu Gia và reo hò Hô Sa Na! Với quyền năng vĩnh cửu và lòng nhân từ vô hạn, trong kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế mọi việc đều có thể hiệp lại vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta có thể đối phó với đời sống bằng sự tin tưởng chứ không phải bằng sự sợ hãi.

Nếu không có sự giúp đỡ thì chúng ta có thể không biết được sự tốt lành của chính mình. Khi “tự chọn mình” là tôi cũng đang lựa chọn những hạn chế, yếu kém, thiếu sót của bản thân. Cuối cùng, để làm được điều tốt nhất, chúng ta cần phải là người tốt.7 Vì chẳng có ai tốt lành, ngoại trừ Thượng Đế,8 nên chúng ta tìm kiếm sự toàn thiện trong Chúa Giê Su Ky Tô.9 Chúng ta chỉ trở thành con người chân thật nhất, tốt lành nhất khi chúng ta cởi bỏ con người thiên nhiên và trở thành trẻ nhỏ trước mặt Thượng Đế.

Với sự tin cậy và đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế, những thử thách và đau khổ có thể được thánh hóa vì lợi ích của chúng ta. Giô Sép, dù bị bán làm nô lệ ở Ai Cập, về sau đã cứu được gia đình và dân mình. Việc Tiên Tri Joseph Smith bị giam giữ trong Ngục Thất Liberty đã dạy cho ông biết rằng “những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm và sẽ lợi ích cho ngươi.”10 Việc sống với đức tin, những thử thách và hy sinh mà chúng ta sẽ không bao giờ muốn chọn cũng có thể ban phước cho chúng ta và những người khác theo những cách chưa bao giờ tưởng tượng được.11

Chúng ta gia tăng đức tin và sự tin cậy nơi Chúa rằng mọi việc có thể hiệp lại làm lợi ích cho chúng ta khi chúng ta đạt được quan điểm vĩnh cửu;12 hiểu rằng những thử thách của chúng ta có thể tồn tại “chỉ trong một thời gian ngắn”;13 nhận biết nỗi đau khổ có thể được thánh hóa vì lợi ích của chúng ta;14 thừa nhận rằng tai nạn, cái chết yểu, bệnh tật suy nhược là một phần của cuộc sống trần thế; và tin tưởng rằng Cha Thiên Thượng nhân từ không đưa ra những thử thách để trừng phạt hay phán xét. Ngài sẽ không đưa đá cho người xin bánh cũng không đưa rắn cho người xin cá.15

Khi thử thách đến, điều chúng ta thường mong muốn nhất là có ai đó lắng nghe và ở bên chúng ta.16 Vào lúc đó, những câu trả lời sáo rỗng có thể không có ích gì, tuy nhiên chúng có thể mang đến sự an ủi. Đôi khi chúng ta khao khát có ai đó cùng đau buồn, đau khổ và khóc cùng chúng ta; chúng ta hãy bày tỏ nỗi đau đớn, buồn bực, thậm chí là tức giận; và thừa nhận với mình rằng có những điều chúng ta không biết.

Khi chúng ta tin cậy Thượng Đế và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, ngay cả những nỗi đau buồn sâu xa nhất của chúng ta, rồi cuối cùng hiệp lại vì lợi ích của chúng ta.

Tôi nhớ ngày tôi nhận được tin báo về một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc liên quan đến những người tôi yêu thương. Những lúc như vậy, trong nỗi thống khổ và đức tin, chúng ta chỉ có thể nói như Gióp: “Đức Giê Hô Va đã ban cho, Đức Giê Hô Va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê Hô Va.”17

Trong khắp Giáo Hội trên toàn thế giới, có khoảng 3.500 giáo khu và giáo hạt cùng khoảng 30.000 tiểu giáo khu và chi nhánh cung cấp nơi trú ẩn và sự an toàn.18 Nhưng trong các giáo khu và tiểu giáo khu của chúng ta, nhiều gia đình và cá nhân thành tín đương đầu với những thử thách khó khăn, cho dù biết rằng mọi việc sẽ hiệp lại vì lợi ích của chúng ta (dù chưa rõ bằng cách thức nào).

Ở Huddersfield, nước Anh, Anh Samuel Bridgstock được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn bốn ngay trước khi được kêu gọi làm một chủ tịch giáo khu mới. Với chẩn đoán tồi tệ của mình, anh hỏi Anna, vợ anh, lý do tại sao anh cần đi phỏng vấn.

Chị Bridgstock nói: “Vì anh sẽ được kêu gọi làm chủ tịch giáo khu.”

Hình Ảnh
Gia đình Bridgstock.

Dù ban đầu được chẩn đoán là chỉ còn một hoặc hai năm để sống, nhưng Chủ Tịch Bridgstock (hiện đang có mặt hôm nay) vẫn đang phục vụ ở năm thứ tư. Anh ấy có những ngày suôn sẻ và những ngày khó khăn. Giáo khu của anh ấy đang tập hợp lại với đức tin, sự phục vụ và lòng nhân từ ngày càng gia tăng. Điều đó không dễ dàng, nhưng vợ và gia đình của anh ấy sống với đức tin, lòng biết ơn và nỗi buồn có thể hiểu được mà họ tin rằng sẽ trở thành niềm vui vĩnh cửu nhờ vào Sự Chuộc Tội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.19

Khi bình tĩnh, cởi mở và cung kính, thì chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp, mục đích và sự trầm lặng của giao ước thuộc về mà Chúa ban cho. Trong những giây phút thiêng liêng, Ngài có thể cho chúng ta thoáng thấy thực tế vĩnh cửu lớn lao hơn mà cuộc sống hằng ngày của chúng ta là một phần trong đó, nơi mà những điều nhỏ nhặt và tầm thường cùng nhau hiệp lại vì lợi ích của người cho và người nhận.

Rebekah, con gái của chủ tịch phái bộ truyền giáo đầu tiên của tôi, đã chia sẻ cách Chúa đáp ứng lời cầu nguyện của chị để xin được an ủi bằng một cơ hội bất ngờ nhằm đáp lại lời cầu nguyện của một người khác.

Hình Ảnh
Rebekah đưa cho người phụ nữ ấy chiếc máy thở oxy của mẹ chị.

Một đêm khuya nọ, trong khi đang đau buồn vì sự qua đời gần đây của mẹ thì chị Rebeckah đã có một ấn tượng rõ ràng là phải đi đổ xăng cho xe ô tô của chị. Khi đến trạm xăng, chị gặp một phụ nữ lớn tuổi đang chật vật hít thở với bình dưỡng khí lớn. Sau đó, Rebekah đã đưa cho người phụ nữ ấy chiếc máy thở oxy cầm tay của mẹ chị. Chị phụ nữ này nói với lòng biết ơn: “Chị đã mang lại tự do cho tôi.” Mọi việc hiệp lại vì lợi ích cho chúng ta khi chúng ta phục sự như Ngài.

Một người cha được chỉ định cùng với đứa con trai đang ở tuổi thầy giảng làm bạn đồng hành phục sự đã giải thích: “Việc phục sự là khi chúng ta từ tư cách là những người hàng xóm mang bánh quy đến tư cách là những người bạn đáng tin cậy, những người ứng phó đầu tiên về mặt thuộc linh.” Giao ước thuộc về nơi Chúa Giê Su Ky Tô an ủi, kết nối, hiến dâng.

Ngay cả trong thảm kịch, sự chuẩn bị về mặt thuộc linh cũng có thể nhắc nhở chúng ta rằng Cha Thiên Thượng đã biết khi nào thì chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương và cô đơn nhất. Ví dụ, một gia đình có con được xe cứu thương chở đi bệnh viện, về sau họ đã cảm thấy được an ủi khi nhớ lại Đức Thánh Linh đã mách bảo trước điều sẽ xảy ra.

Đôi khi, thực tế vĩnh cửu lớn lao hơn mà Chúa cho chúng ta cảm nhận còn gồm cả gia đình ở bên kia bức màn che. Một chị phụ nữ tìm thấy niềm vui khi cải đạo theo phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, hai sự việc gây đau buồn đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của chị—là chứng kiến một vụ tai nạn tàu thuyền và mẹ chị đã tự tử một cách bi thảm.

Hình Ảnh
Chị phụ nữ này đã khắc phục nỗi sợ hãi và chịu phép báp têm.

Tuy nhiên, chị phụ nữ này đã vượt qua nỗi sợ nước đủ để chịu phép báp têm bằng cách dìm mình dưới nước. Và vào một ngày vô cùng hạnh phúc, chị ấy đã chứng kiến một người đại diện cho người mẹ quá cố của chị chịu phép báp têm thay trong đền thờ. Chị ấy nói: “Phép báp têm trong đền thờ đã chữa lành cho mẹ tôi và nó đã giải thoát tôi”. “Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bình an kể từ khi mẹ tôi qua đời.”

Các bản nhạc thiêng liêng của chúng ta lặp lại lời cam đoan của Ngài rằng mọi việc đều có thể hiệp lại làm lợi ích cho chúng ta.

Hãy an lòng: Thượng Đế của ngươi đã đảm trách

Hướng dẫn tương lai khi Ngài có quá khứ.

Hy vọng của Ngài, sự tin tưởng của Ngài không có gì làm cho lay chuyển;

Bây giờ tất cả điều bí ẩn sẽ cuối cùng được đưa ra ánh sáng.20

Cùng lại nhau đây, không việc chi phải kinh hãi;

Với niềm vui ta cùng đi.

Hành trình ta có dù cực nhọc gian lao khổ,

Ân lành kia ta được hưởng. …

Dù rằng ta có qua đời khi chưa đến chỗ,

Vui mừng đi! Mọi điều đẹp!21

Sách Mặc Môn là bằng chứng mà chúng ta có thể nắm trong tay rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Thượng Đế làm tròn những lời tiên tri của Ngài. Được viết bởi các vị tiên tri đầy soi dẫn đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta, Sách Mặc Môn bắt đầu bằng một loạt những sự kiện được viết một cách chân thật—một gia đình phải đối mặt với những bất đồng đáng kể. Tuy nhiên, khi nghiên cứu và suy ngẫm sách 1 Nê Phi 1 đến Mô Rô Ni 10, chúng ta được thu hút đến với Chúa Giê Su Ky Tô với một chứng ngôn vững vàng rằng những gì đã xảy ra ở đó và lúc đó lại có thể ban phước cho chúng ta ở đây và bây giờ.

Khi Chúa, qua vị tiên tri tại thế của Ngài, mang thêm nhiều ngôi nhà của Chúa đến gần hơn ở nhiều nơi, thì các phước lành của đền thờ cùng hiệp lại vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta đến với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô bằng giao ước và giáo lễ cùng đạt được quan điểm vĩnh cửu về cuộc sống trần thế. Khi được lần lượt thực hiện, từng tên một, chúng ta mang đến cho những người thân trong gia đình—các tổ tiên—các giáo lễ cứu rỗi và các phước lành giao ước theo mẫu mực của Chúa về các cứu tinh trên Núi Si Ôn.22

Khi các đền thờ đến gần chúng ta hơn ở nhiều nơi, chúng ta có thể thực hiện sự hy sinh trong đền thờ bằng cách tìm kiếm sự thiêng liêng trong nhà của Chúa thường xuyên hơn. Trong nhiều năm, chúng ta đã dành dụm, hoạch định và hy sinh để được đi đến đền thờ. Giờ đây, khi hoàn cảnh cho phép, xin hãy đến với Chúa càng thường xuyên hơn trong ngôi nhà thánh của Ngài. Hãy để việc thờ phượng và phục vụ đều đặn trong đền thờ ban phước, bảo vệ và soi dẫn anh chị em và gia đình mình—gia đình mà anh chị em hiện có hoặc sẽ có và trở thành một ngày nào đó.

Hình Ảnh
Một người bà ở bên ngoài đền thờ.

Ngoài ra, nếu hoàn cảnh của anh chị em cho phép, xin hãy xem xét phước lành của việc sở hữu bộ y phục đền thờ của anh chị em.23 Một người bà xuất thân từ một gia đình khiêm tốn nói rằng điều trên đời mà bà mong muốn nhất là bộ y phục đền thờ của riêng mình. Cháu trai của bà nói: “Bà nội thì thầm: ‘Bà sẽ phục vụ trong bộ y phục đền thờ của chính bà và sau khi chết, bà sẽ được chôn cất trong bộ y phục đó.’” Và đến lúc đó, bà đã được toại nguyện.

Như Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy: “Mọi điều chúng ta tin và mọi lời hứa Thượng Đế đã lập với dân giao ước của Ngài đều kết hợp với nhau trong đền thờ.”24

Trong thời tại thế và thời vĩnh cửu, mục đích của Sự Sáng Tạo và thiên tính của chính Thượng Đế là hiệp mọi việc lại với nhau vì lợi ích của chúng ta.

Đây là mục đích vĩnh cửu của Chúa. Đây là quan điểm vĩnh cửu của Ngài. Đây là lời hứa vĩnh cửu của Ngài.

Khi cuộc sống trở nên hỗn loạn và mục đích không được rõ ràng, khi anh chị em muốn sống tốt hơn nhưng không biết làm cách nào, thì hãy đến với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tin tưởng rằng hai Ngài hằng sống, yêu thương anh chị em và mong muốn mọi điều cho sự lợi ích của anh chị em. Tôi làm chứng rằng hai Ngài làm như vậy, một cách vô hạn và vĩnh viễn, trong thánh danh và tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giăng 16:33.

  2. Rô Ma 8:28.

  3. Giáo Lý và Giao Ước 90:24. Câu nói phổ biến “Tất cả đều tốt” thường ngụ ý rằng mọi thứ đều ổn và hợp lý, không nhất thiết có nghĩa là chúng thực sự có lợi ích cho chúng ta.

  4. Xin xem Môi Se 1:3.

  5. Xin xem An Ma 7:11.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 9:10–12. Thượng Đế tôn trọng quyền tự quyết về mặt đạo đức, đôi khi cho phép ngay cả những hành động bất chính của người khác ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng khi chúng ta sẵn lòng cố gắng làm hết sức mình thì ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như quyền năng trợ giúp và chuộc tội của Ngài có thể thanh tẩy, chữa lành, ràng buộc, hòa giải chúng ta với chính mình và với nhau, ở cả hai bên bức màn che.

  7. Xin xem Mô Rô Ni 7:6, 10–12. Giáo Sư Terry Warner viết rất sâu sắc về đề tài này.

  8. Xin xem Rô Ma 3:10; Mô Rô Ni 10:25.

  9. Xin xem Mô Rô Ni 10:32.

  10. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 122:4, 7.

  11. Chúng ta học bằng những kinh nghiệm mà chúng ta sẽ không bao giờ chọn. Đôi khi việc mang gánh nặng với sự giúp đỡ của Chúa có thể gia tăng khả năng của chúng ta để mang những gánh nặng đó; Mô Si A 24:10–15 minh họa việc Chúa đã hứa sẽ “đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ” và “ban thêm sức mạnh cho họ để họ có thể mang những gánh nặng ấy.” An Ma 33:23 dạy rằng các “gánh nặng [của chúng ta] sẽ được nhẹ đi, qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài.” Mô Si A 18:8 nhắc chúng ta nhớ rằng khi chúng ta “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau … thì gánh nặng ấy có thể “được nhẹ nhàng.”

  12. Tiên tri Ê Sai nói về Đấng Mê Si: “Thần của Chúa Giê Hô Va ngự trên ta; vì Đức Giê Hô Va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, … đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si Ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề” (Ê Sai 61:1–3). Tương tự như vậy, tác giả Thi Thiên đưa ra viễn cảnh đã được hứa của Ngài: “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng” (Thi Thiên 30:5). Điều này bao gồm những lời hứa vinh quang dành cho người ngay chính vào buổi sáng Phục Sinh Đầu Tiên.

  13. Giáo Lý và Giao Ước 122:4. Việc tin rằng những thử thách có thể xảy ra trong thời vĩnh cửu chỉ là một “thời gian ngắn” không có nghĩa là hạ thấp hoặc giảm bớt sự khó khăn hay thử thách của nỗi đau đớn hay thống khổ mà chúng ta có thể trải qua ngày này qua ngày khác trong cuộc sống này, những đêm mất ngủ không thể chịu đựng nổi, hoặc những điều bấp bênh tột cùng của mỗi ngày mới. Có lẽ lời hứa về việc có thể nhìn lại và nhìn thấy nỗi đau khổ trên trần thế của chúng ta khi suy nghĩ tới lòng trắc ẩn và quan điểm vĩnh cửu của Thượng Đế sẽ thêm vào một số quan điểm cho sự hiểu biết của chúng ta về cuộc sống trần thế và niềm hy vọng của chúng ta để chịu đựng với đức tin và sự tin cậy nơi Ngài cho đến cùng. Ngoài ra, khi chúng ta có mắt để thấy thì hiện tại thường có điều tốt đẹp; chúng ta không nhất thiết phải đợi đến thời điểm trong tương lai mới thấy được điều tốt đẹp.

  14. Xin xem 2 Nê Phi 2:2.

  15. Xin xem Ma Thi Ơ 7:9–10. Việc để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta không phải là thụ động chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến. Đó là việc tích cực tin rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, chỉ và luôn luôn mong muốn điều tốt nhất cho chúng ta. Khi thảm kịch ập đến, chúng ta có thể hỏi bằng đức tin, không phải “sao lại là tôi?” mà là “tôi có thể học được gì?” Và chúng ta có thể than khóc với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối khi biết rằng, theo kỳ định và cách thức của Ngài, các phước lành và cơ hội bù đắp sẽ đến.

  16. Chúng ta đã giao ước sẽ than khóc với những ai than khóc và an ủi những ai cần được an ủi (xin xem Mô Si A 18:9).

  17. Gióp 1:21.

  18. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 115:6.

  19. Việc gìn giữ đức tin khi đối mặt với sự khó khăn là trái ngược với nỗi thống khổ và tuyệt vọng hiện hữu mà Sách Mặc Môn mô tả về những người “nguyền rủa Thượng Đế, và muốn được chết đi,” nhưng “tuy nhiên … vẫn dùng gươm chiến đấu để bảo vệ mạng sống của mình” (Mặc Môn 2:14).

  20. “Be Still, My Soul,” Hymns, số 124.

  21. “Cùng Lại Nhau Đây, Hỡi Các Thánh Hữu,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 2. Cũng hãy xem:

    Sự sáng, khôn ngoan lẫn với tình thương. …

    Kế hoạch cứu chuộc thế gian,

    Cứu Chúa xót thương ban cho công lý

    Hợp hòa chung với tình thương!

    (“Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19.)

    Giữa những bấp bênh của đời sống, chúng ta biết rằng kế hoạch cứu chuộc vĩ đại sẽ mang lại công lý, tình yêu thương và lòng thương xót cho lợi ích của chúng ta.

  22. Xin xem Áp Đia 1:21. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Làm thế nào mà họ [Các Thánh Hữu Ngày Sau] trở thành các cứu tinh trên Núi Si Ôn? Bằng cách xây cất đền thờ của họ, dựng lên các hồ báp têm, và đi tiếp nhận tất cả các giáo lễ … thay cho tất cả các tổ tiên đã qua đời của họ” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 473).

  23. Các tín hữu tham dự đền thờ lần đầu tiên có thể mua bộ y phục đền thờ với mức giảm giá đáng kể.

  24. Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 94.