Đại Hội Trung Ương
Quả Ngọt Còn Mãi
Đại hội trung ương tháng Tư năm 2024


Quả Ngọt Còn Mãi

Việc có được Đức Thánh Linh đóng ấn các giáo lễ của chúng ta là thiết yếu nếu chúng ta muốn có các phước lành đã được hứa cho suốt thời vĩnh cửu.

Khi còn bé, tôi rất thích những quả đào chín. Cho đến ngày nay, ý nghĩ được cắn vào một quả đào chín, mọng nước, với hương vị thơm ngon đã khiến tôi chảy nước miếng rồi. Khi những quả đào chín cây được hái xuống, chúng có thể để được từ hai đến bốn ngày mà không bị hỏng. Tôi có những ký ức đẹp trong nhà bếp cùng mẹ và các anh chị em của tôi bảo quản những quả đào thu hoạch được cho mùa đông tới bằng cách đóng chúng vào lọ. Nếu chúng tôi bảo quản đúng cách, thì loại quả ngon ngọt này sẽ tồn tại vài năm, chứ không phải chỉ từ hai đến bốn ngày mà thôi. Nếu được chuẩn bị và hấp nóng đúng cách, thì trái cây sẽ được bảo quản cho đến khi nắp bị bung ra.

Đấng Ky Tô hướng dẫn chúng ta phải “đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi [còn mãi].”1 Tuy nhiên, Ngài không nói về những quả đào. Ngài đang nói về các phước lành của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. Nếu chúng ta lập cùng tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, thì các phước lành liên quan đến các giao ước của chúng ta có thể được kéo dài ngoài cuộc sống này và được đóng ấn trên chúng ta, hoặc được gìn giữ mãi mãi, trở thành quả ngọt còn mãi cho đến vĩnh cửu.

Đức Thánh Linh, trong vai trò thiêng liêng của Ngài với tư cách là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn, sẽ đóng ấn mỗi giáo lễ để các giáo lễ lên những người nào trung tín với các giao ước của họ để giáo lễ này sẽ có giá trị sau cuộc sống trần thế.2 Việc có được Đức Thánh Linh đóng ấn các giáo lễ của chúng ta là thiết yếu nếu chúng ta muốn có các phước lành đã được hứa cho suốt thời vĩnh cửu, trở thành quả ngọt còn mãi.

Điều này đặc biệt quan trọng nếu chúng ta muốn được tôn cao.3 Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, chúng ta nên “bắt đầu với mục tiêu cuối cùng trong tâm trí mình. … Chắc chắn, đối với mỗi người chúng ta, ‘mục tiêu cuối cùng’ mà chúng ta muốn đạt được nhất là sống vĩnh viễn với gia đình mình trong một trạng thái tôn cao nơi mà chúng ta sẽ ở nơi hiện diện của Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Vị Nam Tử của Ngài Chúa Giê Su Ky Tô.”4 Chủ Tịch Nelson cũng đã nói: “Hôn nhân thượng thiên là một phần then chốt của sự chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu. Nó đòi hỏi một người phải kết hôn đúng người, đúng chỗ, bởi đúng thẩm quyền, và trung tín tuân theo giao ước thiêng liêng. Rồi người ấy có thể được bảo đảm về sự tôn cao trong thượng thiên giới của Thượng Đế.”5

Các phước lành của sự tôn cao là gì? Các phước lành đó gồm có việc ở nơi hiện diện của Thượng Đế suốt thời vĩnh cửu chung với nhau với tư cách là vợ chồng, thừa hưởng “các ngai vàng, vương quốc, chấp chính, và quyền năng, … và sự tiếp nối các hạt giống mãi mãi và đời đời,”6 và tiếp nhận tất cả những gì Thượng Đế Đức Chúa Cha có.7

Chúa đã mặc khải qua Joseph Smith:

“Trong vinh quang thượng thiên có ba tầng trời hay đẳng cấp;

“Và để đạt được đẳng cấp cao nhất, một người phải gia nhập vào thể chế này của chức tư tế [có nghĩa là giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân];

“Và nếu người ấy không làm, thì người ấy không thể nhận được nó.

“Người ấy có thể vào một vương quốc khác, nhưng đó là sự tận cùng của vương quốc của người ấy; người ấy không thể có thêm được nữa.”8

Chúng ta học được ở đây rằng một người có thể ở trong vương quốc thượng thiên, hoặc sống trong sự hiện diện của Thượng Đế, và là người độc thân. Nhưng để được tôn cao trong đẳng cấp cao nhất của thượng thiên giới, một người phải kết hôn bởi thẩm quyền hợp thức và sau đó trung thành với các giao ước đã được lập trong hôn nhân đó. Khi chúng ta trung tín với các giao ước này, Đức Thánh Linh Hứa Hẹn có thể đóng ấn giao ước hôn nhân của chúng ta.9 Các phước lành được đóng ấn như vậy trở thành quả ngọt còn mãi.

Điều gì được đòi hỏi để trung tín tuân giữ giao ước mới và vĩnh viễn của hôn nhân?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng có hai loại mối ràng buộc khi chúng ta lập giao ước hôn nhân vĩnh cửu này: một mối ràng buộc bình đẳng giữa vợ và chồng, và một mối ràng buộc trực tiếp với Thượng Đế.10 Để có được các phước lành của sự tôn cao được đóng ấn lên chúng ta và tồn tại sau cuộc sống này, chúng ta cần phải trung thành với cả mối ràng buộc bình đẳng lẫn trực tiếp của giao ước.

Để giữ mối ràng buộc bình đẳng với người phối ngẫu của anh chị em, Thượng Đế đã khuyên dạy chúng ta phải “yêu thương vợ [hoặc chồng] mình hết lòng, và chỉ kết hợp với vợ [hoặc chồng] mình, chớ không một ai khác.”11 Đối với những người đã kết hôn, chỉ kết hợp với vợ mình hoặc chồng mình và không với ai khác có nghĩa là anh chị em hội ý với nhau trong tình yêu thương, yêu thương và chăm sóc lẫn nhau, dành ưu tiên thời gian với vợ hoặc chồng mình thay vì sở thích bên ngoài, và cầu khẩn Thượng Đế để giúp anh chị em khắc phục những yếu kém của mình.12 Điều đó cũng có nghĩa là không có bất cứ sự thân mật tình cảm hay mối quan hệ tình dục nào bên ngoài hôn nhân của anh chị em, kể cả tán tỉnh hay hẹn hò, và không cả nội dung khiêu dâm, là điều gây ham muốn.13

Để giữ mối quan hệ ràng buộc bình đẳng trong giao ước, cả người vợ lẫn người chồng phải mong muốn duy trì cuộc hôn nhân. Chủ Tịch Dallin H. Oaks mới vừa dạy: “Chúng ta cũng biết rằng [Thượng Đế] sẽ không ép buộc một ai thiết lập mối quan hệ gắn bó mà trái với ý muốn của họ. Các phước lành của một mối quan hệ gắn bó được bảo đảm cho tất cả những người nào tuân giữ các giao ước của mình chứ không bao giờ ép buộc một mối quan hệ gắn bó với một người khác mà không xứng đáng hoặc không sẵn lòng.”14

Mối ràng buộc trực tiếp mà Chủ Tịch Nelson đề cập đến là gì? Mối ràng buộc trực tiếp là mối ràng buộc mà chúng ta lập với Thượng Đế.

Để giữ mối ràng buộc trực tiếp với Thượng Đế, chúng ta phải thành tín với các giao ước đền thờ mà mình đã lập về luật vâng lời, luật hy sinh, luật pháp phúc âm, luật trinh khiết, và luật dâng hiến. Chúng ta cũng giao ước với Thượng Đế để tiếp nhận người bạn đời vĩnh cửu của mình và là một người vợ hoặc người chồng và người cha hay mẹ ngay chính. Khi chúng ta giữ mối ràng buộc trực tiếp, chúng ta hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành của việc thuộc vào gia đình của Thượng Đế qua giao ước Áp Ra Ham, kể cả các phước lành của hậu duệ, phúc âm, và chức tư tế.15 Các phước lành này cũng là quả ngọt còn mãi.

Mặc dù chúng ta hy vọng rằng tất cả những ai lập giao ước mới và vĩnh viễn vẫn luôn thành tín và có các phước lành được đóng ấn lên họ suốt thời vĩnh cửu, nhưng đôi khi lý tưởng đó dường như vượt quá tầm với của chúng ta. Trong suốt giáo vụ của mình, tôi gặp các tín hữu đã lập và tuân giữ các giao ước còn người phối ngẫu của họ thì không. Cũng có những người độc thân, không bao giờ có cơ hội kết hôn trên trần thế. Và có những người không trung tín trong các giao ước hôn nhân của họ. Điều gì xảy ra cho mỗi cá nhân trong các hoàn cảnh này?

  1. Nếu vẫn trung tín với các giao ước mình đã lập khi được làm lễ thiên ân, thì anh chị em sẽ nhận được các phước lành cá nhân đã được hứa với mình trong lễ thiên ân cho dù người phối ngẫu của anh chị em đã vi phạm các giao ước của người ấy hoặc ra khỏi hôn nhân. Nếu anh chị em đã được làm lễ gắn bó rồi sau đó ly dị, và nếu lễ gắn bó của anh chị em không bị hủy bỏ, thì các phước lành cá nhân của lễ gắn bó đó vẫn có hiệu lực đối với anh chị em nếu anh chị em vẫn luôn trung tín.16

    Đôi khi, vì những cảm nghĩ bị phản bội và tổn thương thật sự, một người phối ngẫu chung thủy có thể muốn hủy bỏ lễ gắn bó của mình với người phối ngẫu không chung thủy của mình để tách ra càng xa họ càng tốt, cả trên thế gian lẫn thời vĩnh cửu. Nếu anh chị em lo lắng rằng bằng cách nào đó anh chị em sẽ bị ràng buộc với một người phối ngẫu cũ không chịu hối cải, thì hãy nhớ rằng, anh chị em sẽ không phải bị vậy đâu! Thượng Đế sẽ không đòi hỏi bất cứ ai phải ở lại trong một mối quan hệ gắn bó suốt thời vĩnh cửu trái với ý muốn của người đó. Cha Thiên Thượng sẽ bảo đảm rằng chúng ta nhận được mọi phước lành mà ước muốn và sự lựa chọn của chúng ta cho phép.17

    Tuy nhiên, nếu mong muốn được hủy bỏ lễ gắn bó, thì quyền tự quyết được tôn trọng. Một số thủ tục nhất định có thể được tuân theo. Nhưng điều này không nên được thực hiện một cách tùy tiện! Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nắm giữ các chìa khóa để ràng buộc dưới thế gian và trên thiên thượng. Một khi việc hủy bỏ lễ gắn bó đã được Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chấp thuận, thì các phước lành đã liên quan đến lễ gắn bó đó sẽ không còn hiệu lực nữa; các phước lành đó được hủy bỏ cả ngang lẫn dọc. Là điều quan trọng để hiểu rằng để nhận được các phước lành của sự tôn cao, chúng ta cần phải cho thấy rằng chúng ta sẵn lòng lập và trung tín tuân giữ giao ước mới và vĩnh viễn này, trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau.

  2. Đối với những người là tín hữu độc thân của Giáo Hội, xin hãy nhớ rằng “theo cách thức và kỳ định riêng của Chúa, sẽ không có phước lành nào bị khước từ khỏi Các Thánh Hữu trung tín của Ngài. Chúa sẽ phán xét và tưởng thưởng cho mỗi cá nhân tùy theo [ước muốn] chân thành cũng như việc làm của họ.”18

  3. Nếu anh chị em không tiếp tục trung tín với các giao ước đền thờ, thì có hy vọng không? Có chứ! Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là phúc âm về niềm hy vọng. Niềm hy vọng đó đến qua Chúa Giê Su Ky Tô với sự hối cải chân thành và vâng lời tuân theo những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô. Tôi đã thấy các cá nhân phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng, vi phạm các giao ước thiêng liêng. Tôi thường xuyên thấy những người chân thành hối cải, được tha thứ, và trở lại con đường giao ước. Nếu anh chị em đã vi phạm các giao ước đền thờ của mình, thì tôi khuyên nhủ anh chị em hãy tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô, hội ý với vị giám trợ của mình, hối cải, và mở rộng lòng mình cho quyền năng chữa lành phi thường có sẵn nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thưa anh chị em, Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta đã ban cho chúng ta các giao ước để chúng ta có thể tiếp cận với tất cả những gì Ngài đã dành sẵn cho chúng ta. Những phước lành thiêng liêng này từ Thượng Đế ngon ngọt hơn bất cứ trái cây nào trên thế gian. Các phước lành đó có thể được gìn giữ mãi mãi cho chúng ta, trở thành quả ngọt còn mãi khi chúng ta trung tín với các giao ước của mình.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế đã phục hồi thẩm quyền để ràng buộc trên thế gian và trên thiên thượng. Thẩm quyền đó được tìm thấy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Thẩm quyền đó do Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai nắm giữ và được sử dụng dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Russell M. Nelson. Những người lập giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân và tuân giữ giao ước đó có thể trở nên được hoàn hảo và cuối cùng nhận được vinh quang trọn vẹn của Đức Chúa Cha, bất kể hoàn cảnh nào ngoài tầm kiểm soát của họ.19

Các phước lành đã được hứa này gắn liền với các giao ước của chúng ta có thể được đóng ấn lên chúng ta bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn và trở thành “quả ngọt còn mãi”, tồn tại vĩnh viễn và đời đời. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giăng 15:16.

  2. Xin xem Dale G. Renlund, “Tiếp Cận Quyền Năng của Thượng Đế qua Các Giao Ước,” Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 35–38; Giáo Lý và Giao Ước 132:7.

  3. Một giáo lễ được đóng ấn khi được làm cho có hiệu lực cả trên trời lẫn dưới đất vì được thực hiện bởi một người có thẩm quyền và được Đức Thánh Linh phê chuẩn.

    Chúng ta thường nghĩ rằng thẩm quyền gắn bó chỉ áp dụng cho một số giáo lễ đền thờ nhất định, nhưng thẩm quyền đó là cần thiết để làm cho bất cứ giáo lễ nào có hiệu lực và ràng buộc sau khi chết. Ví dụ, quyền năng gắn bó truyền giao một lễ gắn bó hợp pháp lúc làm lễ báp têm để được công nhận ở nơi đây và trên thiên thượng. Cuối cùng, tất cả các giáo lễ của chức tư tế đều được thực hiện dưới các chìa khóa của Chủ Tịch Giáo Hội, và như Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã giải thích: “Chủ Tịch Giáo Hội đã ban cho chúng ta thẩm quyền, ông đã đặt quyền năng gắn bó vào chức tư tế của chúng ta vì ông nắm giữ các chiếc chìa khóa đó” (D. Todd Christofferson, “Quyền Năng Gắn Bó,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 20).

    “Một hành động được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn là một hành động được Đức Thánh Linh phê chuẩn; đó là một hành động đã được Chúa chấp thuận. … Không một ai có thể nói dối với Đức Thánh Linh mà không bị phát hiện. … Các nguyên tắc này cũng áp dụng cho mọi giáo lễ và công việc khác trong Giáo Hội. Như vậy nếu cả hai người [trong hôn nhân] đều ‘công bằng và chân thật’ [Giáo Lý và Giao Ước 76:53], nếu họ xứng đáng, thì một con dấu ấn được đặt vào lễ hôn phối đền thờ của họ; nếu họ không xứng đáng, thì họ không được thánh linh biện minh và sự phê chuẩn của Đức Thánh Linh bị khước từ. Sự xứng đáng sau đó sẽ làm cho dấu ấn đó có hiệu lực và sự bất chính sẽ vô hiệu hóa bất cứ dấu ấn nào” (Bruce R. McConkie, “Đức Thánh Linh Hứa Hẹn,” trong Preparing for an Eternal Marriage Student Manual [năm 2003], trang 136).

    Thánh Linh Hứa Hẹn là Đức Thánh Linh chính thức chấp thuận mỗi giáo lễ: phép báp têm, lễ xác nhận, lễ sắc phong, lễ hôn phối. Lời hứa là các phước lành sẽ được tiếp nhận qua sự trung tín. Nếu một người vi phạm một giao ước, dù đó là phép báp têm, lễ sắc phong, lễ hôn phối hoặc bất cứ điều gì khác, thì Thánh Linh sẽ thu hồi con dấu chấp thuận đó, và các phước lành sẽ không được nhận. Mỗi giáo lễ đều được đóng ấn với một lời hứa về một phần thưởng dựa trên sự trung tín. Đức Thánh Linh thu hồi con dấu chấp thuận nơi nào các giao ước bị vi phạm” (Joseph Fielding Smith, Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn [năm 1954], 1:45).

  4. Russell M. Nelson, Heart of the Matter: What 100 Years of Living Have Taught Me (năm 2023) trang 15. Tất cả các giao ước phải được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn, để các giao ước đó có hiệu lực sau khi thời gian phục sinh của người chết” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7).

  5. Russell M. Nelson, “Hôn Nhân Thượng Thiên,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 94.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 132:19.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:38.

  8. Giáo Lý và Giao Ước 131:1–4.

  9. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:19–20. “Điểm đến cao nhất đó—sự tôn cao trong thượng thiên giới—là trọng tâm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (Dallin H. Oaks, “Các Vương Quốc Vinh Quang,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 26).

  10. “Cũng giống như hôn nhân và gia đình chia sẻ một mối ràng buộc bình đẳng độc đáo mà tạo ra một tình yêu thương đặc biệt, thì mối quan hệ mới cũng được hình thành khi chúng ta tự ràng buộc mình bằng giao ước trực tiếp với Thượng Đế khi chúng ta lập giao ước mới và vĩnh viễn về hôn nhân” (Russell M. Nelson, Heart of the Matter, trang 41–42).

  11. Giáo Lý và Giao Ước 42:22; xin xem thêm Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 38.6.16. Trong khi thảo luận về hôn nhân ở đây, tôi đề cập đến hôn nhân theo luật pháp của Thượng Đế, trong đó định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp một cách hợp pháp và hợp thức giữa một người nam và một người nữ (xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Thư Viện Phúc Âm).

  12. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Thư Viện Phúc Âm.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:22–24.

  14. Dallin H. Oaks, “Các Vương Quốc Vinh Quang,” trang 29; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  15. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 86:8–11; 113:8; Áp Ra Ham 2:9–11.

  16. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 38.4.1.

    Trong khi tôi phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Thụy Sĩ, người bạn đồng hành của tôi và tôi đã chia sẻ phúc âm với một cặp vợ chồng tuyệt vời 60 tuổi người Thụy Sĩ. Khi chúng tôi giảng dạy cho cặp vợ chồng này về Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, người phụ nữ đó đã rất quan tâm đến điều chúng tôi đang giảng dạy. Trong vài tuần kế tiếp, chị đã đạt được một chứng ngôn về sự xác thực rằng Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi, với thẩm quyền đúng đắn từ Thượng Đế, và rằng Chúa Giê Su Ky Tô hướng dẫn Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế. Chúng tôi đã trông đợi được giảng dạy cặp vợ chồng này về một trong những giáo lý cao quý nhất của Sự Phục Hồi, cơ hội để có được hôn nhân vĩnh cửu. Tuy nhiên, ngạc nhiên thay, khi chúng tôi giảng dạy cho cặp vợ chồng này giáo lý về hôn nhân vĩnh cửu, người phụ nữ Thụy Sĩ nhận xét rằng chị ấy không quan tâm đến việc được ở bên chồng mình suốt thời vĩnh cửu. Đối với chị, thiên thượng không gồm có việc sống với người chồng mà chị đã kết hôn trong 36 năm. Chị phụ nữ này đã chịu phép báp têm, nhưng chồng của chị thì không. Họ không bao giờ được làm lễ gắn bó trong đền thờ.

    Tuy nhiên, đối với nhiều người, thiên thượng sẽ không phải là thiên thượng nếu không ở với người mà họ đã kết hôn. Việc được ở bên nhau mãi mãi với người phối ngẫu mà anh chị em yêu thương, thật sự nghe giống như thiên thượng. Như Anh Cả Jeffrey Holland đã chia sẻ về người vợ yêu quý của ông là Pat, rằng thiên thượng sẽ không phải là thiên thượng nếu không có bà ấy (xin xem “Scott Taylor: For Elder Holland, Heaven without His Wife and Children ‘Wouldn’t Be Heaven for Me,’” Church News, ngày 22 tháng Bảy năm 2023, thechurchnews.com).

  17. Xin xem Dallin H. Oaks, “Các Vương Quốc Vinh Quang,” trang 26.

  18. Russell M. Nelson, “Hôn Nhân Vĩnh Cửu,” trang 94.

  19. Xin xem Giăng 15:16.