2007
Hãy Đến Đền Thờ
Tháng Mười năm 2007


Hãy Đến Đền Thờ

Hình Ảnh

Gần lúc bắt đầu thế kỷ thứ hai mươi, có hai người truyền giáo nọ đang lao nhọc trong vùng núi của miền nam Hoa Kỳ. Một ngày nọ, trong khi đang đi dọc theo một đỉnh đồi thì họ thấy có những người đang quy tụ trong một khoảng rừng trống gần một ngôi nhà gỗ nhỏ không xa lắm dưới sườn đồi.

Họ nhận ra rằng đó là một tang lễ. Một đứa bé trai bị chết đuối. Cha mẹ nó đã cho mời vị mục sư đến để thuyết giảng tại lễ an táng của đứa bé. Các anh cả đứng ở vị trí kín đáo để theo dõi diễn tiến này. Đứa bé sẽ được chôn cất trong mộ phần đã được đào xong gần ngôi nhà gỗ nhỏ. Vị mục sư đứng trước mặt hai người cha mẹ đang đau buồn và những người khác đang quy tụ lại và vị mục sư bắt đầu lời thuyết giảng cho tang lễ. Nếu hai người cha mẹ này trông mong nhận được sự an ủi từ vị mục sư này thì họ sẽ thất vọng.

Vị mục sư ấy quở trách hai người này một cách nghiêm khắc vì đã không làm phép báp têm cho đứa bé trai đó. Họ đã trì hoãn việc đó vì điều này hay điều nọ và giờ đây thì đã trễ quá rồi. Vị ấy nói thẳng thừng với họ rằng đứa con trai nhỏ của họ đã bị xuống địa ngục rồi. Vị ấy nói với họ rằng đó là lỗi của họ, họ đáng bị khiển trách—họ đã tạo ra cực hình bất tận cho con trai của họ.

Sau khi lời thuyết giảng kết thúc và mộ huyệt đã được lắp đất, thì bạn bè, xóm giềng và bà con thân quyến ra về. Hai anh cả tiến đến gần hai người cha mẹ đó. Họ nói với người mẹ đang thổn thức khóc: “Chúng tôi là các tôi tớ của Chúa và chúng tôi đến với một sứ điệp cho ông bà.”

Trong khi hai người cha mẹ mòn mỏi vì buồn phiền lắng nghe, thì hai anh cả trẻ tuổi cho họ thấy thoáng qua một ý niệm về thời vĩnh cửu. Họ đọc từ những điều mặc khải và họ chia sẻ với hai người cha mẹ khiêm nhường, đang đau buồn này chứng ngôn của họ về sự phục hồi của các chìa khóa cho sự cứu chuộc người sống lẫn người chết.

Tôi không trách móc vị mục sư, người thuyết giảng lưu động đó. Thật vậy, tôi còn thấy tội nghiệp cho người ấy, vì người ấy đã làm theo sự hiểu biết tốt nhất của mình về cách thức phải làm với ánh sáng và sự hiểu biết như khi người ấy nhận được. Nhưng còn có nhiều điều hơn nữa mà ông cần phải mang đến. Đó là sự trọn vẹn của phúc âm.

Con đường mà những người truyền giáo nêu ra cho những người khiêm nhường đó thấy thì còn hơn hẳn sự cải đạo, sự hối cải và phép báp têm; bởi vì, đối với những người chịu tuân theo thì đúng theo kỳ định con đường đó sẽ dẫn đến những căn phòng thiêng liêng của ngôi đền thờ thánh. Có các tín hữu của Giáo Hội đã tự làm cho mình hội đủ tư cách để có thể tham dự vào các giáo lễ cứu chuộc tôn cao và thiêng liêng nhất mà đã được mặc khải cho loài người. Nơi đó, chúng ta có thể được thanh tẩy và xức dầu cùng được chỉ dẫn, được làm lễ thiên ân và làm lễ gắn bó. Và khi chúng ta đã nhận được các phước lành này cho bản thân mình thì chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ cho những người đã chết mà không có được cùng một cơ hội đó.

Hy vọng của tôi là đào sâu sự hiểu biết của các anh chị em về lý do tại sao chúng ta xây cất đền thờ và tại sao các giáo lễ và các nghi lễ được thực hiện ở đó.

Đặc Ân của Việc Tham Dự Đền Thờ

Việc vào được đền thờ thánh là một đặc ân. Nếu các anh chị em hội đủ tiêu chuẩn mà đã được đề ra thì chắc chắn là các anh chị em cần phải đến để nhận các phước lành của mình; và sau đó các anh chị em cần phải trở lại nhiều lần nữa để làm các phước lành đó có sẵn cho những người đã chết mà không có cơ hội để nhận được trong cuộc sống trần thế.

Các anh chị em không nên đến đền thờ cho đến khi các anh chị em hội đủ tư cách, cho đến khi các anh chị em đáp ứng những điều kiện mà Chúa đã đề ra. Nhưng các anh chị em cần phải đến, nếu không ngay bây giờ, thì càng sớm càng tốt khi các anh chị em có thể hội đủ tư cách.

Giáo lý mà làm nền tảng cho công việc trong đền thờ thánh, hơn bất cứ điều gì khác, nâng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô lên cao và quan trọng hơn mọi tổ chức tôn giáo khác trên thế gian. Chúng ta có một điều gì đó mà không một giáo phái nào khác có. Chúng ta có thể mang đến một điều gì đó mà họ không thể mang đến được.

Nỗi thống khổ trong lòng của hai người cha mẹ đang buồn phiền chỉ có thể nguôi ngoai trong các giáo lý của Giáo Hội này. Các giáo lý này dựa vào các giáo lễ của đền thờ thánh.

Trật Tự trong Mọi Điều

Để giải thích ít nhất về ý nghĩa của các giáo lễ, tôi bắt đầu với tín điều thứ ba: “Chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”

Từ giáo lễ có nghĩa là “một thủ tục của tôn giáo hay nghi thức,” “một nghi lễ đã được thiết lập.”1 Vậy, các giáo lễ phúc âm thì sao? Các giáo lễ này quan trọng như thế nào đối với chúng ta là các tín hữu của Giáo Hội? Các anh chị em có thể được hạnh phúc, có thể được cứu chuộc, có thể được tôn cao mà không có giáo lễ này không? Câu trả lời: Các giáo lễ này có ý nghĩa nhiều hơn là thích hợp và đáng ao ước, hoặc còn hơn là quan trọng. Còn hơn cả thiết yếu hoặc cần thiết, các giáo lễ này có tính cách quyết định đối với mỗi người chúng ta.

Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau cần phải tự hỏi những câu hỏi như sau: Cuộc sống của tôi có ngăn nắp không? Tôi đã có tất cả các giáo lễ phúc âm mà tôi cần phải có vào thời điểm này của cuộc sống mình không? Các giáo lễ này có hiệu lực không?

Nếu các anh chị em có thể trả lời những câu hỏi này một cách khẳng định và nếu các giáo lễ đến với ảnh hưởng của quyền năng và thẩm quyền gắn bó thì các giáo lẽ sẽ trở nên hữu hiệu vĩnh viễn. Trong trường hợp đó, cuộc sống của các anh chị em, cho đến nay, đang ở trong trật tự thích đáng. Rồi các anh chị em nên nghĩ đến gia đình mình, những người sống lẫn những người chết, với cùng những câu hỏi đó trong tâm trí.

Các Giáo Lễ Đền Thờ

Các giáo lễ mà chúng ta thực hiện trong đền thờ gồm có lễ thanh tẩy, lễ xức dầu, lễ thiên ân và giáo lễ gắn bó—cả hai lễ gắn bó con cái với cha mẹ, và lễ gắn bó vợ chồng, đều được nói chung là lễ hôn phối đền thờ.

Đây là một phần tóm lược ngắn của tài liệu đã được in sẵn về các giáo lễ đền thờ.

Các giáo lễ thanh tẩy và xức dầu thường được đề cập đến trong đền thờ là các giáo lễ đầu tiên. Chỉ nói những điều sau đây cũng đủ cho mục đích của chúng ta: Song song với lễ thiên ân là lễ thanh tẩy và xức dầu—đa số có tính chất tượng trưng, nhưng hứa hẹn các phước lành rõ ràng, ngay trước mắt cũng như các phước lành trong tương lai. Chúa đã phán về các giáo lễ này: “Ta nói cho các ngươi hay, làm sao để những lễ thanh tẩy của các ngươi có thể được ta chấp nhận, trừ phi các ngươi thực hiện các lễ ấy trong ngôi nhà mà các ngươi đã xây cất lên cho danh ta?” (GLGƯ 124:37).

Về các giáo lễ này, trong đền thờ các anh chị em sẽ được chính thức mặc trang phục và các phước lành kỳ diệu được hứa kèm theo với bộ trang phục đó. Điều quan trọng là các anh chị em phải lắng nghe kỹ khi các giáo lễ này được thực hiện và các anh chị em phải cố gắng ghi nhớ các phước lành đã được hứa và những điều kiện mà theo đó những phước lành này sẽ được ứng nghiệm.

Làm lễ thiên ân là làm phong phú hơn, ban cho một người khác một điều gì đó lâu dài và có nhiều giá trị. Trong các giáo lễ thiên ân trong đền thờ, “những người nhận lễ sẽ được ban cho quyền năng từ trên cao,” và “họ nhận được một kiến thức về các mục đích và kế hoạch của Chúa.”2

Chủ Tịch Brigham Young (1801–77) đã nói về lễ thiên ân: “Tôi xin được đưa ra cho các anh chị em một định nghĩa ngắn gọn. Lễ thiên ân của các anh chị em là để nhận được tất cả các giáo lễ trong nhà của Chúa, mà rất cần thiết cho các anh chị em, sau khi các anh chị em từ giã cuộc sống này, để cho các anh chị em bước về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha, bước ngang qua các thiên thần đứng canh gác và có thể đưa cho họ những chữ then chốt, những dấu hiệu và những biểu hiệu, về thánh Chức Tư Tế, và đạt được sự tôn cao vĩnh cửu của mình bất chấp thế gian và địa ngục ngăn chặn.”3

Cần có phước lành của lễ thiên ân cho sự tôn cao trọn vẹn. Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau cần phải tìm cách để được xứng đáng với phước lành này và phải nhận được phước lành này.

Giáo lễ gắn bó là giáo lễ mà ràng buộc gia đình vĩnh viễn. Lễ hôn phối đền thờ là một giáo lễ gắn bó. Con cái được sinh ra từ những cặp vợ chồng đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ đều sinh ra trong giao ước. Khi một cặp vợ chồng kết hôn trong một nghi lễ dân sự và rồi được làm lễ gắn bó trong đền thờ một năm hoặc nhiều năm sau đó, thì con cái mà không được sinh ra trong giao ước bởi cặp vợ chồng đó sẽ được làm lễ gắn bó trong một giáo lễ ngắn và thiêng liêng.

Tôi luôn luôn cảm kích trước các giáo lễ của đền thờ mà được thực hiện một cách nghiêm trang và thận trọng. Các giáo lễ này không phức tạp hoặc vô lý mà lại tiêu biểu cho sự đơn giản của các nguyên tắc phúc âm.

Trong Giáo Hội, chúng ta nắm giữ đủ thẩm quyền để thực hiện tất cả các giáo lễ cần thiết để cứu chuộc và để tôn cao toàn thể gia đình nhân loại. Và vì chúng ta có những chìa khóa cho quyền năng gắn bó, nên điều mà chúng ta ràng buộc theo đúng cách thức nơi đây thì sẽ được ràng buộc trên thiên thượng—tiêu biểu cho ân tứ lớn nhất từ Thượng Đế của chúng ta. Với thẩm quyền đó, chúng ta có thể làm phép báp têm và ban phước, chúng ta có thể làm lễ thiên ân và lễ gắn bó, và Chúa sẽ tôn trọng các giao ước của chúng ta.

Các Giáo Lễ Phải Được Cung Ứng cho Người Chết

Người thuyết giảng lưu động được nói đến trước đây đã không có câu trả lời cho câu hỏi về điều gì xảy ra cho những người chết mà không được làm phép báp têm. Đối với họ thì sao? Nếu không có danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu (và đúng như thế), và họ đã sống và chết mà chẳng hề nghe đến danh hiệu đó, và nếu phép báp têm là thiết yếu (và thật thế phép báp têm rất thiết yếu), và họ chết mà chẳng hề nhận được lời mời để chấp nhận phép báp têm thì bây giờ họ ở đâu?

Câu hỏi đó rất khó hiểu nhưng nó mô tả đa số gia đình nhân loại. Nói cách khác, hãy hỏi rằng quyền năng nào sẽ thiết lập một Chúa và một phép báp têm và rồi để cho điều đó xảy ra cho đa số gia đình nhân loại đó không bao giờ đến trong vòng ảnh hưởng của giáo lý của quyền năng đó? Với câu hỏi không được trả lời đó, phần đông gia đình nhân loại phải tự nhận là bị hoang mang, kể cả đứa bé trai đã bị chết đuối— và ngược lại với bất cứ sự áp dụng hợp lý nào của luật công lý hoặc của lòng thương xót.

Nếu một giáo hội không có câu trả lời cho tình trạng lưỡng nan này thì làm thế nào giáo hội ấy có thể tự cho rằng mình là Giáo Hội của Chúa? Chắc chắn là Ngài sẽ không muốn bỏ quên đa số gia đình nhân loại vì họ chưa được báp têm trong khi sống trên thế gian.

Những người mà thừa nhận đang ở trong sự hoang mang thất vọng vì họ không có câu trả lời cho câu hỏi này thì không thể tự nhận một cách hợp lý là có được thẩm quyền để thực hiện những công việc của Chúa trên thế gian hoặc trông nom công việc mà qua đó tất cả nhân loại phải được cứu.

Một trong các đặc tính mà làm cho chúng ta khác biệt với thế gian và nhận ra chúng ta là Giáo Hội của Chúa là vì chúng ta cung ứng phép báp têm và các giáo lễ khác cho tổ tiên đã qua đời của mình.

Bất cứ lúc nào tôi nói đến câu hỏi về những người đã chết mà không được báp têm, thì tôi nói với sự tôn kính sâu xa, vì nó liên quan đến một công việc thiêng liêng. Thế gian không biết gì nhiều về công việc kỳ diệu này trong tiềm năng của nó, siêu việt hơn điều con người có lẽ đã nghĩ đến, điều thiêng liêng, đầy soi dẫn và chân chính. Đó là câu trả lời.

Với thẩm quyền thích đáng, một người trần thế có thể chịu phép báp têm thay cho một người nào đó đã không có cơ hội ấy trước khi chết. Rồi người đó sẽ chấp nhận hoặc từ chối phép báp têm trong thế giới linh hồn, tùy theo ước muốn của mình.

Công việc này đến với tính cách là một sự tái xác nhận quan trọng về một điều rất sơ đẳng—là có cuộc sống sau cái chết. Cái chết trần thế thật sự không phải là sự cuối cùng, giống như sự sinh ra không phải là sự bắt đầu. Công việc cứu chuộc quan trọng tiếp tục sau khi chết cũng như nơi đây trên trần thế.

Chúng ta đã được phép thực hiện phép báp têm và các giáo lễ đền thờ khác thay cho người chết để khi họ nghe phúc âm thuyết giảng và mong muốn chấp nhận phúc âm đó, thì các giáo lễ thiết yếu sẽ được thực hiện.

Hãy Đến Đền Thờ

Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm cho công việc này. Có lẽ không có một giáo lý nào mà làm Giáo Hội này khác biệt với các tôn giáo khác như giáo lý này. Chúng ta có những sự mặc khải. Chúng ta có các giáo lễ thiêng liêng đó.

Tôi nói cùng tất cả các anh chị em: “Hãy đến đền thờ.” Có lẽ là các anh chị em trông chờ đặc ân độc nhất trong đời để đi đến đó nhằm nhận được lễ thiên ân cho mình, nhận được các phước lành của mình, và lập các giao ước của mình với Chúa. Có lẽ là các anh chị em đã đến đó một hoặc hai lần rồi. Có lẽ là các anh chị em thường đi đền thờ. Không chừng các anh chị em còn là một người thực hiện các giáo lễ trong đền thờ. Bất luận hoàn cảnh như thế nào đi nữa thì hãy đến đền thờ.

Nếu cần, hãy hối cải và trở nên xứng đáng để vào đền thờ, hãy cầu nguyện thường xuyên. Hãy bắt đầu từ bây giờ cuộc hành trình hối cải rất khó khăn và đôi khi rất chán nản đó. Hãy quyết tâm rằng các anh chị em sẽ làm mọi điều mà mình có thể làm để giúp đỡ công việc đền thờ và công việc lịch sử gia đình mà hỗ trợ và phụ giúp mỗi người hiện sống và mỗi linh hồn bên kia bức màn theo mọi cách thức mà mình có thể làm với mọi phương tiện có sẵn của mình.

Hãy đến đền thờ!

Phỏng theo The Holy Temple (1980).

Ghi chú

  1. Oxford English Dictionary (1971), “ordinance,” năm 2006.

  2. Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì (1966), 227.

  3. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe tuyển chọn (1941), 416.