2007
Xoay Lòng Trở Lại trong Xứ Có Nhiều Điện Thờ
Tháng Mười năm 2007


Xoay Lòng Trở Lại trong Xứ Có Nhiều Điện Thờ

Khi các tín hữu hay những người truyền giáo nói về phép báp têm của họ với Li, Chiun-tsan trong việc chuẩn bị cho phép báp têm của chính anh vào năm 1971, thì họ đã mô tả một kinh nghiệm mạnh mẽ, đầy hăng hái. Vậy nên sự yếu kém lớn lao mà Anh Li cảm thấy sau khi ra khỏi hồ nước báp têm không phải là điều mà anh trông mong và chắc chắn là khác thường.

Khi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận ở Đài Bắc, Đài Loan vào lúc 17 tuổi, Anh Li đã chấp nhận Ky Tô Giáo vài năm trước đó, nhưng anh không thấy được sự bình an mà anh đang tìm kiếm cho đến khi Sách Mặc Môn cảm động lòng anh.

Anh nói: “Tôi cảm nhận Thánh Linh rất mạnh mẽ. Đức Thánh Linh cho tôi biết đây là Giáo Hội chân chính.”

Vậy nên anh không thể hiểu tại sao anh cảm thấy yếu kém bây giờ dù anh đã là tín hữu, và anh cầu nguyện để biết được lý do tại sao đột nhiên anh mất hết sức lực. Câu trả lời bất ngờ đã làm đổi hướng cuộc sống của anh.

Anh nhớ đã nghe Thánh Linh mách bảo: “Tôi sẽ tìm ra sức mạnh khi tôi tìm ra các tổ tiên của mình để làm công việc đền thờ cho họ.”

Cách đây hơn 35 năm, Anh Li, một tín hữu của Tiểu Giáo Khu Hu Wei, Giáo Khu Chung Hsing Taiwan (Đài Loan), đã tự cống hiến đời mình cho lịch sử gia đình và công việc đền thờ. Anh và vợ anh, Li-hsueh, đã truy nguyên gia đình của mình trở về trước gần 5.000 năm đến đời Hán Đế, được tin là tổ tiên của tất cả dân tộc Hán. Họ đã nộp hơn 100.000 tên cho đền thờ.

Anh Li nói: “Công việc lịch sử gia đình đôi khi có thể dường như quá dồn dập. Nhưng ước muốn để ban phước cho tổ tiên của một người thì được tưởng thưởng dồi dào.”

Những kinh nghiệm của Các Thánh Hữu Ngày Sau ở Đài Loan làm chứng cho các phước lành của việc tham gia vào những trách nhiệm gắn liền với lịch sử gia đình với công việc đền thờ.

Một Xứ có Nhiều Điện Thờ

Đài Loan là một xứ có nhiều điện thờ khác nhau, một xứ mà việc thờ kính tổ tiên là một phần lịch sử lâu đời và phong phú. Nhiều gia đình lưu giữ hồ sơ mà truy nguyên dòng dõi ngược về nhiều thế hệ trước. Vô số điện thờ và miếu thờ truyền thống cung ứng chỗ cho những người tin rằng họ có thể tiếp xúc với tổ tiên của họ. Những tòa nhà xây cất tinh xảo khéo léo, đôi khi cũ hằng mấy thế kỷ có thể thấy được hầu hết ở mỗi góc đường Đài Bắc nhộn nhịp và dường như hiện ra từ giữa đám ruộng vườn sum sê bao phủ miền nông thôn yên tĩnh.

Anh Li nói: “Tín ngưỡng truyền thống của dân tộc chúng tôi nhấn mạnh vào tổ tiên. Xoay lòng chúng tôi trở về cùng tổ phụ của chúng tôi là một phần văn hóa của chúng tôi.”

Mặc dù đa số người ta sử dụng các điện thờ truyền thống để tìm kiếm các phước lành từ tổ tiên của họ, thì có một đền thờ khác biệt ở Đài Loan mà trong đó người ta mang các phước lành đến cho tổ tiên của họ qua các giáo lễ của phúc âm phục hồi.

Kể từ khi được làm lễ cung hiến vào năm 1984, Đền Thờ Taipei Taiwan (Đài Bắc Đài Loan) đã cung ứng cho các tín hữu Giáo Hội cơ hội để nhận được các phước lành cho bản thân họ, và bằng cách cung ứng cơ hội để ban phước cho dòng họ đã qua đời của họ, đền thờ này cũng đã mang ý nghĩa vĩnh cửu đến cho hồ sơ lịch sử gia đình của họ.

Một Mối Quan Hệ Đặc Biệt

Giống như gia đình họ Li, gia đình họ Wu cũng truy nguyên dòng dõi của họ ngược đến vị hoàng đế. Trong khi làm như vậy, họ khám phá ra rằng con cháu họ Wu là một thành phần của đời thứ 150 kể từ đời vị hoàng đế. Câu chuyện thu hút sự chú ý của giới truyền thông và vào năm 2005, Wilford Wu, lúc bấy giờ 19 tuổi, được chọn làm người đại diện cho giới trẻ ở Đài Loan trong một buổi lễ thường niên tại lăng mộ truyền thống của Hán Đế.

Đối với gia đình họ Wu, các tín hữu của Tiểu Giáo Khu Ching Hsin, Giáo Khu Taipei Taiwan West, thì lịch sử gia đình là một nỗ lực của gia đình. Anh Wu, Chi-Li và vợ của anh, Shirley, làm nhiều cuộc sưu tầm, và Wilford và em của mình, Camilla, đã giúp sắp xếp và tham gia vào các giáo lễ đền thờ cho hơn 3.000 tổ tiên của họ.

Cùng làm việc chung đã giúp mang gia đình họ Wu đến gần nhau hơn. Họ nói rằng điều này cũng đã giúp họ cảm thấy một mối quan hệ đặc biệt với tổ tiên của mình.

Chị Wu nói: “Làm công việc thay cho cha mẹ tôi đã mang đến một niềm hạnh phúc từ thiên thượng mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Tôi có một ước muốn lớn lao là được đoàn tụ vĩnh viễn với tổ tiên của tôi. Tôi cầu nguyện rằng họ sẽ sẵn sàng.”

Nhiều Sự Giúp Đỡ

Việc liên kết 150 thế hệ không phải là điều dễ dàng. Giống như những người khác đã tham gia vào việc sưu tầm tổ tiên của mình, gia đình họ Wu công nhận rằng họ đã có được sự giúp đỡ.

Sau khi truy nguyên ngược lại 26 thế hệ thì họ bị chặn đứng lại.

Chị Wu nói: “Chúng tôi không có chi tiết nào khác ngoại trừ một biệt danh”

Vào ngày cuối của Tết Nguyên Đán, Chị Wu đã dự định tham dự một tiệc liên hoan sau khi phục vụ trong đền thờ. Nhưng khi một người bạn cùng làm chung ca nói rằng người ấy sẽ ghé qua trung tâm lịch sử gia đình tọa lạc trong khuôn viên đền thờ thì Chị Wu cảm thấy có ấn tượng phải đi với người ấy.

Chị tìm đến một quyển sách chứa đựng thông tin về những người có họ của tổ tiên mà gia đình không thể tìm ra. Khi chị mở quyển sách ấy ra, thì nó mở ngay ở một trang liệt kê chi tiết về vị tổ tiên đặc biệt này. Với thông tin đó, họ đã có thể liên kết với những dòng dõi khác mà đi ngược lại nhiều thế hệ.

Chị Wu nói: “Thật là một kinh nghiệm rất đặc biệt đối với tôi. Tôi có thể cảm thấy rằng các tổ tiên của chúng tôi rất nóng lòng để có được các giáo lễ của họ được thực hiện cho họ.”

Một Phước Lành cho Con Cháu

Ước muốn tham dự vào các phước lành của đền thờ đã đưa dẫn Chiang, Jung-feng và vợ của anh, Chun-mei, thuộc Chi Nhánh Chi An, Giáo Hạt Hua Lien Taiwan (Đài Loan), kinh nghiệm một khía cạnh khác của lời hứa của Ma La Chi (xin xem Ma La Chi 4:6). Cùng với việc xoay lòng của họ trở lại cùng cha họ, với tư cách là cha mẹ, lòng họ cũng đã trở lại cùng con cái họ.

Anh Chị Chiang thuộc vào số tín hữu Giáo Hội đang gia tăng ở Đài Loan và là những người đứng đầu gia đình với ba thế hệ đều đã được cùng nhau làm lễ gắn bó.

Anh Chiang, là người mới vừa được giải nhiệm với tư cách là đệ nhất cố vấn trong chủ tịch đoàn Đền Thờ Taiwan Taipei, nói: “Thật là một điều thú vị để nhìn thấy các cháu của chúng tôi đến nhà thờ. Bổn phận lớn lao của chúng tôi là giúp chúng đến với Đấng Ky Tô qua các giáo lễ của phúc âm. Chúng tôi không thể làm đứt đoạn mối liên kết dòng họ được.”

Gia đình Li tin rằng những tác động của các giáo lễ đền thờ bắt đầu với một cặp vợ chồng.

Anh Li nói: “Hôn nhân của chúng tôi trở nên hạnh phúc hơn sau khi chúng tôi được làm lễ gắn bó trong đền thờ mặc dù chúng tôi đã sống theo các tiêu chuẩn của Giáo Hội trước đó. Việc được làm lễ gắn bó thay đổi mối quan hệ của chúng ta. Khi cuộc sống của chúng ta chấm dứt, chúng ta sẽ mất tất cả mọi thứ mà chúng ta đã cố gắng để có được trong cuộc đời—xe cộ, công việc làm, nhà cửa, tiền bạc. Nhưng chúng ta không mất gia đình mình.”

Chị Li nói: “Điều đó giúp chúng ta nhận thức rằng điều nào là vĩnh cửu và điều nào là không. Vậy nên chúng ta đặt hết nỗ lực và tập trung vào gia đình.”

Những tác động lan rộng ra từ điều đó.

Anh Li nói: “Khi ta biết mình là một gia đình vĩnh cửu, thì ta sẽ yêu thương người phối ngẫu của mình hơn và ta yêu thương con cái mình hơn. Do đó mái gia đình của chúng ta sẽ ấm cúng hơn. Gia đình được thoải mái hơn. Thánh Linh hiện diện trong gia đình.”

Phước Lành Cao Quý Nhất

Các gia đình Đài Loan này nói rằng lịch sử gia đình và công việc đền thờ đã ban phước cho gia đình của họ trong cuộc sống này, và họ đã tìm ra nguồn an ủi trong các phước lành đã được hứa trong thời vĩnh cửu.

Anh Chiang, là người đã cùng với vợ mình làm công việc thay cho 16 thế hệ của dòng dõi gia đình anh, nói: “Khi làm công việc đền thờ, thì chúng tôi đã trải qua một sự thay đổi dần dần trong cuộc sống của mình. Chúng tôi đã kinh nghiệm một sự đổi mới trong phúc âm.”

Anh Chiang cũng tin rằng ảnh hưởng của Sa Tan được giảm bớt trong cuộc sống của những người tham gia vào công việc đền thờ. Anh Chiang nói: “Việc tham dự đền thờ mang đến sự tôn kính cho lòng chúng ta. Chúng ta quên đi những sự việc thế gian.”

Anh Wu đồng ý : “Nếu chúng ta có thể biết được cách mang nếp sống thuộc linh và hạnh phúc mà chúng ta tìm được ở đó trở về nhà với mình thì nó sẽ giúp gia đình mình khắc phục sức hút của những sự việc thế gian và trở nên gần với Thượng Đế hơn.”

Những gia đình này tin rằng việc tiếp nhận các giáo lễ đền thờ và cung ứng các giáo lễ này cho những người đã không nhận được trong cuộc sống này là thiết yếu để đạt đến các mục tiêu vĩnh cửu của họ.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy: “Các giáo lễ đền thờ trở thành các phước lành cao quý nhất mà Giáo Hội cung ứng.”1

Anh Chiang nói: “Mục tiêu tối thượng của vai trò tín hữu của chúng ta là trở về với Cha Thiên Thượng với tính cách là những gia đình vĩnh cửu. Để được như thế, chúng ta cần phải nhận được tất cả các giáo lễ thiết yếu được tìm thấy trong đền thờ.”

Một Sự Biểu Lộ Tình Yêu Thương

Trong khi đi truyền giáo, Camilla Wu biết được rằng mỗi người là quan trọng biết bao đối với Thượng Đế. Camilla cảm thấy tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đã trút xuống dồi dào cho mỗi người trong số những người mà chị đã có thể giảng dạy.

Chị nói: “Khi tôi về nhà và tham gia vào lịch sử gia đình của chúng tôi thì tôi nhận biết rằng có lẽ tôi có thể có được một ảnh hưởng lớn về sự cứu rỗi con người bằng cách làm việc về lịch sử gia đình và công việc đền thờ.”

Gia đình họ Wu cảm thấy rằng đền thờ là một trong những sự biểu lộ rõ ràng nhất về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng đối với con cái của Ngài nhờ vào tất cả những gì mà đền thờ đã mang đến.

Anh của Chị Camilla, là Wilford, nói: “Ý nghĩa mà tôi tìm thấy được trong đền thờ là tình yêu thương của Thượng Đế dành cho các con cái của Ngài.”

Ghi chú

  1. “New Temples to Provide ‘Crowning Blessings’ of the Gospel,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 87.