2008
Phá Thai: Sự Tấn Công Người Không Có Khả Năng Tự Vệ
Tháng Mười năm 2008


Phá Thai: Sự Tấn Công Người Không Có Khả Năng Tự Vệ

Hình Ảnh
Elder Russell M. Nelson

Trong khi bắt đầu, tôi xin lỗi các độc giả về sự sử dụng những từ ngữ không được đằm thắm lắm. Tính chất của cuộc chiến mà tôi đang nói đến thì đòi hỏi một sự truyền đạt rõ ràng.

Là các con trai và các con gái của Thượng Đế, chúng ta trân quý mạng sống là một ân tứ từ Ngài. Kế hoạch vĩnh cửu của Ngài cung ứng những cơ hội cho các con cái của Ngài để nhận được thể xác, để đạt được những kinh nghiệm trần thế, và để nhận biết số mệnh thiêng liêng của họ với tư cách là người thừa tự cuộc sống vĩnh cửu.1

Con Số Tử Vong từ Các Cuộc Chiến

Với sự hiểu biết và tôn trọng cuộc sống, chúng ta thấy xót xa trước sự thiệt mạng liên quan với chiến tranh. Những con số thì thật kinh hoàng. Trong Đệ Nhất Thế Chiến, có hơn 8 triệu người lính chết. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, có hơn 22 triệu quân nhân và phụ nữ chết.2 Tổng cộng trong cả hai cuộc chiến này, kéo dài 14 năm, làm thiệt mạng ít nhất 30 triệu người lính trên toàn cầu. Con số đó không bao gồm hằng triệu sinh mạng của những người thường dân.

Tuy nhiên, các con số này lại rất nhỏ so với sự thiệt hại của một trận chiến khác mà gây ra số tử vong hằng năm nhiều hơn cả Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến hợp lại. Những bài báo cáo toàn cầu cho thấy rằng hằng năm có hơn 40 triệu vụ phá thai.3

Trận chiến này được gọi là sự phá thai là một trận chiến với những người không có khả năng tự vệ và không nói được. Đó là trận chiến với những người chưa ra đời. Trận chiến đã tiến hành trên khắp toàn cầu. Mỉa mai thay, các xã hội văn minh mà thông thường bảo vệ mạng sống con người thì giờ đây đã thông qua các luật pháp để cho phép sự thực hành này.

Giáo Lý Thiêng Liêng

Vấn đề này là trọng đại đối với chúng ta vì Chúa đã nhiều lần đưa ra lệnh truyền thiêng liêng này: “Các ngươi chớ giết người.”4 Rồi Ngài phán thêm: “Hay làm bất cứ điều gì tương tự điều này.”5 Ngay cả trước khi phúc âm trọn vẹn được phục hồi, thì các cá nhân được soi dẫn đã hiểu về sự thiêng liêng của mạng sống con người. John Calvin, một nhà cải cách vào thế kỷ mười sáu, đã viết: “Nếu việc giết một người trong nhà mình thì dường như kinh khiếp hơn ở ngoài đồng, … thì chắc chắn là việc hủy diệt một bào thai trong bụng mẹ trước khi nó ra đời dường như tàn ác hơn.”6

Các luật lệ của con người giờ đây đã hợp pháp hóa điều đã bị Thượng Đế nghiêm cấm từ lúc khởi thủy! Lập luận của con người đã bóp méo và biến đổi lẽ thật tuyệt đối thành những khẩu hiệu ngắn gọn và hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy một sự thực hành hoàn toàn sai lầm.

Những Mối Quan Tâm Đặc Biệt

Mối quan tâm về sức khỏe của người mẹ là một mối quan tâm quan trọng. Những hoàn cảnh mà trong đó sự kết thúc thời kỳ thai nghén là cần thiết để cứu mạng sống của người mẹ thì rất hiếm, nhất là khi có sẵn sự chăm sóc của y học hiện đại. Một mối quan tâm khác áp dụng cho trường hợp thai nghén do việc bị cưỡng hiếp hoặc sự loạn luân gây ra. Thảm cảnh này càng tồi tệ hơn khi sự tự do lựa chọn của một phụ nữ vô tội bị từ chối. Trong những hoàn cảnh này, đôi khi sự phá thai được xem là thích hợp để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Sự phá thai vì những lý do này cũng rất hiếm.

Một số người đưa ra lý lẽ ủng hộ sự phá thai vì sợ rằng đứa trẻ có thể bị dị tật bẩm sinh. Chắc chắn là những hậu quả nguy hại của một vài chất lây nhiễm hay độc hại trong ba tháng đầu mang thai là có thật, nhưng cần phải thận trọng trong việc cân nhắc sự kết thúc thời kỳ thai nghén. Mạng sống có một giá trị rất lớn đối với tất cả mọi người, kể cả những người sinh ra bị tàn tật. Vả lại, kết quả không thể nào nghiêm trọng như người ta tưởng.

Tôi còn nhớ rõ một cặp vợ chồng đã chịu đựng một kinh nghiệm như vậy. Lúc ấy, người phụ nữ chỉ mới 21 tuổi—một người vợ xinh đẹp và tận tụy. Trong ba tháng đầu mang thai, chị ấy đã mắc phải bệnh sởi Đức. Sự phá thai đã được khuyên bảo vì đứa bé đang lớn lên trong bụng hầu như chắc chắn là sẽ bị nhiễm bệnh. Một số người trong gia đình của chị ấy, vì mối lo lắng đầy yêu thương, đã áp lực thêm để sự phá thai được thực hiện. Cặp vợ chồng trung tín đã hỏi ý kiến của vị giám trợ họ. Ông đã chỉ dẫn họ đến nói chuyện với chủ tịch giáo khu của họ, là người, sau khi lắng nghe lời tâm sự của họ, đã khuyên bảo họ đừng kết thúc mạng sống của đứa bé này, mặc dù đứa bé này có lẽ sẽ có vấn đề. Ông trích dẫn câu thánh thư này:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.

“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”7

Họ chọn tuân theo lời khuyên bảo đó và để cho đứa bé được ra đời—một đứa bé gái xinh đẹp nhỏ nhắn, bình thường trong mọi phương diện, ngoại trừ việc bị mất thính giác. Sau khi con gái của họ được đánh giá về sức khỏe tại trường học dành cho người điếc, hai cha mẹ được cho biết rằng đứa con này có trí tuệ của một thiên tài. Nó theo học một trường nổi tiếng mà nó có học bổng ở đó. Giờ đây, khoảng 40 năm sau, nó vui hưởng một cuộc sống tuyệt vời.

Việc hủy diệt một mạng sống vì một tật nguyền có thể mắc phải là một vấn đề rất hệ trọng. Chính sách mà dựa vào lập luận đó sẽ ra lệnh rằng những người nào đã sống với những khuyết tật như vậy thì có lẽ nên bị hủy diệt. Một bước nữa trong lối suy nghĩ thảm khốc đó sẽ đưa đến kết luận rằng những người nào hoặc là đau yếu hay bất tiện thì cũng cần phải bị loại bỏ. Sự thiếu tôn trọng đối với mạng sống như vậy thật là điều không thể hoàn toàn tưởng tượng nổi!

Trường Hợp Phá Thai theo Lời Yêu Cầu

Một cách tương đối, chỉ một vài trường hợp phá thai được thực hiện vì những hoàn cảnh đặc biệt mà tôi đã nói đến.8 Đa số những trường hợp phá thai đều được thực hiện theo lời yêu cầu là vì không muốn mang thai. Những trường hợp phá thai này chỉ là một hình thức ngừa thai.

Sự phá thai được cá nhân chọn thực hiện đã được hợp pháp hóa trong nhiều quốc gia với ý kiến rằng người phụ nữ được tự do chọn lựa điều mà người ấy làm với thân thể của mình. Tới một mức độ nào đó thì điều này đúng đối với mỗi người chúng ta, nam hay nữ. Chúng ta được tự do suy nghĩ. Chúng ta được tự do hoạch định. Và chúng ta được tự do làm. Nhưng một khi đã hành động, thì chúng ta sẽ không bao giờ được tự do chọn lựa những hậu quả của hành động đó.

Để hiểu rõ hơn quan điểm này, chúng ta có thể học hỏi từ nhà du hành vũ trụ. Bất cứ lúc nào trong lúc chọn lựa hoặc chuẩn bị, người ấy được tự do để rút lui khỏi chương trình. Nhưng một khi phi thuyền đã phóng lên thì nhà du hành vũ trụ này phải chịu những hậu quả của sự chọn lựa trước đó để thực hiện chuyến du hành.

Điều đó cũng giống như với những người chọn bắt đầu cuộc hành trình đưa đến việc làm cha mẹ. Họ được sự tự do chọn lựa—bắt đầu hoặc không bắt đầu tiến trình đó. Khi có sự thụ thai thì quyết định đó đã được chọn rồi.

Vâng, một phụ nữ được tự do chọn lựa điều mà người ấy sẽ làm với thân thể mình. Cho dù điều chọn lựa của người ấy đưa đến sứ mệnh của một nhà du hành vũ trụ hoặc sinh một đứa con, thì điều chọn lựa của người ấy để bắt đầu cuộc hành trình cũng ràng buộc người ấy với những hậu quả của điều chọn lựa đó. Người ấy không thể “thay đổi điều chọn lựa của mình được nữa.”

Khi những cuộc tranh luận về sự phá thai được đưa ra, thì “quyền chọn lựa của cá nhân” được viện dẫn thể như đó là một đức tính quan trọng nhất. Điều đó chỉ có thể đúng nếu chỉ có một người trong cuộc. Quyền của một người không được để cho quyền của một người khác bị lạm dụng. Trong hoặc ngoài vòng hôn nhân, sự phá thai không phải chỉ là một vấn đề cá nhân. Việc kết thúc mạng sống của một đứa bé đang lớn trong bụng mẹ liên quan đến hai người với hai thể xác, trí óc và tâm hồn riêng biệt. Một sự chọn lựa của người phụ nữ cho thân thể của mình không gồm có quyền cướp đi mạng sống của con người ấy—và một sự chọn lựa suốt đời mà con của người ấy sẽ có.

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta cần phải đứng lên bênh vực cho sự chọn lựa—sự chọn lựa đúng—chứ không phải sự chọn lựa quyền cố hữu trong mọi trường hợp.9

Hầu như mọi luật pháp về sự phá thai đều cứu xét thời kỳ mang thai. Trí óc loài người phỏng đoán để quyết định khi nào thì “mầm sống có ý nghĩa” bắt đầu. Trong thời gian học của tôi với tư cách là bác sĩ y khoa, tôi đã biết được rằng một mầm sống mới bắt đầu khi hai tế bào đặc biệt kết hợp thành một tế bào, cùng mang đến 23 nhiễm sắc thể từ người cha và 23 nhiễm sắc thể từ người mẹ. Các nhiễm sắc thể này chứa đựng hằng ngàn gien. Trong một tiến trình kỳ diệu gồm có sự phối hợp quy luật gien mà qua đó tất cả những đặc tính cơ bản về con người của đứa bé chưa sinh đã được thiết lập, thì một nhóm DNA (cấu tử cơ bản của tế bào di truyền) mới được tạo thành. Có sự tăng trưởng liên tục nơi con người mới. Khoảng chừng 22 ngày sau khi hai tế bào đã kết hợp, thì một trái tim nhỏ bắt đầu đập. Đến 26 ngày thì máu bắt đầu lưu thông.10 Việc làm ra luật pháp về lúc nào thì một mầm sống đang phát triển được xem là “có ý nghĩa”, theo tôi, thì có thể đúng và khá tùy tiện.

Sự phá thai đã được hợp pháp hóa bởi các thực thể nắm quyền mà không hề quan tâm đến Thượng Đế và các giáo lệnh của Ngài. Thánh thư đã nhiều lần dạy rằng con người sẽ chỉ thịnh vượng nếu họ tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.11 Các cá nhân chỉ sẽ thịnh vượng khi nào họ bước đi trong đức tin và sự vâng lời Thượng Đế, là Đấng đã phán:

“Ta là Chúa, … dựng lên trái đất, là những vật từ tay ta tạo ra; và tất cả những vật gì ở trên ấy cũng đều là của ta cả.

“Và mục đích của ta là lo liệu… .

“Nhưng việc đó cần phải được thực hiện theo cách thức riêng của ta… .

“Vì trái đất tràn đầy, và nó đầy đủ và còn dư nữa.”12

Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã kiên định chống lại hành động phá thai. Cách đây hơn một thế kỷ , Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã viết: “Chúng tôi một lần nữa lấy cơ hội này để cảnh giác Các Thánh Hữu về các hành động phá thai và giết trẻ sơ sinh.”13

Vào đầu nhiệm kỳ làm chủ tịch của ông, Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) đã nói: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định lập trường của Giáo Hội trong việc kiên định chống lại mọi sự phá thai, ngoại trừ trong hai trường hợp: Khi sự thụ thai là kết quả của sự bị cưỡng hiếp bằng vũ lực và khi lời khuyên của giới y khoa thông thạo cho thấy rằng sức khỏe của người mẹ sẽ bị nguy hại trầm trọng nếu không phá thai.”14 Chính sách hiện hành giờ đây gồm thêm hai ngoại lệ khác nữa—sự loạn luân và nếu đứa bé không thể sống sót sau khi sinh, theo quyết định của lời khuyên của giới y khoa thông thạo. Ngay cả những ngoại lệ này cũng không tự động biện minh cho sự phá thai. Nó “cần phải được cân nhắc chỉ sau khi những người có trách nhiệm đã hỏi ý kiến của vị giám trợ của họ và đã nhận được sự xác nhận thiêng liêng qua lời cầu nguyện.”15

Việc Cho Con Để Người Khác Nuôi

Tại sao hủy diệt một mạng sống mà mạng sống đó có thể mang đến niềm vui lớn lao cho những người khác? Có những cách thức tốt hơn để đối phó với việc không muốn mang thai. Khi một mầm sống đã được tạo ra bởi hành vi tội lỗi, thì cách tốt nhất để bắt đầu sự hối cải cá nhân là gìn giữ mạng sống của đứa bé đó. Việc thêm một tội nặng khác vào một tội nặng đã vi phạm thì càng làm tồi tệ thêm nỗi buồn phiền. Việc cho con để người khác nuôi là một điều chọn lựa tuyệt vời thay cho sự phá thai. Cả đứa bé lẫn hai cha mẹ nuôi cũng có thể được ban phước dồi dào qua việc nuôi đứa bé ấy trong gia đình nơi mà đứa bé sẽ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương và nơi mà sẽ có các phước lành của phúc âm.

Sự Hối Cải Có Thể Thực Hiện Được

Có hy vọng nào cho người đã tham dự vào hành động phá thai không? Có hy vọng nào cho những người đã phạm tội như vậy và giờ đây đang đau khổ không? Câu trả lời là có! “Theo điều mặc khải đã được ban cho thì một người có thể hối cải và được tha thứ cho tội phá thai.”16 Chúng ta biết Chúa sẽ giúp đỡ tất cả những ai thật lòng hối cải.17

Mạng sống rất quý ! Không một ai có thể ôm ấp một đứa bé sơ sinh vô tội, nhìn vào đôi mắt xinh đẹp đó, sờ vào những ngón tay nhỏ nhắn đó, và hôn lên má của đứa bé mà không có được một lòng kính trọng sâu xa đối với mạng sống và đối với Đấng Sáng Tạo. Sự sống sinh ra mầm sống. Đó không phải là sự tình cờ ngẫu nhiên. Đó là một ân tứ từ Thượng Đế. Mạng người vô tội không phải được Ngài gửi đến để bị hủy diệt. Nó được Ngài ban cho và tất nhiên chỉ do Ngài kết thúc mà thôi.18 Tôi làm chứng rằng cuộc sống là vĩnh cửu cũng như Ngài là Đấng vĩnh cửu.

GHI CHÚ

  1. Xin xem “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  2. Xin xem The New Encyclopedia Britannica, xuất bản lần thứ 15 (1998), “World Wars, The.”

  3. Xin xem Maria Cheng, “Abortion Just as Common in Nations Where It’s Illegal,” Salt Lake Tribune, ngày 12 tháng Mười năm 2007, trang A7. Ở Hoa Kỳ số trẻ em sinh ra mỗi năm là khoảng ba đến bốn triệu. Con số phá thai trong cùng một thời kỳ đó vượt quá một triệu. Như vậy, trong quốc gia đó, một trong số ba đến bốn trường hợp thai nghén kết thúc bằng sự phá thai.

  4. Xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:13; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:17; Ma Thi Ơ 5:21; Rô Ma 13:9; Mô Si A 13:21; 3 Nê Phi 12:21; GLGƯ 42:18–19.

  5. GLGƯ 59:6.

  6. John Calvin, Commentaries on the Four Last Books of Moses Arranged in the Form of a Harmony, Charles William Bingham phiên dịch, 22 tập (1979), 3:42.

  7. Châm Ngôn 3:5–6.

  8. Xin xem lời phát biểu của Tiến Sĩ Irvin M. Cushner, khi ngỏ lời cùng United States Senate Committee on the Judiciary, Constitutional Amendments Relating to Abortion, Biên Bản của Thượng Viện 17–19, 110, buổi họp Quốc Hội thứ 97, phiên họp thứ nhất, 1981, 158.

  9. Xin xem Dallin H. Oaks, “Weightier Matters,” Liahona, tháng Ba năm 2000, 17–19.

  10. Xin xem J. Willis Hurst and others, xuất bản, The Heart, xuất bản lần thứ 4 (1978), 7.

  11. Xin xem Lê Vi Ký 26:3–13; Giô Suê 1:7–8; 1 Các Vua 2:3; 2 Các Vua 18:5–7; 2 Sử Ký 24:20; 26:5; 31:21; Gióp 36:11–12; 1 Nê Phi 2:20–21; 4:14; 2 Nê Phi 1:9, 20, 31; 4:4; 5:10–11; Gia Rôm 1:9; Ôm Ni 1:6; Mô Si A 1:7; 2:22, 31; An Ma 9:13; 36:1, 30; 37:13; 38:1; 45:6–8; 48:15, 25; 50:20; Hê La Man 3:20; 3 Nê Phi 5:22; GLGƯ 9:13.

  12. GLGƯ 104:14–17.

  13. John Taylor và George Q. Cannon, “Epistle of the First Presidency,” ngày 4 tháng Tư năm 1885; trong James R. Clark, biên soạn, Messages of the First Presidency of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, 6 tập (1965–75), 3:11.

  14. Spencer W. Kimball, “A Report and a Challenge,” Ensign, tháng Mười Một năm 1976, 6; xin xem thêm “The Time to Labor Is Now,” Ensign, tháng Mười Một năm 1975, 6.

  15. Church Handbook of Instructions, Book 1: Stake Presidencies and Bishoprics (2006), 185.

  16. Church Handbook of Instructions, Book 1, 185.

  17. Xin xem Giê Rê Mi 31:34; Hê Bơ Rơ 8:12; 10:17; GLGƯ 58:42.

  18. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:20; Công Vụ Các Sứ Đồ 17:28; GLGƯ 88:13; Môi Se 6:32.