2008
Số Báo tháng Ba năm 2008: Một Bản Báo Cáo
Tháng Mười năm 2008


Số Báo tháng Ba năm 2008: Một Bản Báo Cáo

Hai năm hoạch định và sản xuất.

Có hơn 2 triệu 3 trăm ngàn quyển tạp chí được phân phối bằng 51 ngôn ngữ.

Hai lần tái bản cần thiết để đáp ứng nhu cầu.

Có hơn 340.000 khách vào trang mạng đặc biệt.

Mặc dù những con số này gây ấn tượng mạnh mẽ nhưng chúng cũng không thể giải thích hết tất cả những gì đã xảy ra. Ý nghĩa của số báo EnsignLiahona tháng Ba năm 2008, “Chúa Giê Su Ky Tô,” chỉ được hiểu rõ khi người ta thấy những cuộc sống đã được ảnh hưởng như thế nào.

Về Mặt Cá Nhân

Khi được mời chia sẻ những cảm nghĩ và kinh nghiệm của họ với số báo tháng Ba năm 2008, nhiều tín hữu đã viết để chỉ kể về việc cuộc sống của họ được ảnh hưởng như thế nào. Từ Philippine, Maria Felina Ferrer đã viết: “Lần đầu tiên trong 29 năm, tôi đã sống để nói và viết về Ngài, tôi cảm thấy sự xác thật chắc chắn của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình. Ngài không chỉ là một đề tài, một câu chuyện mà thôi. Ngài có thật… . Điều này đã tạo ra một sự thay đổi mạnh mẽ nơi tôi. Bất cứ nơi nào tôi đi và bất cứ điều gì tôi làm bây giờ, tôi đều nhận rõ rằng Chúa Giê Su Ky Tô, trong tất cả quyền năng của Ngài, nhìn thấy tôi và đang đứng cạnh tôi. Sự kiện đó khiến tôi muốn trở nên một người tốt hơn.”

Tom Kunz ở Magnolia, Texas, Hoa Kỳ, nói: “Tôi cảm thấy rất vui sau khi tôi đọc xong quyển tạp chí đó và tôi muốn được tốt hơn trong mọi phương diện cuộc sống của mình… . Tôi cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi đối với tôi và sự kỳ diệu của Sự Chuộc Tội trong một cách rất riêng tư.”

Chia Sẻ với Những Người Khác

Linda Buysse-Vergauwen, là giáo viên trường tiểu học ở Bỉ, đang làm một chuyến đi nghiên cứu học hỏi với người bạn đồng nghiệp và tặng cho người này một quyển tạp chí số tháng Ba cùng với một bức thư ngắn đặc biệt và lời mời đến nghe chị nói chuyện tại nhà thờ vào Chúa Nhật lễ Phục Sinh. Người bạn đã đến và có được một kinh nghiệm rất tốt đẹp. Chị Buysse-Vergauwen nói: “Số đặc biệt Liahona cho tôi cơ hội để gieo một hạt giống nhỏ vào lòng của một người bạn.”

Ở California, Hoa Kỳ, Lori Larson mang theo quyển tạp chí Ensign của mình đến thẩm mỹ viện và đọc nó một cách say mê. Chị tiếp tục nghĩ về việc những bài báo sẽ tuyệt diệu biết bao nếu được chia sẻ với một người nào đó thuộc một tín ngưỡng khác và việc mà những bài báo này sẽ làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về Giáo Hội. Rồi người chuyên viên thẩm mỹ của chị hỏi về quyển tạp chí mà chị đang đọc. Đến cuối buổi hẹn và câu chuyện kết thúc thì người chuyên viên thẩm mỹ đã yêu cầu những người truyền giáo đến thăm viếng người ấy.

Telma Chacón ở Guatemala City, Guatemala, mua dư thêm 12 quyển Liahona và dùng cơ hội lễ Phục Sinh để chia sẻ các tạp chí và chứng ngôn của chị với các anh chị em của mình. Patricia Hegedus ở Cardston, Alberta, Canada, gửi một quyển tạp chí đến một cặp vợ chồng người Đức mà chị và chồng chị đã kết bạn vài năm trước. Họ nhận quyển tạp chí bằng thái độ biết ơn với lời hứa sẽ đọc nó. Gia đình Allan Harvey ở Krugersdorp, Nam Phi, mua dư thêm 12 quyển tạp chí và phân phối chúng cho các gia đình trong lối xóm của họ.

Các Nỗ Lực của Tiểu Giáo Khu và Giáo Khu

Các đơn vị Giáo Hội đã được chia phần các quyển tạp chí Ensign hay Liahona miễn phí để dùng trong việc kết tình thân hữu, giúp các tín hữu khác tích cực lại, và công việc truyền giáo. Ở Anh, giáo khu Chorley tổ chức một buổi hòa nhạc đặc biệt trong lễ Phục Sinh mà bạn bè, hàng xóm, các tín hữu kém tích cực, và các khách quan trọng đều được mời đến. Mỗi người khách mời đều nhận được một quyển Sách Mặc Môn và một quyển tạp chí Ensign số tháng Ba năm 2008.

Ở Nigeria, các chị em Hội Phụ Nữ trong giáo hạt Ile-Ife, là một phần của các sinh hoạt đánh dấu sinh nhật của Hội Phụ Nữ, đã đi thăm viếng nhà tù địa phương và phân phối các quyển tạp chí số tháng Ba. Giáo khu Newcastle-Under-Lyme ở Anh đã chắc chắn rằng mỗi gia đình trong giáo khu phải có một quyển tạp chí và lời mời tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh đặc biệt vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Kết quả là một người anh em kém tích cực kể từ ngay sau lễ báp têm của mình trong thập niên 1980 đã được cảm động và giờ đây đang vui hưởng các phước lành của phúc âm trong cuộc sống của người ấy một lần nữa.

Vâng, Chúng Tôi Là Ky Tô Hữu

Nhiều người đã viết để cho biết về việc số báo về Đấng Cứu Rỗi đã giúp làm sáng tỏ những hiểu lầm về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào. Barbara Mayes ở Flagstaff, Arizona, Hoa Kỳ, thuật lại một lời bình luận của người phụ nữ đến dọn dẹp nhà của chị: “Tôi thấy nhiều điều mà đưa đến việc nghĩ rằng bà đã tin vào Chúa Giê Su. Làm thế nào điều đó được như vậy? Hai ông bà là người Mặc Môn. Hai ông bà có phải là Ky Tô hữu không?” Chị Mayes tặng cho người phụ nữ ấy quyển tạp chí Ensign số tháng Ba và họ bắt đầu thảo luận. Chị Mayes nói: “Khi chị ấy đọc, thì chị ấy tiếp tục đặt ra những câu hỏi đầy ý nghĩa và một tấm lòng đã đóng kín bây giờ đang được mở ra.”

Gia đình Mike và Shaz Kramer ở Garwood, New Jersey, Hoa Kỳ, tổ chức một bữa tiệc đầu năm nay và vài gia đình không phải Thánh Hữu Ngày Sau được mời đến. Một gia đình đến sớm để người chồng có thể đặt ra một câu hỏi về Giáo Hội. Một người bạn mục sư của người ấy đã cho biết rằng chúng ta không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Anh Kramer nói: “Tôi chỉ với tay ra và lấy quyển Ensign số tháng Ba, với hình Đấng Ky Tô trên bìa, và hỏi: ‘Điều này có giống như một giáo hội mà không tin nơi Chúa Giê Su không?’” Người đàn ông ấy mang quyển tạp chí đó về và gặp gỡ những người truyền giáo mấy ngày sau trong tuần để đặt thêm nhiều câu hỏi.

Một Sứ Điệp Vĩnh Cửu

Tạp chí EnsignLiahona số tháng Ba năm 2008 vẫn còn qua hệ thống phân phối của Giáo Hội. Sứ điệp vĩnh cửu của tạp chí về Đấng Cứu Rỗi làm cho nó trở thành quan trọng để chia sẻ không những trong các mùa lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, mà còn vào bất cứ lúc nào các tín hữu muốn cung ứng sự an ủi, giảng dạy giáo lý chân chính, và chia sẻ với những người khác một chứng ngôn vững vàng về Chúa Giê Su Ky Tô. Tiềm năng vẫn còn đó đối với nhiều người hơn nữa để được ảnh hưởng.