2002
Trở Thành Những Người Có Thánh Linh của Thượng Đế
THÁNG BẢY NĂM 200


Trở Thành Những Người Có Thánh Linh của Thượng Đế

Chúa sẽ giữ lời hứa qua giao ước long trọng để ban phước cho cuộc sống chúng ta tùy theo sự trung tín của chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể biến chúng ta thành một người có Thánh Linh của Thượng Đế, ấy là Đúc Thánh Linh.

Tối nay, tôi muốn ngỏ lời cùng các em thiếu niên tốt lành mang Thánh Chức Tư Tế A Rôn. Thật là một phước lành đặc biệt để mang chức tư tế của Thượng Đế, mà chỉ nhằm gia tăng quyền năng, khả năng và sự nhận thức của chúng ta. Để giải thích rõ thêm về các phước lành mà nhận được từ đặc ân này, tôi muốn nói về hai người của Thượng Đế, cả hai đều mang tên Joseph (Giô Sép).

Cha tôi có một kinh nghiệm độc đáo khi ông đến tuổi làm thầy tư tế. Nơi ông sống không có trường trung học, và ông muốn có được học vấn. Ông được phép của cha mình để rời nông trại và đi học một nơi nào khác, nhưng ông phải tự mình lo liệu. Khi đến Thành Phố Salt Lake, ông nghe có một việc làm ở nhà của Chủ Tịch Joseph F. Smith. Ông được mướn để giữ hai con bò của vị tiên tri. Trong buổi họp tối gia đình của mình, chúng tôi thường muốn cha chúng tôi kể lại những kinh nghiệm về cuộc sống thời trai trẻ của ông khi sống trong nhà của vị tiên tri. Chúng tôi đã nghe ông kể những kinh nghiệm như sau:

Chị Smith chỉ dẫn cho cha tôi trong các nhiệm vụ của ông, và giải thích rằng các con bò “rất quý giá và em phải đối xử tốt với chúng. Em phải giữ chúng thật sạch sẽ và huấn luyện chúng hay đến nỗi nếu tôi có quyết định mang chúng vào phòng khách bất cứ lúc nào thì chúng sẽ đủ sạch sẽ để được vào.” Cha tôi nói ông biết vắt sữa bò nhưng không biết cách tắm bò.

Trước khi được vắt sữa mỗi sáng và mỗi tối, các con bò được tắm và lau khô kỹ càng với nước nóng, xà bông và khăn mà đã được chuẩn bị sẵn cho mục đích đó. Chúng được cho ăn thứ cỏ khô tốt nhất và được vắt sữa thật đúng giờ hai lần mỗi ngày.

Ngoài nhiệm vụ của ông với gia đình Smith và các con bò “quý giá” của họ, thỉnh thoảng cha tôi cũng được nhờ làm một số công việc nhà. Ông đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện như sau: “Vào một sáng giá rét, cha rửa những bực thềm dẫn đến chỗ ở chính thức của Chủ Tịch của Giáo Hội. Điều này đã làm cho vị chủ tịch đã gần trượt té, bởi vì Cha đã để nước đóng băng trước khi lau khô. Rồi cha phải dội nước sôi làm tan đá và lấy khăn để lau khô bực thềm bằng đá. Các bực thềm hầu như sạch sẽ nhưng các bạn học cùng lớp với cha đang đi ngang qua trên đường đến trường trước khi công việc được làm xong. Đó là một kinh nghiệm nhục nhã.”

Khi kể lại những câu chuyện này, tôi không muốn cho các em có ấn tượng rằng người cha của tôi giống như Cô Bé Lọ Lem trong chuyện thần thoại. Gia đình Smith mang người thiếu niên nhà quê nghèo nàn này từ Idaho vào nhà họ trong khi ông đã học xong trung học và đang theo học trường University of Utah. Họ đã để ông tham dự các buổi sinh hoạt gia đình của họ, ăn uống với họ và cầu nguyện với gia đình họ. Cha của tôi đã chia sẻ với chúng tôi chứng ngôn của ông rằng tiên tri Joseph F. Smith quả thật là người của Thượng Đế: “Khi cha quỳ xuống với vị tiên tri cùng cầu nguyện chung gia đình, và lắng nghe những lời khẩn cầu thiết tha của ông về các phước lành của Chúa đã ban xuống gia đình ông và đàn gia súc của họ, thì cha biết được rằng cũng các con bò đó mà đã làm cho cha phải nhục nhã chính là vấn đề chủ yếu của các phước lành của ông, và cha đã nhìn ra những sự việc đúng theo bối cảnh của chúng… . Đa số những vĩ nhân mà cha đã biết thì không thực sự cao quý trong nhà. Điều này không đúng đối với tiên tri Joseph F. Smith. Mỗi một hành động thường ngày làm tăng thêm sự cao quý của ông. Đối với cha, ông là tiên tri ngay cả trong khi rửa tay hay cởi giày.”

Những bài học này đã dạy cho chúng tôi một sự biết ơn và tình yêu mến lớn lao đối với vị tiên tri của Thượng Đế.

Lời mô tả của cha tôi về tiên tri Joseph F. Smith nhắc tôi nhớ đến lời nói của Pha Ra Ôn về Giô Sép (Joseph) ở Ai Cập: “Chúng ta há dễ tìm một người như người này, có thần minh của Đức Chúa Trời được sao?” (Sáng Thế Ký 41:38).

Các câu chuyện của cha tôi cho chúng tôi biết về Chủ Tịch Smith, gia đình ông và các con bò của ông và chúng cũng cho thấy thời gian đã thay đổi như thế nào kể từ đầu thế kỷ thứ 20. Tôi không nghĩ rằng cha tôi có thể hình dung được những máy điện toán hiện đại của chúng ta ngày nay, được đặt trên những cái bàn làm việc nhỏ, vậy mà có tốc độ đo bằng tần số gigahertz và sức chứa đo bằng đơn vị gigabytes. Tôi cũng không nghĩ rằng ông có thể tưởng tượng được những điều tà ác mà Sa Tan có thể làm với cùng những kỹ thuật tuyệt luân này. Qua các đường lối tà ác của nó, Sa Tan đã có thể gieo rắc nhiều vi rút tin học độc hại mới mẻ và lây lan. Những vi rút tin học độc hại này sẽ gây tổn hại lớn cho phần thuộc linh của chúng ta nếu chúng ta không có cách thức mạnh mẽ để chống lại chúng. Điều này khiến tôi nghĩ đến chương trình tuyệt luân nhất trong các chương trình chống lại những vi rút tin học độc hại—đó là ân tứ Đức Thánh Linh.

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói về ân tứ này: “’Ân tứ Đức Thánh Linh‘ là một phước lành đặc biệt được ấn chứng trên những người đã hối cải, chịu phép báp têm và tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và là ’một bằng chứng vĩnh cửu.‘ Thánh Linh của Thượng Đế có thể được lãnh nhận giống như một ảnh hưởng tạm thời mà qua đó ánh sáng và quyền năng thiêng liêng đến với con người cho các mục đích và cơ hội đặc biệt. Nhưng ân tứ Đức Thánh Linh, mà các sứ đồ nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần, và được ban cho trong lễ xác nhận, là một bằng chứng cố định và sự ban cho cao hơn” (trong James R. Clark, biên soạn, Messages of the First Presidency of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, 6 tập [1965–75], 5:4).

Điều quan trọng là gia đình các em phải phụ giúp các em trong việc học hỏi về phúc âm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Rồi, tất cả chúng ta phải trông cậy vào ân tứ Đức Thánh Linh để hướng dẫn chúng ta trong việc nhận thức điều phải trái. Đây là nơi mà tấm gương của Giô Sép ở Ai Cập giúp chỉ dẫn mỗi người chúng ta. Ông là một người trông cậy hoàn toàn vào Thánh Linh của Chúa đến nỗi ngay cả một người mù quáng bởi sự thực hành thờ cúng hình tượng, ấy là Pha Ra Ôn, cũng nhận thấy sắc mặt và sức mạnh khác thường của Giô Sép.

Tối nay, chúng ta hãy thử xem các sứ điệp quan trọng nào mà chúng ta có thể đạt được từ việc học hỏi về các vị lãnh đạo cao trọng mà chúng ta tìm thấy trong thánh thư. Joseph Fielding Smith đã chỉ dẫn cho chúng ta trong sách Answers to Gospel Questions (Giải Đáp Những Thắc Mắc về Phúc Âm) của ông:

“Có rất nhiều bằng chứng về các thiếu niên được kêu gọi và sắc phong trong thời xưa. Trước thời kỳ hồng thủy, khi loài người được sống rất lâu, một số người được kêu gọi để phục vụ vào tuổi khá trẻ. Ê Nóc chỉ mới hai mươi lăm tuổi khi ông được A Đam sắc phong; … và Nô Ê nhận được chức tư tế khi ông mới lên mười [xin xem GLGƯ 107:48, 52]. Không thấy ghi chép Giô Sép, con trai của Y Sơ Ra Ên, lên mấy tuổi thì nhận được chức tư tế nhưng chắc ông phải còn rất trẻ. Ông bị các anh của mình đem bán khi ông chỉ có mười bảy tuổi và chắc ông đã có chức tư tế trước lúc đó, bởi vì ông đã sử dụng chức đó ở xứ Ai Cập [xin xem Sáng Thế Ký 37:2; 40:8–19; 41:14–36]“ (do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập [1957–66], 2:9).

Giở lại sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta tìm thấy câu chuyện về Giô Sép. Giô Sép là một người trong gia đình có 11 anh em—10 người trong số họ lớn hơn ông. Cha của ông dường như thương ông nhiều hơn những người kia. Người cha may cho Giô Sép một cái áo choàng nhiều màu, giữ ông ở nhà, và bảo ông thỉnh thoảng đi xem chừng các anh của ông đang chăn giữ đàn gia súc. Giô Sép cũng thấy trong những giấc mơ mà dường như đặt ông vào một địa vị có thẩm quyền trên các anh của mình.

Một ngày nọ khi Giô Sép đi xem chừng các anh của mình trong khi họ đang chăn giữ đàn gia súc, thì họ quyết định họ không còn chịu đựng Joseph nỗi nữa và muốn tống khứ ông đi. Một cơ hội đã đến để bán Joseph làm nô lệ cho dân Ích Ma Ên đang trên đường đi Ai Cập.

Thình lình, Joseph thấy mình đang ở trong một xứ xa lạ với những tục lệ xa lạ, tín ngưỡng xa lạ, và tệ hại nhất là bị bán làm nô lệ. Giô Sép đã cho thấy khả năng và sự khéo léo của ông nên ông đã được “Phô Ti Pha, quan thị vệ của Pha Ra Ôn” (Sáng Thế Ký 37:36) mua.

“Giô Sép ở trong nhà chủ mình, là người Ê Díp Tô, được Đức Giê Hô Va phù hộ, [và ông có Thánh Linh bên mình và giúp ông trở nên] thạnh lợi luôn;

“Chủ thấy Đức Giê Hô Va phù hộ chàng và xui cho mọi việc chi chàng lãnh làm nơi tay đều được thạnh vượng.

“Vậy, Giô Sép được ơn trước mặt chủ mình; chủ cắt chàng hầu việc, và [Phô Ti Pha] đặt cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho chàng hết.

“Từ khi người đặt Giô Sép cai quản cửa nhà cùng hết thảy của cải mình rồi, thì Đức Giê Hô Va vì Giô Sép ban phước cho nhà người; sự ban phước của Đức Giê Hô Va bủa khắp mọi vật của người làm chủ, hoặc trong nhà, hoặc ngoài đồng.

“Người giao hết của cải mình cho Giô Sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi. Vả, Giô Sép hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi” (Sáng Thế Ký 39:2–6).

Một ngày nọ, trong khi Giô Sép đang làm việc trong nhà, thì ông thấy mình đang lâm vào cảnh khó xử. Người vợ của Phô Ti Pha đến gạ gẫm ông để ngủ với bà. Joseph biết ngay rằng ông đang ở vào một thế kẹt. Chúng ta nghe ông nói rằng:

“Trong nhà này chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ không cấm chi tôi, trừ ra một mình người, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao? …

“Thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài” (Sáng Thế Ký 39:9, 12).

Chúng ta học được một bài học quan trọng từ Giô Sép. Khi ông gặp cảnh cám dỗ, ông lập tức bỏ chạy khỏi điều tà ác. Tất cả chúng ta đều có những biến cố trong đời mình mà đưa chúng ta vào những hoàn cảnh đầy thử thách.

Khi chúng ta chạm trán với điều gì tội lỗi và đê tiện—cho dù đó là loại nhạc, chương trình truyền hình hay Mạng Lưới Internet đồi trụy mà đặt chúng ta vào tình thế xấu—thì là điều vững mạnh để nhớ đến câu chuyện về Giô Sép: “Và [chàng] chạy trốn ra ngoài” (Sáng Thế Ký 39:12).

Ông đã ra khỏi sự cám dỗ.

Tuy đã chọn làm điều đúng nhưng Giô Sép cũng không khỏi gặp thử thách khác trong cuộc sống của ông. Khi Phô Ti Pha trở về nhà, vợ ông than với chồng mình rằng Giô Sép đã trêu ghẹo bà. Phô Ti Pha tức giận đến nỗi ông “bắt chàng đem bỏ vào tù, là nơi cầm các kẻ phạm tội của vua. Vậy, chàng ở tù tại đó.

“Đức Giê Hô Va [lại] phù hộ Giô Sép và tỏ lòng nhân từ cùng chàng, [Ngài] làm cho được ơn trước mặt chủ ngục.

“[Chẳng bao lâu] chủ ngục giao hết cả kẻ tù trong tay Giô Sép, chẳng việc chi làm qua khỏi được chàng” (Sáng Thế Ký 39:20–22).

Nhưng Chúa lại ở cùng Giô Sép và một cơ hội lại đến với ông trong khi ông đang ở trong tù. Hai người tôi tớ của Pha Ra Ôn cũng bị bỏ tù. Mỗi người đó đều có một giấc mơ mà Giô Sép đã có thể giải thích. Một người sẽ mất mạng trong tù; trong ba ngày, người kia sẽ trở lại chức quan tửu chánh của mình cho Pha Ra Ôn. Cả hai giấc mơ đều xảy ra đúng như lời giải mộng. Quan tửu chánh trở lại với chức vụ cao của mình với Pha Ra Ôn và quên hết những gì về Giô Sép cho đến hai năm sau.

Rồi Pha Ra Ôn có một giấc mơ. Không ai có thể giải thích giấc mơ của vua. Cuối cùng quan tửu chánh nhớ lại Giô Sép. Ông kể cho Pha Ra Ôn biết về khả năng giải mộng của Giô Sép. “Rồi Pha Ra Ôn bèn sai đi đòi Giô Sép, họ lập tức tha người ra khỏi ngục, cạo mặt mày cho, biểu thay đổi áo xống, rồi vào chầu Pha Ra Ôn” (Sáng Thế Ký 41:14).

Giô Sép đã có thể giải mộng cho Pha Ra Ôn. Pha Ra Ôn, lòng đầy cảm kích, phong cho Giô Sép làm tôi tớ cho mình. Chúa lại ở cùng với Giô Sép. Chẳng bao lâu sau, Giô Sép được cất nhấc lên địa vị chỉ kém Pha Ra Ôn trên toàn xứ Ai Cập. Có một điều đặc biệt nào đó mà làm cho Giô Sép được phân biệt với tất cả các tôi tớ khác. Pha Ra Ôn nhận thấy điều mà đã làm cho Giô Sép khác biệt với mọi người khi vua nói: “Chúng ta há dễ tìm một người như người này, có thần minh của Đức Chúa Trời được sao?” (Sáng Thế Ký 41:38).

Các em sẽ thấy rằng trong mỗi tình huống mà Giô Sép gặp phải thì Chúa đều ở cùng ông. Thật dễ để nhận ra Thánh Linh đặc biệt nơi ông nhờ vào lối ông sống và lưu tâm đến tiếng nói của Chúa để hướng dẫn ông.

Cũng sự nhận ra đó chắc chắn sẽ ở cùng với mỗi người chúng ta khi chúng ta được Đức Thánh Linh của Ngài hướng dẫn và chỉ dẫn. Hãy lắng nghe giọng êm dịu nhỏ nhẹ khi các em phải chọn một quyết định. Chắc chắn nó sẽ là một tiếng nói cảnh cáo cứng rắn để cho các em biết phải vặn tắt loại nhạc đồi trụy, bỏ chạy khỏi các chương trình truyền hình đê tiện, hay ra khỏi trang Mạng Lưới mà chỉ mang những ý tưởng tội lỗi vào tâm trí các em. Đức Thánh Linh sẽ cho các em biết khi nào các em đang trong tình thế nguy ngập.

Tôi hứa với các em, nếu các em chịu lưu tâm đến tiếng nói cảnh cáo của Đức Thánh Linh và chịu tuân theo sự chỉ dẫn của Ngài, thì các em sẽ được ban phước với các thiên sứ phù trợ, mà sẽ làm tăng thêm sự khôn ngoan, sự hiểu biết, quyền năng và vinh quang cho cuộc sống của các em. Hãy nhớ rằng Chúa sẽ giữ lời hứa qua giao ước long trọng để ban phước cho cuộc sống chúng ta tùy theo sự trung tín của chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể biến chúng ta thành những người có Thánh Linh của Thượng Đế, ấy là Đúc Thánh Linh.

Thật là một phước lành để mang thánh chức tư tế của Chúa và có được quyền năng và sức mạnh ấy nơi mình. Cầu xin Chúa soi dẫn và hướng dẫn chúng ta để học hỏi các câu chuyện về các vị tiên tri cao trọng mà đã từng sống trên thế gian. Cầu xin cho chúng ta học được từ cuộc sống của họ những gì mà sẽ mang chúng ta đến gần Đấng Sáng Tạo của chúng ta hơn và giúp chúng ta hưởng nhận các phước lành và các kết quả đến từ phúc âm của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta được soi dẫn như thế để đi theo lối Ngài là lời cầu nguyện chân thành của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.