2002
Lòng Bác Ái: Tình Yêu Thương Trọn Vẹn và Vĩnh Cửu
THÁNG BẢY NĂM 200


Lòng Bác Ái: Tình Yêu Thương Trọn Vẹn và Vĩnh Cửu

Khi chúng ta suy nghĩ và hành động giống như Ngài nhiều, những thuộc tính của con người tự nhiên sẽ mất dần để được thay vào đó tấm lòng và ý nghĩ của Đấng Ky Tô.

Thưa các anh chị em thân mến của tôi, trong giờ phút này, tôi mong muốn hơn bất cứ điều gì để chia sẻ chứng ngôn, một lời chứng cá nhân, về tình yêu thương của Thượng Đế đối với tôi, đối với các anh chị em và đối với toàn thể nhân loại. Ai là người đủ xứng đáng để có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của mình khi nhận biết tình yêu thương của Thượng Đế? Tôi đã được ban phước biết bao nhiêu trong rất nhiều năm để được có mặt với các anh chị em và đã biết được tình yêu thương thuần túy của Đấng Ky Tô bắt nguồn từ các anh chị em. Tôi mang ơn các anh chị em và Thượng Đế rất nhiều.

ĐỊNH NGHĨA LÒNG BÁC ÁI

Chúa đã phán lòng bác ái là “tình thương yêu thuần túy của Đấng Ky Tô,”1 đó là “niềm vui sướng nhất cho linh hồn,”2 “ân tứ lớn lao hơn hết thảy mọi ân tứ khác của Thượng Đế,”3 “trọn vẹn” và “vĩnh cửu.”4

Thật khó khăn để mô tả lòng bác ái, điều dễ dàng hơn là nhận biết lòng bác ái trong cuộc sống của những người có nó.

  • Một bà nọ già cả và khập khiểng mua báo dài hạn một nhật báo ấn hành buổi trưa vì biết rằng điều đó sẽ mang đứa cháu ngoại làm công việc bỏ báo đến nhà bà mỗi ngày nơi mà, bên gối bà, bà dạy cho cháu biết cầu nguyện.

  • Một người mẹ trong thời buổi kinh tế khó khăn và hiếm thịt thà, dường như chỉ thưởng thức cánh gà trước sự sửng sốt của mọi người.

  • Một người đàn ông đau đớn vì bị công khai khiển trách một cách vô lý , nhưng cũng đành khiêm tốn nhận chịu điều đó.

Chẳng phải chủ đề chung trong các ví dụ này là lòng bác ái, là sự vị tha, việc không hề tìm kiếm lợi lộc sao? Tất cả các đặc tính thiêng liêng của chúng ta dường như đến từ và chi phối bởi điều này.5 Tất cả mọi người có thể có ân tứ yêu thương, nhưng lòng bác ái chỉ được ban cho những tín đồ chân chính của Đấng Ky Tô.6

Quyền năng chính của Thượng Đế được tìm thấy trong các thiên tính của Ngài.7 Quyền năng của chức tư tế được duy trì bởi các đức tính này.8 Chúng ta tìm kiếm các đức tính này, nhất là lòng bác ái, tình thương yêu thuần túy của Đấng Ky Tô.9

NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ BÌNH AN

Tuy nhiên có mặt quỷ dữ ở đó, là kẻ phá hoại tình yêu thương này, thay thế nó với sự tức giận và lòng oán hận.10 Người bạn của tôi, William, đã cảm thấy như thế: oán hận. Dường như bất cứ điều nào xảy ra, thì điều là lỗi của Chúa—bệnh hoạn, cái chết, đứa con bướng bỉnh, sự yếu đuối cá nhân, lời cầu nguyện “không được đáp ứng”—tất cả những điều này làm chai đá lòng anh. Sự tức giận trong lòng của anh, mà có thể bùng cháy nhanh chóng, hướng về Thượng Đế, đồng bào của anh và bản thân anh. Từ lòng anh phát xuất sự không tin, sự cứng đầu, lòng kiêu hãnh, sự tranh cãi và sự mất hy vọng, tình yêu thương và sự hướng dẫn. Anh ấy thật là khốn khổ!

Những kẻ phá hoại sự bình an11 đã làm William mù quáng trước những tình cảm của Thượng Đế dành cho anh. Anh không thể tìm thấy cũng như cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Anh đã không thấy được, nhất là trong những lúc tối tăm đó, là Thượng Đế đã ban phước cho anh dồi dào và vẫn còn tiếp tục ban phước. Thay vì thế, anh đã lấy sự tức giận để đổi lại tình yêu thương. Đôi khi chúng ta đã không cảm thấy như thế sao? Ngay cả khi chúng ta chỉ xứng đáng được yêu thương ít thôi nhưng lại là lúc Ngài yêu thương chúng ta nhiều nhất. Ngài đã thật sự yêu thương chúng ta trước.12

ĐAU ĐỚN CÓ MỤC ĐÍCH: LÒNG BÁC ÁI CÓ QUYỀN NĂNG

Ngược lại, người bạn của tôi mà sống giống như Đấng Ky Tô là Betty. Chị cũng gặp nhiều khó khăn như anh William, nhưng bởi vì chị đã cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế, nên chị đã chịu khốn khổ vì danh của Đấng Cứu Rỗi,13 đã dự phần vào thiên tính của Ngài,14 và như thế đạt được một đức tin và tình yêu thương xâu xa hơn đối với Thượng Đế, cùng với sức mạnh để đối phó với bất cứ điều gì mà có thể xảy đến.

Tình yêu thương của chị đối với những người khác gia tăng. Dường như chị còn tha thứ trước cho những người khác. Chị học cách khiến cho họ cảm nhận được tình yêu thương của chị. Chị học biết rằng tình yêu thương sẽ nẩy nở thêm khi được chia sẻ.

Cuối cùng, chị học biết tự yêu thương mình hơn, tử tế, dịu dàng, nhịn nhục hơn. Chị ngừng đấu tranh về lòng tự trọng và bắt đầu tự yêu thương mình theo cách thức mà Thượng Đế yêu thương chị. Hình ảnh của chính chị trở thành hình ảnh của Ngài nơi chị.

NHÂN BIẾT, TIẾP NHẬN VÀ TRUYỀN ĐẠT TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA THƯỢNG ĐẾ

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể “khoác lên mình tấm lòng bác ái… toàn hảo và bình an”?15 Tôi xin được chia sẻ với các anh chị em ba đề nghị sau.

  1. 1. Nhận biết tình yêu thương của Ngài. “Hãy cầu nguyện… với tất cả mãnh lực của lòng mình”16 để có được ân tứ này. Hãy làm như thế trong sự nhu mì với một tấm lòng đau khổ và các anh chị em sẽ được tràn đầy hy vọng và tình yêu thương từ chính Đức Thánh Linh. Ngài sẽ tiết lộ về Đấng Ky Tô cho anh chị em biết.17

    Việc có thể nhận biết bàn tay của Chúa và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài trong mọi thứ ở chung quanh chúng ta là một phần của ân tứ về lòng bác ái. Đôi khi, sẽ không phải là điều dễ dàng để tìm thấy tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta trong tất cả các kinh nghiệm của mình, bởi vì Ngài là Đấng ban cho toàn hảo và âm thầm. Các anh chị em sẽ tìm tòi trong suốt đời mình để biết được bàn tay của Ngài và các ân tứ mà Ngài đã ban cho các anh chị em nhờ vào cách thức thân thiện, giản dị và khiêm tốn của Ngài khi ban cho các ân tứ tuyệt diệu như thế.

    Hãy suy ngẫm với tôi trong một giây lát về các ân tứ vĩ đại sau đây: những vinh quang của mọi sự sáng tạo,18 thế gian, các tầng trời; những cảm giác yêu thương và vui sướng của các anh chị em; sự đáp ứng của Ngài với lòng thương xót, sự tha thứ và vô số đáp ứng cho lời cầu nguyện; ân tứ về những người thân yêu; và cuối cùng ân tứ lớn nhất trong mọi ân tứ khác—ân tứ của Đức Chúa Cha về Vị Nam Tử cứu chuộc của Ngài, Đấng Toàn Hảo với lòng bác ái, chính là Thượng Đế của tình yêu thương.19

  2. 2. Tiếp nhận tình yêu thương của Ngài trong sự khiêm nhường. Hãy biết ơn về ân tứ đó và nhất là về Đấng ban cho ân tứ đó.20 Lòng biết ơn chân thành là khả năng để thấy, cảm nhận một cách khiêm nhường và ngay cả tiếp nhận tình yêu thương.21 Lòng biết ơn là một hình thức đền đáp tình yêu thương đối với Thượng Đế. Hãy nhận biết bàn tay của Ngài, hãy thưa cùng Ngài như thế, hãy bày tỏ tình yêu thương của mình đối với Ngài.22 Khi các anh chị em thực sự biết Chúa, các anh chị em sẽ tìm được một mối quan hệ thân mật, thiêng liêng mà được xây dựng trên sự tin cậy. Các anh chị em sẽ bắt đầu biết rằng Ngài hiểu rõ sự phiền não của mình23 và sẽ, với lòng trắc ẩn luôn luôn đáp ứng, các anh chị em bằng tình yêu thương.

    Hãy tiếp nhận nó. Hãy cảm nhận nó. Việc chỉ biết rằng Thượng Đế yêu thương các anh chị em thì chưa đủ. Ân tứ này phải được cảm nhận liên tục hằng ngày.24 Rồi sẽ có một động lực thiêng liêng trong suốt cuộc sống của các anh chị em. Hãy hối cải. Hãy loại bỏ mọi vật chất thế gian khỏi cuộc sống của mình,25 kể cả sự tức giận. Hãy tiếp nhận một sự xá miễn liên tục tội lỗi của mình,26 và các anh chị em sẽ kiềm chế được mọi dục vọng của mình để cho lòng mình được tràn đầy tình thương.27

  3. 3. Truyền đạt tình yêu thương của Ngài. Sự đáp ứng của Chúa cho chúng ta thì luôn đầy dẫy tình thương yêu. Sự đáp ứng của chúng ta đối với Ngài cũng phải giống như vậy chăng, với những cảm nghĩ yêu thương thực sự? Ngài ban cho từ ân điển (hay sự tốt lành) này đến ân điển khác, từ đức tính này đến đức tính khác. Khi sự vâng lời của chúng ta gia tăng, thì chúng ta tiếp nhận thêm nhiều ân điển (hay sự tốt lành) đối với ân điển chúng ta dâng trả Ngài.28 Hãy dâng lên Ngài sự tuyệt hảo của các đặc tính của các anh chị em, để khi Ngài hiện đến, các anh chị em sẽ giống như Ngài.29

    Khi một người lần đầu suy ngẫm về tình yêu thương và truyền đạt những cảm nghĩ đó lên Thượng Đế, con người hay bản thân mình, thì một phần vinh quang của đặc tính đó chắc chắn sẽ tiếp theo từ Thánh Linh. Điều đó đúng với mọi đức tính thiêng liêng. Những cảm nghĩ ngay chính từ một người dường như đi trước sự gia tăng những cảm nghĩ đó từ Thánh Linh. Các anh chị em không thể truyền đạt tình yêu thương thực sự cho những người khác trừ phi các anh chị em đang cảm nhận được tình yêu thương đó. Chúa đã phán bảo chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài yêu thương chúng ta,30 vậy hãy nhớ rằng: để được yêu thương thì hãy yêu thương thực sự.31

KẾT QUẢ CỦA ÂN TỨ VỀ LÒNG BÁC ÁI

Thưa các anh chị em, với tư cách là một nhân chứng đặc biệt về Đấng Ky Tô, tôi làm chứng với các anh chị em lần nữa về tình yêu thương tràn đầy của Thượng Đế đối với riêng mỗi người chúng ta. Việc làm vinh hiển ân tứ đó từ Thượng Đế sẽ mang đến một tâm hồn mới, một tấm lòng thanh sạch và tình yêu thương và sự bình an thêm mãi. Khi chúng ta suy nghĩ và hành động giống như Ngài nhiều, những thuộc tính của con người tự nhiên sẽ mất dần để được thay vào đó tấm lòng và ý nghĩ của Đấng Ky Tô.32 Chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài và rồi thực sự tiếp nhận Ngài.33

Vị tiên tri của Chúa đang hiện diện nơi đây trước mặt các anh chị em, cũng như tất cả những Anh Em của tôi trong giới Thẩm Quyền Trung Ương, đều yêu thương các anh chị em. Cầu xin Chúa ban phước cho chúng ta để luôn “đặt mọi sự thương mến trong lòng [chúng ta]… vào [Ngài] mãi mãi.”34 Để “gánh nặng của [chúng ta] sẽ được nhẹ đi qua sự vui mừng của Vị Nam Tử của Ngài”35 là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Mô Rô Ni 7:47.

  2. Xin xem 1 Nê Phi 11:22–23; 8:10– 12.

  3. 1 Nê Phi 15:36.

  4. Mô Rô Ni 8:17.

  5. “Có một đức hạnh, đức tính hay nguyên tắc mà, nếu được các Thánh Hữu trân quý và thực hành, sẽ chứng minh sự cứu rỗi cho hằng vạn hằng ngàn người khác. Tôi muốn nói đến lòng bác ái, hay tình yêu thương, mà đi đến sự tha thứ, sự nhịn nhục, lòng nhân từ và sự kiên nhẫn” (Brigham Young, Deseret News, ngày 11 tháng Giêng năm 1860, 353).

  6. Xin xem Mô Rô Ni 7:48. Có sự khác biệt giữa lòng bác ái và tình yêu thương không? Chúa đã nói đến chúng trong nhiều lần khác nhau chẳng hạn như GLGƯ 4:5. Một số người đã nói lòng bác ái là tình yêu thương cộng với sự hy sinh—một tình yêu thương dài lâu. Có lẽ lòng bác ái so với tình yêu thương thì cũng giống như đức tin với sự tin tưởng. Cả đức tin lẫn lòng bác ái đòi hỏi hành động, việc làm và sự hy sinh. Lòng bác ái bao gồm tình yêu thương của Ngài đối với chúng ta, tình yêu thương của chúng ta đối với Ngài và tình yêu thương giống như tình yêu thương của Đấng Ky Tô đối với những người khác.

  7. Xin xem GLGƯ 84:19–24.

  8. Xin xem GLGƯ 121:41–46.

  9. “Một người tràn ngập tình yêu thương của Thượng Đế thì không toại nguyện với phước lành chỉ ban cho gia đình mình, mà còn muốn lan rộng khắp thế gian, ước ao để ban phước cho toàn thể nhân loại” (Joseph Smith, History of the Church, 4:227).

  10. Khi nỗi khổ đau thực sự xảy ra trong đời, quỷ dữ luôn hiện diện ở đó để khích động lòng giận dữ của con người, trong khi Chúa tiếp tục ban phát tình yêu thương. Trong cùng một nỗi đau khổ “có nhiều người đã trở nên chai đá nhưng cũng có những người khác lại trở nên hiền dịu vì họ đã trải qua nhiều nỗi thống khổ” (An Ma 62:41). Thật là một tấm gương tuyệt vời về cách thức phản ứng với nỗi thống khổ.

  11. Một số sự phá hoại tình yêu thương và sự bình an của loài người gồm có nhưng không phải giới hạn chỉ bao nhiêu đó thôi: sự sợ hãi, chủ nghĩa cầu toàn, lòng ganh ghét, tính ương ngạnh, lòng nghi ngờ, sự tức giận, lòng đố kỵ, sự kiểm soát không ngay chính, sự không tin, sự thiếu kiên nhẩn, sự đoán xét, ấp ủ lòng tự ái bị tổn thương, tính kiêu ngạo, sự ta thán, sự tìm kiếm danh vọng, sự tranh giành, sự nói dối. Tất cả những điều này là con người tự nhiên chứ không phải là con người của Đấng Ky Tô.

  12. Xin xem 1 Giăng 4:19.

  13. Xin xem GLGƯ 138:13. Người bạn tôi đã biết rằng nỗi thống khổ sẽ giúp chị tự chứng tỏ mình (xin xem Áp Ra Ham 3:24–25; GLGƯ 98:13–14); hãy học cách chọn giữa điều tốt và điều xấu (xin xem 2 Nê Phi 2:18); hãy học cách biết rằng các phước lành đến sau những thử thách (xin xem GLGƯ 58:2–4); hãy học về sự vâng lời, lòng kiên nhẩn và đức tin (xin xem GLGƯ 105:6; Mô Si A 23:21; Rô Ma 5:3–5); nhận được sự tha tội (xin xem Hê La Man 15:3; GLGƯ 132:50, 60; 95:1).

  14. Xin xem 2 Phi E Rơ 1:1–8.

  15. GLGƯ 88:125.

  16. Mô Rô Ni 7:48.

  17. Xin xem Mô Rô Ni 8:25–26; Rô Ma 5:5; 2 Nê Phi 26:13.

  18. Xin Môi Se 6:63; An Ma 30:44.

  19. Xin xem 1 Giăng 4:8.

  20. Xin xem GLGƯ 88:33.

  21. Xin xem An Ma 5:26.

  22. Xin xem An Ma 26:16; Mô Rô Ni 10:3.

  23. Xin xem GLGƯ 133:52–53.

  24. Xin xem An Ma 34:38.

  25. Xin xem 1 Giăng 2:15–17.

  26. Xin xem Mô Si A 4:11–12.

  27. Xin xem An Ma 38:12.

  28. Xin xem GLGƯ 93:12–13, 20.

  29. Xin xem 1 Giăng 3:1–3.

  30. Xin xem Giăng 13:34; GLGƯ 112:11.

  31. “Hãy coi chừng tính kiêu ngạo và đừng cố gắng trội hơn người khác mà phải hành động vì lợi ích của nhau” (Joseph Smith, Teachings of the Prophet Joseph Smith, do Joseph Fielding Smith tuyển chọn [1976], 155).

  32. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:16; 2 Cô Rinh Tô 10:5.

  33. “Người nào thật sự cao trọng nhất thì người ấy giống như Đấng Ky Tô nhất. Trong lòng của các anh chị em thành thật nghĩ gì về Đấng Ky Tô thì sẽ xác định các anh chị em là người như thế nào, sẽ chủ yếu xác định những hành động của các anh chị em sẽ như thế nào… . Qua việc chọn Ngài làm mẫu mực lý tưởng, chúng ta tạo ra nơi mình một ước muốn để giống như Ngài, để có được mối giao hảo thân thiện với Ngài” (David O. McKay, trong Conference Report, tháng Tư năm 1951, 93, 98). Nếu các anh chị em nghĩ nhiều về Ngài thì các anh chị em sẽ bắt đầu hành động giống như Ngài. Nếu các anh chị em hành động giống như Ngài nhiều, thì các anh chị em sẽ thực sự giống như Ngài.

  34. An Ma 37:36.

  35. An Ma 33:23.