2002
Họ Cầu Nguyện và Họ Ra Đi
THÁNG BẢY NĂM 200


Họ Cầu Nguyện và Họ Ra Đi

Chúng ta, với tư cách là nhóm hùng hậu những người nắm chức tư tế, hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ. Chúng ta hãy cầu nguyện, rồi chúng ta hãy ra đi và hành động.

Thưa các anh em của tôi, tôi được hân hạnh có đặc ân ngỏ lời cùng các anh em chiều nay. Thật là một niềm vui sướng để nhìn thấy Trung Tâm Đại Hội nguy nga này đầy những người trẻ và người lớn tuổi nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Việc nhận biết rằng có những đám đông tương tự đang tụ họp khắp nơi trên thế giới mang đến cho tôi một ý thức trách nhiệm to tát. Tôi cầu xin sự soi dẫn của Chúa sẽ hướng dẫn ý nghĩ và soi dẫn những lời của tôi.

Cách đây nhiều năm, trong một chuyến công tác đi Tahiti, tôi đã nói chuyện với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, Chủ Tịch Raymond Baudin, về những người dân Tahiti. Họ nổi tiếng là một số người đi biển giỏi nhất trên toàn thế giới. Anh Baudin, là người nói tiếng Pháp và tiếng Tahiti nhưng chỉ nói chút ít tiếng Anh, cố gắng diễn tả cho tôi nghe về bí quyết thành công của các thuyền trưởng người Tahiti. Ông nói: “Họ thật là phi thường. Thời tiết có thể rất tệ, tàu có thể bị thủng lỗ, có thể không có những dụng cụ hải hành ngoại trừ cảm nghĩ trong lòng họ và những vì sao trên các tầng trời, nhưng họ cầu nguyện và họ ra đi.” Ông lặp lại cụm từ này đến ba lần. Có một bài học được thấy trong lời phát biểu đó. Chúng ta cần cầu nguyện và rồi chúng ta cần hành động. Cả hai đều quan trọng.

Lời hứa từ sách Châm Ngôn cho chúng ta lòng can đảm:

“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài.”1

Chúng ta chỉ cần giở đến câu chuyện được tìm thấy trong 1 Các Vua để nhớ lại nguyên tắc mà nếu chúng ta tuân theo lời khuyên dạy của Chúa, khi chúng ta cầu nguyện và rồi ra đi, thì kết quả sẽ được lợi ích cho mọi người. Nơi đó, chúng ta đọc rằng một cơn hạn khắc nghiệt nhất đã giáng xuống xứ. Tiếp theo là nạn đói. Tiên Tri Ê Li nhận được từ Chúa lời phán bảo mà đối với ông phải chắc là một lời chỉ dẫn lạ lùng: “Hãy chổi dậy, đi đến Sa Rép Ta…: kìa, ta đã truyền cho một người góa bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi.” Khi tìm ra người góa phụ ấy, Ê Li nói: “Ta xin ngươi hãy đi múc một chút nước trong bình để cho ta uống.

“Nàng bèn đi múc nước. Nhưng người kêu lại và nói với nàng rằng: Cũng hãy đem trong tay ngươi cho ta một miếng bánh nữa.”

Câu trả lời của bà cho thấy tình cảnh tuyệt vọng của bà khi bà giải thích rằng bà đang sửa soạn bữa ăn ít ỏi cuối cùng cho con trai bà và cho bà, và rồi họ sẽ chết.

Câu trả lời của Ê Li chắc đối với bà thật vô lý : “Chớ sợ chi, hãy trở về, làm y như ngươi đã nói; song trước hãy dùng bột ấy làm cho ta một cái bánh nhỏ, rồi đem ra cho ta; kế sau ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi.

“Vì Giê Hô Va Đức Chúa Trời của Y Sơ Ra Ên phán như vậy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê Hô Va giáng mưa xuống đất.

“Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê Li nói. Nàng và nhà nàng, luôn với Ê Li ăn trong lâu ngày.

“Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình.”2

Nếu tôi hỏi các anh em những đoạn thánh thư nào trong Sách Mặc Môn được đọc nhiều nhất, tôi dám nói đó là câu chuyện được tìm thấy trong 1 Nê Phi liên quan đến Nê Phi, các anh của ông, cha ông và lệnh truyền đi lấy những bảng khắc bằng đồng từ La Ban. Có lẽ tại vì đa số chúng ta đôi khi hứa đọc lại Sách Mặc Môn. Thường thường chúng ta bắt đầu với 1 Nê Phi. Thực ra, những đoạn tìm thấy trong đó mô tả một cách tuyệt vời sự cần thiết để cầu nguyện và rồi ra đi và hành động. Nê Phi đã nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa phán dạy, vì con biết, Chúa không bao giờ truyền dạy con cái loài người làm điều gì mà lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Chúa phán truyền.”3

Chúng ta ghi nhớ lệnh truyền đó. Chúng ta ghi nhớ câu trả lời đó. Chúng ta ghi nhớ kết quả đó.

Trong thời kỳ của chúng ta, có nhiều ví dụ liên quan đến kinh nghiệm của những người cầu nguyện và rồi ra đi và hành động. Tôi xin chia sẻ với các anh em một câu chuyện cảm động về một gia đình tốt sống ở trong thành phố xinh đẹp Perth, Úc Đại Lợi. Vào năm 1957, bốn tháng trước khi lễ cung hiến đền thờ Tân Tây Lan, Donald Cummings, người cha, là chủ tịch giáo hạt của phái bộ truyền giáo ở Perth. Ông và vợ ông và gia đình quyết định tham dự lễ cung hiến đền thờ, mặc dù họ không có nhiều tiền. Họ bắt đầu cầu nguyện, làm việc và dành dụm. Họ bán chiếc xe độc nhất của họ và thu góp hết tiền, từng đồng xu mà họ có, nhưng một tuần trước khi ngày khởi hành đã định của họ, họ vẫn còn thiếu 200 tiền bảng Anh. Nhờ vào hai món quà bất ngờ giá trị 100 tiền bảng Anh mỗi món, họ đã đạt được mục tiêu của họ đúng lúc. Bởi vì Anh Cummings không thể lấy ngày nghỉ cho chuyến đi, nên anh quyết định bỏ công việc làm của mình.

Họ hành trình bằng xe lửa ngang qua lục địa Úc Đại Lợi rộng lớn, đi đến Sydney, nơi mà họ cùng với những tín hữu khác hành trình đi Tân Tây Lan. Anh Cummings và gia đình anh là những người Úc Đại Lợi đầu tiên chịu phép báp têm thay cho người chết trong đền thờ Tân Tây Lan. Họ là những người đầu tiên nhận lễ thiên ân trong đền thờ Tân Tây Lan nơi rất xa Perth, Úc Đại Lợi. Họ đã cầu nguyện, họ đã chuẩn bị và rồi họ đã ra đi.

Khi gia đình Cummings trở về Perth, Anh Cummings nhận được một công việc mới và tốt hơn. Anh vẫn còn phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo hạt cho đến chín năm sau thì tôi có được đặc ân để kêu gọi anh làm chủ tịch đầu tiên của Giáo Khu Perth Úc Đại Lợi.4 Tôi nghĩ là điều đầy ý nghĩa khi giờ đây anh là chủ tịch đầu tiên của Đền Thờ Perth Úc Đại Lợi.

Những lời thốt ra từ cuốn phim Shenandoah thì đầy soi dẫn: “Nếu chúng ta không cố gắng, thì chúng ta không làm; và nếu chúng ta không làm, thì tại sao chúng ta có mặt ở đây?”

Hiện có hơn 60.000 người truyền giáo trọn thời gian phục vụ Chúa trên khắp thế giới. Nhiều người trong số những người truyền giáo này đang lắng nghe và xem phiên họp chức tư tế của đại hội trung ương tối nay. Họ cầu nguyện và rồi họ ra đi, tin cậy vào Chúa về nơi chốn mà họ được gửi đi và tin cậy nơi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của họ về nơi chốn mà họ phục vụ trong các phái bộ truyền giáo của họ. Trong số nhiều điều mặc khải liên quan đến những sự kêu gọi thiêng liêng của họ là hai đoạn thánh thư ưa thích của tôi. Cả hai đều từ sách Giáo Lý và Giao Ước.

Đoạn thứ nhất là từ tiết 100. Các anh em nhớ là Joseph Smith và Sidney Rigdon đã vắng mặt trong gia đình của họ trong một thời gian, và họ lo âu cho gia đình họ. Chúa đã mặc khải cho họ sự bảo đảm này, là điều an ủi những người truyền giáo trong khắp Giáo Hội: “Thật vậy, Chúa đã phán vậy với các ngươi, hỡi các bạn của ta…, gia đình các ngươi đều được bình an cả; Họ đang ở trong tay ta, và ta sẽ làm cho họ những gì ta thấy tốt lành, vì tất cả mọi quyền năng đều nơi ta.”5

Đoạn thứ nhì là từ tiết 84 của Giáo Lý và Giao Ước: “Kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó, vì ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên mặt các ngươi cũng như bên trái các ngươi. Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng các ngươi lên.”6

Việc phục vụ truyền giáo của Walter Krause, là người sống ở Prenzlau, nước Đức, thì đầy soi dẫn. Anh Krause nổi tiếng với lòng tận tụy phục vụ Chúa nay đã 92 tuổi. Là một tộc trưởng, anh đã ban hơn một ngàn phước lành tộc trưởng cho các tín hữu đang sống nhiều nơi ở Âu Châu.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, cũng giống như nhiều người khác vào lúc bấy giờ không nhà cửa, Anh Krause và gia đình anh sống trong một trại tị nạn ở Cottbus và bắt đầu tham dự nhà thờ ở đó. Ngay lập tức, anh được kêu gọi lãnh đạo chi nhánh Cottbus. Bốn tháng sau, vào tháng Mười Một năm 1945, xứ sở vẫn còn đổ nát, chủ tịch giáo hạt Richard Ranglack đến hỏi Anh Krause anh nghĩ gì về việc đi truyền giáo. Câu trả lời của Anh Krause phản ảnh sự cam kết của anh đối với Giáo Hội. Anh nói: “Tôi không phải nghĩ gì cả về điều ấy. Nếu Chúa cần tôi, tôi sẽ đi.”

Anh ra đi vào ngày 1 tháng Mười Hai năm 1945 với số tiền 20 đồng mác Đức trong túi và một mẫu bánh mì khô. Một trong các tín hữu chi nhánh cho anh một cái áo choàng mùa đông bỏ lại từ người con trai của người này đã chết trận. Một tín hữu khác, là người thợ giày, cho anh một đôi giày. Với những món đồ này, với hai áo sơ mi, hai khăn tay và hai cặp vớ dài, anh đã ra đi truyền giáo.

Có lần, giữa mùa đông, anh đã lội bộ từ Prenzlau đến Kammin, một ngôi làng nhỏ ở Mecklenburg, nơi có 46 ngưòi tham dự buổi họp. Anh đi đến vào khuya hôm đó sau sáu tiếng lội bộ trên những con đường phố, con đường mòn và cuối cùng ngang qua các cánh đồng đã được cày xới. Ngay trước khi anh tới ngôi làng, anh đi đến một khu vực lớn, trắng xóa, bằng phẳng làm cho rất dễ đi và chẳng bao lâu anh tới nhà một tín hữu để nghỉ qua đêm.

Sáng hôm sau, người giữ bãi đất săn bắn gõ cửa nhà người tín hữu và hỏi: “Anh có khách à?”

Câu trả lời là: “Vâng”.

Người giữ bãi đất săn bắn nói tiếp: “Vậy thì ra mà xem những dấu chân của ông ấy.” Khu vực rộng và bằng phẳng mà Anh Krause đã bước qua thực ra là một cái hồ đã bị đóng băng, và trước đó không lâu, người giữ bãi đất săn bắn đã đục một cái lỗ to ở giữa hồ để câu cá. Gió đã thổi tuyết phủ lên cái lỗ đó nên Anh Krause đã không thể thấy sự nguy hiểm trước mặt. Dấu chân anh đi sát bên cạnh bìa cái lỗ và đi thẳng đến nhà của người tín hữu mà không hề biết điều gì về việc này. Với sức nặng của túi đeo lưng và đôi giày cao su của mình, anh chắc chắn đã bị chết đuối nếu anh đi thêm một bước nữa xuống cái lỗ mà anh không thể thấy. Sau này anh nhận xét rằng sự kiện này đã làm sôi động ngôi làng lúc bấy giờ.7

Cả cuộc đời của Anh Krause là cầu nguyện và rồi ra đi.

Nếu có ai trong chúng ta cảm thấy không thích đáng hay có khuynh hướng nghi ngờ khả năng đáp ứng một sự kêu gọi của chức tư tế để phục vụ Chúa, thì hãy nhớ đến lẽ thật thiêng liêng này: “Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.”8

Cách đây không lâu, tôi có biết về sự qua đời của James Womack, vị tộc trưởng của Giáo Khu Shreveport Louisiana. Ông đã phục vụ lâu năm và đã ban phước cho rất nhiều người. Nhiều năm trước đó, Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã chia sẻ với Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, Anh Cả Bruce R. McConkie và tôi một kinh nghiệm mà ông có trong việc chỉ định một vị tộc trưởng cho Giáo Khu Shreveport Louisiana của Giáo Hội. Chủ Tịch Kimball mô tả cách thức ông phỏng vấn, cách thức ông tìm tòi và cách thức ông cầu nguyện để ông có thể biết được ý muốn của Chúa liên quan đến sự chọn lựa này. Vì một số lý do nào đó, không một ai trong số những người được đề nghị lại thích đáng với sự kêu gọi này vào thời điểm đặc biệt đó.

Ngày trôi qua; các buổi họp buổi chiều bắt đầu. Đột nhiên Chủ Tịch Kimball quay qua vị chủ tịch giáo khu và yêu cầu ông cho biết danh tính của một người đặc biệt ngồi gần cuối giáo đường. Vị chủ tịch giáo khu trả lời rằng người ấy là James Womack, và rồi thì Chủ Tịch Kimball nói: “Anh ấy là người mà Chúa đã chọn để làm vị tộc trưởng giáo khu của anh. Xin cho anh ấy họp với tôi trong phòng hội đồng thượng phẩm tiếp theo buổi họp này.”

Chủ tịch giáo khu Charles Cagle sửng sốt, vì James Womack không trông như một người bình thường. Anh ấy đã bị thương nặng trong khi đánh giặc trong Đệ Nhị Thế Chiến. Anh đã mất cả hai bàn tay và một phần cánh tay, cũng như hầu hết thị lực và một phần thính giác của anh. Không ai muốn cho anh theo học trường luật khi anh trở về vậy mà anh đã ra trường hạng ba trong lớp tại trường đại học Louisiana State University.

Chiều hôm đó khi Chủ Tịch Kimball họp với Anh Womack và cho anh biết rằng Chúa đã chỉ định anh làm tộc trưởng, thì có một sự yên lặng kéo dài trong phòng. Rồi Anh Womack nói: “Thưa Anh Kimball, theo sự hiểu biết của tôi thì một tộc trưởng là phải đặt tay ông lên đầu của người mà ông ban phước cho. Như anh thấy, tôi không có tay để đặt lên đầu của bất cứ ai.”

Anh Kimball, trong cử chỉ ân cần và kiên nhẫn của mình, đã mời Anh Womack đứng sau chiếc ghế mà Anh Kimball đang ngồi. Rồi ông nói: “Nào, Anh Womack, hãy nghiêng về phía trước và thử xem cái cùi của hai cánh tay anh có với tới cái đầu của tôi không.” Trước niềm vui của Anh Womack, chúng sờ vào đầu của Anh Kimball và có tiếng kêu lên: “Tôi có thể với tới anh rồi! Tôi có thể với tới anh rồi!”

“Dĩ nhiên anh có thể với tới tôi,” Anh Kimball trả lời. “Và nếu anh có thể với tới tôi, thì anh có thể với tới bất cứ ai mà anh ban phước cho. Có lẽ tôi là người lùn nhất mà anh sẽ gặp và ngồi trước mặt anh.”

Chủ Tịch Kimball thuật lại với chúng tôi rằng khi tên của James Womack được giới thiệu với đại hội giáo khu, “những bàn tay của các tín hữu đưa nhanh lên cao trong một sự biểu quyết chấp thuận đầy nhiệt thành.”

Chúng ta nhớ đến những lời của Chúa phán cùng Tiên Tri Sa Mu Ên trong lúc Đa Vít được chỉ định để làm vị vua tương lai của Y Sơ Ra Ên: “Con người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng.”9

Thưa các anh em, bất luận chức vụ kêu gọi của chúng ta là gì, bất kể nỗi sợ hãi hay mối lo âu của chúng ta, chúng ta hãy cầu nguyện và rồi ra đi và hành động, và ghi nhớ những lời của Đấng Thầy, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã hứa: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”10

Trong sách Gia Cơ chúng ta được khuyên dạy: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.”11

Chúng ta, với tư cách là nhóm hùng hậu những người nắm chức tư tế, hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ. Chúng ta hãy cầu nguyện, rồi chúng ta hãy ra đi và hành động.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Châm Ngôn 3:5–6.

  2. 1 Các Vua 17:9–11, 13–16; xin xem thêm câu 12.

  3. 1 Nê Phi 3:7.

  4. Xin xem Richard J. Marshall, “Saga of Sacrifice,” Ensign, tháng Tám năm 1974, 66–67.

  5. GLGƯ 100:1.

  6. GLGƯ 84:88.

  7. Xin xem Garold N. Davis và Norma S. Davis, “Behind the Iron Curtain: Recollections of Latter-day Saints in East Germany, 1945–1989,” Brigham Young University Studies 35, số 1 (1995): 54–55.

  8. Ma Thi Ơ 19:26.

  9. 1 Sa Mu Ên 16:7.

  10. Ma Thi Ơ 28:20.

  11. Gia Cơ 1:22.