2002
Sự Vâng Lời Bởi Đức Tin
THÁNG BẢY NĂM 200


Sự Vâng Lời Bởi Đức Tin

“Sự vâng lời bởi đức tin” là một vấn đề tin cậy. Câu hỏi rất giản dị: chúng ta có tin cậy Cha Thiên Thượng của mình không? Chúng ta có tin cậy các tiên tri của mình không?

Trong thế giới mà chúng ta đang sống, những sự việc không phải luôn giống như vẻ bề ngoài của chúng. Đôi khi chúng ta không biết được những lực lượng mạnh mẽ đang cám dỗ chúng ta. Bề ngoài có thể rất dễ làm cho lầm lẫn.

Cách đây một vài năm, tôi đã có một kinh nghiệm với bề ngoài mà dễ làm cho lầm lẫn nơi mà kết quả có thể rất là bi thảm. Người em bà con của vợ tôi và gia đình đến thăm chúng tôi từ Utah. Đó là một ngày mùa hè yên tĩnh trên bờ biển Oregon và chúng tôi đang câu cá trên đại dương. Lúc ấy thực là thú vị và chúng tôi đang thích thú câu cá hồi, thì vì một lý do nào đó, tôi quay lại và thấy một đợt sóng lớn cao 2 thước rưỡi đang tiến tới nơi phía chúng tôi. Tôi chỉ còn có thời giờ để thét lên tiếng báo động trước khi đợt sóng đánh vào bên mạn tàu của chúng tôi. Vì một lý do nào đó, chiếc tàu vẫn đứng thẳng, nhưng Gary, người em bà con của chúng tôi, bị văng ra khỏi tàu. Tất cả chúng tôi đều mặc áo phao và với một chút khó khăn đã khéo léo điều khiển chiếc tàu, bị nước ngập gần nửa, đến nơi mà anh ấy đang nổi lên và kéo anh ấy lên tàu.

Chúng tôi đã bị cái gọi là đợt sóng ngầm đánh trúng. Nó không xảy ra thường xuyên và không có cách nào để biết trước sự xảy ra đó. Sau này chúng tôi biết được rằng dọc theo bờ biển Oregon-Washington, năm người đã bị chết đuối vào ngày đó, trong ba tai nạn khác bằng tàu. Tất cả đều cũng bị đợt sóng ngầm đó đánh trúng, mà không có một nguyên cớ rõ rệt nào để nổi lên trên mặt đại dương. Vào lúc chúng tôi đi lên bờ cát, mặt đại dương phẳng lặng và yên tĩnh và không cho thấy dấu hiệu của bất cứ hiểm nguy nào. Nhưng đại dương hóa ra giả tạo và không có vẻ gì như nó thực sự như thế.

Khi chúng ta thành công trong cuộc sống này, chúng ta phải luôn luôn đề phòng và coi chừng những điều dễ làm cho lầm lẫn và không giống như bề ngoài của chúng. Nếu chúng ta không cẩn thận, đợt sóng ngầm trong đời có thể làm chết người như những đợt sóng ngầm trong đại dương.

Một trong những mánh khóe ngầm của kẻ nghịch thù là làm cho chúng ta tin rằng việc sẵn lòng tuân theo các nguyên tắc và các giáo lệnh của Thượng Đế là sự mù quáng vâng lời. Mục tiêu của nó là làm cho chúng ta tin rằng chúng ta phải đi theo những đường lối vật chất và những tham vọng ích kỷ riêng của chúng ta. Nó làm điều này bằng cách làm cho chúng ta tin rằng tuân theo các tiên tri “một cách mù quáng” và tuân theo các giáo lệnh là không nghĩ đến bản thân mình. Nó dạy rằng việc làm một điều gì đó chỉ vì chúng ta được một tiên tri tại thế bảo phải làm hay được các tiên tri nói với chúng ta từ thánh thư là không thông minh.

Việc sẵn lòng tuân theo các giáo lệnh của Chúa không phải là sự mù quáng vâng lời. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy chúng ta về điều này tại đại hội tháng Tư năm 1983: “Các Thánh Hữu Ngày Sau không vâng lời bởi vì họ bị bắt buộc để vâng lời. Họ vâng lời bởi vì họ biết một số lẽ thật thuộc linh và đã quyết định, như một sự biểu lộ quyền tự quyết của cá nhân họ, để tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế… . Chúng ta không vâng lời bởi vì chúng ta mù quáng, chúng ta vâng lời bởi vì chúng ta có thể thấy được” (“Agency and Control,” Ensign, tháng Năm năm 1983, 66).

Chúng ta có thể gọi điều này là “sự vâng lời bởi đức tin.” Với đức tin, Áp Ra Ham đã vâng lời trong việc chuẩn bị dâng Y Sác làm của lễ thiêu; với đức tin, Nê Phi đã vâng lời trong việc đi lấy các bảng khắc bằng đồng; với đức tin, một đứa nhỏ đã vâng lời nhảy từ trên cao vào đôi tay mạnh mẽ của cha nó. “Sự vâng lời bởi đức tin” là một vấn đề tin cậy. Câu hỏi rất giản dị: chúng ta có tin cậy Cha Thiên Thượng của mình không? Chúng ta có tin cậy các tiên tri của mình không?

Một sự lừa gạt khác của kẻ nghịch thù là làm cho chúng ta tin rằng sự khôn ngoan và kiến thức của thế gian là nguồn hiểu biết duy nhất mà chúng ta phải theo. Em của tiên tri Nê Phi là Gia Cốp, đã hiểu được kế hoạch của kẻ nghịch thù và đã cảnh cáo chúng ta về điều này:

“Ôi, xảo quyệt thay kế hoạch của kẻ đại ác! Ôi, tánh kiêu căng, sự yếu đuối, sự rồ dại của loài người! Một khi có học thức họ lại tự cho mình là khôn ngoan, và họ không còn để tâm nghe lời khuyên của Thượng Đế, vì họ đã để những lời ấy ra ngoài tai và tự cho rằng mình đã thông hiểu hết mọi sự việc, vì thế, sự thông thái của họ chỉ là một sự rồ dại, không đem lại lợi ích gì cho họ hết, và họ sẽ bị hủy diệt” (2 Nê Phi 9:28).

Gia Cốp không nói rằng chúng ta không được có học thức. Ông tiếp tục bảo chúng ta rằng việc có học thức là một điều tốt, miễn là chúng ta để tâm lắng nghe những lời khuyên dạy của Thượng Đế.

Một số người tiếp tục tin rằng các anh chị em có thể lựa ra và chọn giáo lệnh nào trong số các giáo lệnh của Thượng Đế để tuân theo. Họ thấy thật tiện lợi để gán cho nhiều giáo lệnh là những việc nhỏ nhặt mà có thể bỏ qua và không có vẻ như hiểm nguy cho tính mạng hay là quá quan trọng. Những việc như là dâng lời cầu nguyện của mình, tôn trọng ngày Sa Bát, đọc thánh thư, đóng tiền thập phân, tham dự các buổi họp của mình và còn có rất nhiều điều khác nữa.

Cha Thiên Thượng của chúng ta giao tiếp với con cái Ngài trong một cách thức thật rõ ràng. Trong những điều giảng dạy của phúc âm, không có tiếng kèn lộn xộn mà Phao Lô nói đến (xin xem 1 Cô Rinh Tô 14:8). Không có thắc mắc về ý nghĩa của điều được nói đến hay về những cảm nghĩ do Thánh Linh thúc giục. Chúng ta không bị bỏ mặc mà không có sự hướng dẫn. Chúng ta có thánh thư, các tiên tri, cha mẹ và các vị lãnh đạo đầy lòng yêu thương.

Tại sao đôi khi chúng ta lại lạc lối? Tại sao chúng ta để cho bản thân mình bị ảnh hưởng bởi sự lừa gạt của kẻ nghịch thù? Giải pháp cho sự lừa gạt của nó thì giản dị qua câu trả lời của nó nhưng đôi khi khó mà áp dụng được. Chủ Tịch Harold B. Lee tại đại hội tháng Mười năm 1970 đã nói về Chúa, kẻ nghịch thù và giải pháp cho quyền năng lừa gạt của kẻ nghịch thù:

“Chúng ta có những thử thách khó khăn trước khi Chúa hoàn tất công việc với giáo hội này và thế gian trong gian kỳ này, … Quyền lực của Sa Tan sẽ gia tăng; chúng ta sẽ thấy nó ở khắp nơi… . Chúng ta phải học lưu tâm đến những lời phán và các giáo lệnh mà Chúa sẽ ban cho qua tiên tri của Ngài… Sẽ có một số điều mà đòi hỏi sự kiên nhẫn và đức tin” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1970, 152).

Rồi Chủ Tịch Lee thêm vào một lời cảnh cáo khi ông tiếp tục nói rằng chúng ta có thể không luôn luôn thích những gì đến từ giới thẩm quyền của Giáo Hội, bởi vì nó có thể xung đột với những quan điểm riêng của chúng ta hay chen vào phần nào cuộc sống giao du của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu lắng nghe và làm những điều này thể như từ miệng của chính Chúa thì chúng ta sẽ không bị lừa gạt và các phước lành lớn lao sẽ thuộc về chúng ta.

Điều này mang chúng ta về với sự vâng lời. Chúng ta phải luôn vâng lời. Đó là phần của kế hoạch hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi biết không một giáo lý nào có tính cách quyết định hơn cho sự an lạc của chúng ta trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau. Tất cả các thánh thư giảng dạy về sự vâng lời và không một sứ đồ hay tiên tri nào từng sống trước đây mà không giảng dạy nguyên tắc vâng lời.

Đôi khi cần thiết phải vâng lời ngay cả khi chúng ta không hiểu lý do về luật pháp đó. Nó đòi hỏi phải có đức tin để vâng lời. Tiên Tri Joseph Smith, khi giảng dạy về sự vâng lời, đã nói rằng bất cứ điều gì Thượng Đế đòi hỏi đều ngay đúng, mặc dù chúng ta có thể không biết lý do cho đến một thời gian lâu sau này (xin xem Teachings of the Prophet Joseph Smith do Joseph Fielding Smith tuyển chọn [1976], 256).

Tôi biết ơn là chúng tôi đã mặc áo phao trong ngày mùa hè đó trên đại dương. Tôi biết ơn là chúng tôi đã có thể tránh được tai họa mà xảy đến cho những người khác từ đợt sóng ngầm đó. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tiếp tục mặc áo phao của sự vâng lời của mình ngõ hầu tránh được thảm kịch mà chắc chắn sẽ đến nếu chúng ta bị lừa gạt và tuân theo những cám dỗ của kẻ nghịch thù.

Tôi làm chứng cùng với các anh chị em rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống, Ngài yêu thương chúng ta và qua việc sẵn lòng tuân theo các giáo lệnh của Ngài, chúng ta có thể một lần nữa được sống với Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.