2002
Điều Đó Không Thể Xảy Đến Cho Tôi
THÁNG BẢY NĂM 200


Điều Đó Không Thể Xảy Đến Cho Tôi

Tương lai của các em có thể không đầy lợi danh, nhưng nó có thể là một điều gì đó trường cửu và toàn vẹn hơn nhiều. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta làm trong đời tiếp tục tác động trong cuộc sống vĩnh cửu.

Thưa các anh em thân mến của tôi trong chức tư tế của Thượng Đế, trách nhiệm để nói chuyện với các anh em đêm nay thật là to tát. Tôi đã cầu xin được soi dẫn và hướng dẫn và tôi mong muốn các anh em sẽ hiểu điều tôi phải nói.

Một trong những điều không tưởng trong đời là khi con người nghĩ rằng họ là vô địch. Có quá nhiều người nghĩ rằng họ là những người mạnh mẽ, đủ mạnh để chống cự lại bất cứ cám dỗ nào. Họ tự lừa dối mình để nghĩ: “Điều đó không thể xảy đến cho tôi.” Tôi xin mượn một quan điểm từ Bertrand Russell: “Chúng ta đều giống như con gà tây thức dậy vào buổi sáng ngày [lễ Tạ Ơn] chờ mong ăn trưa như thường lệ. Chuyện xấu vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”1 Thưa các anh em, điều đó có thể xảy đến cho bất cứ ai trong chúng ta ở bất cứ lúc nào. Phần nhiều cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các thế lực mà chúng ta chỉ thấy được một phần.

Chủ Tịch Charles W. Penrose thường kể câu chuyện về một viên chức trên chiếc tàu Titanic đã nói rằng thủy thủ đoàn không sợ “Thượng Đế, con người hay quỷ dữ” gì cả, bởi vì chiếc Titanic được đóng một cách kiên cố đến nỗi nó có thể dễ dàng đứng vững nếu bị các tàu khác đụng phải, hay đụng độ với bất cứ sức mạnh nào kể cả băng sơn.2 Thực ra, chiếc Titanic dài khoảng ba trăm thước, cao bằng 12 tầng lầu, và được đóng bằng thép tốt nhất. Vào cái đêm định mệnh 14 tháng Tư năm 1912, các chiếc tàu khác được báo vê tảng băng sơn trước mặt. Tuy nhiên, chiếc Titanic tiếp tục tăng tốc độ của nó, lướt nhanh qua Đại Tây Dương lạnh giá. Vào lúc những người canh gác thấy được băng sơn, thì đã quá trễ. Chiếc Titanic không thể tránh đúng lúc và tảng băng sơn đụng vào mạn phải của chiếc tàu, gây ra một loạt lỗ thủng. Hai giờ và 40 phút sau chiếc Titanic mới toanh chìm xuống đáy đại dương. Hơn 1500 người bị chết đuối.

Thường thường một phần tám của tảng băng sơn trồi lên khỏi mặt nước. Băng trong chỗ lạnh thì đông cứng và giữ bảy phần tám của tảng băng dưới nước. Cũng giống như nó xảy ra cho chiếc tàu Titanic khi đụng phải băng sơn, thì nó cũng xảy đến cho chúng ta. Thường chúng ta chỉ có thể thấy một phần nguy hiểm trước mặt.

Lịch sử đầy dẫy những ví dụ về những người đầy tài trí và khả năng nhưng trong một phút yếu đuối, đã ném bỏ cuộc sống đầy hứa hẹn của họ. Vua Đa Vít là một ví dụ bi thảm. Khi còn niên thiếu, ông rất đẹp trai, can đảm và đầy đức tin. Ông đã giết chết người khổng lồ đáng sợ, Gô Li Át. Ông trở thành vua. Vua có tất cả mọi thứ mà một người có thể ao ước có. Vậy mà khi vua thấy Bát Sê Ba, vua đã muốn bà mặc dù bà là vợ của một người khác. Vua đã gửi chồng của bà, là U Ri người Hê Tít, ra trận, nơi hiểm nguy hơn hết của chiến trận để bị giết chết. U Rít chết trận và Đa Vít cưới Bát Sê Ba. Hậu quả của hành động tà ác này là Đa Vít bị mất sự thừa hưởng thuộc linh.3 Tất cả những việc tốt mà Đa Vít đã hoàn thành, hầu hết đã bị làm cho vô hiệu bởi vì ông đã để cho mình lụy vì một nhược điểm cá nhân nghiêm trọng.

Tôi có lần nghe một người bảo các con trai mình: “Cha có thể lái xe gần mép bìa hơn các con bởi vì cha có nhiều kinh nghiệm hơn các con.” Ông nghĩ rằng ông nắm quyền điều khiển được, nhưng thực sự ông không biết cơ nguy của tình huống đó. “Việc rắc rối với sự sử dụng kinh nghiệm làm một kim chỉ nam là bài thi cuối cùng thường đến trước và rồi mới đến bài học.”4 Một số người nghĩ tuổi và kinh nghiệm của họ làm cho họ có khả năng tốt hơn để chống cự lại cám dỗ. Đây là một điều sai.

Tôi nhớ đã nghe Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. kể về lúc mà một trong số các con cái của ông đi chơi hẹn hò. Ông bảo chúng về nhà vào một giờ giấc nào đó. “Khó chịu vì lời nhắc nhở liên tục, nằng nặc, [đứa con tuổi niên thiếu] đã nói: ’Cha ơi, sao thế, cha không tin con sao?‘

“Câu trả lời của ông chắc phải làm cho đứa con sửng sốt lắm khi ông nói: ’Không [con] của cha, cha không tin con. Cha còn chẳng tin cha nữa mà.‘”5

Vậy thì đối với một số điều “không thể xảy đến cho chúng ta,” tôi đề nghị chúng ta học hỏi từ lời dạy của Chủ Tịch Spencer W. Kimball: “Hãy phát triển sự kỷ luật tự giác để, càng lúc càng nhiều, các anh chị em không phải quyết định và tái quyết định những gì mình sẽ làm khi các anh chị em đối phó đi đối phó lại với cùng một cám dỗ. Các anh chị em chỉ cần quyết định một lần làm một số điều. Phước lành sẽ lớn lao biết bao để tránh việc bị khổ sở đi khổ sở lại vì một cám dỗ. Làm như thế thì mất thời giờ và rất nguy hiểm.”6

Một người nào đó có thể viện lý bằng cách nghĩ rằng “Chỉ một liều ma túy thì sẽ không hại gì tôi.” Điều đó nghe có vẻ vô hại, nhưng xin biết rằng ma túy thì mạnh mẽ như thế nào. Tôi trích dẫn từ một người dùng ma túy: “Không có việc bạn kiềm chế ma túy đâu. Ma túy kiềm chế bạn. Bạn thường không cảm thấy gì hết trong lần đầu tiên. Nhưng đó là lúc nó chế ngự bạn.”7

“Chỉ một điếu thuốc lá—để xem cảm giác như thế nào.” Nhưng hãy coi chừng sự hiểm nguy đang rình rập nơi đây. Chất nicotine tạo ra nghiện ngập rất nặng.8 Chỉ cần bốn điếu thuốc thôi cũng đủ làm cho một người nào đó có chiều hướng trở thành người hút thuốc thường xuyên.9

“Chỉ một lon bia.” Chúng ta không biết được tiềm năng nghiện rượu của mình, nhưng một ly rượu thường dẫn đến một ly rượu khác. Tốt hơn hết là đừng bao giờ uống ly rượu đầu tiên đó. Rồi các anh em biết các anh em không bị dẫn dắt đến gì xa hơn.

“Chỉ mua một tấm vé số.” Điều này thì tinh tế hơn những sự nghiện ngập khác. Các anh em có thể không nghĩ rằng cờ bạc là một sự nghiện ngập bởi vì nó không có chất gì để mang vào cơ thể, nhưng như một người nào đó mới đây đã viết: “Những người mà cờ bạc thì liều mạng hơn là chỉ liều lĩnh tiền bạc. Cuộc đời và gia đình của họ cũng bị lâm nguy.”10

“Chỉ một cái nhìn trộm nơi trang khiêu dâm trên Mạng Lưới Internet, hay một cái liếc nhanh nơi tờ phụ trang kẹp ở giữa một tạp chí thiếu đứng đắn.” Điều đó nghe có vẻ vô hại, nhưng điều chúng ta nhìn thấy lại rất khó để dẹp bỏ hơn thứ mà chúng ta mang vào cơ thể mình. Nhiều kẻ tội phạm thường xuyên xác nhận rằng họ bắt đầu phạm tội khi nhìn vào những bức hình dâm ô.

Một số người có thể nói rằng thỉnh thoảng có trò giải trí không thích đáng thì không sao. Tuy nhiên, điều này rất thường làm cho chúng ta thấy quen với cảnh bạo động, những mối quan hệ tình dục không thích đáng, sự thô tục, lấy danh Chúa làm chơi và những điều tà ác khác có liên quan đến chúng.

Tôi đã nói khá chi tiết về những điều mà các anh em không muốn xảy đến cho mình. Giờ đây chúng ta hãy cùng xem xét một số những điều tốt mà các anh em muốn nó xảy đến cho mình. Nếu các anh em sẵn lòng đặt hết nỗ lực để được thành công, thì những điều tốt, ngay cả những điều lớn lao, có thể xảy đến cho các anh em, mà còn vượt qua những mơ ước và kỳ vọng hão huyền nhất của các anh em! Chúng ta thường không có dù chỉ một thoáng tiềm năng của mình cho hạnh phúc và sự thành tựu trong cuộc sống này và trong cuộc sống vĩnh cửu bởi vì, như Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ.”11 Nhưng viễn ảnh thuộc linh của chúng ta có thể được soi sáng và trở thành trong suốt qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Đấng Cứu Rỗi đã hứa với chúng ta rằng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh, sẽ “dạy dỗ các ngươi mọi sự, và nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều,”12 và “dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.”13

Chúng ta phải nhìn nhận rằng các ân tứ và khả năng tự nhiên của mình thì có giới hạn, nhưng khi chúng được củng cố bởi sự soi dẫn và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì tiềm năng của chúng ta gia tăng thêm nhiều hơn. Các anh em cần sự giúp đỡ từ một quyền năng vượt lên trên quyền năng của mình để làm một điều gì đó hữu ích một cách phi thường. Các em thiếu niên có thể có những cơ hội và nhận được các phước lành lớn lao hơn những mơ ước và kỳ vọng cuồng nhiệt nhất của các em. Tương lai của các em có thể không đầy lợi danh, nhưng nó có thể là một điều gì đó trường cửu và toàn vẹn hơn nhiều. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta làm trong đời tiếp tục tác động trong cuộc sống vĩnh cửu.

Một số các em thiếu niên có thể chưa có một chứng ngôn vững mạnh về nguồn gốc thiêng liêng của Giáo Hội này như cha mẹ các em có. Các em có thể mong ước mình có thể biết chắc hơn rằng Joseph Smith đã thực sự nhìn thấy trong khải tượng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và Sách Mặc Môn thực sự được phiên dịch từ các bảng khắc bằng vàng. Các em có thể có một số nghi ngờ dai dẳng về luật thập phân, luật trinh khiết hay Lời Thông Sáng. Điều này không phải là bất thường đối với một số thiếu niên ở tuổi các em. Đức tin của các em có thể chưa được thử thách trọn vẹn. Các em có thể chưa cần phải bênh vực cho tín ngưỡng hay lối sống của mình. Tôi bảo đảm với các em rằng những điều lớn lao có thể xảy đến cho các em. Các em có thể nhận được một chứng ngôn vững vàng rằng đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và qua Joseph Smith mà phúc âm đã được phục hồi trọn vẹn trên thế gian. Nhưng chứng ngôn đó có thể không đến cho đến khi đức tin của các em được thử thách.14

Cách đây nhiều năm, hai Vị Thẩm Quyền Trung Ướng đã kêu gọi một thanh niên còn rất trẻ làm vị chủ tịch giáo khu mới. Khi đáp lời, vị tân chủ tịch giáo khu đã nói rằng ông sẽ hết lòng tận tụy với chức vụ kêu gọi của mình và sẽ không đòi hỏi bất cứ tín hữu nào của giáo khu ông phải tận tâm hơn ông. Rồi ông chia sẻ chứng ngôn của mình rằng ông hết lòng tin vào phúc âm và dự định sống theo phúc âm.

Sau này vào lúc ăn trưa, một trong hai Vị Thẩm Quyền Trung Ương đã hỏi vị tân chủ tịch giáo khu này rằng ông có tuyệt đối biết phúc âm này là chân chính không. Ông trả lời rằng ông không biết. Vị Sứ Đồ trưởng nói cùng người bạn Sứ Đồ của mình: “Anh ấy hiểu biết bằng như anh hiểu biết. Điều duy nhất mà anh ấy không biết là anh ấy có hiểu biết điều đó. Sẽ chỉ trong một thời gian ngắn rồi anh ấy sẽ hiểu biết điều đó… . Anh không cần phải lo lắng.”

Một thời gian ngắn sau đó, vị tân chủ tịch giáo khu, tiếp theo một kinh nghiệm thuộc linh, đã làm chứng rằng: “Tôi đã nhỏ những giọt lệ biết ơn đối với Chúa về chứng ngôn vĩnh cửu, trọn vẹn, và tuyệt đối mà đã đến với cuộc sống tôi về sự thiêng liêng của công việc này.”15

Nhiều người trong chúng ta không ý thức trọn vẹn về điều chúng ta thực sự biết. Mặc dù chúng ta được giảng dạy phúc âm, nhưng chúng ta có thể không ý thức trọn vẹn về điều mà Chúa đã đặt “trong bụng” và “chép vào lòng”16 chúng ta. Là những thiếu niên đã lập giao ước, các em là những người thừa hưởng những lời hứa trọng đại. Các em có cơ hội trở thành những gì tốt hơn là người “đốn củi xách nước.”17

Tôi không cho là tôi có một sự hiểu biết tuyệt đối về tất cả các nguyên tắc phúc âm, nhưng tôi đã bắt đầu biết một cách chắc chắn về thiên tính và thẩm quyền của Giáo Hội này. Điều này đến với tôi một cách dần dần, từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một. Giờ đây, tôi biết rằng tôi biết, cũng giống như các anh em có thể biết được rằng các anh em biết. Nó có thể xảy đến cho các anh em.

Sự hiểu biết đến qua đức tin. Trong thời kỳ của chúng ta, chúng ta phải bắt đầu hiểu biết sự trung thực của những điều trên các bảng khắc bằng vàng mà không trông thấy chúng. Chúng không có sẵn cho chúng ta để trông thấy và sờ vào chúng như trường hợp của Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng. Một số những người mà đã thực sự nhìn thấy và sờ vào các bảng khắc bằng vàng thì lại không trung thành với giáo hội. Việc trông thấy một thiên sứ là một kinh nghiệm quý báu, nhưng việc đạt được sự hiểu biết về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi qua đức tin và sự làm chứng của Thánh Linh thì quý báu hơn nhiều.18

Các anh em cũng có thể bắt đầu biết được điều các anh em đã biết với tư cách là người con trai dũng cảm của Thượng Đế trong cuộc sống tiền dương thế. Điều đó có thể xảy đến cho các anh em. Nhưng nó sẽ không tự động xảy đến. Các anh em sẽ phải sử dụng đức tin. Cách thức duy nhất để đạt được sự hiểu biết thuộc linh và giữ nó luôn rực sáng là phải khiêm nhường, thành tâm và siêng năng cố gắng tuân giữ tất cả các giáo lệnh.

Tại buổi lễ khai mạc mới đây để kết thúc Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 ở Thành Phố Salt Lake, Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle và Dàn Nhạc Utah Symphony trình bày một nhạc khúc tuyệt vời do John Williams sáng tác riêng cho Thế Vận Hội để làm nhạc chủ đề chính thức. Nó có tựa đề là “Sự Kêu Gọi Các Nhà Vô Địch.” Đêm nay, tôi mong muốn được đưa ra lời kêu gọi những nhà vô địch. Những chữ đầu tiên đầy phấn khích của nhạc khúc này là: citius (nhanh hơn), altius (cao hơn) và fortius (mạnh hơn) và cũng là phương châm chính thức của Thế Vận Hội từ năm 1924.

Thưa các anh em chức tư tế, chúng ta đang sống trong một thời kỳ tuyệt diệu. Chưa bao giờ trong lịch sử của Giáo Hội mà chúng ta có nhiều bằng chứng về lẽ trung thực của công việc thiêng liêng này. Chúng ta bị người khác gièm pha và chỉ trích như chúng ta luôn bị như thế. Nhưng chưa bao giờ mà Giáo Hội lại leo cao hơn, chuyển động nhanh hơn và được mạnh hơn để hoàn thành sứ mệnh của nó. Giờ đây là lúc cho tất cả mọi người chúng ta vươn lên cao và tiến lên trước. Trong công việc của Thượng Đế, chúng ta cũng phải nhanh hơn, làm việc với nhiều khẩn thiết hơn; cao hơn, cố gắng đạt được các mục tiêu thuộc linh cao quý ; và mạnh hơn, trông cậy vào sức mạnh của Thượng Đế. Điều đó có thể xảy đến cho các anh em.

Cách chắc chắn để có được những niềm vui và phước lành đến với các anh em là tuân theo vị tiên tri tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Có rất nhiều điều tốt lành đã đến với chúng ta từ các vị tiên tri tiền nhiệm, nhưng chính tiếng nói của Chủ Tịch Hinckley mà chúng ta cần nghe ngày nay, lời khuyên dạy của ông chúng ta cần tuân theo để những điều tốt đẹp nhất có thể xảy đến cho chúng ta. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men

Ghi chú

  1. The Oxford Companion to Philosophy, do Ted Honderich xuất bản (1995), 610.

  2. Xin xem Joseph Fielding Smith, Church History and Modern Revelation, 2 tập (1953), 1:25.

  3. Xin xem GLGƯ 132:39.

  4. Tác giả vô danh, được trích dẫn trong 1,911 Best Things Anybody Ever Said, do Robert Byrne biên soạn (1988), 386.

  5. Như đã được Harold B. Lee trích dẫn, The Teachings of Harold B. Lee, do Clyde J. Williams xuất bản (1996), 629.

  6. President Kimball Speaks Out (1981), 94.

  7. Guillermo D. Jalil, “Teen Addiction,” trong Street-Wise Drug Prevention: A Realistic Approach to Prevent and Intervene in Adolescent Drug Use (1996), Mạng Lưới Internet, www.nodrugs.com.

  8. Xin xem U.S. Department of Education, “Growing Up Drug Free: A Parent‘s Guide to Prevention, Part 2,” KidSourceOnline, www.kidsource.com.

  9. Xin xem Janet Brigham, “Tobacco: Quitting for Good,” Ensign, tháng Hai năm 2002, 52.

  10. Shanna Ghaznavi, “Don‘t Bet Your Life,” New Era, Feb. 2002, 26.

  11. 1 Cô Rinh Tô 13:12.

  12. Giăng 14:26.

  13. Giăng 16:13.

  14. Xin xem Ê The 12:6.

  15. Heber J. Grant, Gospel Standards, do G. Homer Durham biên soạn (1941), 192–93.

  16. Xin xem Giê Rê Mi 31:33.

  17. Giô Suê 9:21.

  18. Xin xem Giăng 20:29.