2002
Sự Cải Đổi Hoàn Toàn Mang Đến Hạnh Phúc
THÁNG BẢY NĂM 200


Sự Cải Đổi Hoàn Toàn Mang Đến Hạnh Phúc

Hạnh phúc của các anh chị em hiện giờ và mãi mãi tùy thuộc vào mức độ cải đổi và sự thay đổi mà mang đến cho cuộc sống của các anh chị em.

Mỗi người chúng ta đã quan sát cách thức mà một số người luôn sống làm điều đúng. Họ dường như được vui sướng, ngay cả nhiệt thành về cuộc đời. Khi những sự lựa chọn khó khăn được quyết định, thì dường như họ luôn luôn chọn những điều đúng, mặc dù có những sự lựa chọn khác đầy thú vị sẵn sàng cho họ chọn. Chúng ta biết rằng họ hay bị cám dỗ, nhưng dường như họ lãng quên điều đó. Tương tự như thế, chúng ta đã quan sát cách thức mà những người khác thì lại không được dũng cảm như thế trong các quyết định mà họ chọn. Trong một môi trường thuộc linh mạnh mẽ, họ quyết tâm làm tốt hơn, thay đổi lối sống của mình, gạt bỏ những thói quen yếu kém. Họ rất thành thật trong quyết tâm thay đổi, tuy nhiên chẳng bao lâu họ cũng trở lại làm những điều mà họ quyết tâm từ bỏ.

Điều gì tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của hai nhóm người này? Làm thế nào các anh chị em có thể luôn chọn những điều dúng? Thánh thư cho chúng ta sự thấu triệt. Hãy xem Phi E Rơ đầy lòng nhiệt thành và hăng hái. Trong ba năm, ông đã phục vụ với tư cách là một Sứ Đồ bên cạnh Đấng Thầy, quan sát những phép lạ và lắng nghe những lời giảng dạy làm thay đổi lòng người và những lời giải thích riêng về các ngụ ngôn. Với Gia Cơ và Giăng, Phi E Rơ đã trông thấy Sự Biến Hình đầy vinh quang của Chúa Giê Su Ky Tô kèm theo sự viếng thăm của Môi Se và Ê Li.1 Vậy mà với tất cả những điều này, Đấng Cứu Rỗi có thể nhìn thấy rằng Phi E Rơ vẫn còn thiếu tính kiên định. Đấng Thầy đã biết ông rất rõ, như Ngài biết rất rõ mỗi người chúng ta. Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc:

“Hỡi Si Môn, Si Môn, nầy, quỉ Sa Tan đã đòi sàng sảy ngươi… . Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã cải đổi hãy làm cho vững chí anh em mình. Phi E Rơ thưa rằng: Thưa Chúa, tôi sẵn lòng đi theo Chúa, đồng tù đồng chết.”2 Chắc chắn những lời này không phải, theo quan điểm của Phi E Rơ, là những lời vô nghĩa. Ông thành thật có ý đó khi nói thế nhưng ông lại hành động khác.

Sau này, tại Núi Ô Li Ve, Chúa Giê Su đã nói tiên tri cùng các môn đồ của Ngài: “Hết thảy các ngươi sẽ gặp dịp vấp phạm; vì có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì bầy chiên sẽ tan lạc.” Phi E Rơ lại đáp: “Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, nhưng tôi chẳng hề làm vậy.” Rồi Đấng Thầy điểm tĩnh tiên tri: “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay, cũng trong đêm nay, trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần.” Phi E Rơ lại còn đáp kịch liệt hơn: “Dầu tôi phải chết cùng thầy, tôi cũng chẳng chối thầy đâu.” 3

Đối với tôi, một trong những đoạn đắng cay nhất trong thánh thư mô tả điều đã xảy ra sau đó. Đó là một nhắc nhở thấm thía cho mỗi người chúng ta mà biết làm điều đúng, ngay cả ước muốn nhiệt thành để làm điều đúng, thì không đủ. Thường thì rất khó để thực sự làm những gì mà chúng ta biết rõ là chúng ta phải làm. Chúng ta đọc:

“Một con đòi kia thấy [Phi E Rơ]… và nói rằng: Người này vốn cũng ở với người ấy. Song Phi E Rơ chối… nói rằng: Hỡi đờn bà kia, ta không biết người đó… . Có người khác thấy Phi E Rơ, nói rằng: Ngươi cũng thuộc về bọn đó! Phi E Rơ đáp rằng: Hỡi người, ta không phải thuộc về bọn đó đâu… . Có kẻ khác đề quyết như vậy mà rằng: … Thật người này cũng ở với Giê Su… . Nhưng Phi E Rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đương lúc Phi E Rơ còn nói, thì gà liền gáy; Chúa xây mặt lại ngó Phi E Rơ. Phi E Rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình,… rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.”4

Sự xác nhận đó của lời tiên tri chắc phải thật là đau đớn cho Phi E Rơ, cuộc đời của ông bắt đầu thay đổi mãi mãi. Ông đã trở thành người tôi tớ kiên quyết, cứng rắn và thiết yếu cho kế hoạch của Đức Chúa Cha sau khi Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và phục sinh. Đoạn thánh thư đầy cảm động này cũng giải thích rõ tình yêu thương thật nhiều của Đấng Cứu Rỗi đối với Phi E Rơ. Mặc dù Ngài đang ở trong thử thách mãnh liệt đè nặng trên mạng sống của Ngài, với tất cả gánh nặng của những gì sẽ xảy ra cho đôi vai Ngài, vậy mà Ngài đã quay mặt lại và nhìn Phi E Rơ—tình yêu thương của người thầy truyền sang cho người môn sinh yêu quý , ban cho sự can đảm và sự soi sáng trong lúc khó khăn. Sau đó, Phi E Rơ đã đạt được tiềm năng trọn vẹn của chức vụ kêu gọi của ông. Ông đã giảng dạy với quyền năng và chứng ngôn vững vàng mặc cho những đe dọa, tù đày và đánh đập. Ông đã thực sự cải đổi.

Đôi khi chữ cải đổi được dùng để mô tả khi một người thành thật quyết định chịu phép báp têm. Tuy nhiên, khi được sử dụng đúng, sự cải đổi có ý nghĩa hơn hẳn thế, đối với người mới cải đạo cũng như người tín hữu lâu năm. Chủ Tịch Marion G. Romney đã giải thích sự cải đổi với đặc tính rõ ràng và chính xác của giáo lý :

“Được cải đổi có nghĩa là thay đổi từ một tín ngưỡng hay một lối hành động này thành một tín ngưỡng hay một lối hành động khác. Sự cải đổi là một sự thay đổi phương diện thuộc linh và đạo đức. Được cải đổi không chỉ chứa đựng sự chấp nhận Chúa Giê Su và những lời giảng dạy của Ngài mà còn là một đức tin làm động cơ thúc đẩy nơi Ngài và nơi phúc âm của Ngài về phần tinh thần. Một đức tin mà đưa đến sự biến đổi, một sự thay đổi thực sự trong sự hiểu biết của một người về ý nghĩa của cuộc sống và trong lòng trung thành của người ấy đối với Thượng Đế trong sở thích, trong ý nghĩ và trong tính nết. Nơi một người mà thực sự và trọn vẹn cải đổi, thì ước muốn về những điều trái ngược với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã thực sự mất đi. Và vì thế, một tình yêu mến Thượng Đế được thay vào với một quyết tâm kiên định và tuyệt đối để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.”

Để được cải đạo, các anh chị em phải nhớ sốt sắng áp dụng trong cuộc sống mình những chữ chính yếu “một tình yêu mến Thượng Đế với một quyết tâm kiên định và tuyệt đối để tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.” Hạnh phúc của các anh chị em hiện giờ và mãi mãi tùy thuộc vào mức độ cải đổi và sự thay đổi mà mang đến cho cuộc sống của các anh chị em. Vậy thì làm thế nào các anh chị em có thể trở thành thực sự cải đổi? Chủ Tịch Romney mô tả những bước mà các anh chị em phải đi theo:

“Vai trò tín hữu trong Giáo Hội và sự cải đổi không nhất thiết phải đồng nghĩa. Việc được cải đổi và có được một chứng ngôn cũng không nhất thiết phải cùng là một. Một chứng ngôn đến khi Đức Thánh Linh ban cho người thiết tha tìm kiếm một lời chứng về lẽ thật. Một chứng ngôn đầy cảm động củng cố đức tin. Tức là nó đem lại sự hối cải và sự tuân theo các giáo lệnh. Sự cải đổi là kết quả hay phần thưởng cho sự hối cải và sự vâng lời.”5

Nói một cách đơn giản, sự cải đổi thực sự là kết quả của đức tin, sự hối cảisự vâng lời liên tục. Đức tin đến qua việc lắng nghe lời của Thượng Đế6 và đáp ứng lại. Các anh chị em sẽ nhận được từ Đức Thánh Linh một lời chứng xác nhận về những điều mà các anh chị em chấp nhận bằng đức tin bằng cách sẵn lòng thực hiện chúng.7 Các anh chị em sẽ được hướng dẫn để hối cải về những lỗi lầm do việc làm những điều sai hay không làm những điều đúng. Kết quả là khả năng của các anh chị em để vâng lời liên tục sẽ được củng cố. Chu kỳ của đức tin, sự hối cải, và sự vâng lời liên tục sẽ dẫn các anh chị em đến một sự cải đạo lớn lao hơn với những phước lành kèm theo nó. Sự cải đổi thực sự sẽ củng cố khả năng của các anh chị em để làm những gì mà các anh chị em biết các anh chị em nên làm, khi nào các anh chị em nên làm, bất luận trong hoàn cảnh nào.

Chuyện ngụ ngôn về người gieo giống được Chúa Giê Su giảng dạy thường được xem như để mô tả cách thức mà lời của Chúa được tiếp nhận bởi nhiều người khác nhau khi lời của Chúa được rao giảng. Hãy suy ngẫm trong một giây lát cách thức mà chuyện ngụ ngôn này cũng có thể áp dụng cho các anh chị em trong những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống của mình, khi các anh chị em gặp thử thách hay chịu dưới những ảnh hưởng mạnh mẽ. Lời, hay những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi, có thể đến với các anh chị em trong nhiều cách thức: khi các anh chị em quan sát những người khác, hoặc qua lời cầu nguyện của các anh chị em hoặc suy ngẫm thánh thư, hoặc qua sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Khi tôi lặp lại lời giải thích mà Chúa Giê Su ban cho các môn đồ của Ngài về chuyện ngụ ngôn người gieo giống, thì hãy ngẫm nghĩ lại cuộc sống của các anh chị em. Hãy xem có những thời kỳ mà những lời giảng dạy đúng đắn đến với các anh chị em trong những hoàn cảnh không thích đáng để tiếp nhận chúng và vì thế những kết quả hạnh phúc, bình an và tiến triển đã được hứa thì lại mất đi không.

“Người gieo giống ấy là gieo đạo. Những kẻ ở dọc đường, … nhưng vừa mới nghe đạo, tức thì quỉ Sa Tan đến, cướp lấy đạo đã gieo trong lòng họ đi.”

Điều đó có thể xảy đến cho các anh chị em, trong môi trường xấu, với những người bạn xấu chăng?

“Những người chịu giống gieo nơi đất đá sỏi, là những kẻ nghe đạo, liền vui mừng chịu lấy; song vì trong lòng họ không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, nên nỗi gặp khi vì cớ đạo mà xảy ra… bắt bớ… thì liền vấp phạm.”

Các anh chị em đã từng ở trong hoàn cảnh mà một người nào đó đề nghị một điều gì không thích đáng và các anh chị em đã không làm gì để chống cự lại nó không?

“Còn những kẻ chịu giống gieo nơi bụi gai, là kẻ đã nghe đạo; song sự lo lắng về đời này… và các sự tham muốn khác thấu vào lòng họ, làm cho nghẹt ngòi đạo, và trở nên không trái.”

Đã có những lần mà các anh chị em rất muốn một điều gì đó đến nỗi các anh chị em bào chữa là một ngoại lệ cho các tiêu chuẩn của mình không?

“Những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm.”8

Tôi biết đây là cách thức mà các anh chị em muốn sống cuộc sống của mình. Cách thức các anh chị em sẵn lòng và trọn vẹn chấp nhận những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi xác định bao nhiêu kết quả, là các phước lành, mà các anh chị em sẽ gặt hái được trong cuộc sống của mình. Chuyện ngụ ngôn này giải thích rõ mức độ mà các anh chị em sẵn lòng tuân theo những điều mà mình biết mình nên làm, chống lại sự biện minh để làm khác đi, sẽ xác định các anh chị em thực sự cải đổi như thế nào, và như thế, thì Chúa có thể ban phước cho các anh chị em bao nhiêu.

Sự cải đổi thực sự sinh ra kết quả của hạnh phúc lâu dài mà có thể được thụ hưởng ngay cả trong thế gian đang hỗn loạn và đa số những người không có hạnh phúc. Sách Mặc Môn dạy về một nhóm người đang gặp khó khăn: “Họ vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, đến nỗi tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan và an ủi, phải trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa, và họ có được sự thánh hóa này là nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.”9

Chủ Tịch Hinckley đã nói rằng chính sự cải đổi thực sự đã tạo ra sự khác biệt.10

Để nhận được các phước lành đã được hứa từ sự cải đổi thực sự, hãy có những thay đổi mà các anh chị em biết là cần thiết trong cuộc sống hiện giờ của mình. Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Các ngươi không muốn trở về cùng ta chăng? Các ngươi không muốn hối cải tội lỗi và cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng? … Nếu các ngươi đến cùng ta thì các ngươi sẽ được cuộc sống vĩnh cửu.”11

Tôi xin làm chứng rằng khi các anh chị em cầu nguyện để được sự hướng dẫn, Đức Thánh Linh sẽ giúp nhận ra những thay đổi cá nhân mà các anh chị em cần có để làm một sự cải đổi trọn vẹn. Rồi Chúa có thể ban phước cho các anh chị em một cách dồi dào hơn. Đức tin của các anh chị em nơi Ngài sẽ được củng cố, khả năng của các anh chị em để hối cải sẽ gia tăng, và quyền năng của các anh chị em để vâng lời liên tục sẽ được làm cho mạnh thêm. Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Ngài yêu thương các anh chị em. Khi các anh chị em cố gắng hết sức mình, Ngài sẽ giúp các anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Xin xem Ma Thi Ơ 17:3; 1 Các Vua 17:1; GLGƯ 110:13.

  2. Lu Ca 22:31–32; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. Xin xem Mác 14:27, 29–31.

  4. Lu Ca 22:56–62.

  5. Trong Conference Report, Đại Hội Giáo Vùng Guatemala năm 1977, 8–9.

  6. Xin xem Rô Ma10:17; Joseph F. Smith, Gospel Doctrine, ấn bản lần thứ 5 (1939), 99.

  7. Xin xem Ê The 12:6.

  8. Mác 4:14–20.

  9. Hê La Man 3:35.

  10. Hội nghị chuyên đề của những đại biểu giáo vùng, ngày 6 tháng Tư năm 1984, như được trích trong W. Mack Lawrence, “Conversion and Commitment,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 75.

  11. 3 Nê Phi 9:13–14.