2002
Sự Sống Đời Đời Trong Chúa Giê Su Ky Tô
THÁNG BẢY NĂM 200


Sự Sống Đời Đời Trong Chúa Giê Su Ky Tô

Để biết được Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta và tất cả nhân loại phải chấp nhận Ngài. Và để chấp nhận Ngài, chúng ta phải chấp nhận các tôi tớ của Ngài.

Cách đây gần hai ngàn năm, một người trẻ tuổi giàu có đã đặt một câu hỏi vô cùng quan trọng cho Đấng Cứu Rỗi: “Thưa Thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?” (Ma Thi Ơ 19:16). Khi “nghe xong” những lời chỉ dạy của Đấng Cứu Rỗi, và lời mời gọi dịu dàng của Ngài “hãy đến mà theo ta” (Ma Thi Ơ 19:21) thì người trẻ tuổi giàu có “đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm” (Ma Thi Ơ 19:22).

Thảm thương thay, hằng triệu người trên thế gian ngày nay vẫn còn coi trọng và chọn “của cải của thế gian” hơn “của cải của sự vĩnh cửu” (GLGƯ 38:39), không biết hay không hiểu trọn vẹn rằng “kẻ nào được hưởng cuộc sống vĩnh cửu tức là kẻ đó giàu có rồi vậy” (GLGƯ 6:7; sự nhấn mạnh được thêm vào), và cuộc sống vĩnh cửu là ân tứ lớn lao nhất của Thượng Đế ban cho con người (xin xem GLGƯ 14:7). Nói một cách đơn giản, thì cuộc sống vĩnh cửu là sống mãi mãi với tư cách là gia đình nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 132:19–20, 24, 55).

Trong Lời Cầu Nguyện Thay quan trọng của Ngài, Đấng Cứu Rỗi ban cho tất cả nhân loại bí quyết để đạt được cuộc sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3)

Nhưng làm thế nào con người có thể biết được Thượng Đế chân chính duy nhất?

Đấng Cứu Rỗi đáp: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6).

Tôi làm chứng rằng con đường duy nhất mà chúng ta và tất cả nhân loại có thể đến cùng Cha Thiên Thượng của chúng ta và biết được Ngài và nhờ thế đạt được cuộc sống vĩnh cửu, là đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và biết được Ngài.

Nhưng Chúa Giê Su Ky Tô la ai mà chúng ta phải đến cùng Ngài và biết Ngài? Tôi biết không có một bản khái lược nào về tính danh và vai trò kỳ diệu của Chúa Giê Su Ky Tô hơn bản tuyên ngôn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai có tựa đề là “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” mà tôi trích dẫn từ đó:

“[Chúa Giê Su Ky Tô] là Đức Giê Hô Va Vĩ Đại của Kinh Cựu Ước, Đấng Mê Si của Kinh Tân Ước. Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Ngài là Đấng sáng tạo thế gian… .

“… Ngài đã phó mạng sống của Ngài để chuộc tội lỗi cho tất cả nhân loại… .

“… Ngài là Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, Con Độc Sinh trong xác thịt, Đấng Cứu Chuộc của thế gian.

“Ngài sống lại từ ngôi mộ để “là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (1 Cô Rinh Tô 15:20). Là Chúa Phục Sinh, Ngài … phục sự giữa các ’chiên khác’ của Ngài (Giăng 10:16) ở Mỹ Châu thời xưa… .Ngài và Cha Ngài hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith, khởi đầu cho gian kỳ “của kỳ mãn” đã được hứa từ lâu (Ê Phê Sô 1:10)… .

“…Chức tư tế của Ngài và giáo hội của Ngài đã được phục hồi trên thế gian—’đã được dựng lên trên nền của …các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà’ (Ê Phê Sô 2:20).

“… Một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại thế gian… [và] sẽ cai trị với tư cách là Vua của Các Vua và trị vì như Chúa của Các Chúa… . Mỗi người chúng ta sẽ đến đứng trước mặt Ngài để chịu sự phán xét của Ngài… .

“… Các Sứ Đồ được chính thức sắc phong của Ngài [làm chứng] rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô Hằng Sống, Vị Nam Tử bất diệt của Thượng Đế. Ngài là vị Vua Em Ma Nu Ên cao trọng… Ngài là sự sáng, sự sống và hy vọng của thế gian” (Liahona, tháng Tư năm 2000, 2–3).

Việc biết được Chúa Giê Su Ky Tô là ai thật là kỳ diệu và tuyệt đối thiết yếu.

Nhưng lần nữa, tôi làm chứng rằng con đường duy nhất mà chúng ta và tất cả nhân loại có thể đến cùng Cha Thiên Thượng của chúng ta và biết được Ngài và nhờ thế đạt được cuộc sống vĩnh cửu, là đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và biết được Ngài.

Biết được Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì và làm thế nào chúng ta có thể biết được Ngài?

Đấng Cứu Rỗi đáp: “Cổng hẹp và đường chật dẫn đến sự tôn cao và sự tiếp nối cuộc sống, và kẻ kiếm được thì ít, vì trong thế gian các ngươi không chấp nhận ta và cũng không biết ta. Nhưng nếu các ngươi chấp nhận ta trong thế gian thì các ngươi sẽ hiểu biết ta” (GLGƯ 132:22–23).

Chúng ta có thể thấu hiểu thực sự và trọn vẹn những lời của Ngài không? “Nếu các ngươi chấp nhận ta”—Đức Giê Hô Va Vĩ Đại, Đấng Mê Si, Đấng Sáng Tạo thế gian, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian, Vị Nam Tử bất diệt của Thượng Đế—“Nếu các ngươi chấp nhận ta… thì các ngươi sẽ hiểu biết ta” (GLGƯ 132:23; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Để biết được Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta và tất cả nhân loại phải chấp nhận Ngài. Và để chấp nhận Ngài, chúng ta phải chấp nhận các tôi tớ của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 10:40; GLGƯ 1:38; 68:8–9; 84:36; 112:20).

Để chấp nhận Ngài, chúng ta phải chấp nhận phúc âm trọn vẹn của Ngài, giao ước vĩnh cửu của Ngài, kể cả mọi lẽ thật hay luật pháp, giao ước và giáo lễ cần thiết cho nhân loại để trở về nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 39:11; 45:9; 66:2; 76:40–43; 132:12; 133:57).

Để chấp nhận Ngài, các con trai trung tín của Thượng Đế phải chấp nhận chức tư tế của Ngài và làm vinh hiển các chức vụ kêu gọi của họ (GLGƯ 84:33–35).

Nhưng cuối cùng, để chấp nhận Ngài và biết Ngài, chúng ta và tất cả nhân loại phải, như Mô Rô Ni đã khuyên nhủ: “hãy đến với Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32; sự nhấn mạnh được thêm vào). Nói cách khác, chúng ta phải đến với Đấng Ky Tô và cố gắng “trở nên” giống như Ngài (xin xem Dallin H. Oaks, “The Challenge to Become,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 40–43).

Chúa phục sinh đã phán: “Các ngươi nên là những người như thế nào? Quả thật, ta nói với các ngươi rằng các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27). Ý nghĩa của chữ nên được dùng trong câu hỏi của Ngài: “Các ngươi nên là những người như thế nào?” là chủ yếu để hiểu câu trả lời của Ngài: “Phải giống như ta vậy.” Chữ nên có nghĩa là “cần phải” hay “phải bị bó buộc với bổn phận hay nghĩa vụ đạo đức” (Noah Webster’s First Edition of an American Dictionary of the English Language, ấn bản lần thứ 7 [1993], “nên”; xin xem thêm Lu Ca 24:26), gợi ý—và thánh thư, cổ xưa và hiện đại, xác nhận—rằng đó là “cần thiết,” và chúng ta bị “bó buộc,” bằng giao ước, “để được” như Ngài tuyên phán: “phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27; xin xem thêm 3 Nê Phi 12:48; Ma Thi Ơ 5:48; 1 Giăng 3:2; Mô Rô Ni 7:48).

Tôi cầu nguyện rằng “sẽ [sớm] đến lúc sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi sẽ lan tràn đến mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi sắc ngữ, và mọi dân tộc” (Mô Si A 3:20; xin xem thêm Môi Se 7:62; Ê Sai 11:9), và tất cả những người mà có sự hiểu biết đó có thể chấp nhận Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, và biết Ngài, để họ có thể đến cùng Cha Thiên Thượng, và biết Ngài và nhờ thế mà đạt được cuộc sống vĩnh cửu, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.