2002
Dễ Dạy
THÁNG BẢY NĂM 200


Dễ Dạy

Bằng cách dễ dạy, chúng ta vận dụng sức mạnh trọn vẹn và các phước lành của Sự Chuộc Tội vào cuộc sống của mình.

Các môn đồ chân thật của Đấng Thầy đều dễ dạy. Chỉ trong một vài lời, Áp Ra Ham ban cho chúng ta nhiều thấu triệt về lý do mà ông đã được ban phước nhiều như thế. Ông đã sống một đời “…khao khát nhận được những lời giáo huấn từ Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.”1 “Việc mong muốn nhận được những lời giáo huấn” thì còn hơn việc sẵn lòng lắng nghe. Khi lòng mong muốn của chúng ta để nhận được lời giáo huấn là một sức mạnh lớn lao hơn sự an ủi về thực trạng của chúng ta, thì chúng ta trở nên dễ dạy.

Chủ Tịch Brigham Young đã dạy “bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta [là] tìm tiếm Chúa cho đến khi chúng ta khai mở con đường giao tiếp từ Thượng Đế đến tâm hồn của mình.”2 Ngay sau khi cái chết của ông, Tiên Tri Joseph Smith đã hiện đến trong giấc mơ của Brigham Young và chỉ dẫn cho Brigham Young: “… Hãy bảo các tín hữu biết khiêm nhường và trung tín, và hãy chắc chắn tuân giữ linh của Chúa và linh của Ngài sẽ hướng dẫn họ đúng. Hãy cẩn thận và chớ xây khỏi giọng nói êm dịu nhỏ nhẹ; giọng nói ấy sẽ dạy họ phải làm gì và đi đâu; giọng ấy sẽ đưa đến quả của Vương Quốc… .”3

Làm thế nào chúng ta khơi dậy quyền năng của lời giáo huấn thiêng liêng trong cuộc sống của chúng ta? Trước hết, chúng ta cần khởi sự với một sự sẵn lòng để được giáo huấn. Dù rằng nhiều người đói khát sự ngay chính một cách đương nhiên, thì những người khác có thể bị bắt buộc phải khiêm nhường.4 Một số người trong chúng ta, thay vì tuân theo những lời giáo huấn hay tự thay đổi mình, thì chỉ thích thay đổi những quy luật. Na A Man chắc chắn đã muốn vất bỏ đi lớp da bị phung của mình, nhưng đã bỏ đi trong tức giận khi được sứ giả của vị tiên tri bảo chỉ cần tắm mình bảy lần dưới Sông Giô Đanh. Đó là một điều bất tiện, nhỏ nhặt và ông cảm thấy rằng các dòng sông trong xứ của ông tốt hơn Sông Giô Đanh. Nhưng bệnh phung của ông đã được chữa lành khi ông nghe theo lời của các tôi tớ mình, thay đổi ý kiến và đã làm “… theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời.”5 Ông đã nhanh chóng cho thấy rằng có một vị tiên tri và một Đấng Thượng Đế ở Y Sơ Ra Ên. Chúng ta cũng phải nhận biết rằng Thượng Đế đã điều khiển các luật lệ6 và sự thông sáng của Ngài thì lớn lao hơn sự khôn ngoan của chúng ta. Ngay cả Môi Se đã nhận xét, sau khi nhìn thấy được sự oai vệ và tinh thông của Thượng Đế, thì “…con người chả có nghĩa gì hết, đây là một điều tôi không bao giờ nghĩ tới.”7

Thứ hai, chúng ta cần phải phát triển một tinh thần và tâm hồn thích đáng. Điều này có được qua việc thành tâm suy ngẫm và lao tâm.8 Sự lao tâm này là sự lao nhọc thực sự. Nó gồm có những giai đoạn thật tích cực của việc tìm kiếm, lắng nghe và học hỏi thánh thư. Khi tính kiêu hãnh bị triệt hạ và bỏ đi, thì tâm hồn chúng ta được xoa dịu và giờ đây chúng ta có thể chú trọng đến lời khuyên dạy và giáo huấn của thiên thượng. Cha của La Mô Ni, vị vua La Man đầy uy quyền, đã có sự thay đổi đó nơi tiêu điểm, ngay cả rạp mình xuống đất cho thấy sự cam kết quan trọng của vua để biết được Thượng Đế. Vua đã nói: “… con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài, để con có thể được sống lại từ cõi chết và được cứu rỗi vào ngày sau cùng.”9

Thứ ba, chúng ta phải vâng theo lời giáo huấn mà chúng ta nhận được. An Ma nói: “…trắc nghiệm những lời nói của tôi đây, và nếu các người có cần phải vận dụng một chút ít đức tin… .”10 Nê Phi thì chỉ nói: “Con sẽ đi và làm …”11 Thật là một thái độ tuân phục và vâng lời tuyệt diệu khi ông chấp nhận lời khuyên dạy của cha ông trong việc đi lấy các bảng khắc bằng đồng, trong việc được bảo đi săn thú nơi đâu, và trong việc nghe theo lời dạy của Chúa để đóng một chiếc tàu.12 Trong mỗi trường hợp ông đã hành động với sự tin cậy, tiến bước mà “không biết trước được là mình sẽ phải làm gì”13 hay kết quả ra sao. Nhưng bởi vì chúng ta được tự do để chọn lựa, nên đôi khi cuộc sống có thể là một cuộc hành trình khó khăn trong việc áp dụng tấm lòng và tâm trí mình vào các lẽ thật của Thượng Đế. Tuy thế, như Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Chúa kỳ vọng nơi sự suy nghĩ của chúng ta. Ngài kỳ vọng nơi hành động của chúng ta. Ngài kỳ vọng nơi sự lao nhọc của chúng ta.”14

Việc trở nên dễ dạy là một tiến trình học hỏi từng hàng chữ một. Trong tiến trình này chúng ta thay đổi những ý tưởng và cảm nghĩ thành hành động. Nhưng có một phần thưởng lớn cho sự sử dụng này của đức tin chúng ta khi chúng ta khai mở con đường giao tiếp với Chúa. Chúa đã phán: “… phước thay cho những ai biết nghe lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan.”15 Và Ngài cũng phán thêm: “Tất cả những ai biết nghe tiếng nói của Thánh Linh đều sẽ đến với Thượng Đế tức là Đức Chúa Cha.”16

Cách đây vài năm, tôi nhớ đã hỏi cha vợ của tôi, là một vị giám trợ lâu năm, về tấm thẻ 5 phân bề ngang và 7 phân bề dài mà ông luôn bỏ trong túi áo mình. Ông trả lời rằng thỉnh thoảng ông cảm nhận được những ấn tượng hay thúc giục. Rồi thì ông thích lấy tấm thẻ đó ra và viết xuống những cảm tưởng đó, bất cứ lúc nào chúng hiện đến. Và rồi ông cố gắng hành động theo những cảm tưởng đó, càng nhanh càng tốt. Thật là điều khiêm nhường để biết được giọng dịu dàng nhỏ nhẹ luôn dành sẵn cho chúng ta, giảng dạy chúng ta làm gì và đi đâu. Chúa bảo chúng ta rằng khi những thúc giục được lưu tâm đến, thì thường thường sẽ được ban cho nhiều thêm. Nếu chúng ta không tuân theo những thúc giục này, thì cuối cùng chúng bị giảm bớt.

Do sự dễ dạy mà chúng ta đạt được một chứng ngôn còn lớn lao hơn về mối quan tâm của Cha Thiên Thượng đối với chúng ta. Chúng ta đạt được sự an toàn và chắc chắn rằng tiến trình của chúng ta trong cuộc sống phù hợp với ý muốn của Ngài.17 Chúng ta còn có các lý do để sống tốt, các lý do để sống đạo đức và các lý do để thay đổi tính nết của mình. Bằng cách dễ dạy, chúng ta vận dụng sức mạnh trọn vẹn và các phước lành của Sự Chuộc Tội vào cuộc sống của mình. Chúng ta trở nên bén nhạy với những lời mách bảo của Đức Thánh Linh để những nguyên tắc ngay chính do các tiên tri giảng dạy và những lẽ thật từ thế gian có thể đặt Đấng Ky Tô sâu đậm vào cuộc sống của chúng ta.18 Chúng ta trở thành các môn đồ chân thật của Ngài.

Qua việc chúng ta hết lòng yêu mến các lẽ thật này mà một mối tương quan phát triển giữa chúng ta và chính Nguồn Gốc của lẽ thật, “Vì tri thức hòa hợp với tri thức; sự thông sáng tiếp nhận sự thông sáng, lẽ thật quấn quít với lẽ thật [và] đức hạnh thương yêu với đức hạnh… .”19 Do đó, chúng ta sẽ biết được những điều chúng ta quý trọng và cảm kích nhất là những điều mà cá nhân chúng ta học hỏi được từ Chúa.

Tôi làm chứng rằng qua Tiên Tri Joseph Smith chúng ta đã nhận được vô số mặc khải về lẽ thật, làm chứng về sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi dễ dạy chúng ta sẽ thấy, nghe và tuân theo rõ ràng hơn những mặc khải tiếp tục ban cho ngay cả trong ngày nay qua các vị sứ đồ, tiên tri, tiên kiến và mặc khải tại thế của chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Áp Ra Ham 1:2.

  2. Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (1997), 41.

  3. Được Brigham Young trích trong Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young, 41.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 5:6 và An Ma 32:13.

  5. Xin xem 2 Các Vua 5:1–14.

  6. Xin xem GLGƯ 93:30.

  7. Môi Se 1:10.

  8. Xin xem An Ma 17:5.

  9. Xin xem An Ma 22:17–18.

  10. An Ma 32:27.

  11. 1 Nê Phi 3:7.

  12. Xin xem 1 Nê Phi 3:4; 16:23–32; 17:8–11.

  13. 1 Nê Phi 4:6.

  14. “Đến Cứu Giúp,” Liahona, tháng Bảy năm 2001, 58.

  15. 2 Nê Phi 28:30.

  16. GLGƯ 84:47.

  17. Xin xem Joseph Smith, được biên soạn, Lectures on Faith (1985), 38.

  18. Xin xem Môi Se 7:62.

  19. GLGƯ 88:40.