2002
Đứa Con Phá Của Kia
THÁNG BẢY NĂM 200


Đứa Con Phá Của Kia

Không một ai trong chúng ta mà Thượng Đế trân quý hay yêu mến ít hơn người khác. Tôi làm chứng rằng Ngài yêu thương mỗi người chúng ta—tình trạng bấp bênh, mối lo âu, sự tự tôn và tất cả mọi điều.

Trong số các chuyện ngụ ngôn đáng nhớ nhất mà Đấng Cứu Rỗi đã từng kể là câu chuyện về một đứa em trai dại dột đã đến xin cha nó chia phần gia tài của nó và rời nhà đi tiêu hoang phí hết phần gia tài của mình, thánh thư nói, “ăn chơi hoang đàng.”1 Tiền bạc và bạn bè của nó biến mất sớm hơn nó có thể nghĩ ra—vẫn luôn là thế—và ngày để tính sổ khủng khiếp theo sau—vẫn luôn như thế. Trong cuộc sống sa sút như vậy, nó trở thành người chăn heo, rất đói khát, bị tước mất thức ăn và phẩm giá đến nỗi nó “muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no.” Tuy vậy nó cũng chẳng được cho ăn vỏ đậu dù để an ủi.

Rồi có lời khuyến khích trong thánh thư: “Nó mới tỉnh ngộ.” Nó quyết tâm tìm về nhà, hy vọng rằng sẽ được chấp nhận để ít nhất làm một tôi tớ trong nhà của cha nó. Hình ảnh dịu dàng của người cha đầy lo âu, chân thành của người thiếu niên này chạy đón lấy nó và ôm hôn nó túi bụi là một trong những cảnh tượng cảm động và thương tâm nhất trong tất cả những hình ảnh trong thánh thư. Điều đó cho thấy mỗi đứa con của Thượng Đế, dù khó dạy hay thế nào đi nữa, thì Thượng Đế vẫn muốn chúng ta trở về trong vòng tay che chở của Ngài.

Nhưng nếu để bị lôi cuốn trong câu chuyện về đứa con trai út này, và nếu không thận trọng, chúng ta có thể bỏ quên câu chuyện về đứa con trai cả, bởi vì câu mở đầu câu chuyện của Đấng Cứu Rỗi có viết “Một người kia có hai con trai”—và Ngài đã có thể thêm vào: “Cả hai đều lạc lối và cả hai đều cần trở về nhà.”

Đứa con út đã trở về, một cái áo đã được choàng lên vai nó và chiếc nhẫn đã được đeo vào ngón tay, thì đứa con trai cả xuất hiện trong câu chuyện. Nó đã làm việc với ý thức trách nhiệm, tận tụy ngoài đồng, và bây giờ nó đang trở về nhà. Khái niệm về các cuộc hành trình trở về nhà, tuy từ những địa điểm rất khác nhau, lại là ý chính trong câu chuyện này.

Khi đứa con trai cả trở về gần đến nhà thì nó nghe tiếng nhạc và tiếng cười ầm ỉ.

“Bèn gọi một đầy tớ [xin lưu ý là nó cũng có đầy tớ] mà hỏi cớ gì.

“Đầy tớ thưa rằng: Em cậu bây giờ trở về; nên cha cậu đã làm thịt bò con mập, vì thấy em về được mạnh khỏe.

“Con cả liền nổi giận, không muốn vào nhà. Vậy cha nó ra khuyên nó vào.”

Các anh chị em đã biết cuộc nói chuyện mà họ có sau đó. Chắc chắn là đối với người cha này, nỗi đau đớn vì đứa con khó dạy đã bỏ nhà ra đi và sống với heo giờ đã chồng chất với sự nhận thức rằng đứa anh cả, khôn ngoan hơn này, là người anh hùng của đứa em lúc còn niên thiếu như tất cả những người anh khác lại nổi giận vì em nó đã trở về nhà.

Không, tôi xin đính chính lại. Đứa con trai này không nổi giận nhiều bởi vì đứa kia trở về nhà như là nó nổi giận vì cha mẹ nó đã quá vui mừng về việc ấy. Cảm thấy không được mang ơn và có lẽ một chút nào đó tự ti, đứa con trai hiếu thảo này—và nó hiếu thảo một cách thật kỳ diệu—trong chốc lát quên rằng nó chưa từng bao giờ trải qua sự bẩn thỉu hay thất vọng, nỗi sợ hãi hay sự kinh tởm mình. Trong chốc lát, nó quên rằng mỗi một con bò con trong nông trại cũng như tất cả các tấm áo trong tủ và mọi chiếc nhẫn trong hộc đã thuộc về nó. Trong chốc lát, nó quên rằng lòng trung thành của nó đang và luôn sẽ được tưởng thưởng.

Không, nó là người có hầu hết mọi thứ nhờ vào sự siêng năng lao nhọc của nó, nhưng đã thiếu một điều mà có thể làm cho nó trở thành một người hoàn hảo của Chúa mà nó gần trở thành. Nó chưa ý thức được lòng thương xót và trắc ẩn, cái nhìn sâu rộng đầy lòng bác ái để thấy rằng đây không phải là sự trở về của một địch thủ. Mà đó chính là em của nó. Như cha nó đã năn nỉ nó vào xem, đó là người đã chết mà giờ đây lại sống. Đó là người đã mất mà giờ đây đã tìm lại được.

Chắc chắc là đứa em đã sống như một tù nhân—một tù nhân của tội lỗi, sự rồ dại và chuồng heo. Nhưng đứa anh cũng sống trong sự giam cầm vậy. Nó vẫn chưa có thể phá bỏ được ngục tù của chính nó. Nó bị ám ảnh bởi lòng ganh ghét.2 Nó cảm thấy bị cha nó xem thường và bị em nó tước quyền thừa hưởng, mà chẳng trường hợp nào đúng cả. Nó trở thành nạn nhân của một sự sỉ nhục tưởng tượng. Giống như nó là Tantalus trong truyện thần thoại Hy Lạp—người đứng dưới nước dâng lên đến cầm vậy mà vẫn bị khát. Một người trước đây có lẽ có được cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và hài lòng với vận may của mình, thì đột nhiên cảm thấy không vui chỉ vì một người khác cũng có được vận may như mình.

Ai đã thì thầm một cách thật khéo léo trong tai chúng ta rằng một ân tứ được ban cho người khác thì bằng cách này hay bằng cách khác sẽ giảm bớt các phước lành mà chúng ta đã nhận được vậy? Ai đã làm cho chúng ta cảm thấy rằng nếu Thượng Đế mỉm cười hài lòng với một người khác thì bằng cách này hay bằng cách khác Ngài chắc chắn phải cau mày không vui với chúng ta vậy? Các anh chị em và tôi đều biết rằng ai làm điều này—đó là cha của mọi điều dối trá.3 Nó là Lu Xi Phe, kẻ thù chung của chúng ta, là kẻ từ lúc khởi thủy đã luôn nói với mọi người: “Xin Ngài ban sự vinh hiển của Ngài cho tôi.”4

Người ta nói rằng lòng ganh ghét là một tội lỗi mà không ai sẵn sàng thú nhận nhưng để biết chiều hướng đó có thể lan rộng đến đâu, thì có một câu châm ngôn xưa của người Đan Mạch đã nói rằng: “Nếu lòng ganh ghét là một cơn sốt thì cả thế giới đều bị bệnh sốt cả.”5 Vị linh mục trong Canterbury Tales của thi hào Chaucer than rằng bởi vì nó có ảnh hưởng rất sâu rộng—nó có thể phẫn nộ đối với bất cứ điều gì, kể cả bất cứ đức hạnh và tài năng nào, và nó có thể dễ bị xúc phạm bởi mọi điều, kể cả sự thiện lành và niềm vui.5 Khi những người khác dường như trở nên lớn mạnh hơn trong mắt của chúng ta, thì chúng ta lại nghĩ rằng vì thế chúng ta chắc là trở nên nhỏ bé hơn. Vậy nên, tiếc thay, thỉnh thoảng chúng ta lại hành động như thế.

Làm thế nào điều này xảy ra, nhất là trong khi chúng ta không hề mong muốn nó xảy ra? Tôi nghĩ một trong những lý do là mỗi ngày chúng ta thấy những cám dỗ, từ loại cám dỗ này đến loại cám dỗ khác, mà cho chúng ta biết rằng những gì chúng ta có vẫn không đủ. Một người nào đó hay một điều gì đó thì luôn bảo chúng ta rằng chúng ta cần phải đẹp hơn hay giàu hơn, được tán thưởng hơn hay được hâm mộ hơn hiện trạng của mình. Chúng ta được cho biết là chúng ta không thu góp đủ của cải cũng như chưa đi đủ chỗ vui. Chúng ta thường bị quấy rầy liên miên bởi sứ điệp của thế gian rằng chúng ta vẫn thiếu thốn bởi vì chúng ta không có đủ của cải hay tiền bạc và điều này khiến chúng ta càng thèm muốn thêm.6 Có những ngày chúng ta như thế bị giam hãm trong căn phòng nhỏ của một tòa nhà rộng lớn và vĩ đại nơi mà trên truyền hình chỉ chiếu loạt trường kịch có tựa đề là Sự Tưởng Tượng Hão Huyền.7

Nhưng đó không phải là đường lối của Thượng Đế. Người cha trong câu chuyện này không dày vò con cái của mình. Ông không nhẫn tâm so sánh chúng với những người láng giềng của họ. Ông cũng chẳng so sánh chúng với nhau. Cử chỉ đầy trắc ẩn của ông đối với đứa này không đòi hỏi phải rút bỏ hay khước từ tình yêu thương cho đứa kia. Ông rộng lượng một cách tuyệt vời đối với cả hai đứa con trai này. Ông ban phát lòng bác ái cho cả hai đứa con mình. Tôi tin rằng Thượng Đế đối với chúng ta giống như Pat người vợ yêu quý của tôi đối với khả năng hát của tôi. Vợ tôi là một nhạc sĩ tài giỏi, một thiên tài âm nhạc, nhưng tôi thì không thể biết xướng một nốt nhạc. Vậy mà tôi biết vợ tôi yêu tôi một cách rất đặc biệt khi tôi cố gắng hát. Tôi biết điều đó bởi vì tôi có thể nhìn thấy điều đó trong mắt của vợ tôi. Đó là đôi mắt yêu thương.

Một người quan sát đã viết: “Trong một thế giới mà luôn so sánh người ta, sắp hạng họ là người thông minh nhiều hay ít, hấp dẫn nhiều hay ít, thành công nhiều hay ít hơn người khác thì không phải là điều dễ dàng để thực sự tin vào một tình yêu thương [thiêng liêng] mà không làm những điều như thế.” Ông nói: “Khi tôi nghe một người lên tiếng khen ngợi, thì thật là khó mà không nghĩ rằng bản thân của tôi không đáng khen ngợi; khi tôi đọc về lòng tốt và lòng nhân từ của người khác, thì thật là khó để không tự hỏi bản thân tôi có tốt bụng và nhân từ như họ không; và khi tôi thấy giải thưởng, bằng tưởng thưởng và phần thưởng được trao tặng cho những người đặc biệt, thì tôi không thể tránh việc tự hỏi tại sao điều đó đã không xảy đến với tôi.”8 Nếu không nhịn được, chúng ta có thể nhìn thấy cách thức mà khuynh hướng này được thế gian thêu dệt thêm cuối cùng sẽ mang đến một quan điểm đầy phẫn uất, khinh dễ đối với Thượng Đế và quan điểm hủy hoại khủng khiếp đối với bản thân mình. Đa số các giáo lệnh bắt đầu với “ngươi chớ” là nhằm giữ chúng ta không làm hại người khác, nhưng tôi tin rằng giáo lệnh chớ tham của người là nhằm giữ chúng ta không làm hại mình.

Làm thế nào chúng ta có thể khắc phục được khuynh hướng thông thường như thế ở nơi hầu hết mọi người? Có một điều mà chúng ta có thể làm giống như hai đứa con trai đã làm là bắt đầu tìm đường trở về với Đức Chúa Cha. Chúng ta phải làm như thế một cách nhanh chóng và khiêm nhường khi chúng ta còn có thể làm được. Dọc đường chúng ta có thể đếm nhiều phước lành của mình và chúng ta có thể tán thưởng những thành tựu của người khác. Tốt hơn hết, chúng ta có thể phục vụ những người khác, một hành động hữu hiệu nhất để giúp chúng ta phát triển tình thương yêu đối với những người khác. Nhưng cuối cùng những việc này cũng sẽ chưa đủ. Khi chúng ta bị lạc lối, chúng ta có thể “tỉnh ngộ,” nhưng chúng ta có thể không luôn “tìm ra mình,” và, mãi mãi, chúng ta không thể “tự cứu mình.” Chỉ có Đức Chúa Cha và Con Độc Sinh của Ngài mới có thể làm điều đó. Sự cứu rỗi chỉ có được nơi các Ngài mà thôi. Vậy nên chúng tôi cầu xin rằng các Ngài sẽ giúp chúng ta, các Ngài sẽ “bước ra” đón và ôm chúng ta và mang chúng ta vào bàn tiệc mà các Ngài đã chuẩn bị sẵn.

Các Ngài sẽ làm điều này! Thánh thư có đầy dẫy lời hứa rằng ân điển của Thượng Đế thì đã đủ cho chúng ta.9 Ân điển này là một đấu trường mà không một ai phải đánh hay tranh tài. Nê Phi nói rằng Chúa “rất yêu mến [hết] thế gian” và đã ban cho không sự cứu rỗi.

Nê Phi hỏi: “Có bao giờ [Ngài] lại truyền lịnh cho một ai không đuợc thụ hưởng lòng nhân từ của Ngài chăng?”. Không! “…mọi người đều hưởng một đặc quyền như nhau, và không một ai bị [tay Ngài] cấm đoán cả.”

Ngài khẩn nài: “Hỡi tất cả mọi người ở nơi tận cùng của thế gian, hãy lại cùng ta, mua sữa và mật khỏi phải trả tiền hay tốn kém gì cả.”10 Tất cả mọi người đều có cùng đặc ân như nhau, người nào cũng có giống như người nấy. Hãy sống trong sự bình an. Hãy sống với sự tự tin. Hãy sống mà không sợ hãi và ganh ghét. Hãy tin chắc về sự dồi dào mà Cha Thiên Thượng luôn ban cho các anh chị em.

Khi làm như vậy, chúng ta có thể giúp đỡ những người khác bằng cách cầu xin các phước lành cho họ cũng như họ cầu nguyện cho chúng ta. Chúng ta có thể vui mừng cho mọi tài năng và khả năng ban cho bất cứ ai, như vậy làm cho cuộc sống của chúng ta gần giống như cuộc sống trên thiên thượng.

Nó sẽ giúp chúng ta luôn nhớ lời Phao Lô đã mô tả ngắn gọn thứ tự ưu tiên của các đức tính—“Bây giờ còn có ba điều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.”11 Ông nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đều là thân thể của Đấng Ky Tô, và tất cả mọi chi thể, dù xinh đẹp hay yếu đuối, thì đều đáng quý trọng, thiết yếu và quan trọng. Chúng ta cảm thấy sự sâu sắc của lời khẩn nài của ông “hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng.”12 Lời khuyên dạy độc nhất vô nhị đó giúp chúng ta nhớ rằng chữ generosity (sự rộng lương) có cùng một nguồn gốc với chữ genealogy (gia phả), cả hai ra từ chữ La Tin genus, có nghĩa là đồng sinh hay đồng loại, cùng gia đình hay cùng giống.13 Chúng ta sẽ luôn thấy dễ dàng hơn để rộng lượng khi chúng ta nhớ rằng người nào được biệt đãi thì thực sự là người của chúng ta.

Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng không một ai trong chúng ta mà Thượng Đế trân quý hay yêu mến ít hơn người khác. Tôi làm chứng rằng Ngài yêu thương mỗi người chúng ta—tình trạng bấp bênh, mối lo âu, sự tự tôn và tất cả mọi điều. Ngài không so sánh tài năng và diện mạo của chúng ta; Ngài không so sánh nghề nghiệp hay của cải của chúng ta. Ngài cổ vũ mọi người chạy đua, cho biết rằng cuộc chạy đua là chống lại tội lỗi, chứ không phải là chống lại nhau. Tôi biết rằng nếu chúng ta chịu trung tín, thì sẽ có áo ngay chính được may vừa vặn sẵn sàng chờ đón mọi người,14 “phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con.”15 Cầu xin chúng ta cùng khích lệ nhau trong nỗ lực của mình để thắng giải thưởng đó là lời cầu nguyện thiết tha của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Xin xem Lu Ca 15:11–32.

  2. Xin xem William Shakespeare, The Merchant of Venice, màn 3, cảnh 2, dòng 110.

  3. Xin xem 2 Nê Phi 2:18.

  4. Môi Se 4:1.

  5. Xin xem Geoffrey Chaucer, The Canterbury Tales, do Walter W. Skeat (1929) xuất bản, 534–35.

  6. Xin xem Đa Ni Ên 5:27 (nhấn mạnh nghĩa đôi của lối nói này)

  7. Xin xem 1 Nê Phi 12:18.

  8. Henri J. M. Nouwen, The Return of the Prodigal Son (1992), 103.

  9. Xin xem Ê The 12:26; Mô Rô Ni 10:32; D&C 17:8.

  10. Xin xem 2 Nê Phi 26:24–28; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  11. 1 Cô Rinh Tô 13:13.

  12. Xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:25–26.

  13. Tôi mang ơn Henri Nouwen đã chỉ cho thấy mối cấu kết từ nguyên này.

  14. Xin xem Ê Sai 61:10; 2 Nê Phi 4:33; 9:14.

  15. Khải Huyền 7:14.