2006
Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua
Tháng Năm năm 2006


Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua

Trong khi việc nắm giữ chức tư tế mang đến các phước lành lớn lao, thì chức tư tế cũng mang với nó các bổn phận cao quý .

Các anh em thân mến, luôn luôn là một đặc ân lớn lao và trách nhiệm nặng nề để ngỏ lời cùng các anh em chức tư tế của Giáo Hội. Có lẽ đây là sự quy tụ lớn nhất của chức tư tế trong lịch sử của thế gian. Tôi muốn nói với các em là các thiếu niên về việc các em đã được phước biết bao để nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, mà còn được gọi là “chức tư tế thấp hơn.” Tuy nhiên, chữ thấp hơn, không hề lấy đi tầm quan trọng của chức ấy. Không có điều gì nhỏ nhoi đối với chức ấy—nhất là khi tôi thấy một số các em thanh thiếu niên to lớn biết bao!

Tôi chắc chắn rằng các em còn nhớ các em đã phấn khởi biết bao khi lần đầu tiên các em chuyền Tiệc Thánh. Khi các em nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn phụ giúp trong việc chuẩn bị, ban phước, thực hiện và chuyền Tiệc Thánh, thì các em giúp tất cả các tín hữu đang dự phần Tiệc Thánh tự tái cam kết với Chúa và tái lập đức tin của họ nơi sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Các tín hữu mà dự phần Tiệc Thánh đều được nhắc nhở phải mang danh của Vị Nam Tử, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài và tìm cách có được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ. Tôi hy vọng rằng các em sẽ quý trọng chức tư tế mà các em đang nắm giữ và luôn luôn tôn trọng các bổn phận của chức tư tế của mình.

Tôi mới vừa đọc câu chuyện về một số thầy trợ tế đã hơi cẩu thả trong thái độ của các em ấy đối với việc chuyền Tiệc Thánh. Các em ấy bắt đầu nghĩ điều đó như một việc vặt, một việc mà không một ai khác muốn làm. Các em ấy thường đến trễ, và đôi khi không ăn mặc thích hợp. Một ngày Chúa Nhật nọ, người cố vấn chức tư tế của các em ấy nói với các em ấy: “Các em không cần phải lo lắng về Tiệc Thánh hôm nay. Tiệc Thánh đã được lo xong rồi.”

Dĩ nhiên, các em ấy rất ngạc nhiên khi nghe điều này, nhưng như thường lệ, các em ấy cũng đến trễ trong buổi họp Tiệc Thánh. Các em ấy lẻn nhanh vào trong lúc bài thánh ca mở đầu và ngồi vào chung với giáo đoàn. Chính lúc đó các em ấy thấy những người ngồi trên băng ghế dành cho các thầy trợ tế—người cố vấn của mình và các thầy tư tế thượng phẩm của tiểu giáo khu, kể cả những người đã phục vụ với tư cách là giám trợ và chủ tịch giáo khu. Họ đều mặc com lê sậm màu với áo trắng và cà vạt. Nhưng còn hơn thế nữa, họ cho thấy một sự nghiêm trang hoàn toàn khi họ mang các khay Tiệc Thánh đến từng dãy ghế một. Một điều gì đó thật sâu sắc và có ý nghĩa hơn về Tiệc Thánh trong ngày đó. Các thầy trợ tế đó là những người đã trở nên rất hời hợt trong bổn phận của mình đều đã học được qua tấm gương rằng việc chuyền Tiệc Thánh là một sự tin cậy thiêng liêng và một trong những vinh dự lớn lao nhất.1 Các em ấy bắt đầu nhận thấy rằng chức tư tế, như Sứ Đồ Phi E Rơ đã gọi, đó là “chức thầy tế lễ nhà vua.”2

Nói chung, Chức Tư Tế A Rôn, dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn, có trách nhiệm thực hiện và chuyền Tiệc Thánh. Trong tiểu giáo khu nơi chúng tôi sống của chúng tôi ở Thành Phố Salt Lake, chúng tôi có nhiều tín hữu trung thành, lớn tuổi nhưng có ít các em thuộc tuổi Chức Tư Tế A Rôn. Trong nhiều năm, tôi đã theo dõi các thầy tư tế thượng phẩm và các anh cả, những người có đức tin và thành tích lớn lao, đã khiêm nhường và nghiêm trang chuyền Tiệc Thánh của Bữa Ăn Tối của Chúa. Trong một thời gian, nhóm những người nắm giữ chức tư tế này gồm có một vị quan tòa liên bang thâm niên, một ứng cử viên thống đốc của tiểu bang Utah, và những nhân vật nổi tiếng khác. Vậy mà họ đã lấy làm vinh dự và hiển nhiên cảm thấy có đặc ân để thực hiện bổn phận thiêng liêng của chức tư tế này.

Chức Tư Tế A Rôn là một ân tứ lớn lao của quyền năng thuộc linh mà Chúa đã ban cho A Rôn và các con trai của ông.3 Chức này nắm giữ “chìa khóa của sự phù trợ của các thiên sứ và phúc âm dự bị”4 và cũng gồm có “phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi.”5

Tôi muốn nói một lời về sự phù trợ của các thiên sứ. Trong thời kỳ cổ xưa và hiện đại, các thiên sứ đã hiện đến và đưa ra sự chỉ dẫn, những lời cảnh cáo và lời hướng dẫn để giúp ích cho những người mà các thiên sứ đến viếng. Chúng ta không ý thức được mức độ mà các thiên sứ phù trợ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: “Tương tự như thế, cha mẹ, anh chị em và bạn bè của chúng ta là những người đã từ giã thế gian này, đã từng trung tín, và xứng đáng để lãnh nhận những quyền và đặc ân này, đều có thể có một sứ mệnh cho họ để thăm viếng thân bằng quyến thuộc và bạn bè trên thế gian một lần nữa, để mang từ Sự Hiện Diện thiêng liêng các sứ điệp yêu thương, cảnh cáo hoặc khiển trách và chỉ dẫn, đến cho những người mà họ đã biết yêu thương khi còn sống trên đời.”6 Nhiều người chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đã có kinh nghiệm này. Sự phù trợ của các thiên sứ này đã và đang là một phần quan trọng của phúc âm. Các thiên sứ đã phù trợ Joseph Smith khi ông tái thiết lập phúc âm trong sự trọn vẹn của nó.

An Ma Con đã có kinh nghiệm riêng với các thiên sứ phù trợ. Khi còn thanh niên, ông đã bị kể vào thành phần những kẻ không tin và “đã hướng dẫn nhiều người làm theo những điều bất chính của mình.” Một ngày nọ, “trong khi ông đang đi khắp nơi để phá hoại giáo hội của Thượng Đế” với sự tháp tùng của các con trai của Mô Si A, thì một “vị thiên sứ của Chúa hiện ra cùng họ; và vị này giáng xuống như trong một đám mây, và cất lời nói với họ như tiếng sấm sét, khiến cho đất phải rung chuyển.” Rồi vị thiên sứ kêu lên rằng: “An Ma, hãy đứng lên, và bước lại đây, sao ngươi dám ngược đãi giáo hội của Thượng Đế?”

An Ma bị kiệt lực vì kinh nghiệm này đến nỗi ông ngã xuống bất tỉnh và phải được khiêng đến cha ông. Chỉ sau khi cha ông và những người khác nhịn ăn và cầu nguyện trong hai ngày thì An Ma mới phục hồi được trọn sức khỏe và sức mạnh. Rồi ông đứng dậy và tuyên bố: “Tôi đã hối cải tội lỗi của tôi, và đã được Chúa cứu chuộc; này, tôi đã được sinh ra bởi Thánh Linh.”7 An Ma tiếp tục trở thành một trong những người truyền giáo lỗi lạc nhất trong Sách Mặc Môn. Tuy nhiên trong tất cả những năm phục vụ truyền giáo của mình, ông không bao giờ nói về sự thăm viếng của vị thiên sứ. Thay vì thế, ông đã chọn để làm chứng rằng ông đã được cho biết lẽ thật bởi Đức Thánh Linh của Thượng Đế.

Việc được chỉ dẫn bởi một thiên sứ là một phước lành lớn lao. Tuy nhiên, như An Ma đã dạy chúng ta, sự cải đạo cuối cùng và lâu dài chỉ đến sau khi ông đã “nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày.”8 Sự cải đạo trọn vẹn của ông đến từ Đức Thánh Linh, là điều có sẵn cho tất cả chúng ta nếu chúng ta xứng đáng.

Những sự kiện kỳ diệu không phải luôn luôn là một nguồn cải đạo. Chẳng hạn, khi La Man và Lê Mu Ên ngược đãi các em trai của họ thì một thiên sứ hiện đến và cảnh cáo họ phải ngừng tay. Vị thiên sứ cũng trấn an tất cả anh em họ rằng La Ban sẽ được trao vào tay họ. Một mặt, Nê Phi tin tưởng và đạt được các bảng khắc bằng đồng từ La Ban. Mặt khác, La Man và Lê Mu Ên không tin cũng như không thay đổi hành vi của mình vì cuộc viếng thăm của vị thiên sứ. Như Nê Phi đã nhắc nhở họ: “Lẽ nào các anh quên rằng chính các anh đã từng thấy một thiên sứ của Chúa?”9

Các em thiếu niên đang xây đắp chứng ngôn của mình. Những chứng ngôn này được củng cố bởi sự xác nhận thuộc linh qua Đức Thánh Linh trong các kinh nghiệm bình thường của đời sống. Mặc dù một sự biểu hiện lớn lao nào đó có thể củng cố chứng ngôn của các em nhưng có lẽ điều đó không xảy ra theo cách đó.

Trong khi việc nắm giữ chức tư tế mang đến các phước lành lớn lao, thì chức tư tế cũng mang với nó các bổn phận cao quý .

  1. Tất cả những người nắm giữ chức tư tế cần phải làm vinh hiển sự kêu gọi của họ, hành động trong tôn danh của Chúa đến mức độ mà chức phẩm và sự kêu gọi của họ cho phép. Chúng ta làm vinh hiển sự kêu gọi của mình bằng cách tuân theo sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn nhóm túc số của mình, vị giám trợ và người cố vấn nhóm túc số của mình. Điều đó có nghĩa là chuẩn bị, thực hiện và chuyền Tiệc Thánh khi chúng ta được yêu cầu làm như vậy. Nó cũng có nghĩa là thực hiện các trách nhiệm khác của Chức Tư Tế A Rôn, chẳng hạn dọn dẹp các nhà hội của Giáo Hội, sắp xếp ghế cho đại hội giáo khu và các buổi họp khác của Giáo Hội và thực hiện các bổn phận khác như được chỉ định.

  2. Những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, hay là chức tư tế dự bị, có bổn phận phải hội đủ điều kiện cho chức tư tế cao hơn và tiếp nhận sự huấn luyện để có những trách nhiệm lớn lao hơn trong sự phục vụ Giáo Hội.

  3. Việc nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn mang với nó bổn phận để nêu gương tốt, với những ý nghĩ trong sạch và hành vi đúng đắn. Chúng ta đạt được các thuộc tính này khi chúng ta thực hiện các bổn phận của chức tư tế.

  4. Các em sẽ cùng hoạt động trong nhóm túc số của mình và các sinh hoạt khác với các thanh thiếu niên mà có các tiêu chuẩn giống như các tiêu chuẩn mà các em có. Các em có thể củng cố lẫn nhau.

  5. Các em có thể học tập thánh thư và học hỏi các nguyên tắc phúc âm để giúp các em chuẩn bị cho công việc truyền giáo.

  6. Các em có thể học cách cầu nguyện và nhận ra những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình.

Sách Giáo Lý và Giao Ước mô tả những loại thẩm quyền khác nhau có liên quan đến Chức Tư Tế A Rôn. Trước hết, việc sắc phong chức tư tế cho thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ và có được quyền năng của Chức Tư Tế A Rôn. Giám trợ đoàn là chủ tịch đoàn của Chức Tư Tế A Rôn trong tiểu giáo khu.10 Thứ nhì, trong vòng chức tư tế này là các chức phẩm khác nhau, mỗi chức phẩm này có những trách nhiệm và đặc ân khác nhau. Là thầy trợ tế, các em phải trông coi Giáo Hội với tư cách là một người phục vụ giáo đoàn tại chỗ.11 Là thầy giảng, ngoài việc trông coi Giáo Hội, các em còn phải “sát cánh và củng cố các tín hữu Giáo Hội.”12 Là thầy tư tế, các em phải “thuyết giáo, giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, làm phép báp têm và ban phước Tiệc Thánh, và đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu.”13 Vị giám trợ của các em, là người nắm giữ chức phẩm thầy tư tế thượng phẩm, cũng là chủ tịch của nhóm túc số thầy tư tế và hướng dẫn công việc của nhóm túc số này.

Khi tiến triển từ một trong các chức phẩm này của Chức Tư Tế A Rôn đến chức phẩm khác, thì các em sẽ giữ lại thẩm quyền của chức tư tế trước đó. Chẳng hạn, các em là các thầy tư tế vẫn có thẩm quyền để làm mọi điều mà các em đã làm với tư cách là thầy trợ tế và thầy giảng. Thật vậy, mặc dù cuối cùng các em được sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, nhưng các em sẽ vẫn giữ và hành động trong các chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn. Cố Anh Cả LeGrand Richards là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ trong nhiều năm, đã hiểu rõ nguyên tắc này. Ông thường nói: “Tôi là một thầy trợ tế đã trưởng thành.”

Như tôi đã nói, việc giảng dạy là một trong các bổn phận quan trọng của Chức Tư Tế A Rôn. Cơ hội cho các em là các thiếu niên để giảng dạy thường đến khi các em phục vụ với tư cách là người bạn đồng hành giảng dạy tại gia của cha các em hoặc một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc khác. Việc chăm sóc những nhu cầu của các tín hữu trong một cách thức vật chất và thuộc linh là một phần đầy ý nghĩa của việc trông coi Giáo Hội.

Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra ưu tiên cao cho việc giảng dạy tại gia. Anh Ezra Oakley là thầy giảng tại gia của Vị Tiên Tri và bất cứ lúc nào Anh Oakley đến giảng dạy tại gia ở nhà của gia đình Smith: “Vị Tiên Tri kêu gia đình của mình lại và đưa chiếc ghế của mình cho Oakley, và bảo gia đình của mình” phải lắng nghe kỹ lời của Anh Oakley.14

Các em là các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn cần phải có Thánh Linh ở với mình trong cuộc sống cá nhân cũng như trong việc giảng dạy tại gia, chuẩn bị hay chuyền Tiệc Thánh, hoặc các sinh hoạt khác của chức tư tế. Các em sẽ cần phải tránh những trở ngại. Một trong những trở ngại lớn nhất này là thói nghiện ngập.

Tôi khuyên bảo tất cả các anh em hãy tránh mọi loại nghiện ngập. Vào lúc này, Sa Tan và những người theo nó đang bắt một số những người trẻ tuổi chọn lọc nhất của chúng ta làm nô lệ qua thói nghiện ngập rượu, tất cả các loại ma túy, hình ảnh sách báo khiêu dâm, thuốc lá, cờ bạc và những tật đam mê ám ảnh khác. Một số người dường như được sinh ra với một sự yếu đuối đối với những chất này đến nỗi chỉ một lần thử sẽ đưa đến thói nghiện ngập không kiểm soát được. Một số thói nghiện ngập này hủy diệt không những cuộc sống của những người không chống lại chúng được mà còn cuộc sống của cha mẹ, người phối ngẫu và con cái của họ. Như tiên tri Giê Rê Mi đã than: “Các vua trên đất, cả dân cư thế gian, vốn chẳng ngờ kẻ thù quân nghịch sẽ tràn vào các cửa thành….”15

Chúa trong sự thông sáng của Ngài đã cảnh cáo chúng ta rằng các chất mà không tốt cho chúng ta thì chúng ta phải hoàn toàn tránh xa. Chúng ta đã được cảnh cáo không được bắt đầu uống ly rượu đầu tiên, hút một điếu thuốc đầu tiên hoặc thử ma túy lần đầu tiên. Sự tò mò và áp lực của bạn bè là những lý do ích kỷ để học đòi các chất gây nghiện ngập. Chúng ta cần phải ngừng lại và cân nhắc những hậu quả trọn vẹn, không phải chỉ cho bản thân và tương lai, mà còn cho những người thân yêu của chúng ta nữa. Những hậu quả này là về phương diện thể chất nhưng chúng cũng có cơ nguy làm mất Thánh Linh và khiến cho chúng ta sa vào bẫy của Sa Tan.

Tôi làm chứng về ảnh hưởng tinh vi, thuộc linh, đầy an ủi, củng cố và kiềm chế mà chức tư tế đã có trong cuộc sống của tôi. Tôi đã sống dưới ảnh hưởng thuộc linh của chức tư tế trong suốt đời mình—trong nhà của ông nội tôi, trong nhà cha tôi và rồi trong nhà của tôi. Thật là một điều khiêm nhường để sử dụng quyền năng và thẩm quyền siêu việt của chức tư tế để trao quyền cho những người khác và để chữa lành và ban phước. Cầu xin cho chúng ta sống xứng đáng với việc nắm giữ thẩm quyền chức tư tế để hành động trong danh của Thượng Đế, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Phỏng theo Laird Roberts, “On Water and Bread,” Tambuli, tháng Mười năm 1984, 40–41.

  2. 1 Phi E Rơ 2:9.

  3. Xin xem GLGƯ 84:18.

  4. GLGƯ 84:26.

  5. GLGƯ 13:1.

  6. Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 436.

  7. Xin xem Mô Si A 27:8–24.

  8. An Ma 5:46.

  9. 1 Nê Phi 7:10.

  10. Xin xem GLGƯ 107:15.

  11. Xin xem GLGƯ 84:111; xin xem thêm GLGƯ 20:57–59.

  12. GLGƯ 20:53.

  13. GLGƯ 20:46–47.

  14. William G. Hartley, “Ordained and Acting Teachers in the Lesser Priesthood, 1851–1883,” Brigham Young University Studies, mùa xuân năm 1976, 384.

  15. Ca Thương 4:12.