2006
Sự Trút Xuống Dư Dật Các Phước Lành
Tháng Năm năm 2006


Sự Trút Xuống Dư Dật Các Phước Lành

Tất cả các tín hữu trung tín đều được ban phước đồng đều bởi sự trút xuống dư dật các phước lành mà họ nhận được qua các giáo lễ của chức tư tế.

Ở Kirtland nơi mà tất cả mọi chìa khóa còn lại của chức tư tế đã được phục hồi, Chúa đã phán: “Đây là sự khởi đầu của phước lành mà sẽ được trút xuống đầu dân ta.”1 Tôi xin biết ơn về sự trút xuống dư dật các phước lành mà đã đến với mỗi chúng ta qua chức tư tế của Thượng Đế. Bởi quyền năng của chức tư tế, thế gian này và vạn vật trên đó, kể cả mỗi người chúng ta, đều được sáng tạo. Chức tư tế được bện chặt với con người của chúng ta hiện nay và trước đây.2 Là những con trai và con gái của Thượng Đế, mỗi người chúng ta có các trách nhiệm và vai trò độc đáo, và qua các phước lành của chức tư tế, chúng ta đều được ban cho sự chung phần bình đẳng, các ân tứ và các phước lành.

Mùa thu năm ngoái đứa cháu ngoại lớn nhất của tôi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội. Sau khi nó nhận được Đức Thánh Linh, đứa em nhỏ nhất của nó được làm lễ đặt tên và ban phước. Tháng kế tiếp, một đứa cháu ngoại mới khác được làm lễ đặt tên và ban phước. Kể từ lúc đó, tôi thường nghĩ về đặc ân mà hai đứa bé gái đó nhận hưởng nhờ vào chức tư tế của Thượng Đế đã được phục hồi.

Tôi hy vọng rằng mấy đứa cháu gái và cháu trai của chúng tôi lớn lên và biết rằng chúng không phải và chưa bao giờ là những người đứng ngoài lề các giáo lễ chức tư tế. Các phước lành của chức tư tế mà “đều có sẵn cho mọi người nam và người nữ”3 thì bện chặt với cuộc sống của họ. Mỗi người nam và người nữ được ban phước qua các giáo lễ thiêng liêng và mỗi người có thể nhận hưởng các phước lành của các ân tứ thuộc linh nhờ vào chức tư tế.

Tất cả các tín hữu trung thành của Giáo Hội của Chúa được ban phước đồng đều bằng các giáo lễ của chức tư tế. Giáo lễ đầu tiên4 trong cuộc sống của một đứa trẻ thường bắt đầu khi nó còn sơ sinh và được làm lễ đặt tên và ban phước. Khi đứa trẻ đến tuổi hiểu biết trách nhiệm thì nó được làm phép báp têm. Không có phép báp têm riêng biệt cho các em trai và các em gái. Cũng một giáo lễ báp têm được thực hiện cho một em gái và một em trai nhỏ mà chịu phép báp têm trong cùng một hồ báp têm. Khi các em đó được làm lễ xác nhận và tiếp nhận Đức Thánh Linh, thì cũng cùng một quyền năng đó được ban cho mỗi em. Các em đó hội đủ điều kiện để được sự giúp đỡ của quyền năng thiêng liêng đó qua sự trung tín của các em chứ không bằng một cách nào khác.

Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta được bình đẳng trước Chúa khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Qua đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và qua quyền năng Chuộc Tội của Ngài mà đã có thể có được nhờ vào giáo lễ đó nên chúng ta đều có thể hối cải và trở nên tốt hơn.

Mỗi người chúng ta đều được quyền bình đẳng có một phước lành của chức tư tế khi chúng ta bị bệnh hoặc cần thêm sự hỗ trợ từ Chúa trong cuộc sống của mình. Một thiếu nữ mong muốn một phước lành tộc trưởng thì cũng được quyền biết dòng dõi và tiềm năng của mình như một thiếu niên cùng tuổi với em. Các phước lành đến với mỗi em ấy qua Áp Ra Ham thì đầy tác động và quan trọng.

Chúng tôi giảng dạy cho tất cả các thiếu niên và thiếu nữ chuẩn bị đi đền thờ để cho các em có thể “nhận được các phước lành của tổ phụ của mình ngõ hầu [các em] có thể được quyền nhận lãnh các phước lành cao quý nhất của chức tư tế.”5 Cách đây một vài tháng, khi một trong các cháu gái của tôi nhận lễ thiên ân đền thờ của nó, nó đã vui mừng kêu lên: “Con đã đạt được mục tiêu đó rồi! Suốt đời mình, con đã được giảng dạy về việc chuẩn bị đi đền thờ và con đã đạt được mục tiêu đó!”

Mỗi người nam và mỗi người nữ mà sẵn lòng phục vụ Chúa và có thể hội đủ điều kiện để nhận một giấy giới thiệu đi đền thờ đều lập các giao ước vâng lời và hy sinh. Mỗi người được ban cho “quyền năng từ trên cao.”6

Mỗi anh cả và mỗi chị em phụ nữ mà nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo thì được phong nhiệm để làm công việc của Chúa, và mỗi người được ban cho thẩm quyền để giảng dạy phúc âm của Đấng Ky Tô.

Một người nam và một người nữ mà thiết lập sự chung phần trọn vẹn của một giao ước hôn nhân đền thờ thì chia sẻ đồng đều các phước lành của giao ước đó nếu họ sống trung tín.7 Chúa đã phán rằng giao ước của họ sẽ có giá trị sau cuộc sống này và họ được hứa sẽ cùng nhau có được quyền năng và sự tôn cao.8

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã nói: “Khi con cái của chúng ta vâng lời Chúa và đi đền thờ để nhận lãnh các phước lành của chúng ta và lập giao ước hôn nhân, thì chúng bước vào cùng một thánh ban của chức tư tế mà Thượng Đế đã quy định lúc ban đầu với tổ phụ A Đam.”9

Tôi thấy quyền năng của các phước lành của chức tư tế khi tôi đi thăm một gia đình mà người cha trẻ đang nằm hấp hối. Chung quanh anh là người vợ và mấy đứa con gái xinh đẹp của anh. Trên mỗi bức tường của căn phòng đó có ít nhất là một bức hình gia đình hoặc đền thờ. Người mẹ đã làm chứng về các phước lành của họ khi chị nói: “Chúng tôi đã được trao quyền và được bảo vệ bởi các giao ước của mình. Gia đình chúng tôi sẽ kiên trì vĩnh viễn. Chúa đang trông nom chúng tôi và chúng tôi không đơn độc một mình.” Tất cả các tín hữu trung tín đều được ban phước đồng đều bởi sự trút xuống dư dật các phước lành mà họ nhận được qua các giáo lễ của chức tư tế.

Vì chức tư tế đã được phục hồi, nên chúng ta cũng đều chia sẻ các phước lành của các ân tứ thuộc linh. Chúa ban cho chúng ta các ân tứ thuộc linh này vì lợi ích10 riêng của mình và để giúp đỡ lẫn nhau.11

Mô Rô Ni đã nói rằng “các ân tứ ấy được ban cho bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng chỉ có một Thượng Đế, là Đấng làm mọi việc trong mọi người; và các ân tứ ấy được ban cho loài người bởi những sự biểu hiện của Thánh Linh của Thượng Đế, để họ được ích lợi.

“Vì này, người này nhờ Thánh Linh của Thượng Đế ban cho ân tứ để có thể dạy lời thông sáng;

“Và người kia cũng nhờ một Thánh Linh ấy ban cho ân tứ để có thể giảng dạy lời tri thức;

“Và người khác thì được ban cho đức tin lớn lao; và người khác nữa, cũng nhờ một Thánh Linh ấy ban cho ân tứ chữa lành bệnh.”12

Khi cố gắng học tiếng Tây Ban Nha và nhớ lại tiếng Bồ Đào Nha (mà tôi đã biết khi còn nhỏ), tôi đã cầu nguyện và cảm nhận được sự giúp đỡ của Chúa khi tôi tiếp xúc bằng hai ngôn ngữ đó. Tôi đã nghe các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội và những người truyền giáo chia sẻ chứng ngôn mạnh mẽ bằng các ngôn ngữ mà họ chỉ mới vừa học được. Tôi biết có những người được ban cho ân tứ thuộc linh về một tinh thần tin tưởng. Khi họ nghe phúc âm thì lòng họ nhận biết rằng đó là phúc âm chân chính. Tôi biết có những người được ban cho ân tứ của sự thông sáng hoặc khả năng để sử dụng kiến thức trong những cách thức ngay chính. Một số có được khả năng để làm phép lạ, một số khác được ban cho ân tứ chữa lành, và những người khác có được ân tứ phân biệt lớn lao.13

Khi còn nhỏ, tôi thường trải qua những cơn bệnh nặng. Cha tôi luôn luôn sẵn sàng và xứng đáng để sử dụng quyền năng chức tư tế mà ông nắm giữ để ban phước cho tôi. Nhưng, tôi cũng cảm thấy rằng các ân tứ đặc biệt của mẹ tôi cũng đóng góp vào sự chữa lành bệnh cho tôi. Bà thật sự được ban phước trong khả năng giúp đỡ các nhu cầu của tôi và giúp tôi bình phục. Đức tin lớn lao của bà mà Chúa thường hướng dẫn bà đến những sự giải đáp về sự điều trị y khoa là một sự an ủi cho tôi. Tôi có phước biết bao có được hai bậc sinh thành đã sử dụng các ân tứ thuộc linh của họ một cách đầy trìu mến.

Chủ Tịch Wilford Woodruff đã nói rằng “đây là đặc ân của mỗi người nam và mỗi người nữ trong vương quốc này để vui hưởng tinh thần tiên tri, tức là Thánh Linh của Thượng Đế; và đối với những người trung tín thì tinh thần này mặc khải những điều rất cần thiết cho sự an ủi và giải khuây của họ và hướng dẫn họ trong các bổn phận hằng ngày của họ.”14

Các phước lành của chức tư tế có thể được ban cho mỗi người mà đã được phong nhiệm để phục vụ trong bất cứ chức phẩm nào trong Giáo Hội của Chúa để lãnh nhận “thẩm quyền, trách nhiệm và các phước lành liên quan đến chức phẩm của họ.”15

Các ân tứ thuộc linh thật vô số và đa dạng và đến với chúng ta khi chúng ta tìm kiếm và sử dụng các ân tứ đó một cách thích đáng. Chúng ta có được các ân tứ đó nhờ vào quyền năng của Đức Thánh Linh mà đang bện chặt vào với cuộc sống của chúng ta.16

Qua các phước lành của chức tư tế, Chúa cho chúng ta thấy rằng Ngài “chẳng hề vị nể ai.”17 Trong những chuyến hành trình của mình, tôi thường có cơ hội đi thăm các tín hữu tại nhà của họ. Một số nhà là những chỗ ở rất đơn sơ. Thoạt tiên tôi thường tự nói: “Tại sao tôi được phước với một căn nhà có điện nước trong khi gia đình này còn không có nước ở gần nhà họ? Chúa có yêu thương họ ít hơn là Ngài yêu thương tôi chăng?”

Rồi một ngày nọ tôi ngồi trong đền thờ cạnh bên một chị phụ nữ sống trong một căn nhà đơn sơ. Tôi dành ra hai giờ đồng hồ ngồi bên cạnh chị. Tôi thường nhìn vào đôi mắt đẹp của chị và thấy tình yêu thương của Chúa trong đó. Khi chúng tôi hoàn tất công việc của mình trong đền thờ, thì tôi đã có một sự nhận thức rõ ràng. Trong tất cả các phước lành vĩnh cửu, trong tất cả các đặc ân và cơ hội quan trọng nhất của mình, chúng ta đều bình đẳng ngang nhau. Tôi đã chịu “báp têm để hối cải”18 và chị ấy cũng thế. Tôi có được các ân tứ thuộc linh và chị ấy cũng thế. Tôi có cơ hội để hối cải và chị ấy cũng thế. Tôi đã nhận được Đức Thánh Linh và chị ấy cũng thế. Tôi đã nhận được các giáo lễ đền thờ và chị ấy cũng thế. Nếu cả hai chúng tôi có rời bỏ thế gian này vào lúc ấy thì chúng tôi cũng đến trước mặt Chúa bình đẳng trong các phước lành và tiềm năng của chúng tôi.

Các phước lành của chức tư tế là những điều làm cho tất cả chúng ta đều bình đẳng. Các phước lành đó cũng giống nhau cho những người nam và những người nữ, cho các em trai và các em gái; các phước lành đó cũng giống nhau cho người kết hôn và người độc thân, người giàu và kẻ nghèo, cho người trí thức và người ít học, cho người nổi tiếng và người không ai biết đến.

Tôi biết ơn rằng qua sự công bằng vô tận và tình yêu thương của Thượng Đế, tất cả những người nam và những người nữ được ban cho đồng đều sự chung phần cộng tác, các ân tứ, các phước lành và tiềm năng qua các giáo lễ chức tư tế và các ân tứ thuộc linh. Nhờ vào chức tư tế, mà bện chặt vào cuộc sống của chúng ta, mọi khả năng, mọi giao ước, chúng ta cần phải làm công việc trong cuộc sống của mình và trở về nơi mái nhà thiên thượng đã được trút xuống dồi dào trên đầu chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 110:10.

  2. Xin xem GLGƯ 88:36–45; Áp Ra Ham 3.

  3. Dallin H. Oaks, “Priesthood Authority in the Family and the Church,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 26.

  4. Xin xem Sách Hướng Dẫn Gia Đình (2001), 18.

  5. Ezra Taft Benson, “What I Hope You Will Teach Your Children about the Temple,” Tambuli, tháng Tư.—tháng Năm năm 1986, 6.

  6. Xin xem GLGƯ 95:8.

  7. Xin xem GLGƯ 131:1–2.

  8. Xin xem GLGƯ 132:19–20.

  9. Tambuli, tháng Tư.—tháng Năm năm 1986, 6.

  10. Xin xem GLGƯ 46:26.

  11. Xin xem GLGƯ 46:12.

  12. Mô Rô Ni 10:8–11.

  13. Xin xem GLGƯ 46:10–26.

  14. Deseret News, ngày 30 tháng Bảy năm 1862, 33.

  15. Boyd K. Packer, “What Every Elder Should Know—and Every Sister as Well: A Primer on Principles of Priesthood Government,” Tambuli, tháng Mười Một năm 1994, 21.

  16. Xin xem Mô Rô Ni 10:7–17.

  17. GLGƯ 38:16.

  18. An Ma 9:27.