2006
Tạo Ra một Ngôi Nhà Chia Sẻ Phúc Âm
Tháng Năm năm 2006


Tạo Ra một Ngôi Nhà Chia Sẻ Phúc Âm

Việc tạo ra một ngôi nhà chia sẻ phúc âm là cách thức dễ dàng và hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể chia sẻ phúc âm.

Các anh chị em thân mến, cách đây vài tuần cả hai đầu gối của tôi đã được giải phẫu. Vậy nên khi tôi nói rằng tôi biết ơn để có thể đứng trước các anh chị em hôm nay, thì lời nói đó không phải là sáo ngữ chút nào. Trong giai đoạn hồi phục này, tôi đã được nhắc nhở đến việc chúng ta đã được phước biết bao để biết về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lòng tôi đầy xúc động khi tôi nghĩ về nỗi đau đớn và đau khổ mà Ngài đã trải qua cho chúng ta trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá. Ngài đã chịu đựng điều đó như thế nào thì tôi không thể hiểu được. Nhưng tôi cảm tạ Ngài và tôi yêu thương Ngài thiết tha hơn lời nói có thể bày tỏ được.

Tôi cũng xin cám ơn Chủ Tịch Hinckley về đặc ân để có mặt với ông tại nơi sinh quán của Tiên Tri Joseph. Nhờ vào Joseph Smith mà chúng ta mới được ban cho rất nhiều điều. Nếu không nhờ vào Sự Phục Hồi thì chúng ta sẽ không biết được thiên tính của Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta, hoặc bản tính thiêng liêng của chúng ta với tư cách là con cái của Ngài. Chúng ta sẽ không hiểu tính chất vĩnh cửu của cuộc sống của mình hoặc biết rằng gia đình có thể được vĩnh viễn với nhau.

Chúng ta sẽ không biết rằng Thượng Đế tiếp tục phán truyền cùng các vị tiên tri của Ngài trong thời đại của chúng ta, bắt đầu với Khải Tượng Thứ Nhất đầy kỳ diệu mà trong đó Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith. Chúng ta sẽ không có được sự bảo đảm đầy an ủi rằng ngày nay chúng ta đang được hướng dẫn bởi một vị tiên tri, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley.

Nếu không có Sự Phục Hồi có lẽ chúng ta đã tin rằng sự trọn vẹn của lời Thượng Đế được tìm thấy trong Kinh Thánh. Chúng ta có lẽ không biết về Sách Mặc Môn, quyển thánh thư quý báu và tuyệt vời đó, và các thánh thư ngày sau khác giảng dạy các lẽ thật vĩnh cửu mà giúp chúng ta đến gần với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn.

Nếu không có Sự Phục Hồi thì có lẽ chúng ta đã không có các phước lành của các giáo lễ chức tư tế mà có hiệu lực trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu. Chúng ta có lẽ đã không biết về các điều kiện hối cải cũng như chúng ta không hiểu tính xác thật của sự phục sinh. Chúng ta có lẽ không có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta thật sự hiểu được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một phước lành lớn lao biết bao trong cuộc sống của mình, khi chúng ta chấp nhận và tuân theo các lẽ thật vĩnh cửu này và để cho các lẽ thật này ghi sâu vào lòng mình, thì chúng ta trải qua một “sự thay đổi lớn lao” (An Ma 5: 14) trong lòng mình. Chúng ta được tràn đầy tình yêu thương và lòng biết ơn. Như tiên tri An Ma đã viết, chúng ta cảm thấy “hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc” (An Ma 5:26) cho tất cả mọi người chịu lắng nghe.

An Ma đã nói: “Ôi, ước gì tôi là một thiên sứ và có được sự ước muốn của lòng tôi, để tôi có thể đi khắp nơi và nói lên bằng tiếng kèn của Thượng Đế, bằng một giọng nói làm rung chuyển địa cầu, và rao truyền sự hối cải cho mọi người!

“Phải, tôi sẽ rao truyền cho từng người … về kế hoạch cứu chuộc, để họ hối cải mà đến với Thượng Đế của chúng ta, hầu không còn thêm một sự sầu khổ nào nữa trên khắp mặt đất này” (An Ma 29:1–2).

Thưa các anh chị em, điều đó cũng phải như thế đối với chúng ta. Tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa và lòng biết ơn của chúng ta về Sự Phục Hồi phúc âm là tất cả động lực mà chúng ta cần có để chia sẻ điều mà đem đến cho chúng ta nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đó là điều tự nhiên nhất trên thế gian ngày nay để chúng ta làm, nhưng tuy vậy vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta đã ngần ngại để chia sẻ chứng ngôn của mình với những người khác.

Những người truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới đang đáp ứng niềm vui do chứng ngôn này mang lại trong việc chia sẻ phúc âm. Nhiều người trong số họ đi vào MTC (Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo) với quyển sách hướng dẫn truyền giáo Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta mà đã được họ đánh dấu và học tập rất nhiều. Tôi vui mừng để tường trình rằng với sự sử dụng sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, họ đã có thể gia tăng khả năng giảng dạy bằng những lời riêng của họ bởi quyền năng của Đức Thánh Linh và có khả năng hơn để thích nghi các bài học của họ với nhu cầu của những người mà họ giảng dạy. Vì vậy họ có được ảnh hưởng đầy ý nghĩa đến nhiều người.

Nhưng thật sự, điều mà họ hiện cần là có thêm nhiều người để giảng dạy. Kinh nghiệm đã cho thấy rằng những điều kiện giảng dạy tốt nhất phát triển khi các tín hữu của chúng ta tham gia vào tiến trình tìm kiếm và giảng dạy. Điều này không có gì mới mẻ—các anh chị em đã nghe điều này trước đây. Một số các anh chị em có lẽ còn cảm thấy có tội vì đã không giúp đỡ những người truyền giáo nhiều.

Hôm nay tôi muốn mời các anh chị em hãy thư giãn và để qua một bên những mối lo âu của mình và thay vì thế tập trung đến tình yêu mến của các anh chị em đối với Chúa, chứng ngôn của các anh chị em về sự hiện thực vĩnh cửu của Ngài, và lòng biết ơn của các anh chị em về tất cả những gì mà Ngài đã làm cho các anh chị em. Nếu các anh chị em thật sự được thúc đẩy bởi tình yêu thương và chứng ngôn cùng lòng biết ơn, thì các anh chị em sẽ tự động làm tất cả những gì các anh chị em có thể làm để phụ giúp Chúa trong việc “[mang lại] sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu” (Môi Se 1:39) cho con cái của Cha Thiên Thượng. Thật ra, rất khó có thể ngăn cản các anh chị em làm điều đó.

Chính Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy cách thức mà Ngài đã mời gọi các môn đồ của Ngài “hãy đến xem … nơi Ngài ở, và [họ] ở lại cùng Ngài trong ngày đó” (Giăng 1:39). Các anh chị em nghĩ tại sao Ngài làm điều đó? Thánh thư không giải thích lập luận của Ngài, nhưng tôi tin rằng nó không liên quan gì đến sự an ủi và sự thuận tiện. Lúc nào cũng thế, Ngài giảng dạy. Và có cách thức nào tốt để giảng dạy cho các tín đồ của Ngài hơn là mời gọi họ đến với Ngài để họ có thể trực tiếp thấy và học được sứ điệp tuyệt luân của Ngài.

Tương tự như thế, ngôi nhà của chúng ta có thể là ngôi nhà chia sẻ phúc âm khi những người chúng ta quen biết và yêu thương vào nhà mình và trực tiếp học phúc âm bằng lời nói lẫn hành động. Chúng ta có thể chia sẻ phúc âm mà không cần có một cuộc thảo luận trang trọng. Gia đình của chúng ta có thể là bài học của chúng ta và tinh thần tỏa lan từ nhà của chúng ta có thể là sứ điệp của chúng ta.

Việc có được một ngôi nhà chia sẻ phúc âm không những sẽ là một phước lành cho những người mà chúng ta mang vào nhà mình mà còn cho những người sống trong ngôi nhà ấy. Bằng cách sống trong một ngôi nhà chia sẻ phúc âm, chứng ngôn của chúng ta trở nên vững mạnh hơn và sự hiểu biết phúc âm của chúng ta được cải tiến. Sách Giáo Lý và Giao Ước dạy rằng chúng ta có thể được tha thứ các tội lỗi của mình khi chúng ta giúp một người nào khác hối cải (xin xem GLGƯ 62:3). Chúng ta tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ những người khác đến cùng Đấng Ky Tô và cảm nhận được quyền năng cứu chuộc của tình yêu thương của Ngài (xin xem GLGƯ 18:14–16). Gia đình của chúng ta được phước khi chứng ngôn và đức tin của cha mẹ lẫn con cái gia tăng.

Trong những ngôi nhà chia sẻ phúc âm, chúng ta cầu xin sự hướng dẫn cho bản thân mình và chúng ta cầu nguyện cho sự an lạc vật chất và thuộc linh của những người khác. Chúng ta cầu nguyện cho những người mà những người truyền giáo đang giảng dạy, cho những người quen biết của chúng ta và cho những người không cùng đức tin với chúng ta. Trong các ngôi nhà chia sẻ phúc âm trong thời An Ma, các tín hữu thường “tụ họp để cùng nhau nhịn ăn và cầu nguyện mãnh liệt vì sự lợi ích cho sự an lạc tâm hồn của những người chưa từng được biết Thượng Đế” (An Ma 6:6).

Việc tạo ra một ngôi nhà chia sẻ phúc âm là cách thức dễ dàng và hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể chia sẻ phúc âm với những người khác. Và chúng ta không chỉ nói về các ngôi nhà truyền thống với gia đình gồm có cha mẹ đang sống với con cái họ. Các sinh viên đại học có thể tạo ra một ngôi nhà chia sẻ phúc âm khi họ trang trí các bức tường của căn hộ mình với hình ảnh mà phản ảnh sự theo đuổi phần thuộc linh thay vì những sự việc thế gian. Các cặp vợ chồng lớn tuổi hơn và các tín hữu độc thân cho thấy một ngôi nhà chia sẻ phúc âm khi họ chào đón những người láng giềng mới và mời những người này đi nhà thờ và đến thăm những người này tại nhà của họ.

Một ngôi nhà chia sẻ phúc âm là một ngôi nhà mà trong đó trẻ con hàng xóm thích nô đùa, là điều tự nhiên khi mời chúng và gia đình chúng đi nhà thờ, đến dự buổi họp tối gia đình hoặc một sinh hoạt khác. Các thiếu niên đến thăm một ngôi nhà chia sẻ phúc âm thì cảm thấy thoải mái khi đặt câu hỏi hoặc khi tham gia cầu nguyện với gia đình.

Các ngôi nhà chia sẻ phúc âm thì rất bình thường. Có lẽ chúng không luôn luôn được sạch bóng cũng như con cái không hoàn toàn ngoan ngoãn. Nhưng chúng là một nơi mà những người trong gia đình yêu thương nhau một cách rõ rệt, và Thánh Linh của Chúa được cảm nhận bởi những người đến thăm các ngôi nhà đó.

Khi chúng ta nói về một ngôi nhà chia sẻ phúc âm là gì thì có lẽ cũng là điều hữu ích để nhận ra một số điều mà một ngôi nhà không phải là ngôi nhà chia sẻ phúc âm .

Một ngôi nhà chia sẻ phúc âm không phải là một chương trình. Đó là một lối sống. Việc tạo ra một ngôi nhà chia sẻ phúc âm có nghĩa là mời gọi bạn bè và láng giềng của mình tham dự các sinh hoạt trong gia đình và Giáo Hội. Khi chúng ta mời bạn bè của mình cùng với chúng ta tham dự các sinh hoạt này, thì họ cũng sẽ cảm nhận được Thánh Linh.

Việc tạo ra một ngôi nhà chia sẻ phúc âm không có nghĩa là chúng ta sẽ phải dành ra một số lớn thời giờ để gặp gỡ và bồi đắp những người bạn mà chúng ta chia sẻ phúc âm với. Những người bạn này sẽ tự động bước vào cuộc sống của chúng ta; và nếu chúng ta thật tình cởi mở về vai trò tín hữu của mình trong Giáo Hội từ lúc ban đầu, thì chúng ta có thể dễ dàng mang các cuộc thảo luận về phúc âm vào mối quan hệ này với rất ít nguy cơ bị hiểu lầm. Bạn bè và những người quen biết sẽ chấp nhận rằng đây là một phần của việc chúng ta là ai và họ sẽ cảm thấy tự do để đặt câu hỏi.

Một ngôi nhà chia sẻ phúc âm thì không được định rõ bởi việc người ta có gia nhập Giáo Hội hay không do sự tiếp xúc của chúng ta với họ. Cơ hội và trách nhiệm của chúng ta là chăm sóc, chia sẻ, làm chứng và đưa ra lời mời và rồi để cho những cá nhân tự quyết định lấy. Chúng ta được phước khi chúng ta mời họ suy ngẫm về Sự Phục Hồi, bất luận kết quả ra sao. Ít ra chúng ta cũng có được mối quan hệ đầy thỏa mãn với một người nào đó từ tín ngưỡng khác và chúng ta có thể tiếp tục vui hưởng tình bạn của họ.

Trong một ngôi nhà chia sẻ phúc âm chúng ta không chỉ cầu nguyện cho sức khỏe, sự an toàn và thành công của những người truyền giáo của chúng ta trên khắp thế giới. Chúng ta còn cầu nguyện để có được những kinh nghiệm và cơ hội truyền giáo của mình và được chuẩn bị để hành động theo những ấn tượng khi chúng đến. Và tôi hứa với các anh chị em rằng chắc chắn chúng sẽ đến.

Cách đây hơn 20 năm, tôi đã đề nghị rằng bí quyết thành công của công việc truyền giáo của các tín hữu là việc sử dụng đức tin. Một cách để cho thấy đức tin của các anh chị em nơi Chúa và những lời hứa của Ngài là thành tâm định ra một ngày để chuẩn bị cho một người nào đó gặp những người truyền giáo. Tôi đã nhận được hằng trăm lá thư từ các tín hữu là những người đã sử dụng đức tin của họ trong cách thức giản dị này. Mặc dù những gia đình không nghĩ ra một người nào mà họ có thể chia sẻ phúc âm nhưng họ đã định ra một ngày, cầu nguyện và rồi nói chuyện với nhiều người nữa. Chúa là Đấng Chăn Lành và Ngài biết chiên của Ngài mà đã được chuẩn bị để nghe tiếng của Ngài. Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ thiêng liêng của Ngài trong việc chia sẻ phúc âm của Ngài.

Một chị phụ nữ ở Pháp đã được hỏi về bí quyết thành công của chị. Chị nói: “Tôi hoàn toàn chia sẻ niềm vui của mình. Tôi đối xử với mọi người thể như họ đã là tín hữu của Giáo Hội. Nếu tôi đang đứng cạnh bên một người nào đó đang đứng xếp hàng và bắt chuyện làm quen thì tôi chia sẻ với họ về việc tôi vui thích các buổi họp Giáo Hội của mình vào ngày Chúa Nhật biết bao . Khi những bạn đồng nghiệp hỏi: ‘Chị đã làm gì cuối tuần này?’ Tôi không bỏ qua việc tôi làm từ tối thứ Bảy đến sáng thứ Hai. Tôi chia sẻ với họ rằng tôi đi nhà thờ, điều gì đã được nói ra và những kinh nghiệm của mình với Các Thánh Hữu. Tôi nói về cách thức mình sống, suy nghĩ và cảm nhận.”

Trong một ngôi nhà chia sẻ phúc âm, nỗ lực truyền giáo của cá nhân chúng ta là đề tài của các hội đồng và các cuộc thảo luận trong gia đình. Một gia đình trung tín nọ hội ý với nhau về nhu cầu của mỗi người trong gia đình để nêu gương. Về sau, người huấn luyện viên trường trung học của đứa con trai trong gia đình này, ông ta không phải là tín hữu, đã gửi đồ tặng dữ đến Giáo Hội. Tại sao? Bởi vì người thiếu niên này đã gây ấn tượng cho ông ta với lòng can đảm của mình trong việc nói cho những người bạn đồng đội của mình phải có lời lẽ trong sạch. Có hằng ngàn kinh nghiệm mà có thể được chia sẻ nơi nào mà có các tín hữu đã gia nhập Giáo Hội vì tinh thần và thái độ mà họ quan sát trong cuộc sống của những người đến từ các ngôi nhà có sự chia sẻ phúc âm.

Văn phẩm của Giáo Hội hoặc dĩa DVD có thể giới thiệu những người bạn mới với Giáo Hội. Những lời mời để nghe một người trong gia đình nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh hoặc tham dự lễ báp têm của một người trong gia đình hoặc đi tham quan một nhà hội cũng được cảm kích bởi những người không phải là tín hữu. Từ mọi điều biểu thị mà chúng ta có, thì không có điều gì hữu hiệu mà bất cứ ai trong chúng ta có thể làm cho các bạn bè của mình hơn là mời những người bạn của chúng ta “hãy đến mà xem” bằng cách đi cùng với chúng ta đến dự lễ Tiệc Thánh. Có rất nhiều người không biết rằng họ được chào đón để cùng thờ phượng với chúng ta.

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta hỗ trợ các vị lãnh đạo tiểu giáo khu của mình và phụ giúp trong việc làm cho kế hoạch truyền giáo của tiểu giáo khu được hữu hiệu. Bất luận sự kêu gọi nào của chúng ta trong Giáo Hội có thể là gì đi nữa, thì chúng ta cũng vẫn giúp các vị lãnh đạo chức tư tế và các tổ chức bổ trợ phụ giúp những người truyền giáo, chào đón và mời những người khách đến thăm cùng tham dự, và kết tình thân hữu với các tín hữu mới. Các anh chị em có thể yêu cầu cho các anh chị em xem lịch trình hằng ngày của họ để các anh chị em xem cách thức nào tốt nhất các anh chị em có thể giúp họ đạt được các mục tiêu của họ. Khi cùng làm việc chung, tinh thần của các ngôi nhà chia sẻ phúc âm sẽ lan tràn trong giáo đường, lớp học và hội trường sinh hoạt của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng nếu chúng ta chỉ làm một số điều giản dị này thì Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta để tìm ra hằng chục ngàn con cái của Cha Thiên Thượng là những người sẵn sàng để được giảng dạy phúc âm. Tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa, lòng biết ơn của chúng ta đối với sự hy sinh chuộc tội của Ngài, và sứ mệnh của Ngài để có được tất cả mọi người đến cùng Ngài cần phải cung ứng tất cả các động cơ mà chúng ta cần có để được thành công trong việc chia sẻ phúc âm.

Thưa các anh chị em, cầu xin Chúa ban phước cho các anh chị em, với đức tin và sự tin cậy lớn lao hơn nơi Ngài khi các anh chị em tìm đến bây giờ để giới thiệu Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho những người trên thế gian, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.