2006
Những Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại
Tháng Năm năm 2006


Những Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại

Khi Ngài phán bảo với những người có tinh thần khốn khó: “Hãy theo ta,” thì Ngài có ý muốn nói rằng Ngài biết con đường đi ra và Ngài biết con đường đi lên.

Những lời đầu tiên mà Chúa Giê Su dùng trong Bài Giảng Trên Núi nghiêm nghị của Ngài là cho những người lo lắng, thất vọng và chán nản. Ngài phán rằng: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy?”1 Dù các anh chị em có là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hay không, hoặc là trong số hàng chục ngàn người đang lắng nghe buổi sáng nay mà không thuộc tín ngưỡng của chúng tôi, thì tôi cũng xin ngỏ lời cùng những người mà đang đương đầu với những thử thách cá nhân và khó khăn trong gia đình, những người đang chịu đựng những cuộc xung đột mà tự mình âm thầm phấn đấu, những người mà đang cố kiềm giữ nỗi thất vọng mà đôi khi tràn ngập tâm hồn mình. Tôi muốn đặc biệt ngỏ lời cùng các anh chị em mà cảm thấy rằng cuộc sống của mình đang bị đổ vỡ, dường như không thể nào hàn gắn lại được.

Tôi xin đề nghị với tất cả các anh chị em đang ở trong những hoàn cảnh như vậy một phương thuốc chắc chắn và tuyệt vời nhất mà tôi biết. Nó được tìm thấy trong lời kêu gọi rền vang do chính Đấng Cứu Thế đưa ra. Ngài đã phán bảo điều này vào lúc bắt đầu và vào lúc kết thúc giáo vụ của Ngài. Ngài phán bảo điều này cùng những người tin và Ngài cũng phán bảo điều này cùng những người vẫn còn nghi ngờ điều Ngài phán bảo. Ngài đã phán bảo điều này với tất cả mọi người dù họ có thể có bất cứ vấn đề cá nhân nào đi nữa:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”2

Trong lời hứa này, câu mở đầu đó, “hãy đến cùng ta” là cốt yếu. Đó là bí quyết cho sự bình an và nghỉ ngơi mà chúng ta tìm kiếm. Quả thật vậy, khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh đưa ra bài giảng của Ngài tại đền thờ cho dân Nê Phi ở Tân Thế Giới, Ngài đã bắt đầu rằng: “Phước thay cho những ai với tinh thần khốn khó đến cùng ta, vì vương quốc thiên thượng thuộc về những kẻ ấy.”3

Khi Anh Rê và Giăng mới nghe Đấng Ky Tô phán bảo, họ được tác động mạnh đến nỗi họ đã đi theo Ngài khi Ngài đi ra khỏi đám đông. Khi Ngài cảm thấy có người đang đi theo thì Chúa Giê Su quay lại hỏi hai người này: “Các ngươi tìm chi?” Họ trả lời: “Thầy ở đâu?” Và Đấng Ky Tô phán: “Hãy đến xem.” Ngày hôm sau Ngài tìm được một môn đồ nữa tên là Phi Líp, và bảo người đó rằng: “Hãy theo ta.”4 Một thời gian ngắn sau đó, Ngài chính thức kêu gọi Phi E Rơ và những người khác trong số Các Sứ Đồ mới cùng với tinh thần mời gọi đó. Ngài bảo họ: “Các ngươi hãy theo ta.”5

Dường như rõ ràng là thực chất của bổn phận chúng ta và sự đòi hỏi chủ yếu của cuộc sống hữu diệt của chúng ta được bao gồm trong những câu nói ngắn gọn này từ bất cứ trường hợp nào trong giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đang phán bảo cùng chúng ta: “Hãy tin cậy ta, học hỏi nơi ta, và làm theo điều mà ta làm. Rồi khi ngươi đi nơi ta đang đi, thì chúng ta có thể nói về nơi mà ngươi sẽ đi tới, và những điều khó khăn mà ngươi gặp và những điều phiền muộn mà ngươi có. Nếu ngươi chịu đi theo ta, thì ta sẽ dẫn ngươi ra khỏi bóng tối,” Ngài hứa: “Ta sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của ngươi. Ta sẽ cho linh hồn của ngươi được yên nghỉ.”

Các bạn thân mến của tôi, tôi không biết có cách nào khác để chúng ta được thành công hay được an toàn giữa những điều nguy hiểm và khó khăn trong cuộc sống. Tôi không biết có con đường nào khác để chúng ta mang những gánh nặng hoặc tìm được điều mà Gia Cốp trong Sách Mặc Môn đã gọi là “niềm hạnh phúc mà đã được chuẩn bị cho các thánh hữu.”6

Vậy thì làm thế nào để một người “đến cùng Đấng Ky Tô” hưởng ứng lời mời gọi thường xuyên này? Thánh thư đã ban cho nhiều ví dụ và phương pháp. Các anh chị em đã quen thuộc với những điều cơ bản nhất. Điều dễ dàng và sớm nhất nhận được một cách giản dị với ước muốn trong lòng của chúng ta, một hình thức cơ bản nhất của đức tin mà chúng ta được biết. An Ma nói: “Nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin,” thì “hãy vận dụng chỉ một chút ít đức tin … ngay cả chỉ chừa một chỗ nhỏ để những lời hứa của Thượng Đế tác động trong lòng—thì đó cũng đủ để bắt đầu.7 Chỉ tin, chỉ có một “phần” đức tin—chỉ đơn thuần là hy vọng vào những gì không trông thấy được trong cuộc sống của chúng ta, nhưng có thật để được ban cho8—bước đơn giản đó, khi được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô, đã và sẽ luôn luôn là nguyên tắt đầu tiên của phúc âm vĩnh cửu của Ngài, là bước đầu tiên để ra khỏi nỗi thất vọng.

Thứ nhì, chúng ta cần phải thay đổi bất cứ điều gì chúng ta có thể thay đổi mà có thể là một phần của vấn đề. Nói vắn tắt, chúng ta cần phải hối cải, có lẽ đó là một từ đầy hy vọng và khuyến khích nhất trong từ vựng của Ky Tô hữu. Chúng ta cám ơn Cha Thiên Thượng của chúng ta đã cho phép thay đổi, chúng ta cám ơn Chúa Giê Su vì chúng ta có thể thay đổi, và cuối cùng chúng ta chỉ có thể làm như vậy với sự giúp đỡ thiêng liêng của các Ngài. Chắc chắn là không phải mọi điều chúng ta đang tranh đấu là kết quả của các hành động của chúng ta. Thường thì nó là kết quả của các hành động của những người khác hay nó chỉ là các sự kiện của cuộc sống trần thế. Nhưng bất cứ điều gì chúng ta có thể thay đổi thì chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta phải tha thứ những điều còn lại. Theo cách này, việc chúng ta tiếp nhận Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi sẽ không gặp trở ngại khi với những sự bất toàn của mình, chúng ta có thể làm được điều đó. Ngài sẽ hoàn tất phần còn lại.

Thứ ba, chúng ta cố gắng với hết khả năng của mình để bắt chước Ngài, và chúng ta bắt đầu bằng cách mang danh của Ngài. Danh của Ngài được chính thức ban cho qua giao ước trong các giáo lễ cứu rỗi của phúc âm. Những giáo lễ này bắt đầu với phép báp têm và kết thúc với các giao ước đền thờ, cùng với nhiều giáo lễ khác như việc dự phần Tiệc Thánh, được kéo dài trong suốt cuộc đời của chúng ta với tính cách là những phước lành và là sự nhắc nhở thêm. Khi giảng dạy các tín hữu trong thời đại của ông về sứ điệp mà chúng tôi đưa ra sáng hôm nay, Nê Phi đã nói: “Noi theo Đức Chúa Con một cách hết lòng, … mà thực tâm, … mang danh Đấng Ky Tô … Hãy làm những việc mà tôi đã nói với các người là tôi đã thấy rằng Chúa, Đấng Cứu Chuộc của các người sẽ phải làm.”9

Khi tuân theo những điều giảng dạy cơ bản nhất này, thì những điều kỳ diệu có liên quan đến Đấng Ky Tô sẽ được mở ra cho chúng ta trong nhiều cách thức: cầu nguyện, nhịn ăn, và suy ngẫm về những mục đích của Ngài, thưởng thức các thánh thư, phục vụ những người khác, “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”10 Quan trọng hơn hết là thương yêu với “tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô,” ân tứ “không bao giờ hư mất” đó, ân tứ “chịu đựng mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự và nhẫn nại mọi sự.”11 đó. Chẳng bao lâu, với loại tình yêu thương đó, chúng ta ý thức rằng trong cuộc sống của mình có rất nhiều cách thức khác nhau mà dẫn đến cùng Đấng Thầy và mỗi lần chúng ta tìm đến Ngài, tuy trong sự yếu đuối, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng Ngài đang cố gắng tìm đến chúng ta một cách nồng nhiệt. Vậy thì chúng ta tiến tới, cố gắng, tìm kiếm và không bao giờ bỏ cuộc.12

Ước muốn của tôi ngày hôm nay là cho tất cả chúng ta—không chỉ cho những người có “tinh thần khốn khó” mà cho tất cả chúng ta—có thêm kinh nghiệm cá nhân trực tiếp với tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Đôi khi chúng ta tìm kiếm thiên thượng một cách quá quanh co, bằng cách chú trọng tới các chương trình, lịch sử, hoặc kinh nghiệm của những người khác. Những điều đó cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng kinh nghiệm cá nhân, vai trò môn đồ chân chính, và sức mạnh có được từ kinh nghiệm trực tiếp với quyền năng của bàn tay Ngài.

Các anh chị em có đang đương đầu với một thói nghiện xấu xa—thuốc lá, ma túy, cờ bạc hoặc bệnh dịch hình ảnh sách báo khiêu dâm độc hại hiện nay không? Cuộc hôn nhân của các anh chị em có đang bị rắc rối hoặc đứa con của mình đang gặp nguy hiểm không? Các anh chị em có hoang mang về giới tính của mình hay đang tìm kiếm lòng tự trọng không? Các anh chị em—hoặc một người nào đó mà mình yêu thương—có đang đương đầu với bệnh tật, chán nản hoặc cái chết không? Dù các anh chị em cần phải làm bất cứ điều gì khác để giải quyết những mối quan tâm này, thì trước tiên hãy đến với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tin cậy vào những lời hứa của thiên thượng. Về phương diện đó, chứng ngôn của An Ma là chứng ngôn của tôi. Ông nói: “Cha biết rằng, kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình.”13

Sự trông cậy này vào bản tính thương xót của Thượng Đế là điều chủ yếu của phúc âm mà Đấng Ky Tô đã giảng dạy. Tôi làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi nâng nhẹ khỏi chúng ta không những gánh nặng tội lỗi của chúng ta, mà còn luôn cả gánh nặng thất vọng và đau khổ, gánh nặng đau buồn và tuyệt vọng của chúng ta.14 Từ lúc ban đầu, sự tin cậy vào sự giúp đỡ như vậy là để cho chúng ta một lý do lẫn một con đường để tiến bộ, một điều khuyến khích để cất bỏ những gánh nặng của chúng ta và tiến hành sự cứu rỗi của chúng ta. Có thể và sẽ có nhiều khó khăn trong đời. Tuy nhiên, người nào mà đến cùng với Đấng Ky Tô, là người biết tiếng Ngài, và cố gắng làm theo điều mà Ngài đã làm, thì sẽ tìm được một sức mạnh “vượt xa khả năng của mình”15 theo như lời của bài thánh ca. Đấng Cứu Rỗi nhắc nhở chúng ta rằng Ngài “đã chạm chúng ta trong lòng bàn tay của Ngài.”16 Khi suy nghĩ về cái giá không thể hiểu được của việc Ngài bị đóng đinh và Sự Chuộc Tội của Ngài, thì tôi hứa với các anh chị em rằng Ngài sẽ không bỏ rơi chúng ta bây giờ. Khi Ngài phán bảo với những người có tinh thần khốn khó: “Hãy theo ta,” thì Ngài có ý muốn nói rằng Ngài biết con đường đi ra và Ngài biết con đường đi lên. Ngài biết điều đó bởi vì Ngài đã trải qua điều đó. Ngài biết con đường bởi vì Ngài con đường.

Dù các anh chị em có bất cứ nỗi đau khổ nào thì cũng xin đừng bỏ cuộc và xin đừng đầu hàng nỗi sợ hãi. Lòng tôi luôn luôn cảm động khi nghĩ về lúc người con trai của Anh Bryant S. Hinckley ra đi truyền giáo ở nước Anh, anh đã ôm từ giã thiếu niên Gordon và nhét vào tay của con mình một tờ giấy nhỏ chỉ viết sáu chữ lấy từ chương năm của sách Mác: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi.”17 Tôi cũng nghĩ về cái đêm mà Đấng Ky Tô đi vội vàng trên mặt nước đến cứu giúp các môn đồ đang sợ hãi của Ngài, và gọi họ khi Ngài tới gần: “Hãy yên lòng; ấy là ta đây.” Phi E Rơ bèn thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa.” Đấng Ky Tô đáp lời ông luôn luôn với một câu phán mỗi lần như thế: “Hãy đến.” Lập tức, vì đó là bản tính của ông, Phi E Rơ nhảy ra khỏi thuyền xuống mặt nước đang động. Trong khi mắt của ông chăm chú nhìn Chúa, gió thổi bay tóc ông và sóng tung lên làm ướt áo choàng của ông nhưng mọi việc đều tốt đẹp—ông đang đi đến cùng Đấng Ky Tô. Chỉ vào lúc đức tin của ông dao động và nỗi lo sợ chế ngự, chỉ khi ông không nhìn Đức Thầy mà lại nhìn những cơn sóng hùng hổ và vực thẳm tối tăm nguy hiểm ở dưới chân mình, thì ông mới bắt đầu chìm xuống biển. Trong nỗi kinh hoàng mới lạ ông đã la lên “Chúa ơi, xin cứu tôi.”

Chắc chắn với một sự buồn bã nào đó, Đức Thầy chế ngự mọi sự khó khăn và sợ hãi, Ngài là sự giải đáp cho mọi sự chán nản và thất vọng, dang tay Ngài ra và nắm lấy người môn đồ đang sắp bị chết đuối và dịu dàng quở trách: “Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?”18

Nếu các anh chị em đang cô đơn, xin hãy biết rằng các anh chị em có thể tìm được sự an ủi. Nếu các anh chị em đang thất vọng, xin hãy biết rằng các anh chị em có thể tìm được niềm hy vọng. Nếu các anh chị em có tinh thần khốn khó, xin hãy biết rằng các anh chị em có thể được củng cố. Nếu các anh chị em cảm thấy mình đang đau khổ, xin hãy biết rằng các anh chị em có thể được an ủi.

Ở Na Xa Rét, có một con đường chật hẹp

Mà làm mỏi chân và làm hụt hơi,

Đi qua nơi đó trước đây

Có Người Thợ Mộc thành Na Xa Rét ở.

Và lên xuống con đường bụi bậm này

Là những người trong làng thường đi

Và trên cái bàn thợ mộc, cạnh bên Người

Là những món đồ gãy vỡ cho Người sửa chữa.

Một em gái với con búp bê bị hư,

Một người phụ nữ với một cái ghế bị gãy,

Một người đàn ông với một cái cày hay cái ách bị hư

Nói: “Người Thợ Mộc ơi, ông có thể sửa những thứ này không?“

Và mọi người nhận được thứ mà mình tìm kiếm,

Nơi cái ách, cái cày, cái ghế, hoặc con búp bê;

Món đồ hư mà mỗi người đã đem tới

Đã được sửa lại thành toàn hảo.

Vậy nên, qua suốt những năm dài đi lên ngọn đồi,

Với bước đi nặng nề và đôi mắt buồn rầu,

Những tâm hồn nặng trĩu đi tìm Người Thợ Mộc,

Kêu lên tiếng than vãn ai oán:

“Ôi Người Thợ Mộc thành Na Xa Rét,

Trái tim này mà đã bị hư hại quá mức sửa chữa,

Cuộc sống này mà bị phá hủy gần sắp chết,

Ôi, Người Thợ Mộc ơi, có thể sửa chữa được chúng chăng?”

Và với bàn tay nhân từ và sẵn sàng của Người,

Cuộc sống tuyệt vời của Người sẽ thay đổi

Cuộc sống đau khổ của chúng ta để trở thành

Một Sự Sáng Tạo Mới—“tất cả đều trở thành mới.”

“Những điều [hư hại] của tâm hồn,

Ước muốn, hoài bão, hy vọng, và đức tin,

Xin làm cho chúng trở thành hoàn hảo,

Ôi Người Thợ Mộc thành Na Xa Rét!”19

Cầu xin rằng tất cả chúng ta, nhất là những người có tinh thần khốn khó, sẽ đến cùng Ngài và được chữa lành, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô thành Na Xa Rét, A Men.

GHI CHÚ

  1. Ma Thi Ơ 5:3.

  2. Ma Thi Ơ 11:28–29.

  3. 3 Nê Phi 12:3; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Giăng 1:35–39, 43.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 4:19.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 9:43.

  7. Xin xem An Ma 32:27; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  8. Xin xem An Ma 32:21.

  9. 2 Nê Phi 31:13, 17.

  10. GLGƯ 81:5.

  11. Mô Rô Ni 7:47, 46, 45.

  12. Xin xem Alfred, Lord Tennyson, “Ulysses,” trong The Complete Poetical Works of Tennyson (1898), 89.

  13. An Ma 36:3.

  14. Xin xem An Ma 7:11–12.

  15. “Lord, I Would Follow Thee,” Hymns, số 220.

  16. 1 Nê Phi 21:16.

  17. Mác 5:36.

  18. Ma Thi Ơ 14:27–31; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  19. George Blair, “The Carpenter of Nazareth,” trong Obert C. Tanner, Christ’s Ideals for Living (sách học Trường Chúa Nhật, 1955), 22.