2006
Cuộc Sống Dư Dật
Tháng Năm năm 2006


Cuộc Sống Dư Dật

Cuộc sống dư dật nằm trong tầm tay với của chúng ta nếu chúng ta chịu uống đầy nước sự sống, chất chứa lòng mình với tình yêu thương và tạo dựng cuộc sống của mình thành một cuộc sống đầy kỳ diệu.

Harry de Leyer tới trễ buổi bán đấu giá vào ngày có tuyết rơi đó vào năm 1956 và tất cả các con ngựa tốt đã bán hết rồi. Chỉ còn lại một vài con già nua và mệt mỏi đã được một công ty mua để cứu chúng.

Harry, một người thầy dạy cưỡi ngựa tại trường nữ ở New York, sắp sửa bỏ đi thì một trong số các con ngựa này—một con ngựa thiến bị bỏ bê không ai chăm sóc, màu xám với vết thương trông thật xấu xí ở chân—đã làm ông chú ý . Con vật vẫn còn mang những dấu vết do bộ yên cương nặng nề gây ra, bằng chứng về cuộc đời gian khổ mà nó đã sống. Nhưng một điều gì đó nơi nó đã làm cho Harry chú ý vậy nên ông đã trả giá 80 Mỹ kim để mua nó.

Trời đang tuyết khi mấy đứa con của Harry trông thấy con ngựa lần đầu tiên và bởi vì lớp tuyết ở trên lưng con ngựa nên mấy đứa trẻ đặt tên nó là “Snowman” (Người Tuyết)

Harry chăm sóc con ngựa cẩn thận và nó đã trở thành người bạn hiền lành và đáng tin cậy—một con ngựa mà mấy đứa con gái thích cưỡi bởi vì nó chững chạc và không hoảng hốt như một số con khác. Thật vậy, Snowman đã tiến bộ nhanh đến nỗi một người láng giềng đã mua nó gấp đôi cái giá mà Harry đã trả lúc đầu.

Nhưng Snowman tiếp tục biến mất khỏi đồng cỏ của người láng giềng—đôi khi dừng chân nơi ruộng khoai tây, những lúc khác trở về chỗ của Harry. Dường như con ngựa đã phải nhảy qua các hàng rào ở giữa các khu đất, nhưng dường như điều đó không thể xảy ra được—Harry chưa bao giờ thấy Snowman nhảy qua bất cứ cái gì cao hơn một khúc gỗ bị ngã đổ.

Nhưng cuối cùng, người láng giềng mất hết kiên nhẫn và người ấy nài nỉ Harry lấy con ngựa lại.

Trong nhiều năm, giấc mơ lớn của Harry là tạo ra một con ngựa vô địch nhảy cao. Ông đã có được sự thành công trong quá khứ, nhưng để tranh tài ở mức cao nhất thì ông biết rằng ông phải mua một con ngựa nòi mà được gây giống đặc biệt để nhảy cao. Và loại ngựa nòi đó sẽ tốn rất nhiều tiền hơn khả năng của ông để mua.

Snowman đã già—nó được tám tuổi khi Harry mua nó—và nó đã bị bạc đãi. Nhưng, hình như Snowman muốn nhảy, vậy nên Harry quyết định xem con ngựa có thể làm được gì.

Điều mà Harry đã thấy làm cho ông nghĩ rằng có thể con ngựa của mình có khả năng để tranh tài.

Vào năm 1958, Harry ghi danh Snowman vào cuộc thi đầu tiên của nó. Snowman đứng ở giữa những con ngựa nòi xinh đẹp, những con ngựa vô địch, trông nó thật là không đúng chỗ. Những người gây giống ngựa khác gọi Snowman là một “con ngựa xám tiều tụy.”

Nhưng một điều kỳ diệu, khó tin đã xảy ra trong ngày đó.

Snowman đã thắng!

Harry tiếp tục ghi danh Snowman vào những cuộc thi khác và Snowman tiếp tục thắng.

Khán giả cổ vũ mỗi lần Snowman thắng một cuộc đua. Nó trở thành một biểu tượng về việc một con ngựa tầm thường có thể trở thành phi thường như thế nào. Nó xuất hiện trên truyền hình. Người ta viết những câu chuyện và sách vở về nó.

Khi Snowman tiếp tục thắng, một người mua đã trả giá 100.000 Mỹ kim cho con ngựa già để cày bừa, nhưng Harry không chịu bán. Vào năm 1958 và 1959 Snowman được gọi là “Con Ngựa Nổi Bật trong Năm.” Cuối cùng, con ngựa thiến xám—mà đã từng được dự định bán cho người trả giá thấp nhất—đã trúng tuyển vào Danh Sách Danh Dự1 các con ngựa biểu diễn nhảy cao nổi tiếng.

Đối với nhiều người, Snowman còn có ý nghĩa nhiều hơn là một con ngựa. Nó trở thành một tấm gương về tiềm năng ẩn khuất, chưa được khai thác bên trong mỗi người chúng ta.

Tôi đã có cơ hội quen biết với nhiều người tuyệt vời từ nhiều địa vị trong xã hội. Tôi đã quen biết những người giàu và những người nghèo, nổi tiếng và bình thường, khôn ngoan và dại dột.

Một số người chồng chất nỗi buồn phiền, những người khác cho thấy một sự bình an nội tâm chắc chắn. Một số người cho thấy nỗi cay đắng không thể đè nén được, trong khi những người khác rạng rỡ với niềm vui không kiềm chế được. Một số dường như thất bại trong khi những người khác—mặc dù nghịch cảnh—đã khắc phục sự chán nản và nỗi thất vọng.

Tôi đã nghe thấy một số người, có lẽ chỉ nói đùa phần nào, cho rằng những người hạnh phúc là những người hoàn toàn không có óc thực tế đối với điều đang xảy ra xung quanh họ.

Nhưng tôi lại tin khác.

Tôi đã biết nhiều người sống trong niềm vui và tỏa chiếu hạnh phúc.

Tôi đã biết nhiều người đang sống một cuộc sống dư dật.

Và tôi tin rằng tôi biết lý do tại sao.

Hôm nay, tôi muốn liệt kê một vài cá tính chung mà những người hạnh phúc nhất mà tôi quen biết đều có. Các cá tính đó là những đức tính mà có thể biển đổi cuộc sống bình thường thành một cuộc sống đầy phấn khởi và dư dật.

Trước hết, họ uống đầy nước sự sống.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng: “Uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời.”2

Khi một người đã hoàn toàn hiểu biết và chấp nhận thì phúc âm của Chúa chữa lành các tâm hồn đau khổ, mang ý nghĩa đến cho cuộc sống, ràng buộc những người thân lại với nhau bằng mối liên kết vượt qua khỏi cuộc sống hữu diệt và mang một niềm vui tuyệt vời đến cho cuộc đời.

Chủ Tịch Lorenzo Snow đã nói: “Chúa không ban cho chúng ta phúc âm để chúng ta sống buồn phiền suốt cuộc đời mình.”3

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không phải là một tôn giáo buồn phiền và ưu sầu. Tôn giáo mà chúng ta đã nhận được từ cha mẹ ông bà mình là một tôn giáo của niềm hy vọng và niềm vui. Đó không phải là một phúc âm áp chế mà là một phúc âm tự do.

Việc chấp nhận trọn vẹn phúc âm ấy là được tràn ngập sự kỳ diệu và có được quyền năng thuộc linh trong tâm hồn. Đấng Cứu Rỗi phán rằng: “Còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật.”4

Các anh chị em có tìm kiếm sự yên tĩnh tâm hồn không?

Hãy uống đầy nước sự sống.

Các anh chị em có tìm kiếm sự tha thứ, sự bình an, sự hiểu biết, niềm vui không?

Hãy uống đầy nước sự sống.

Cuộc sống dư dật là một cuộc sống thuộc linh. Có rất nhiều người không dự phần hoàn toàn vào phúc âm dồi dào của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng chỉ thử một ít phúc âm giống như những người ngồi vào bàn yến tiệc mà chỉ thử một ít thức ăn được đặt trước mặt họ. Họ làm theo thói quen—tham dự các buổi họp của họ, liếc đọc thánh thư, lặp lại lời cầu nguyện quen thuộc—nhưng lòng họ thì đặt vào những điều khác. Nếu thành thật, họ sẽ thừa nhận là họ quan tâm nơi tin đồn mới nhất trong hàng xóm, sự lên xuống của thị trường chứng khoán và cốt truyện của chương trình truyền hình ưa thích của họ hơn là những điều kỳ diệu cao quý và việc phục sự dịu dàng của Đức Thánh Linh.

Các anh chị em có mong muốn dự phần vào nước sự sống này và nếm mạch nước thiêng liêng đó trong người mình văng ra cho đến sự sống đời đời không?

Vậy thì chớ e ngại. Hãy hết lòng tin. Hãy phát triển một đức tin không bị lay chuyển nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế. Hãy trút hết lòng mình trong lời cầu nguyện tha thiết. Hãy chất chứa sự hiểu biết về Ngài trong tâm trí mình. Hãy từ bỏ những sự yếu kém của mình. Hãy bước đi trong sự thánh thiện và hòa hợp với các giáo lệnh.

Hãy uống đầy nước sự sống của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đức tính thứ nhì của những người sống cuộc sống dư dật là họ chất chứa lòng họ với tình yêu thương.

Tình yêu thương là thực chất của phúc âm và là lệnh truyền lớn lao nhất trong tất cả các lệnh truyền. Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng mọi giáo lệnh khác và lời giảng dạy của các vị tiên tri là bởi phúc âm mà ra.5 Sứ Đồ Phao Lô đã viết rằng: “cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”6

Chúng ta thường không bao giờ biết kết quả của một hành động nhân từ giản dị. Tiên Tri Joseph Smith là mẫu mực của lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Một ngày nọ, một nhóm tám người Mỹ gốc Phi Châu đến nhà của Vị Tiên Tri ở Nauvoo. Họ đã đi từ nhà của họ ở Buffalo, New York, khoảng 1300 cây số để họ có thể ở cạnh vị tiên tri của Thượng Đế và Các Thánh Hữu. Mặc dù họ được tự do, nhưng họ bắt buộc phải trốn tránh không cho những người mà có thể nghĩ rằng họ là những người nô lệ bỏ trốn. Họ chịu đựng sự lạnh lẽo và gian khổ, bị mòn hết giày và rồi vớ cho đến khi họ đi chân không suốt con đường đến City of Joseph. Khi họ đến Nauvoo, Vị Tiên Tri đã chào đón họ vào nhà mình và giúp mỗi người trong số họ tìm một chỗ để ở.

Nhưng có một đứa bé gái tên là Jane đã không tìm được một chỗ nào và nó khóc không biết phải làm gì.

Joseph nói với nó: “Chúng tôi không muốn một ai phải khóc ở đây cả.” Ông quay sang Emma và nói: “Đây là một bé gái mà nói rằng nó [không có] nhà. Em có nghĩ là nó có nhà ở nơi đây không?”

Emma đồng ý . Từ ngày đó trở đi, Jane sống như là một người trong gia đình này.

Nhiều năm sau Sự Tuẫn Đạo của Vị Tiên Tri và sau khi bà cùng với những người tiền phong làm một chuyến di cư dài đến Utah, Jane đã nói rằng đôi khi bà vẫn còn “thức dậy giữa đêm khuya và chỉ nghĩ về Anh Joseph và Chị Emma và họ đã đối xử tốt như thế nào đối với tôi.” Bà nói: “Joseph Smith là người đàn ông tốt nhất mà tôi đã từng gặp trên thế gian.”7

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói rằng những người tìm đến nâng đỡ và phục vụ những người khác, thì “sẽ tiến đến việc biết được một niềm hạnh phúc … mà họ chưa từng biết trước đó … Thiên thượng biết rằng có rất nhiều người trên thế gian này đang cần được giúp đỡ. Ôi, rất là nhiều người. Thưa các anh chị em, chúng ta hãy loại bỏ thái độ hư hỏng, ích kỷ ra khỏi cuộc sống của mình và hãy tìm cách làm nhiều hơn trong sự phục vụ những người khác.”8

Chúng ta đều rất bận rộn. Rất dễ để tìm ra những lời bào chữa cho việc không thể tìm đến những người khác nhưng tôi cho rằng những lời bào chữa đó sẽ nghe như trống rỗng đối với Cha Thiên Thượng thể như cậu bé học sinh tiểu học đưa cho người giáo viên của nó một bức thư ngắn yêu cầu nó được nghỉ học từ ngày 30 đến ngày 34 tháng Ba.

Những người dành hết cuộc sống của mình trong việc theo đuổi những ước muốn ích kỷ của mình và không màng đến những người khác thì sẽ nhận ra rằng, cuối cùng, niềm vui của họ sẽ hời hợt và cuộc sống của họ không có ý nghĩa nhiều.

Những lời sau đây được khắc trên mộ bia của một người giống như thế:

Nơi đây an nghỉ một người keo kiệt mà đã sống cho bản thân mình,

Và không quan tâm đến điều gì ngoài việc thu góp tiền bạc của cải,

Giờ đây, nơi người ấy nằm hoặc cách thức người ấy sống,

Cũng chẳng ai biết và chẳng ai quan tâm.9

Chúng ta được hạnh phúc nhất khi cuộc sống của chúng ta được liên kết với những người khác qua tình yêu thương và sự phục vụ vị tha. Chủ Tịch J. Reuben Clark đã dạy rằng “không có một phước lành nào, không có niềm vui và hạnh phúc nào mà đến với chúng ta lại lớn hơn việc làm nhẹ bớt cảnh khốn cùng của những người khác.”10

Đức tính thứ ba của những người sống cuộc sống dư dật là việc họ tạo dựng cuộc sống của họ thành một cuộc sống đầy kỳ diệu, với sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng.

Bất luận tuổi tác, hoàn cảnh hoặc khả năng của chúng ta là gì, mỗi người chúng ta có thể tạo ra một điều gì đó phi thường trong cuộc sống của mình.

Đa Vít đã tự thấy mình là một người chăn chiên nhưng Chúa lại thấy ông là một vị vua Y Sơ Ra Ên. Giô Sép ở Ai Cập đã phục vụ với tư cách là một người nô lệ nhưng Chúa đã thấy ông là một vị tiên kiến. Mặc Môn đã mặc bộ áo giáp của một người lính nhưng Chúa đã thấy ông là một vị tiên tri.

Chúng ta là các con trai và các con gái của một Cha Thiên Thượng bất diệt, nhân từ và đầy quyền năng. Chúng ta là những con người vĩnh cửu cũng như được tạo dựng từ đất bụi thế gian. Mỗi người chúng ta có tiềm năng mà chúng ta hầu như không thể tưởng tượng ra được.

Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”11

Vậy thì, làm thế nào lại có thể có rất nhiều người đã tự thấy mình chỉ là một con ngựa xám già nua không đáng gì nhiều? Có một tia sáng cao quý bên trong mỗi người chúng ta—một ân tứ từ Cha Thiên Thượng nhân từ và vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta tùy tiện muốn làm gì với ân tứ đó.

Hãy yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh. Hãy dự phần vào những chính nghĩa lớn lao và cao quý . Hãy làm cho nhà mình thành nơi thiêng liêng, thánh thiện và sức mạnh. Hãy làm vinh hiển những sự kêu gọi trong Giáo Hội của các anh chị em. Hãy chất chứa tâm trí mình với kiến thức. Hãy củng cố chứng ngôn của các anh chị em. Hãy tìm đến giúp đỡ những người khác.

Hãy tạo dựng cuộc sống của các anh chị em thành một cuộc sống đầy kỳ diệu.

Thưa các anh chị em, cuộc sống dư dật không đến với chúng ta trong hình thức đã được làm sẵn. Đó không phải là một điều mà chúng ta có thể đặt hàng và trông mong nhận được nó trong số thư từ giao buổi trưa. Nó không đến nếu không có sự gian khổ và nỗi buồn phiền.

Nó đến qua đức tin, hy vọng và lòng bác ái. Và nó đến với những người mà mặc dù gặp gian khổ và buồn phiền, hiểu những lời của một nhà văn đã nói: “Trong cảnh khốn cùng nhất của đời mình, cuối cùng tôi đã biết được rằng trong tôi có được một niềm hy vọng không thể dập tắt được.”12

Cuộc sống dư dật không phải là điểm đến của chúng ta. Đúng hơn, đó là một cuộc hành trình kỳ diệu mà bắt đầu cách đây rất lâu và sẽ không bao giờ chấm dứt.

Một trong những điều an ủi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là sự hiểu biết của chúng ta rằng kinh nghiệm trần thế này chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi đối với cuộc sống vĩnh cửu. Dù chúng ta đang ở chỗ bắt đầu hoặc lúc cuối của cuộc sống trần thế của mình, thì cuộc sống này chỉ là một giai đoạn—một giai đoạn ngắn.

Việc tìm kiếm cuộc sống dư dật của chúng ta không bị giới hạn bởi thời gian chúng ta sống trên trần thế mà sự chấm dứt thật sự của nó chỉ có thể hiểu được từ viễn cảnh vĩnh cửu mà trải dài vô tận trước mắt chúng ta.

Thưa các anh chị em, chính là trong sự tìm kiếm cuộc sống dư dật mà chúng ta tìm ra vận mệnh của mình.

Như đã được minh họa trong câu chuyện của một con ngựa già nua, bị thải hồi mà đã có bên trong nó tâm hồn của một con ngựa vô địch, thì cũng có bên trong mỗi người chúng ta một tia sáng cao trọng thiêng liêng. Ai biết được điều mà chúng ta có khả năng để làm nếu chúng ta chịu cố gắng? Cuộc sống dư dật nằm trong tầm tay với của chúng ta nếu chúng ta chịu uống đầy nước sự sống, chất chứa lòng mình với tình yêu thương và tạo dựng cuộc sống của mình thành một cuộc sống đầy kỳ diệu.

Cầu xin cho chúng ta có thể làm như vậy là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem Rutherford George Montgomery, Snowman (1962).

  2. Giăng 4:14.

  3. The Teachings of Lorenzo Snow, do Clyde J. Williams xuất bản (1996), 61.

  4. Giăng 10:10.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 22:40.

  6. Ga La Ti 5:14.

  7. Neil K. Newell, “Joseph Smith Moments: Stranger in Nauvoo,” Church News, ngày 31 tháng Mười Hai năm 2005, 16.

  8. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 597.

  9. Trong Obert C. Tanner, Christ’s Ideals for Living (Sách học Trường Chúa Nhật, 1955), 266.

  10. “Fundamentals of the Church Welfare Plan,” Church News, ngày 2 tháng Ba năm 1946, 9.

  11. 1 Cô Rinh Tô 2:9.

  12. Albert Camus, trong John Bartlett, biên soạn, Familiar Quotations, xuất bản lần thứ 16 (1980), 732.