2006
Ta Sẽ Không Còn Nhớ Tới Những Tội Lỗi Đó Nữa
Tháng Năm năm 2006


“Ta Sẽ Không Còn Nhớ Tới Những Tội Lỗi Đó Nữa”

Qua kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Cha, những người nào có thể bị vấp ngã thì “không bị khai trừ mãi mãi.”

Sứ điệp của tôi là về một người cha và một người con. An Ma, người cha, là một vị tiên tri, con trai của ông, Cô Ri An Tôn, là một người truyền giáo.

Hai người con của An Ma—Síp Lân và Cô Rin An Tôn, người con út—đều phục vụ truyền giáo cho dân Giô Ram. An Ma rất lấy làm thất vọng trước sự thất bại của con trai mình, Cô Ri An Tôn, trong việc sống theo các tiêu chuẩn đạo đức của một người truyền giáo. Cô Ri An Tôn đã từ bỏ giáo vụ của mình và đi vào đất Si Rôn để theo đuổi gái điếm Y Sa Ben (xin xem An Ma 39:3).

“Đó không phải là một lý do để bào chữa cho mình, hỡi con trai của cha. Lẽ ra con phải làm tròn giáo vụ mà con đã được giao phó” (An Ma 39:4).

An Ma bảo con ông rằng quỷ dữ đã dẫn dắt con ông đi sai đường (xin xem An Ma 39:11), và rằng tính dâm ô là “điều khả ố hơn hết mọi tội lỗi khác, ngoại trừ tội làm đổ máu người vô tội hay tội chối bỏ Đức Thánh Linh” (An Ma 39:5).

“Cha hằng cầu mong Thượng Đế rằng con đã không phạm tội tầy đình ấy.” Rồi ông lại nói thêm: “Lẽ ra cha không nên nói nhiều về những tội ác của con, khiến cho con phải ray rứt trong tâm hồn, nếu đó không phải là vì lợi ích của con.

“Nhưng này, con không thể che giấu Thượng Đế những tội ác của mình được” (An Ma 39:7–8).

Ông đã nghiêm khắc truyền lệnh cho đứa con trai này của mình phải chấp nhận lời chỉ dạy của những người anh lớn của người ấy (xin xem An Ma 39:10).

An Ma đã bảo con trai mình rằng điều bất chính của người ấy rất nặng nề vì điều này đã làm những người tầm đạo xa lánh, “Khi họ nhìn thấy phẩm hạnh của con thì họ không còn muốn tin theo lời của cha nữa.

“Và giờ đây Thánh Linh của Chúa phán cùng cha rằng: Hãy truyền lịnh cho các con ngươi làm điều thiện, nếu không chúng sẽ dẫn dắt trái tim nhiều người đến sự hủy diệt; vậy nên, vì lòng kính sợ Thượng Đế, Cha truyền lệnh cho con, hỡi con trai của cha, con hãy dằn lại những điều bất chính của mình” (An Ma 39:11–12).

Sau lời khiển trách nghiêm khắc này, An Ma, người cha nhân từ trở thành An Ma người thầy giảng. Ông biết rằng “việc giảng đạo có khuynh hướng dẫn dắt dân chúng làm điều chính đáng—Phải, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm trí dân chúng hơn gươm đao, hay bất cứ những điều gì khác” (An Ma 31:5). Vậy nên An Ma đã giảng dạy cho Cô Ri An Tôn.

Trước tiên ông nói về Đấng Ky Tô: “Hỡi con trai của cha, cha nói cho con biết vài điều về sự hiện đến của Đấng Ky Tô. Này, cha nói cho con biết rằng, chắc chắn Ngài sẽ đến để cất bỏ tội lỗi của thế gian; phải, Ngài sẽ đến để rao truyền cho dân Ngài biết tin lành về sự cứu rỗi” (An Ma 39:15).

Cô Ri An Tôn hỏi làm sao họ biết được sự hiện đến của Đấng Ky Tô trong một tương lai xa xôi như vậy.

An Ma đáp: “Vậy chớ đối với Thượng Đế một linh hồn vào lúc này há chẳng đáng quí giá bằng một linh hồn vào lúc Ngài đến hay sao?” (An Ma 39:17).

Cô Ri An Tôn đã “băn khoăn về sự phục sinh của kẻ chết” (An Ma 40:1).

An Ma đã cầu vấn Thượng Đế về Sự Phuc Sinh và nói cho con trai mình biết về Sự Phục Sinh Thứ Nhất và về những sự sống lại khác. “Có một thời gian được ấn định trước để tất cả mọi người sẽ được sống lại từ cõi chết” (An Ma 40:4).

Ông đã đặt câu hỏi như sau: “Linh hồn của con người sẽ ra sao trong khoảng thời gian từ lúc chết cho đến lúc thời gian ấn định cho sự phục sinh” (An Ma 40:7).

Rồi ông bảo Cô Ri An Tôn: “Linh hồn của mọi người, dù họ là người thiện hay người ác, đều được đem trở về với Thương Đế là Đấng đã cho mình sự sống” (An Ma 40:11). Người “ngay chính sẽ được đón nhận vào một trạng thái đầy hạnh phúc” (An Ma 40:12), và người tà ác “bị giam cầm do ý muốn của quỷ dữ” (An Ma 40:13). Người ngay chính vẫn “sẽ được ở trong thiên đàng, cho đến lúc phục sinh của họ” (An Ma 40:14).

“Các người không thể nói rằng: Tôi sẽ hối cải, tôi sẽ trở về với Thượng Đế của tôi, khi các người bị đưa vào trong cơn khủng hoảng đáng sợ đó. Không, các người không thể nói như vậy được; vì cũng chính linh hồn đã làm chủ phần xác của các người vừa ra khỏi cuộc đời này, thì cũng chính linh hồn ấy sẽ có quyền năng để làm chủ thể xác các ngươi trong thế giới vĩnh cữu ấy” (An Ma 34:34).

An Ma bảo con ông rằng “có một khoảng cách giữa cái chết và sự sống lại của thể xác, và trạng thái linh hồn trong hạnh phúc hay trong khổ sở cho đến thời gian đã được Thượng Đế định trước để cho người chết được sống lại và linh hồn lẫn thể xác sẽ được tái hợp, và được dẫn đến đứng trước mặt Thượng Đế để được phán xét theo những việc làm của mình” (An Ma 40:21).

“Linh hồn sẽ được phục hồi lại với thể xác, và thể xác trở về với linh hồn” (An Ma 40:23). Ông nói: “Đây là sự phục hồi mà đã được miệng các vị tiên tri nói ra” (An Ma 40:24). An Ma nói rằng “có một số người đã làm sai lạc ý nghĩa của thánh thư và đã đi lạc lối vì vấn đề này” (An Ma 41:1).

An Ma sau đó lại nói: “Và giờ đây, hỡi con trai của cha, cha nhận thấy rằng có một vài điều nữa vẫn còn làm bận tâm trí của con, là điều mà con không hiểu được—đó là điều có liên quan tới công lý của Thượng Đế trong việc trừng phạt các kẻ phạm tội; vì con cứ cho rằng, việc những kẻ phạm tội bị chỉ định vào một trạng thái khổ sở là một điều bất công.

“Giờ đây này, hỡi con trai của cha, cha sẽ giải thích điều này cho con được biết” (An Ma 42:1–2).

Ông nói cho Cô Ri An Tôn nghe về vườn Ê Đen và Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va: “Và giờ đây, qua điều này con thấy được rằng thủy tổ của chúng ta bị loại trừ cả thể xác lẫn linh hồn khỏi sự hiện diện của Chúa; và do đó chúng ta thấy họ đã trở nên lệ thuộc làm theo ý muốn của mình” (An Ma 42:7).

“Loài người đã được định trước là phải chết” (An Ma 42:6).

Rồi ông giải thích tại sao cái chết là điều tối cần thiết: “Nếu không có kế hoạch cứu chuộc, (nếu để điều này qua một bên) thì khi họ vừa chết là linh hồn họ liền bị khốn cùng ngay, vì họ đã bị loại trừ khỏi sự hiện diện của Chúa” (An Ma 42:11).

An Ma giảng dạy cho Cô Ri An Tôn về công lý và lòng thương xót: “Vậy nên theo công lý , kế hoạch cứu chuộc chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là loài người phải hối cải” (An Ma 42:13).

Ông giải thích rằng “kế hoạch thương xót không thể được mang lại nếu sự chuộc tội không được thực hiện; Vậy nên, chính Thượng Đế sẽ chuộc tội lỗi cho thế gian, để mang lại kế hoạch thương xót, và để thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý , ngõ hầu Thượng Đế mới có thể là một Thượng Đế hoàn hảo công bình, và cũng là một Thượng Đế đầy lòng thương xót” (An Ma 42:15).

Ông dạy cho Cô Ri An Tôn biết về căn bản bất di dịch của luật vĩnh cửu (xin xem An Ma 42:17–25).

Ông giải thích rất thẳng thừng lý do tại sao sự trừng phạt là điều cần thiết: “Này sự hối cải không thể đến với loài người nếu không có sự trừng phạt, mà sự trừng phạt thì cũng vĩnh cửu như đời sống của linh hồn, trái nghịch với kế hoạch hạnh phúc, mà hạnh phúc thì cũng vĩnh cửu như đời sống của linh hồn” (An Ma 42:16).

An Ma biết từ kinh nghiệm cá nhân về nỗi đau đớn của sự trừng phạt và niềm vui của sự hối cải. Chính ông đã có lần là nỗi thất vọng của cha ông, ông nội của Cô Ri An Tôn. Ông đã ngỗ nghịch và đi khắp nơi “tìm cách phá hoại giáo hội” (An Ma 36:6). Ông đã bị một vị thiên sứ đánh ông té ngã, không phải vì ông đáng bị như vậy nhưng vì lời cầu nguyện của cha ông và những người khác (xin xem Mô Si A 27:14).

An Ma cảm thấy nỗi thống khổ của sự phạm tội và nói rằng: “Và chuyện rằng, trong lúc cha bị khốn khổ với cực hình, trong lúc cha bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới bao tội lỗi của mình, này, cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế để chuộc tội lỗi cho thế gian.

“Bấy giờ khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng, và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.

“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.

“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha đã tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy!

“Phải, cha nói cho con hay, hỡi con trai của cha, chẳng có sự gì đắng cay thấm thía như những sự đau đớn của cha. Phải, và cha cũng nói cho con hay, hỡi con trai của cha, trái lại, chẳng có sự vui mừng nào ngọt ngào êm dịu cho bằng niềm vui của cha….

“Phải, và từ đó đến giờ, cha đã lao lực không ngừng, để cha có thể mang nhiều linh hồn đến sự hối cải; để cha có thể mang họ đến để nếm được nỗi vui mừng khôn tả như cha đã được nếm qua; ngõ hầu họ cũng có thể được Thượng Đế sinh ra và được dẫy đầy Đức Thánh Linh” (An Ma 36:17–21, 24).

An Ma hỏi Cô Ri An Tôn: “Sao con có cho rằng sự thương xót có thể cướp đoạt được công lý không?” (An Ma 42:25), và ông giải thích rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô nên cả hai đều được thỏa mãn theo luật vĩnh cửu.

“Khi được Đức Thánh Linh tác động” (GLGƯ 121:43; xin xem thêm An Ma 39:12), ông đã nghiêm khắc khiển trách Cô Ri An Tôn. Rồi sau khi giảng dạy một cách kiên nhẫn và minh bạch những nguyên tắc cơ bản này của phúc âm, thì một tình thương yêu dạt dào đã đến.

Tiên Tri Joseph Smith đã được giảng dạy qua điều mặc khải rằng “không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự dịu hiền và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật;

“Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo—

“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù;

“Để người ấy có thể biết rằng lòng trung thành của ngươi còn mạnh hơn cả dây trói buộc của sự chết” (GLGƯ 121:41–44).

An Ma nói rằng: “Hỡi con trai của cha, cha mong rằng con không còn phủ nhận công lý của Thượng Đế nữa. Con đừng cố gắng bào chữa cho tội lỗi của mình bằng cách phủ nhận công lý của Thượng Đế; mà trái lại, con phải để công lý của Thượng Đế cùng sự thương xót và sự nhịn nhục của Ngài có đầy đủ hiệu năng trong trái tim con; và con hãy để cho những điều ấy đem con xuống tận bụi đất trong sự khiêm nhường” (An Ma 42:30).

Ông nội của Cô Ri An Tôn, cũng tên là An Ma, là một trong những thầy tế lễ đã phục vụ cho Vua Nô Ê tà ác. Ông đã nghe tiên tri A Bi Na Đi làm chứng về Đấng Ky Tô, và ông được cải đạo. Ông bị án tử hình, ông chạy trốn khỏi triều đình tà ác để giảng dạy về Đấng Ky Tô. (Xin xem Mô Si A 17:1–4.)

Giờ đây đến lượt, An Ma làm người cha khẩn nài con của mình là Cô Ri An Tôn phải hối cải.

Sau khi đã nghiêm khắc khiển trách con mình và kiên nhẫn giảng dạy giáo lý phúc âm cho nó, An Ma, người cha nhân từ, đã nói: “Và giờ đây, hỡi con trai của cha, cha mong rằng con không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải” (An Ma 42:29).

Trong nỗi thống khổ và hổ thẹn, Cô Ri An Tôn đã được mang xuống “tận bụi đất trong sự khiêm nhường” (An Ma 42:30).

An Ma, là người cha và cũng là người lãnh đạo chức tư tế của Cô Ri An Tôn, giờ đây đã hài lòng với sự hối cải của Cô Ri An Tôn. Ông cất đi gánh nặng khủng khiếp của sự phạm tội mà con trai của ông đã mang, và gửi nó đi truyền giáo trở lại: “Và giờ đây , hỡi con trai của cha, con đã được Thượng Đế kêu gọi đi thuyết giảng lời của Ngài cho dân này… . Con hãy lên đường, hãy rao truyền lời của Thượng Đế với lòng chân thật và chín chắn… . Cầu xin Thượng Đế ban cho con mọi điều theo như lời cha nói” (An Ma 42:31).

Cô Ri An Tôn đi cùng với các anh của mình, Hê La Man và Síp Lân, là những người trong số những người lãnh đạo chức tư tế. Hai mươi năm sau trong lãnh thổ phía bắc, ông vẫn còn trung thành lao nhọc trong phúc âm. (Xin xem An Ma 49:30; 63:10.)

Chúng ta sống trong một thế giới rất là tà ác, và trong thế giới này con cái chúng ta phải tìm ra con đường của chúng. Có những thử thách của hình ảnh sách báo khiêu dâm, sự lẫn lộn phái tính, sự đồi bại, sự ngược đãi trẻ em, nghiện ngập ma túy, và mọi thứ khác ở khắp nơi. Không thể nào tránh được ánh hưởng của chúng.

Một số người bị dẫn dắt đến với cám dỗ vì tánh tò mò, sau đó họ tiến tới sự thí nghiệm, và một số bị sa vào sự nghiện ngập. Họ mất đi niềm hy vọng. Kẻ nghịch thù thu tóm họ lại rồi trói buộc họ.

Sa Tan là kẻ dối trá, kẻ phá hoại, nhưng chiến thắng của nó chỉ là tạm thời.

Các quỷ sứ của quỷ dữ thuyết phục một số người rằng họ sinh ra trong một cuộc đời mà họ không thể trốn thoát được và họ bị bắt buộc phải sống trong tội lỗi. Lời dối trá độc ác hơn hết là họ không thể thay đổi hoặc hối cải được và sẽ không được tha thứ. Điều này không đúng. Họ đã quên Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.

“Vì này, Chúa, Đấng Cứu Chuộc của các ngươi, đã chịu chết trong xác thịt; do đó Ngài đã chịu sự đau đớn của tất cả mọi người, để cho tất cả mọi người có thể hối cải mà đến cùng Ngài” (GLGƯ 18:11).

Đấng Ky Tô là Đấng Sáng Tạo, là Đấng chữa lành. Những gì Ngài tạo ra, Ngài có thể sửa đổi được. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là phúc âm của sự hối cải và tha thứ. (Xin xem 2 Nê Phi 1:13; 2 Nê Phi 9:45; Gia Cốp 3:11; An Ma 26:13–14; Mô Rô Ni 7:17–19.)

“Hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (GLGƯ 18:10).

Câu chuyện về người cha nhân từ và đứa con trai ngỗ nghịch, được trích ra từ Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô, là một mẫu mực, một tấm gương.

Mỗi chúng ta đều có một Cha Thiên Thượng nhân từ. Qua kế hoạch cứu chuộc của Ngài, những người nào có thể bị vấp ngã “không bị khai trừ mãi mãi” (trang tựa Sách Mặc Môn).

“Và sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải!” (GLGƯ 18:13).

“Vì ta là Chúa chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận; tuy nhiên” (GLGƯ 1:31–32), Chúa đã phán: “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, vì ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa” (GLGƯ 58:42).

Có những lời nào có thể tuyệt vời hoặc an ủi hơn, chan hòa hy vọng hơn những lời đó từ thánh thư không? “Ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới [những tội lỗi của chúng] nữa” (GLGƯ 58:42). Đó là lời chứng của Sách Mặc Môn, và đó cũng là lời chứng của tôi với các anh chị em, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.