2006
Giờ Đây Chúng Ta Dự Phần Tiệc Thánh
Tháng Năm năm 2006


Giờ Đây Chúng Ta Dự Phần Tiệc Thánh

Việc dự phần Tiệc Thánh cung ứng cho chúng ta một giây phút thiêng liêng tại một nơi thánh thiện.

Cách đây một hai năm, tôi có cơ hội thăm viếng Viện Giáo Lý Logan, Utah. Tòa nhà nơi làm viện giáo lý mới vừa được tu sửa. Tôi được cho biết rằng khi những người công nhân dời cái bục giảng cũ ra khỏi giáo đường, thì họ khám phá ra một số kệ đã bị bịt kín từ lâu. Khi tháo miếng chắn ra, họ bắt gặp một cái khay Tiệc Thánh. Dường như cái khay đó đã có từ rất lâu rồi, bởi vì những cái ly Tiệc Thánh được làm bằng thủy tinh. Một trong những cái ly thủy tinh đó, như các anh chị em thấy đây, đã được đóng vào giá và mang tặng cho tôi—có lẽ bởi vì tôi là người độc nhất lớn tuổi hơn hết để còn có thể nhớ nổi thời kỳ khi mà những cái ly bằng thủy tinh được sử dụng.

Khi nhìn cái ly thủy tinh tâm trí tôi chan hòa những kỷ niệm đẹp. Những cái ly Tiệc Thánh bằng thủy tinh được sử dụng vào lúc sinh nhật lần thứ 12 của tôi, một giai đoạn rất quan trọng trong đời tôi. Ngày sinh nhật lần thứ 12 của tôi rơi đúng vào ngày Chúa Nhật. Trong nhiều năm, tôi đã quan sát các thầy trợ tế chuyền Tiệc Thánh, mong đến ngày mà tôi sẽ được ban phước để nhận Chức Tư Tế A Rôn và có được đặc ân đó.

Cuối cùng khi cái ngày đó đến, tôi được yêu cầu đến nhà thờ sớm và gặp Anh Ambrose Call, đệ nhị cố vấn trong giám trợ đoàn của tiểu giáo khu chúng tôi. Anh Call mời tôi vào một phòng học và yêu cầu tôi dâng lời cầu nguyện. Sau đó anh mở thánh thư ra và đọc cho tôi nghe tiết 13 của Sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi; và chức tư tế này sẽ không bao giờ lại bị cất khỏi thế gian, cho đến ngày các con trai của Lê Vi lại hiến dâng một của lễ lên Chúa trong sự ngay chính.”

Sau đó Anh Call yêu cầu tôi dẫn giải về tiết này. Lời giải thích của tôi chắc chắn là không đầy đủ, nên Anh Call đã dành thời giờ để giải thích cho tôi biết việc làm một người mang chức tư tế thánh thì có ý nghĩa như thế nào. Việc được xứng đáng để nắm giữ chức tư tế cho phép tôi sử dụng quyền năng mà Thượng Đế giao phó cho người nam. Một người xứng đáng nắm giữ chức tư tế có thể, với thẩm quyền thích đáng, thực hiện các giáo lễ mà Thượng Đế đã quy định cho sự cứu rỗi của gia đình nhân loại. Thẩm quyền này trực tiếp đến từ chính Đấng Cứu Rỗi qua hệ thống liên tục của những người nắm giữ chức tư tế.

Cuộc phỏng vấn của tôi với Anh Call chắc hẳn có phần nào được hài lòng, vì tôi đã được dẫn vào buổi họp nhóm túc số các thầy trợ tế. Tại đó, các thành viên trong giám trợ đoàn đặt tay của họ lên đầu tôi, và vị giám trợ, tình cờ lại chính là cha của tôi, đã ban cho tôi Chức Tư Tế A Rôn và sắc phong tôi vào chức phẩm thầy trợ tế. Tôi cũng được tán trợ bởi các thầy trợ tế khác để trở thành một thành viên trong một nhóm túc số chức tư tế cùng với họ.

Vào lễ Tiệc Thánh buổi tối hôm đó, tôi có được cơ hội đầu tiên để sử dụng chức tư tế bằng cách chuyền Tiệc Thánh cho các tín hữu thuộc tiểu giáo khu của chúng tôi. Tiệc Thánh có một ý nghĩa mới mẻ đối với tôi ngày hôm đó. Khi tôi quan sát cái khay chuyền lên chuyền xuống những dãy ghế của các tín hữu Giáo Hội, tôi nhận thấy rằng không phải mỗi người đều tiếp nhận Tiệc Thánh với cùng một thái độ. Có những người dường như dự phần Tiệc Thánh như là một vấn đề thông lệ, nhưng có nhiều người khác đã tiếp nhận Tiệc Thánh rất nghiêm trang.

Qua nhiều năm tôi đã tham dự nhiều buổi lễ Tiệc Thánh, như tất cả chúng ta đều đã làm, và đối với tôi những buổi lễ này thực sự có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ một buổi họp. Việc dự phần Tiệc Thánh cung ứng cho chúng ta một giây phút thiêng liêng tại một nơi thánh thiện. Chúng ta dự phần Tiệc Thánh theo đúng lệnh truyền mà Chúa đã ban cho chúng ta trong tiết 59 của Sách Giáo Lý và Giao Ước:

“Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta” (câu 9).

Từ lúc ban đầu, trước khi thế gian được tạo dựng, Thượng Đế đã vạch ra một kế hoạch mà qua đó Ngài sẽ ban các phước lành cho các con cái của Ngài dựa vào sự tuân theo của họ đối với các giáo lệnh của Ngài. Tuy nhiên, Ngài hiểu rằng đôi khi chúng ta bị xao lãng bởi những sự việc của thế gian và sẽ cần được nhắc nhở thường xuyên về những giao ước của chúng ta và về những lời hứa của Ngài.

Một trong các lệnh truyền đầu tiên được ban cho A Đam là ông phải thờ phượng Chúa và phải hiến dâng những con vật đầu lòng trong các đàn gia súc của mình làm của lễ dâng lên Ngài. Giáo lễ này được ban ra để nhắc nhở loài người rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến thế gian và cuối cùng sẽ phó mạng Ngài làm lễ vật hy sinh.

“Và A Đam đã tuân theo những lệnh truyền của Chúa.

“Và sau nhiều ngày, một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng A Đam, hỏi rằng: Tại sao ngươi dâng lễ vật hy sinh lên Chúa? Và A Đam thưa với Ngài rằng: Tôi không biết, ngoại trừ Chúa đã truyền lệnh cho tôi.

“Và vị thiên sứ bèn phán rằng: Việc này là biểu tượng cho sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, là Đấng đầy ân điển và lẽ thật” (Môi Se 5:5–7).

Từ thời kỳ đó cho đến thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi, con cái của Cha Thiên Thượng đã được truyền lệnh phải dâng lễ vật hy sinh. Điều này đã được chấm dứt với sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, vào cái đêm trước khi Ngài hoàn tất sự hy sinh đó, Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập Tiệc Thánh của Chúa để giúp chúng ta tưởng nhớ đến Ngài và Sự Chuộc Tội mà Ngài đã thực hiện cho tất cả nhân loại. Vì thế, trong luật pháp cổ xưa về sự hy sinh và trong lễ TiệcThánh, Chúa đã giúp chúng ta để chắc chắn rằng chúng ta không quên những lời hứa của Ngài và điều đòi hỏi rằng chúng ta tuân theo Ngài và vâng theo ý muốn của Ngài.

Trong Kinh Tân Ước chúng ta có câu chuyện về việc Chúa thực hiện Tiệc Thánh cho các môn đồ của Ngài. Điều này được tìm thấy trong Ma Thi Ơ, chương 26:

“Khi đương ăn, Đức Chúa Giê Su lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy, là thân thể ta.

“Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi;

“Vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (các câu 26–28).

Sách Mặc Môn, trong 3 Nê Phi, chương 18, thuật lại cho chúng ta biết một câu chuyện chi tiết về việc Đấng Cứu Rỗi thực hiện Tiệc Thánh cho dân Nê Phi:

“Và chuyện rằng, Chúa Giê Su truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài đem bánh và rượu nho lại cho Ngài.

“Và trong lúc họ đi lấy bánh và rượu nho, Ngài truyền lệnh cho đám đông ngồi xuống đất.

“Và khi các môn đồ đem bánh và rượu nho lại, Ngài bèn lấy bánh bẻ ra và ban phước lành bánh, rồi Ngài trao cho các môn đồ và bảo họ hãy ăn.

“Và khi họ đã ăn đầy đủ, Ngài lại bảo họ hãy đem bánh phát cho dân chúng.

“Và khi đám đông đã ăn bánh đầy đủ xong, Ngài phán với các môn đồ rằng: Này, một người trong số các ngươi sẽ được sắc phong, và ta sẽ ban cho người ấy quyền được bẻ bánh và ban phước lành bánh và phân phát bánh ấy cho dân của giáo hội ta, tức là cho tất cả những người có đức tin và chịu phép báp têm trong danh ta.

“Và các ngươi phải luôn luôn làm đúng theo điều này, như ta đã làm, nghĩa là ta đã bẻ bánh, ban phước lành bánh, và phân phát cho các ngươi

“Và các ngươi làm việc này để tưởng nhớ tới thể xác của ta, mà các ngươi đã được ta cho trông thấy. Và việc làm đó sẽ là một lời chứng với Đức Chúa Cha rằng, các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta. Và nếu các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta thì các ngươi sẽ được Thánh Linh của ta ở cùng với các ngươi.

“Và chuyện rằng, khi phán xong những lời này, Ngài bảo các môn đồ hãy cầm lấy chén rượu nho và uống rượu nho trong chén, và rồi đem rượu nho ấy phát cho dân chúng uống.

“Và chuyện rằng, họ đã làm như vậy, và sau khi họ uống đầy đủ, họ cũng đưa cho dân chúng uống đầy đủ như vậy.

“Và sau khi các môn đồ làm xong việc này, Chúa Giê Su phán với họ rằng: Phước thay cho các ngươi vì các ngươi đã làm việc này, vì việc này đã làm tròn lệnh truyền của ta, và việc này làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng, các ngươi sẵn lòng làm theo những điều ta truyền lệnh cho các ngươi.” (các câu 1–10).

Những lời chỉ dẫn của Ngài thật rõ ràng rằng chúng ta phải sẵn lòng làm những gì Ngài truyền lệnh cho chúng ta làm. Điều này chắc chắn được đòi hỏi trong thời kỳ của chúng ta là chúng ta lại được truyền lệnh một lần nữa để dự phần Tiệc Thánh. Như Sách Giáo Lý và Giao Ước bảo chúng ta:

“Điều cần làm là giáo hội phải thường xuyên nhóm họp để chia xẻ bánh và rượu hầu tưởng nhớ tới Chúa Giê Su” (GLGƯ 20:75).

Mục đích của việc dự phần Tiệc Thánh dĩ nhiên là để tái lập các giao ước mà chúng ta đã lập với Chúa.

Anh Cả Delbert L. Stapley dạy chúng ta về điều này khi ông nói về các giao ước:

“Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một giao ước giữa Thượng Đế với con cái của Ngài… . Khi được báp têm bởi một tôi tớ có thẩm quyền của Thượng Đế, chúng ta giao ước để làm theo ý muốn của Thượng Đế và để vâng theo các lệnh truyền của Ngài… . Bằng cách dự phần Tiệc Thánh chúng ta tái lập tất cả các giao ước đã được lập với Chúa và tự cam kết để mang danh của Vị Nam Tử của Ngài, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1965, 14).

Tiệc Thánh là một trong các giáo lễ thiêng liêng nhất trong Giáo Hội. Việc dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng mang lại cho chúng ta một cơ hội để tăng trưởng về phần thuộc linh.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, âm nhạc tuyệt vời được dạo lên trong lúc chuyền Tiệc Thánh. Chẳng mấy chốc, Các Vị Thẩm Quyền đã yêu cầu chúng ta ngừng làm điều đó bởi vì tâm trí của chúng ta đã tập trung vào phần âm nhạc hơn là vào sự hy sinh chuộc tội của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Trong lúc thực hiện Tiệc Thánh, chúng ta để thế gian sang một bên. Đó là thời gian phục hồi phần thuộc linh khi chúng ta nhận ra ý nghĩa thuộc linh sâu xa của giáo lễ mà đã được ban cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách thờ ơ, thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội tăng trưởng về phần thuộc linh.

Anh Cả Melvin J. Ballard có lần đã nói:

“Tôi làm chứng rằng có Thánh Linh tham dự trong sự thực hiện Tiệc Thánh mà làm ấm áp tâm hồn khắp châu thân; các anh chị em cảm thấy các vết thương của tâm hồn được chữa lành, và gánh nặng được cất khỏi. Sự an ủi và niềm hạnh phúc đến với những người xứng đáng và thực sự mong muốn được dự phần vào thức ăn thuộc linh này” (“The Sacramental Covenant,” Improvement Era, tháng Mười năm 1919, 1027).

Khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, đến việc Ngài đã phó mạng sống của Ngài và mang lấy các tội lỗi của thế gian để chúng ta có thể có được phước lành của sự bất diệt. Chúng ta mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và hứa luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài—đó chính là để “sống theo từng lời nói phán ra từ miệng của Thượng Đế” (GLGƯ 84:44).

Thưa các bậc cha mẹ, các anh chị em có bổn phận giảng dạy gia đình mình về tầm quan trọng của việc tham dự lễ Tiệc Thánh hàng tuần. Điều này nên là thói quen thông thường của gia đình. Mỗi gia đình cần thời gian đó để tái lập và cam kết sống theo phúc âm phù hợp với sự giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Gia đình, khi được chuẩn bị một cách thích đáng, sẽ tham dự lễ Tiệc Thánh với một tinh thần nghiêm trang, và với lòng biết ơn về cơ hội được dự phần vào các biểu tượng thiêng liêng.

Tôi nhớ đến một kinh nghiệm gia đình chúng tôi đã có trong khi đi nghỉ tại một khu nghỉ mát. Bởi vì trong thời gian chúng tôi ở đó gồm có một ngày Chúa Nhật, nên chúng tôi thu xếp để tham dự lễ Tiệc Thánh tại một giáo đường gần đó. Hằng trăm người khác nghỉ tại khu nghỉ mát này cũng tham dự lễ Tiệc Thánh như chúng tôi. Giáo đường chật kín người. Trước khi buổi lễ bắt đầu, vị giám trợ mời bất cứ thầy trợ tế nào, đang tham dự mà xứng đáng và ăn mặc đúng đắn, tham gia vào việc chuyền Tiệc Thánh. Một số đông đủ các thầy trợ tế, mặc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt, đi lên phía trước để được hướng dẫn cách thức phục vụ một giáo đoàn đông như thế. Giáo lễ đã được thực hiện một cách nghiêm trang và hiệu quả. Khi quan sát giáo đoàn, tôi đã thấy có nhiều người đã vô cùng xúc động bởi tinh thần của buổi lễ.

Sau khi trở lại khu nghỉ mát, có một sự khác biệt rõ rệt nơi các sinh hoạt vào ngày Sa Bát so với những sinh hoạt ngày thường. Những chiếc thuyền vẫn được buộc ở bến; cái hồ gần như không có người bơi; và cách ăn mặc cho ngày Sa Bát thì rất thích hợp. Những gia đình đó đã thấy sự ứng nghiệm của những lời hứa của Chúa: bằng cách đi vào ngôi nhà nguyện vào ngày thánh của Ngài và tái lập các giao ước của họ để tuân theo cách lệnh truyền, họ đã có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn (xin xem GLGƯ 59:9).

Cầu xin cho mỗi chúng ta được thấm nhuần việc gia tăng sự tôn kính đối với ngày Sa Bát. Cầu xin cho chúng ta nhận thấy nhiều hơn phước lành đặc biệt trong việc được dự phần Tiệc Thánh và ý nghĩa của Tiệc Thánh trong cuộc sống của chúng ta. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, mà Ngài đã ban cho chúng ta để làm tròn mục đích của cuộc sống và hy vọng vào những thời vĩnh cửu mai sau. Đây là công việc của Chúa mà chúng ta đang tham gia vào. Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Thế. Chúng ta được phép làm một phần tử của kế hoạch phúc âm vĩ đại này, mà Tiệc Thánh là một phần thiết yếu của phúc âm đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.