2006
Sự Phục Hồi Tất Cả Mọi Điều
Tháng Năm năm 2006


Sự Phục Hồi Tất Cả Mọi Điều

Chúng tôi tin rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một sự phục hồi Giáo Hội nguyên thủy mà đã được Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập.

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta quan tâm đến tất cả con cái của Thượng Đế là những người hiện đang sống hoặc đã từng sống trước đây trên thế gian. Như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã phát biểu vào năm 1978, “Sứ điệp của chúng tôi là một sứ điệp về tình yêu thương và mối quan tâm đặc biệt đối với sự an lạc vĩnh cửu của tất cả những người nam và những người nữ, bất luận tín ngưỡng, chủng tộc hoặc quốc tịch, vì biết rằng chúng ta thật sự là các anh chị em với nhau bởi vì chúng ta là các con trai và các con gái của cùng Đức Cha Vĩnh Cửu.”1 Như Anh Cả Dallin H. Oaks đã nói cách đây vài năm:

“Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có những sự tin tưởng chung với các giáo hội Ky Tô hữu khác. Nhưng chúng ta có những sự khác biệt, và những sự khác biệt đó giải thích lý do tại sao chúng ta gửi những người truyền giáo đi đến với các Ky Tô hữu khác, tại sao chúng ta xây cất đền thờ ngoài các nhà thờ ra, và tại sao niềm tin của chúng ta mang đến cho chúng ta hạnh phúc và sức mạnh như vậy để đối phó với những thử thách của cuộc sống và cái chết.”2

Hôm nay tôi muốn làm chứng về sự trọn vẹn của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mà thêm vào những niềm tin tôn giáo của các giáo phái khác, cả Ky Tô hữu lẫn không phải Ky Tô hữu. Sự trọn vẹn này trước tiên được thiết lập bởi Đấng Cứu Rỗi trong giáo vụ trần thế của Ngài. Nhưng rồi có một sự bỏ đạo.

Một số Các Sứ Đồ đầu tiên đã biết rằng sự bội giáo sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Phao Lô đã viết về sự kiện này cho những người Tê Sa Lô Ni Ca: “Mặc ai dùng cách nào, đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra.3

Với sự bỏ đạo này, các chìa khóa của chức tư tế đã bị mất và một số giáo lý quý báu của Giáo Hội do Đấng Cứu Rỗi tổ chức đã bị thay đổi. Trong số những thay đổi này là: phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước;4 tiếp nhận Đức Thánh Linh bằng phép đặt tay lên đầu;5 tính chất của Thiên Chủ Đoàn—rằng Các Ngài là ba nhân vật riêng biệt;6 tất cả nhân loại sẽ được phục sinh nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, “người công bình và người không công bình”;7 điều mặc khải liên tục—rằng các tầng trời không đóng lại;8 và công việc đền thờ cho người sống lẫn người chết.9

Rồi đến thời kỳ tiếp theo mà được biết đến là Thời Kỳ Tối Tăm. Sự bỏ đạo này đã được nhìn thấy trước bởi Sứ Đồ Phi E Rơ là người đã nói rằng “trời phải rước [Chúa Giê Su Ky Tô] về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri.”10 Việc phục hồi sẽ chỉ cần thiết nếu những điều quý giá này bị mất.

Trong những thế kỷ tiếp theo, những người sùng đạo tiến đến việc nhận thấy rằng có một sự bỏ đạo dần dần khỏi Giáo Hội do Chúa Giê Su Ky Tô tổ chức. Một số người này đã đau khổ nhiều vì sự tin tưởng của họ nơi điều mà được gọi là Sự Cải Cách, một phong trào trong thế kỷ mười sáu nhắm vào việc cải tổ Ky Tô Giáo Tây Phương. Điều này đưa đến sự tách rời của các giáo hội Tin Lành khỏi giáo hội Ky Tô hữu chính thống.

Trong số những người chủ trương cải cách này là Đức Cha John Lathrop, một ông cha sở của Giáo Hội Egerton ở Kent, nước Anh. Ngẫu nhiên, Tiên Tri Joseph Smith là con cháu của John Lathrop. Vào năm 1623 Đức Cha Lathrop từ chức vì ông nghi ngờ thẩm quyền của Anh giáo để hành động trong danh của Thượng Đế. Khi đọc Kinh Thánh, ông nhận thấy rằng không có các chìa khóa của các sứ đồ trên thế gian. Vào năm 1632 ông trở thành mục sư của một giáo hội độc lập bất hợp pháp và bị bắt giam. Vợ của ông chết trong khi ông đang ở tù và các đứa con mồ côi của ông đã cầu xin vị giám mục thả ông ra. Vị giám mục đồng ý thả Lathrop với điều kiện là ông phải rời khỏi quê hương. Ông đã làm vậy và với 32 tín hữu trong giáo đoàn của mình, ông đã đi tàu đến Mỹ Châu.11

Roger Williams, một mục sư vào thế kỷ thứ mười bảy là người đã tìm ra Rhode Island, từ chối tiếp tục làm mục sư ở Providence với lý do rằng đã không có “một Giáo Hội được thiết lập một cách thích đáng trên thế gian, cũng như không có bất cứ người nào được phép thực hiện bất cứ giáo lễ nào của Giáo Hội; cũng như không thể nào có cho đến khi các sứ đồ mới được gửi đến bởi Đấng Đứng Đầu Giáo Hội là Đấng mà ông đang tìm kiếm sự giáng lâm của Ngài.”12

Đây chỉ là hai người trong số các học giả tôn giáo mà đã nhận ra một sự bội giáo từ Giáo Hội đã được Chúa Giê Su Ky Tô tổ chức và sự cần thiết để có một sự phục hồi các chìa khóa của chức tư tế mà đã bị mất. Sứ Đồ Giăng đã thấy trong khải tượng thời kỳ mà “một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc.”13 Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm. Vì chúng ta tin rằng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta bởi Tiên Tri Joseph Smith nên chúng ta mong muốn mọi người có được cơ hội để biết và chấp nhận sứ điệp này.

Chúng ta hiện có trong Giáo Hội phục hồi các sứ đồ, các vị tiên tri, các giám trợ, các thầy giảng và những người truyền giáo như đã được Phao Lô nói với những người Ê Phê Sô.14 Các chức phẩm tư tế này được Đấng Cứu Rỗi thiết lập khi Ngài tổ chức Giáo Hội của Ngài trong thời trung thế. Chúng ta nhận ra hai thánh ban của chức tư tế và các chức phẩm được bao gồm trong hai thánh ban đó: chức tư tế thấp hơn là Chức Tư Tế A Rôn, được đặt theo tên của A Rôn; và chức tư tế cao hơn là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được đặt tên theo Mên Chi Xê Đéc, là người mà Áp Ra Ham đã đóng tiền thập phân. Chức Tư Tế A Rôn được phục hồi vào ngày 15 tháng Năm năm 1829, dưới bàn tay của Giăng Báp Tít, và trong vòng một tháng, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được ban cho Joseph Smith và Oliver Cowdery, dưới bàn tay của Các Vị Sứ Đồ thời xưa Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng. Như vậy những người có được chức tư tế ngày nay có quyền năng để hành động trong danh của Thượng Đế qua chức tư tế, “tức là quyền năng hữu hiệu trên thế gian lẫn trên thiên thượng.”15

Trong Đền Thờ Kirtland vào ngày 3 tháng Tư năm 1836, Môi Se đã hiện đến và ban cho Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery các chìa khóa quy tụ dân Y Sơ Ra Ên. Sau đó, Ê Li A hiện đến và ủy thác phúc âm của Áp Ra Ham, đó là “trong chúng tôi và dòng dõi chúng tôi gồm tất cả các thế hệ sau chúng tôi sẽ được phước.”16 Sau đó, Tiên Tri Ê Li hiện đến và ban cho họ các chìa khóa của gian kỳ này, kể cả quyền năng gắn bó, để ràng buộc trên thiên thượng điều mà đã ràng buộc dưới thế gian bên trong các đền thờ.17 Do đó, các vị tiên tri của các gian kỳ phúc âm trước đây đã trao các chìa khóa của họ cho Tiên Tri Joseph Smith trong gian kỳ này, là “kỳ mãn” mà đã được Sứ Đồ Phao Lô nói đến với người Ê Phê Sô.18

Tôi biết ơn Chúa thấy rằng đã đến lúc phải thiết lập một lần nữa luật thập phân và các của lễ cho dân này. Khi chúng ta tuân giữ luật thập phân, các cửa sổ trên trời mở ra cho chúng ta. Các phước lành lớn lao đã được trút xuống những người có đức tin để tuân giữ luật thập phân.

Qua lịch sử dài của thế gian, việc thờ phượng trong đền thờ đã là một phần ý nghĩa của sự thờ phượng của Các Thánh Hữu, mà qua đó họ cho thấy ước muốn của mình để đến gần Đấng Sáng Tạo của họ hơn. Đền thờ là một nơi học hỏi đối với Đấng Cứu Rỗi khi Ngài sống trên thế gian; đó là một phần rất lớn của cuộc sống của Ngài. Các phước lành đền thờ có sẵn một lần nữa trong thời kỳ chúng ta. Một điểm độc đáo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là những điều giảng dạy của Giáo Hội về đền thờ và ý nghĩa vĩnh cửu của tất cả những điều xảy ra bên trong đền thờ. Các đền thờ oai nghiêm và xinh đẹp giờ đây nằm rải rác trên khắp thế giới. Công việc thiêng liêng nhất đã được thực hiện trong các đền thờ. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói về các ngôi đền thờ này rằng: “Chỉ có một vài chỗ trên thế gian nơi mà những thắc mắc của con người về cuộc sống nhận được những câu trả lời về sự vĩnh cửu”19 Những điều bí ẩn trọng thể về việc chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta có mặt ở đây và chúng ta sẽ đi đâu được giải đáp một cách trọn vẹn hơn trong đền thờ. Chúng ta đến từ nơi hiện diện của Thượng Đế và sống nơi đây trên thế gian này để chuẩn bị trở về nơi hiện diện của Ngài.

Ý nghĩa siêu việt là ở bên trong các bức tường thiêng liêng của đền thờ, các cặp vợ chồng lập giao ước vĩnh cửu. Các giao ước này được đóng ấn bởi thẩm quyền chức tư tế. Con cái sinh ra trong hôn nhân này, nếu chúng sống xứng đáng, có thể vui hưởng một mối quan hệ vĩnh cửu với tư cách là một phần tử của một gia đình và với tư cách là con cái của Thượng Đế. Như Sứ Đồ Giăng đã viết: “Những kẻ mặc áo dài trắng đó là ai?… Ấy vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài.”20

Chúa đã phán rằng công việc của Ngài là “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”21 Tiếp theo đó là tất cả nhân loại, hiện sống và đã chết, phải có cơ hội để nghe phúc âm hoặc là trong cuộc sống này hay là trong thế giới linh hồn. Như Phao Lô đã nói cùng những người Cô Rinh Tô: “Bằng chẳng vậy, những người vì kẻ chết chịu phép báp têm sẽ làm chi? Nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì sao họ vì những kẻ ấy mà chịu phép báp têm?”22 Đây là lý do mà chúng ta thực hiện công việc giáo lễ trong đền thờ cho các tổ tiên đã qua đời của mình. Quyền chọn lựa hoặc quyền tự quyết của cá nhân vẫn được tôn trọng. Những người mà công việc được thực hiện cho họ có thể chấp nhận hay không tùy theo điều họ chọn.

Sứ Đồ Giăng đã thấy trong khải tượng thời kỳ mà một thiên sứ sẽ đến thế gian như là một phần của Sự Phục Hồi phúc âm. Vị thiên sứ đó là Mô Rô Ni là người đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith. Ông đã hướng dẫn Joseph đến nơi mà các bảng khắc bằng vàng chứa đựng những bản văn cổ xưa đã được giữ ở đó. Rồi Joseph Smith phiên dịch các bảng khắc này qua ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, và Sách Mặc Môn đã được xuất bản. Đây là biên sử của hai nhóm người đã sống cách đây nhiều thế kỷ trên lục địa Mỹ Châu. Họ không được biết đến nhiều trước khi sự ra đời của Sách Mặc Môn. Nhưng quan trọng hơn hết, Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Đấng Ky Tô. Sách phục hồi các lẽ thật quý báu về Sự Sa Ngã, Sự Chuộc Tội, Sự Phục Hồi và cuộc sống sau cái chết trần thế.

Trước Sự Phục Hồi, các tầng trời đã khép lại trong nhiều thế kỷ . Nhưng với các vị tiên tri và sứ đồ trên thế gian một lần nữa, các tầng trời đã được một lần nữa mở ra với các khải tượng và những điều mặc khải. Nhiều điều mặc khải đến với Tiên Tri Joseph Smith đã được viết xuống trong một quyển sách mà được biết là Giáo Lý và Giao Ước. Sách này gồm có những sự hiểu biết về các nguyên tắc và các giáo lễ, và là một nguồn tài liệu quý báu liên quan đến kết cấu của chức tư tế. Ngoài ra, chúng ta còn có một tập thánh thư khác được gọi là Trân Châu Vô Giá. Sách gồm có sách Môi Se mà đến với Tiên Tri Joseph Smith qua sự mặc khải và sách Áp Ra Ham, mà ông phiên dịch từ một cuộn sách Ai Cập do ông mua được. Từ những điều này, chúng ta không những học biết được rất nhiều về Môi Se, Áp Ra Ham, Hê Nóc, và các vị tiên tri khác, mà còn thêm nhiều chi tiết về Sự Sáng Tạo. Chúng ta biết rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được giảng dạy cho tất cả các vị tiên tri từ lúc khởi đầu—chính là từ thời A Đam.23

Chúng ta tin rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một sự phục hồi Giáo Hội nguyên thủy đã được Chúa Giê Su Ky Tô thiết lập, tức là dựng lên “trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà.”24 Giáo Hội này không phải là một sự ly khai khỏi bất cứ một giáo hội nào khác.

Chúng ta tin rằng phúc âm trọn vẹn của Đấng Ky Tô đã được phục hồi, nhưng đây không là lý do để cho bất cứ ai cảm thấy tốt hơn trong bất cứ phương diện nào đối với các con cái khác của Thượng Đế. Thay vì thế, sự phục hồi phúc âm đòi hỏi chúng ta sống hoàn toàn theo phúc âm của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình—để yêu thương, phục vụ và ban phước cho những người khác. Quả thật vậy, như Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố vào năm 1978, chúng ta tin rằng “các nhà lãnh đạo tôn giáo cao trọng của thế giới như Mohammed, Khổng Tử và Những Người Chủ Trương Cải Cách, cũng như các nhà triết học kể cả Socrates, Plato, và những người khác, đã nhận được một phần ánh sáng của Thượng Đế. Các lẽ thật về mặt đạo đức đã được Thượng Đế ban cho họ để soi sáng toàn thể các quốc gia và mang đến một mức độ hiểu biết cao hơn cho các cá nhân.”25 Do đó, chúng ta có sự kính trọng đối với tín ngưỡng chân thật của những người khác và biết ơn những người khác đã có cùng một tác phong nhã nhặn và kính trọng cáo giáo lý mà chúng ta trân quý .

Tôi có được sự làm chứng cá nhân về lẽ thật của các giao ước, những lời giảng dạy và thẩm quyền đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. Sự đảm bảo này đã ở với tôi suốt đời. Tôi biết ơn Sự Phục Hồi của phúc âm trọn vẹn đã xảy ra trong thời kỳ chúng ta. Sự phục hồi này gồm có con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Cầu xin sức mạnh, sự bình an và mối quan tâm của Thượng Đế Đức Chúa Cha và tình yêu thương và ân điển trường cửu của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ ở cùng tất cả chúng ta, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. “Statement of the First Presidency regarding God’s Love for All Mankind,” ngày 15 tháng Hai năm 1978.

  2. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1995, 112; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1995, 84.

  3. 2 Tê Sa Lô Ni Ca. 2:3; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  4. Xin xem Mác 1:9–10.

  5. Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14–17; 19:3õ6.

  6. Xin xem Ma Thi Ơ 3:17; Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55; GLGƯ 130:22.

  7. Công Vụ Các Sứ Đồ 24:15.

  8. Xin xem Đa Ni Ên 2:28, A Mốt 3:7; GLGƯ 121:26.

  9. Xin xem Áp Đia 1:21; Ma La Chi 4:6;1 Cô Rinh Tô 15:29; Khải Huyền 7:15.

  10. Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20–21.

  11. Xin xem Mark E. Petersen, The Great Prologue (1975), 34–35.

  12. Xin xem William Cullen Bryant, xuất bản, Picturesque America; or, the Land We Live In, 2 tập (1872–74), 1:502; xin xem thêm LeGrand Richards, A Marvelous Work and a Wonder, ấn bản hiệu đính (1966), 29.

  13. Khải Huyền 14:6.

  14. Xin xem Ê Phê Sô 4:11.

  15. James E. Talmage, The Articles of Faith, xuất bản lần thứ 12 (1924), 204.

  16. GLGƯ 110:12.

  17. GLGƯ 110:13–16.

  18. Ê Phê Sô 1:10.

  19. “Why These Temples?” Temples of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints (1999), 14.

  20. Khải Huyền 7:13, 15.

  21. Môi Se 1:39.

  22. 1 Cô Rinh Tô 15:29.

  23. Xin xem Môi Se 5:58; 8:19; Áp Ra Ham 2:10–11.

  24. Ê Phê Sô 2:20.

  25. Lời tuyên bố của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 15 tháng Hai năm 1978.