2006
Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại
Tháng Năm năm 2006


Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại

Qua Sự Chuộc Tội vô hạn, Thượng Đế đã cung ứng một phương tiện mà qua đó chúng ta có thể vừa khắc phục được các tội lỗi của mình lẫn trở nên trong sạch lại hoàn toàn.

Tiên Tri Gia Cốp đã hỏi: “Tại sao không nói tới sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, và thu hoạch được một sự hiểu biết tường tận về Ngài?”1

Tôi sẽ dùng câu hỏi đó làm đề tài của bài nói chuyện của tôi—tại sao không nói về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?

An Ma nói Sự Chuộc Tội là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.”2 Tôi sẽ dùng lời nói đó để mô tả giáo lý tuyệt vời mà chúng ta biết là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Chủ Tịch Hugh B. Brown có lần đã nói: “Sớm muộn gì thì những nỗi thăng trầm của cuộc đời cũng giúp chúng ta hiểu đề tài quan trọng này … về sự bất diệt của linh hồn và mối quan hệ của con người với Thượng Đế… . Mỗi người chúng ta, bất luận màu da, tín ngưỡng hay quốc tịch, đều trải qua kinh nghiệm mà chúng ta gọi là cái chết.”3

Đa số chúng ta, trong nỗi buồn và sự mất mát, đã nghiêm nghị đứng tại mộ phần của một người thân và đặt ra câu hỏi: “Có hạnh phúc trong cái chết chăng?”

Một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn trả lời câu hỏi này cho chúng ta với sự biểu lộ niềm vui sướng và tạ ơn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, mà cứu chuộc chúng ta khỏi Sự Sa Ngã và cái chết: “Ôi, sự thông sáng của Thượng Đế, lòng thương xót và ân điển của Ngài!”…“Ôi vĩ đại thay và công lý thay Thượng Đế của chúng ta!”4

Tôi xin chia sẻ năm lẽ thật của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại mà đã mang đến loại niềm vui này cho tôi.

Thứ nhất: Một sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc xác nhận rằng có một Thượng Đế và Ngài có một Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô. Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đều toàn hảo. Hai Ngài sống trên thiên thượng và có linh hồn và thể xác vinh quang bằng xương và bằng thịt.

Các lẽ thật này được mặc khải cho chúng ta trong gian kỳ này khi thiếu niên Joseph Smith quỳ xuống và khiêm nhường cầu nguyện và về sau đã nói: “Tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!”5

Thứ nhì: Việc biết được chân tính của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con giúp chúng ta biết rằng tất cả chúng ta được xuống thế gian để nhận một thể xác, đạt được kinh nghiệm và tự chứng tỏ xứng đáng để trở về cùng Cha Thiên Thượng. Các luật pháp chi phối cuộc sống hữu diệt của chúng ta trên thế gian. Khi vi phạm luật pháp thì chúng ta phạm tội. Khi phạm tội thì chúng ta vi phạm các luật pháp vĩnh cửu; luật pháp của công lý đòi hỏi một hình phạt hoặc một sự trừng trị.

Tội lỗi và sự cần thiết hối cải có thể được tượng trưng bởi một người đang làm cuộc hành trình. Ở trên lưng người ấy là một cái bao trống rỗng to lớn. Thỉnh thoảng, người ấy lượm một viên đá tượng trưng cho sự vi phạm một luật pháp. Người ấy đặt viên đá vào cái bao đang vác trên lưng của mình. Cuối cùng, cái bao ấy trở nên đầy và rất nặng. Người ấy không thể tiếp tục cuộc hành trình của mình. Người ấy phải có cách để trút các viên đá trong bao ra. Điều này chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng Cứu Rỗi qua Sự Chuộc Tội.

Điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, từ bỏ tội lỗi, và lập các giao ước qua các giáo lễ của phúc âm. Khi kiên trì đến cùng một cách trung tín, chúng ta có thể trở về sống với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Thứ ba: Qua Sự Chuộc Tội vô hạn, Thượng Đế đã cung ứng một phương tiện mà qua đó chúng ta có thể vừa khắc phục được các tội lỗi của mình lẫn trở nên hoàn toàn trong sạch lại. Điều này có thể thực hiện được nhờ vào luật vĩnh cửu của lòng thương xót. Lòng thương xót thỏa mãn những đòi hỏi của công lý qua sự hối cải của chúng ta và quyền năng Chuộc Tội. Nếu không có quyền năng Chuộc Tội và sự hối cải trọn vẹn của mình, chúng ta phải lệ thuộc vào luật pháp của công lý .

An Ma đã dạy rằng “sự thương xót sẽ nhờ sự chuộc tội mà đến”6 và rằng “kế hoạch cứu chuộc chỉ có thể được thực hiện với điều kiện là loài người phải hối cải.”7

Tiên tri cao trọng A Mu Léc đã dạy: “Và do đó, lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý , và bao quanh nó bởi vòng tay an toàn, trong lúc đó kẻ nào không thực hành đức tin đưa đến sự hối cải thì sẽ bị phơi bày ra trước luật pháp trọn vẹn về những đòi hỏi của công lý ; vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu.”8

A Đam và Ê Va, tổ phụ và tổ mẫu đầu tiên của chúng ta, đã vi phạm luật pháp và bị đuổi ra khỏi Vườn Ê Đen xinh đẹp. A Đam và Ê Va đã được giảng dạy về kế hoạch cứu rỗi vĩ đại để họ có thể tìm ra được hạnh phúc trong cuộc sống này.9

A Đam đã nói: “Vì sự phạm giới của tôi nên mắt tôi được mở ra, và trong đời này tôi sẽ có được niềm vui, và một lần nữa trong xác thịt tôi sẽ trông thấy Thượng Đế.”10

Ê Va đã nói điều tương tự như thế về hạnh phúc: “Nếu không có sự phạm giới của chúng ta thì chúng ta không bao giờ có dòng dõi, và sẽ không bao giờ biết được điều thiện và điều ác, và hưởng niềm vui của sự cứu chuộc của chúng ta.”11

Thứ tư: Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va mang lại hai cái chết. Tất cả chúng ta đều bị lệ thuộc vào hai cái chết đó.Cái chết thể xác là sự tách rời linh hồn với thể xác. Nhờ vào Sự Sa Ngã của A Đam, tất cả nhân loại sẽ phải trải qua cái chết thể xác.

Cái chết thứ nhì là cái chết thuộc linh. Đó là sự tách rời khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế. A Đam và Ê Va đã đối thoại thẳng với Thượng Đế trong Vườn Ê Đen. Sau sự quá phạm của mình, họ bị mất đặc ân đó. Sau đó, sự giao tiếp từ Thượng Đế chỉ đến qua đức tin và sự hy sinh, phối hợp với lời khẩn cầu chân thành.

Hiện nay chúng ta đều ở trong trạng thái của cái chết thuộc linh. Chúng ta bị tách rời khỏi Thượng Đế. Ngài ngự trên thiên thượng; chúng ta sống dưới thế gian. Chúng ta muốn trở về với Ngài. Ngài rất trong sạch và toàn hảo. Chúng ta thì nhơ bẩn và bất toàn.

Quyền năng Chuộc Tội của Đấng Ky Tô khắc phục cả hai cái chết.

Tiếp theo sự việc Ngài bị đóng đinh và được chôn cất trong một ngôi mộ mượn, Đấng Ky Tô đã phục sinh vào ngày thứ ba. Sự Phục Sinh này tái hợp thể xác của Đấng Ky Tô với linh hồn của Ngài.

Sự Phục Sinh từ cái chết là một khía cạnh đẹp nhất của Sự Chuộc Tội và thật sự là một phần của kế hoạch hạnh phúc; Sự Phục Sinh được ban cho mọi người và áp dụng cho toàn thể gia đình nhân loại. Tất cả chúng ta đều sẽ được phục sinh. Tôi làm chứng về sự kiện và lẽ thật đó. Đây là ân tứ vô điều kiện từ Thượng Đế.

Nhưng việc được phục sinh không khắc phục cái chết thứ nhì. Để đạt được cuộc sống vĩnh cửu và sống nơi hiện diện của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con thì chúng ta phải hối cải và trở nên đủ tư cách để nhận được lòng thương xót mà sẽ thỏa mãn sự đòi hỏi của công lý .

Những điều mặc khải dạy rằng:

“Cuộc sống này là thời gian cho loài người chuẩn bị để gặp Thượng Đế.”12

“Chớ nên trì hoãn ngày hối cải của mình.”13

“Chính linh hồn đã làm chủ phần xác của các người khi các người vừa ra khỏi cuộc đời này, thì cũng chính linh hồn ấy sẽ có quyền năng để làm chủ thể xác các người trong thế giới vĩnh cửu ấy.”14

Thứ năm: Chúa Giê Su Ky Tô được sinh ra bởi một người mẹ trần thế, Ma Ri. Ngài đã thừa hưởng sự hữu diệt từ bà và trở nên lệ thuộc vào cái chết.

Giô Sép là người cố vấn dày kinh nghiệm của Ngài trên trần thế. Thượng Đế trên trời là Cha của Ngài. Ngài đã thừa hưởng từ Đức Chúa Cha sự bất diệt, quyền năng khắc phục cái chết thể xác.

Là Đấng đã được chọn để làm tròn những điều kiện của Sự Chuộc Tội, Chúa Giê Su Ky Tô hạ cố đến thế gian và sinh ra làm hài nhi yếu đuối từ Ma Ri. Ngài đã hạ cố để bị cám dỗ, bị thử thách, bị nhạo báng, bị xét xử và bị đóng đinh, mặc dù Ngài có quyền năng và thẩm quyền để ngăn chặn những hành động như vậy.

Chủ Tịch John Taylor đã mô tả tấm lòng hạ cố của Đấng Ky Tô trong những lời tuyệt vời này: “Ngài cần phải xuống dưới mọi vật, ngõ hầu Ngài có thể vượt lên trên mọi vật; bởi vì nếu Ngài không thể tự vượt lên và được tôn cao qua các nguyên tắc đó từ sự chuộc tội mà ra thì Ngài không thể nâng những người khác lên được; Ngài không thể làm cho những người khác điều mà Ngài không thể tự làm cho Ngài.”15

Nỗi đau đớn của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê là mẫu mực của tất cả thuộc tính của Đấng Ky Tô, tình yêu thương trọn vẹn của Ngài. Nơi đây, chúng ta thấy rằng Ngài đã thật sự yêu thương tất cả chúng ta.

Một nhà thần học người Anh, khi viết trong thế kỷ mười chín, đã nói về sự kiện này:

“Tất cả những nỗi đau đớn mà thân thể con người có thể chịu đựng đều chất chồng lên thể xác co rúm của Ngài… . Nỗi đau buốt nhất, nỗi nhục nhã tồi tệ nhất, tất cả các gánh nặng tội lỗi …—đó là điều mà Ngài phải hứng chịu.”16

Khi mô tả nỗi đau khổ của Ngài, Chúa đã phán trong điều mặc khải hiện đại: “Nỗi đau khổ ấy cũng khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từ lỗ chân lông, và phải chịu đựng sự đau khổ của thể xác lẫn linh hồn.”17

Sự Chuộc Tội là một sự kiện mà có thể cho phép chúng ta hòa giải với Thượng Đế. Chuộc tội có nghĩa là phục hồi hoặc trở lại. Về mặt gia đình, nó có nghĩa là tái hợp với nhau và với Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Nó có nghĩa là nỗi buồn vì sự chia ly sẽ trở thành hạnh phúc nhờ vào sự tái hợp.

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ những lời của Chủ Tịch Boyd K. Packer:

“Nếu ta hiểu được và tuân theo kế hoạch hạnh phúc vĩ đại thì điều xảy ra trên thế gian sẽ không định đoạt hạnh phúc của ta.”18

Tôi làm chứng về lẽ thật đó và về tình yêu thương mà Chúa Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta đã cho chúng ta thấy bằng cách ban Sự Chuộc Tội, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, cho tất cả chúng ta. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Gia Cốp 4:12.

  2. An Ma 42:8; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:13; An Ma 12:32; 34:9, 16; 41:2; 42:15; Môi Se 6:62.

  3. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1967, 48; sửa đổi vài đoạn văn.

  4. 2 Nê Phi 9:8, 17.

  5. Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  6. An Ma 42:23.

  7. An Ma 42:13.

  8. An Ma 34:16.

  9. Xin xem An Ma 12:32.

  10. Môi Se 5:10.

  11. Môi Se 5:11.

  12. An Ma 34:32.

  13. An Ma 34:33.

  14. An Ma 34:34.

  15. The Mediation and Atonement (1882), 144.

  16. Frederic W. Farrar, The Life of Christ (1994), 575.

  17. GLGƯ 19:18.

  18. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1994, 26; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1994, 20.