2006
Sự Cầu Nguyện, Đức Tin và Gia Đình: Những Bước Dẫn đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu
Tháng Năm năm 2006


Sự Cầu Nguyện, Đức Tin và Gia Đình: Những Bước Dẫn đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu

Cha Thiên Thượng sẽ nghe lời cầu nguyện khiêm nhường và sẽ ban cho chúng ta sự an ủi và hướng dẫn mà chúng ta tìm kiếm.

Đó là ngày sau lễ Giáng Sinh năm 1946 ở Santa Clara, Utah. Là một đứa bé trai chín tuổi, tôi đã xin phép mẹ tôi mang quà Giáng Sinh của mình, một bộ cung tên mới, đi lên ngọn đồi ở đằng sau nhà của chúng tôi để săn thỏ. Lúc đó đã xế chiều và Mẹ tôi thì miễn cưỡng, nhưng với lời khẩn nài của tôi, bà đã đồng ý để cho tôi đi nhưng với điều kiện là tôi phải trở về nhà trước khi trời tối.

Khi tôi lên đến đỉnh đồi, tôi lắp một mũi tên vào cái cung và bắt đầu bước đi lặng lẽ qua các bụi cây ngải đắng với hy vọng là sẽ thấy một con thỏ đang ăn dưới bụi cây nơi mà cỏ non vẫn còn xanh.

Tôi giật mình bởi một con thỏ rừng lớn nhảy ra khỏi bụi cây ngải đắng trước mặt tôi. Tôi kéo giây cung nhắm mau và bắn tên vào con thỏ đang phóng mình bỏ chạy. Mũi tên bắn hụt và con thỏ biến vào bụi cây trước mặt.

Tôi đi đến nơi mà tôi nghĩ rằng cái mũi tên đã rơi xuống đất để lấy nó lại. Chỉ có năm mũi tên cho cái cung và tôi không muốn mất mũi tên này. Tôi nhìn nơi mà mũi tên được cho là đã rơi xuống nhưng nó không có ở đó. Tôi kiếm quanh khu vực mà tôi chắc chắn là nó rơi xuống đó nhưng tôi không tìm ra nó được.

Mặt trời đang ngả về hướng tây; tôi biết rằng trời sẽ tối khoảng 30 phút nữa và tôi không muốn đi về nhà trễ. Tôi lục soát khu vực đó lần nữa nơi mà mũi tên đáng lẽ phải rơi xuống đó; tôi xem xét cẩn thận dưới mỗi bụi cây nhưng cũng không tìm ra được mũi tên.

Đã hết giờ rồi và tôi cần phải bắt đầu đi về nhà để đến nơi trước khi trời tối. Tôi quyết định phải cầu nguyện và cầu xin Cha Thiên Thượng giúp tôi tìm ra mũi tên đó. Tôi quỳ gối xuống, nhắm mắt lại và cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Tôi thưa với Ngài rằng tôi không muốn mất mũi tên mới của mình và tôi cầu xin Ngài cho tôi thấy tôi phải tìm nó ở đâu.

Trong khi vẫn còn quỳ gối, tôi mở mắt ra và nơi đó trong bụi cây ngải đắng ngay trước mặt tôi, trong tầm mắt, tôi đã thấy một phần những sợi lông màu của mũi tên nằm ẩn mình cạnh các cành cây. Tôi vồ lấy mũi tên đó và bắt đầu chạy về nhà và về đến nơi ngay trước khi trời tối.

Tôi sẽ không bao giờ quên kinh nghiệm đặc biệt đó. Cha Thiên Thượng đã đáp ứng cho lời cầu nguyện của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi cầu nguyện để Ngài giúp đỡ tôi, và Ngài đã giúp đỡ tôi! Buổi chiều hôm đó, tôi đã học biết có được đức tin và tin cậy vào Cha Thiên Thượng.

Khi chúng ta cần sự giúp đỡ, ngay cả một đứa bé trai ngây thơ với một sự lo lắng quan trọng, Cha Thiên Thượng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, và với tình yêu thương, Ngài ban cho chúng ta sự hướng dẫn mà chúng ta tìm kiếm.

Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, đã phán cùng chúng ta: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”1

Gia Cơ đã chỉ dẫn chúng ta từ thánh thư:

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.

“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ.”2

Chủ Tịch James E. Faust dạy chúng ta: “Một lời cầu nguyện tha thiết, chân thành là lối truyền đạt hai chiều mà sẽ mang đến Thánh Linh của Ngài tuôn chảy như nước chữa lành để giúp đỡ khi có những thử thách, gian khổ, đau đớn và đau khổ mà chúng ta đều gặp phải.”3

Sự cầu nguyện là một trong những bước trên con đường dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.

Đức tin là một bước khác rất thiết yếu cho sự cứu rỗi vĩnh cửu của chúng ta!

Đấng Cứu Rỗi cũng phán rằng: “Và bất cứ điều gì ngay chính mà các ngươi sẽ cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta, và tin tưởng rằng các ngươi sẽ nhận được, này, điều ấy sẽ được ban cho các ngươi.”4

Cách đây ba mươi năm một câu chuyện có thật đã được kể lại nơi vùng đất xa xôi nhất của Tân Tây Lan. Quần Đảo Chatham lộng gió tọa lạc ở Nam Thái Bình Dương khoảng 800 cây số phía đông Christchurch. 650 người dũng cảm và tháo vát sống ở đó, cô lập trong môi trường vắng vẻ, khắc nghiệt của thời ấy; và một vị bác sĩ trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và mới ra trường có trách nhiệm để chăm sóc y tế cho họ.

Một đứa bé trai tám tuổi “Shane” bị thương nặng ở đầu ở cách 65 cây số ở phía xa bên kia của hòn đảo. Nó được chở gấp ngang qua các đầm lầy và dọc theo bãi biển trên băng ghế sau của một chiếc xe cũ kỹ, han rỉ đến một nhà thương nông thôn có bốn giường. Nó hoàn toàn bất tỉnh.

Vị bác sĩ trẻ tuổi không chuẩn bị trước để xử lý trường hợp như vậy, với ít kinh nghiệm, và chỉ có những dụng cụ giải phẫu cơ bản nhất. Shane đang ở trong tình trạng nguy kịch. Rõ ràng là nó bị chảy máu từ bên trong cái sọ bị nứt của nó—và máu đông lại có cơ nguy đè lên óc của nó. Vị bác sĩ chưa bao giờ thấy một cuộc giải phẫu óc nhưng ông biết rằng ông phải thực hiện một cuộc giải phẫu tinh vi ngay lập tức—hoặc nhìn đứa bé chết.

Họ kêu gọi những người hiến máu, loại máu tương hợp, và chuẩn bị cho một cuộc gây mê. Cái máy chụp X quang cũ kỹ đã hư cho nên không thể chiếu X quang được.

Có một cú điện thoại đầu tiên trong số nhiều cú điện thoại gọi đến Wellington nơi mà một nhà giải phẫu thần kinh cố gắng hình dung ra cảnh tượng đó và hướng dẫn vị bác sĩ trẻ tuổi đầy lo lắng đó qua tiến trình của một thủ tục giải phẫu rất tinh vi.

Mẹ của Shane cầu nguyện. Vị bác sĩ cầu nguyện, các y tá cầu nguyện, vợ của vị bác sĩ cầu nguyện.

Các trách nhiệm phải được giao phó trong cảnh tượng bận rộn này. Người cảnh sát thực hiện cuộc gây mê, một y tá trở thành người phụ tá giải phẫu, và công việc bắt đầu dưới ánh sáng của một ngọn đèn để bàn khi màn đêm buông xuống.

Đường rạch giải phẫu đầu tiên được thực hiện một cách đầy lo lắng đã không cho thấy sự chảy máu nào cũng như những đường rạch khác cần thiết để thực hiện qua cái sọ nhỏ của Shane để tìm xem máu chảy ra từ đâu. Thêm nhiều cú điện thoại nữa được gọi cho vị bác sĩ giải phẫu thần kinh để có được sự hướng dẫn và sự trấn an và lời chỉ bảo của ông được tuân theo chính xác từng chi tiết. Sau sáu giờ đồng hồ đầy lo lắng và áp lực, cuộc giải phẫu hoàn tất, máu trong bộ não ngưng chảy và kết quả thành công. Cảnh bình yên thay thế cảnh hỗn loạn. Lúc đó là vào khoảng nửa đêm.

Vị bác sĩ là một người cha trẻ tuổi. Vị ấy nghĩ về gia đình của mình và các phước lành mà họ đang nhận hưởng. Vị ấy biết ơn tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống của mình và nhất là sự hiện diện của Đấng An Ủi trong 12 tiếng đồng hồ vừa qua. Vị ấy biết ơn về sự hiện diện của một chuyên viên vô hình đã truyền đạt kiến thức lớn lao hơn nhiều của Ngài một cách rộng rãi trong lúc nguy cấp của vị ấy.

Vào thời điểm nguy cấp trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, Chúa đã cung ứng sự hướng dẫn và khả năng của một vị bác sĩ trẻ tuổi, non nớt để thực hiện một phép lạ và bảo tồn mạng sống của một đứa bé mà rất quý báu đối với Chúa.

Neil Hutchison là vị bác sĩ trẻ tuổi mà đã cầu nguyện để xin được giúp đỡ và có đức tin để trông cậy vào Chúa và nhà giải phẫu thần kinh, để vị ấy có thể thực hiện một phép lạ trong những điều kiện khó khăn nhất. Giờ đây vị ấy đang phục vụ với tư cách là giám trợ trong Tiểu Giáo Khu East Coast Bays ở Auckland, Tân Tây Lan.

Giám Trợ Hutchison báo cho tôi biết rằng: “Tôi có được đặc ân để gặp Shane và cha của em cách đây hai năm ở Christchurch lần đầu tiên kể từ ngày ấy vào năm 1976. Em ấy hiện là một thợ điện với cơ sở thương mại riêng của mình và không thấy có khuyết điểm nào từ cuộc giải phẫu rất lâu của mình. Em ấy thật là một thanh niên dễ thương và tôi không thể không nghĩ đến bức màn mỏng biết bao giữa cuộc sống này với cuộc sống mai sau.”

“Và Đấng Ky Tô có phán rằng: Nếu có đức tin nơi ta, các ngươi sẽ có quyền năng để làm tất cả những điều gì thích đáng đối với ta.”5

Anh Cả Richard G. Scott đã dạy: “Các anh chị em sẽ thu gặt trái của đức tin khi các anh chị em tuân theo các nguyên tắc mà Thượng Đế đã thiết lập nhằm cho việc sử dụng đức tin.” Một trong các nguyên tắc đó là “tin cậy nơi Thượng Đế và sự sẵn lòng của Ngài để cung ứng sự giúp đỡ khi cần, bất luận hoàn cảnh có khó khăn đến đâu.”6

Anh Cả Robert D Hales làm chứng rằng Joseph Smith “là một thiếu niên 14 tuổi, ông đã sử dụng đức tin vững chắc và tuân theo sự hướng dẫn của tiên tri Gia Cơ để ‘cầu vấn Thượng Đế.’ Vì sự kêu gọi của Joseph để làm vị tiên tri, Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng ông và ban cho ông những lời chỉ dẫn”.7

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã khuyến khích chúng ta: “Khi chúng ta dâng lên Chúa những lời cầu nguyện chung gia đình và riêng cá nhân mình, thì chúng ta hãy làm như vậy với đức tin và sự tin cậy nơi Ngài… . Nếu bất cứ ai trong chúng ta chậm lắng nghe theo lời khuyên dạy là phải luôn luôn cầu nguyện thì không có lúc nào tốt hơn bằng việc bắt đầu ngay bây giờ.”8

Cho dù đó là một đứa bé trai với một lời thỉnh cầu giản dị, hoặc vị bác sĩ y khoa với thử thách nguy kịch đang đe dọa tính mạng của bệnh nhân trước mặt mình: Cha Thiên Thượng sẽ nghe lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng ta và sẽ ban cho chúng ta sự an ủi và hướng dẫn mà chúng ta đang tìm kiếm.

Bước thứ ba và một phần thiết yếu của con đường dẫn chúng ta về nhà an toàn với Cha Thiên Thượng là gia đình.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy chúng ta rằng: “Gia đình là thiêng liêng. Gia đình là do Cha Thiên Thượng quy định. Nó bao gồm mối quan hệ thiêng liêng nhất trong tất cả mọi quan hệ. Chỉ qua tổ chức của gia đình các mục đích của Chúa mới có thể được làm tròn.”9

Chủ Tịch Hinckley nói tiếp: “Tôi tin gia đình là nơi mà người chồng biết xem người bạn đời của mình là người quý báu nhất và đối xử với vợ mình theo như sự quý trọng đó; là nơi mà người vợ xem chồng mình như là nguồn nương tựa và sức mạnh của mình, sự an ủi và an toàn của mình; nơi mà con cái kính trọng và biết ơn cha mẹ; nơi mà cha mẹ xem con cái như là các phước lành và tìm thấy một thử thách lớn lao và kỳ diệu trong việc nuôi nấng chúng.”10

Tôi chân thành tin rằng trong sự thiêng liêng của gia đình, tình yêu thương, lòng chung thủy, sự kính trọng và hỗ trợ lẫn nhau có thể trở thành tấm khiên che thiêng liêng mà sẽ bảo vệ chúng ta khỏi các tên lửa của quỷ dữ. Trong vòng gia đình, tràn đầy tình yêu thương của Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ có thể tìm được sự bình an, hạnh phúc, và sự bảo vệ khỏi sự tà ác của thế gian chung quanh mình.

Tôi làm chứng rằng gia đình là đơn vị và phương tiện mà qua đó chúng ta có thể được làm lễ gắn bó với nhau và trở về nơi hiện diện của cha mẹ thiên thượng, chung với gia đình mình, nơi đó để nhận biết niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu.

Tôi chân thành cầu nguyện rằng chúng ta sẽ sử dụng những bước cầu nguyện, đức tin, và gia đình của mình để chuẩn bị và giúp chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng và đạt được cuộc sống vĩnh cửu; để mục đích thật sự của chúng ta sống trên thế gian này sẽ được hoàn tất một cách có kết quả.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. GLGƯ 112:10.

  2. Gia Cơ 1:5–6.

  3. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1976, 83; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1976, 58.

  4. 3 Nê Pphi 18:20.

  5. Mô Rô Ni 7:33.

  6. “The Sustaining Power of Faith in Times of Uncertainty and Testing,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 76.

  7. “Finding Faith in the Lord Jesus Christ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 73.

  8. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1964, 130; hoặc Improvement Era, tháng Sáu năm 1964, 509.

  9. Teachings of Gordon B. Hinckley (1997), 206.

  10. Teachings of Gordon B. Hinckley, 205.