2006
Lớn Lên Trong Chúa
Tháng Năm năm 2006


Lớn Lên Trong Chúa

Sự tận tâm phục vụ những người khác, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, được đòi hỏi nơi những người thật sự mong muốn được “lớn lên trong Chúa.”

Cách đây một vài tháng, tôi đi trong một chiếc xe với hai chị truyền giáo can đảm và lớn tuổi. Họ quyết tâm tìm ra căn hộ của một tín hữu trong tiểu giáo khu tại một khu xóm nội thành tại miền đông Hoa Kỳ. Khi tôi ngồi ở ghế sau lòng đầy sợ hãi, thì hệ thống chỉ đường của chiếc xe đều đặn cho biết: “Quẹo sai đường, quẹo sai đường!” Không nản lòng, chị truyền giáo đang đọc bản đồ vẫn tiếp tục hướng dẫn từ chỗ quẹo này đến chỗ quẹo khác qua mê lộ chằng chịt của các đường phố cho đến cuối cùng thì chúng tôi tìm ra nhà của chị phụ nữ mà họ đã hứa dạy đọc và viết.

Trong các hành động và thái độ của họ, hai người chị truyền giáo phi thường này là hiện thân của một điều gì có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là kết quả của cuộc sống trần thế của họ. Họ đã cho thấy sự trưởng thành thật sự của phần thuộc linh.

Hê La Man, vị tiên tri cao trọng trong Sách Mặc Môn, đã đặt tên cho các con trai của mình là Nê Phi và Lê Hi theo tổ tiên của họ và “hai người này bắt đầu lớn lên trong Chúa.”1 Dù trẻ hay già, tất cả chúng ta đều phải làm như vậy.

Ý niệm này về việc lớn lên trong Chúa là một ý niệm đầy thuyết phục. Không giống như tiến trình lớn lên về phương diện thể xác, chúng ta sẽ không trưởng thành về phương diện thuộc linh cho đến khi chúng ta chọn để “bỏ những điều thuộc về con trẻ,”2 như Sứ Đồ Phao Lô đã phát biểu.

Việc cầu nguyện và học thánh thư hằng ngày, tuân giữ các giáo lệnh và các giao ước đã lập khi chịu phép báp têm và trong đền thờ là những phần cơ bản để lớn lên trong Chúa. Chúng ta học bước đi trong lối của Ngài khi chúng ta làm điều mà mang chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng và khi chúng ta giảng dạy con cái chúng ta và những người khác cũng làm như vậy. Chúng ta “bỏ những điều thuộc về con trẻ” khi chúng ta chọn trở thành giống như Đấng Ky Tô và phục vụ những người khác như Ngài muốn chúng ta làm.

Khi Giáo Hội được tổ chức trong gian kỳ này, Chúa đã giải thích rằng những người “sẽ được thu nhận vào giáo hội của Ngài bằng phép báp têm” sẽ là những người “sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô, quyết tâm phục vụ Ngài cho đến cùng.”3 Điều đó có nghĩa là luôn luôn “vững vàng và cương quyết, luôn luôn làm những việc tốt lành”4 mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, khi Giáo Hội tăng trưởng trong 170 quốc gia trên khắp địa cầu, sự tận tâm phục vụ những người khác, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, được đòi hỏi nơi những người thật sự mong muốn “lớn lên trong Chúa.” Sự bành trướng này của Giáo Hội có nghĩa là nhiều người chúng ta sẽ có cơ hội để phục vụ những người mới cải đạo.

Tôi đã tham gia vào một tấm gương đáng ghi nhớ về sự tận tâm phục vụ như vậy với những người còn mới đối với phúc âm khi tôi đi cùng hai chị truyền giáo tận tâm đó—một chị là góa phụ gần 80 tuổi và chị kia là một người mẹ độc thân sáu mươi mấy tuổi—là những người không nản lòng bởi vì những chỗ họ quẹo sai. Tôi cũng đã chứng kiến một tấm gương khác về điều đó trong tiểu giáo khu đó.

Tiểu giáo khu này gồm có các tín hữu thuộc nhiều lứa tuổi, từ nhiều quốc gia khác nhau, tất cả đều có những hoàn cảnh kinh tế và kinh nghiệm về Giáo Hội khác nhau. Nhiều người trong số đó mà có kinh nghiệm nhiều nhất về Giáo Hội thì lại là các cặp vợ chồng sinh viên cao học với thời khóa biểu đầy bận rộn và gia đình với con cái còn nhỏ.

Điều tôi thấy là một người mẹ trẻ phục vụ với tư cách là người huấn luyện việc giảng dạy thăm viếng cho những người mới cải đạo trong tiểu giáo khu. Trong khi chồng của chị trông con thì chị nhiệt thành cho thấy mối quan tâm đầy yêu thương đối với hai chị em phụ nữ người Phi Châu. Mối quan tâm này gồm có việc không những giảng dạy hai chị em phụ nữ này cách sống trong một quốc gia mới mà còn cách thích nghi với tôn giáo mới của họ.

Qua tấm gương của mình, chị đã giảng dạy hai chị em phụ nữ Phi Châu này cách thức mà Chúa muốn chúng ta phục vụ lẫn nhau. Những lời của Sứ Đồ Phao Lô mô tả một cách dịu dàng điều tôi đã thấy nơi các hành động của người huấn luyện việc giảng dạy thăm viếng này cho những người mới cải đạo: “Chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vì săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy … vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao.”5 Mỗi lần đến thăm, người huấn luyện trẻ tuổi này mang theo sự vui vẻ, bàn tay giúp đỡ dịu dàng và sứ điệp thăm viếng giảng dạy.

Cuối cùng, những người chị em phụ nữ này cùng nhau chuẩn bị sứ điệp thăm viếng giảng dạy để chia sẻ trong nhà các chị em phụ nữ khác. Bằng cách ước định những nhu cầu, phục vụ ngay tại chỗ khi họ đi thăm viếng, họ trở thành các chị em của Hội Phụ Nữ thật sự cam kết để nâng đỡ, an ủi và khuyến khích lẫn nhau. Tôi không chắc là khi nào tôi nghe câu nói “đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau”6 mà tôi không nghĩ đến ba người phụ nữ vui vẻ, nhân từ đó—cho thấy qua sự tận tâm phục vụ những người khác—điều đó có nghĩa là “lớn lên trong Chúa.”

Ngoài sự kiên định, tận tâm phục vụ còn có một cách thức khác mà chúng ta chọn để lớn lên trong Chúa là qua sự sẵn lòng của mình để “tiến tới”7 trong đức tin—ngay cả khi chúng ta hầu như không biết điều gì phải làm. Hãy xem xét câu chuyện của Nê Phi về việc được truyền lệnh để đóng một chiếc tàu. Ông thuật lại sự việc như sau:

“Và chuyện rằng, Chúa bảo tôi rằng: Ngươi phải đóng một chiếc tàu, theo cách ta sẽ chỉ cho ngươi… .

“Và tôi thưa rằng: Thưa Chúa, con phải đi đâu kiếm khoáng kim để nấu cho chảy ra, ngõ hầu con có thể làm những dụng cụ … ?”8

Nê Phi đã không thắc mắc về công việc phải được thực hiện. Thay vì thế, trong hoàn cảnh này, ông đã cho thấy, như ông đã làm trong những hoàn cảnh khác, sự hiểu biết thuộc linh chín chắn: “Do đó chúng tôi thấy rằng những lệnh truyền của Thượng Đế phải được thi hành trọn vẹn. Và nếu con cái của loài người tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế thì Ngài sẽ nuôi dưỡng họ, làm tăng thêm sức mạnh cho họ, và cung cấp cho họ những phương tiện để nhờ đó có thể thực hiện được điều Ngài đã ra lệnh cho họ;”9 Nói tóm lại, Nê Phi đã tìm kiếm một giải pháp thay thế những trở ngại vì ông biết—ông đã biết—rằng trong tiến trình này của việc lớn lên trong Chúa—Thượng Đế có thể và sẽ giúp ông làm tròn mọi lệnh truyền mà ông nhận được.

Trong cùng tiểu giáo khu mà nằm bên trong khu phố, tôi đã nhận thấy một loại đức tin tương tự nơi mối quan tâm dịu dàng, nhân từ của một giám trợ là người đã không phí thì giờ phải thất vọng vì những nhu cầu rất lớn của con số những người mới cải đạo luôn luôn gia tăng. Thay vì thế, ông đã tiến tới bằng cách tập hợp những tín hữu có nhiều kinh nghiệm hơn trong các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc để giúp chuẩn bị những người mới cải đạo từ Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh thực hiện những trách nhiệm chức tư tế của họ. Các anh em tín hữu mới đã được giảng dạy cách thức cầm những cái khay trong khi chuyền Tiệc Thánh, cách thức quỳ và ban phước bánh và nước một cách nghiêm trang. Những người anh em có kinh nghiệm nhưng thường trẻ tuổi hơn đã cùng thực tập với các anh em tín hữu mới đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh để họ cảm thấy tự tin trong việc dâng lên những lời cầu nguyện này. Rồi tất cả các anh em tín hữu cùng nhau thảo luận về tính chất thiêng liêng của giáo lễ chức tư tế quan trọng này.

Chúng ta đều có những kinh nghiệm mà đòi hỏi chúng ta phải cho thấy quyết tâm của mình để phục vụ những người khác và sự sẵn lòng của chúng ta để tiến tới trong đức tin. Khi chồng của tôi gọi điện thoại nói cho tôi biết rằng sự kêu gọi phục vụ truyền giáo của chúng tôi đã bị thay đổi với một sự chỉ định đầy thử thách ở Phi Châu thì tôi đáp: “Em có thể làm điều đó được. Em nghĩ rằng em có thể làm điều đó.” Tôi đã cho thấy bằng lời nói của mình sự cam kết của tôi để tiến bước trong đức tin—một lần nữa tin tưởng rằng Chúa sẽ giúp đỡ tôi. Tôi cho thấy sự sẵn lòng của mình để “lớn lên trong Chúa.”

Cũng như vị giám trợ trung tín đó, các chị em phụ nữ tận tâm đó, và tôi có thể chứng thực, trong tiến trình tiếp diễn này về việc lớn lên trong Chúa, chúng ta sẽ được yêu cầu phải làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, và trong một số trường hợp, nhiều hơn sự hiểu biết của chúng ta về cách thức để làm. Những thử thách có thể gay go và đôi khi lộ trình này thật xa lạ. Mặc dù tất cả chúng ta đều sẽ lầm lỗi, nhưng những người cố gắng thật sự để trở thành giống như Đấng Ky Tô—với quyết tâm kiên định để phục vụ những người khác—và sự sẵn lòng để tiến tới trong đức tin—thì có thể hiểu được lẽ thật thuộc linh lớn lao đã được Nê Phi chia sẻ, khi ông tiếp tục việc đóng tàu của ông: “Và tôi … thường cầu nguyện Chúa; vậy nên Chúa đã chỉ cho tôi biết nhiều điều vĩ đại.”10 Để được cho thấy “nhiều điều vĩ đại”—thật là một ân tứ—thật là một phước lành—cho những người đã chọn để “lớn lên trong Chúa.” Cầu xin cho cuộc sống của chúng ta là cuộc sống của sự trưởng thành dịu dàng, nhân từ, vững chắc về phần thuộc linh, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Hê La Man 3:21.

  2. 1 Cô Rinh Tô 13:11.

  3. GLGƯ 20:37.

  4. Mô Si A 5:15.

  5. 1 Tê Sa Lô Ni Ca 2:7–8; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  6. Mô Si A 18:21.

  7. 2 Nê Phi 31:20; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  8. 1 Nê Phi 17:8–9.

  9. 1 Nê Phi 17:3.

  10. 1 Nê Phi 18:3.