2006
Các Em Có Được Quyền Thừa Kế Cao Quý
Tháng Năm năm 2006


Các Em Có Được Quyền Thừa Kế Cao Quý

Các em có thể học hỏi thêm về cuộc sống và sứ mệnh của mình trên thế gian bằng cách chuẩn bị tiếp nhận và sau đó nghiên cứu phước lành tộc trưởng của mình.

Năm vừa rồi tôi đã thấy ánh sáng của Thượng Đế rực rỡ trên gương mặt của các em là các em thiếu nữ rất nhiều lần. Tôi đã thấy ánh sáng đó trong các buổi họp lớn từ Ba Tây đến Cộng Hòa Dominic. Tôi đã thấy ánh sáng đó khi các em kéo những chiếc xe kéo tay trên những đoạn đường của người tiền phong. Tôi đã thấy ánh sáng của các em khi tôi hát và chơi những trò chơi với các em ở chỗ cắm trại. Tôi đã thấy ánh sáng đó của Thượng Đế rực rỡ trên gương mặt của các em thiếu nữ trong hồ báp têm của các đền thờ từ Mễ Tây Cơ đến Utah. Tôi có những kỷ niệm đẹp về ánh sáng mà các em đang mang. Ánh sáng của các em đã tạo ra một sự khác biệt cho tôi và những người khác. Các em có được ánh sáng vì các em thật sự là các con gái của Thượng Đế, “con cái của các bậc cha mẹ được tôn cao”1 với một thiên tính và số mệnh vĩnh cửu.2 Các em đã nhận được bài học đầu tiên của mình trong thế giới linh hồn từ cha mẹ thiên thượng của các em.3 Các em được gửi đến thế gian để tự “chứng tỏ”.4

Các em đang ở trong một thời kỳ của cuộc sống mình khi các em đang có một số quyết định quan trọng nhất. Bởi vì các em đang bị tấn công dồn dập bởi rất nhiều thông điệp sai lầm về việc các em là ai, nên các em cần thêm một vài lời chỉ dẫn. Các em có thể học hỏi thêm về cuộc sống và sứ mệnh của mình trên thế gian và ánh sáng nơi các em bằng cách chuẩn bị tiếp nhận và sau đó nghiên cứu phước lành tộc trưởng của mình.

Các em không bao giờ quá trẻ để bắt đầu học hỏi về các phước lành tộc trưởng của mình.5 Tôi vui sướng đã nhận được phước lành của mình trước khi tôi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những thông điệp làm hoang mang và sai lầm trên thế gian. Tôi rời khỏi kinh nghiệm đó với sự đảm bảo đầy an ủi rằng Chúa yêu thương tôi và biết tôi, và từ lúc đó trở đi, tôi bắt đầu suy nghĩ thường xuyên về sự vĩnh cửu hơn là sự mến mộ.

Đây là giai đoạn cho các thiếu nữ để chuẩn bị và rồi tiếp nhận phước lành tộc trưởng của họ. Vị giám trợ và cha mẹ của các em có thể giúp các em quyết định khi nào là thời điểm thích hợp đối với các em bởi vì tuổi tác và sự sẵn sàng đối với mỗi người thì đều khác nhau.6 Khi các em hiểu được ý nghĩa và mục đích của một phước lành tộc trưởng và có một lòng khát khao thực sự để làm công việc của Chúa, các em sẽ đủ chín chắn để tiếp nhận phước lành tộc trưởng của mình.7 Đôi khi người ta chờ lâu hơn thời gian cần thiết để tiếp nhận phước lành tộc trưởng của họ, cho rằng họ cần hội đủ điều kiện để tiếp nhận phước lành này trong một cách thức đặc biệt nào đó. Nếu các em có thể hội đủ điều kiện để nhận giấy giới thiệu làm phép báp têm ở tại đền thờ, thì các em có thể có đủ tiêu chuẩn để nhận một phước lành tộc trưởng. Là địều quan trọng để chuẩn bị cho phước lành của mình với việc nhịn ăn và cầu nguyện để cho tinh thần của các em sẽ được khiêm nhường và dễ dạy. Sự chuẩn bị cá nhân của các em thì rất quan trọng.

Khi nhận phước lành của mình, các em có được cái nhìn thoáng qua về sự vĩnh cửu. Các em bắt đầu thấy một bức tranh về những gì có thể xảy ra cho các em trong tương lai bởi vì phước lành của các em nói đến mục đích và cuộc hành trình vĩnh cửu của các em. Vị tộc trưởng là người ban cho các em phước lành của các em, ông không biết phước lành của các em là gì cho đến khi ông ban phước lành. Ông dựa vào Thánh Linh để cho ông biết phải nói điều gì. Trong phước lành của các em, các em được cho biết về dòng dõi của mình trong gia tộc Y Sơ Ra Ên. Đó là dòng dõi của các em và gia tộc của các em đôi khi được gọi là chi phái. Tất cả các chi phái đều quay ngược trở lại đến vị tộc trưởng cao trọng Áp Ra Ham. Dòng dõi của các em rất quan trọng. Nó có nghĩa là các em được gồm vào trong những lời hứa được ban cho Áp Ra Ham rằng qua ông tất cả các dân tộc trên thế gian sẽ được ban phước.8

Dòng dõi của các em “là mối quan hệ máu mủ.”9 Điều đó làm cho các em thật sự là “con cháu của các tiên tri”10 với một quyền thừa kế cao quý . Chính vì thế mà chúng tôi thường nói rằng các em là “giới trẻ thuộc quyền thừa kế cao quý ”11 và thuộc vào “một thế hệ hoàng gia, được lựa chọn.”12

Một người bạn của tôi đã nói: “Khi gia nhập Giáo Hội lúc 16 tuổi, tôi đã bắt đầu học hỏi về nguồn gốc lý lịch của mình. Tôi nhận được phước lành tộc trưởng của mình và được cho biết là tôi thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên. Vào lúc ấy, tôi không biết điều đó có nghĩa là gì, nhưng qua nhiều năm, tôi đã tiến đến việc biết được rằng tôi có một đặc ân lớn là thuộc dòng dõi trực tiếp từ các vị tiên tri. Tôi có một di sản quý báu và các cơ hội tốt nhất.”

Giống như Áp Ra Ham, các em tìm kiếm phước lành để các em có thể có thêm kiến thức và nhận thêm những lời chỉ dẫn từ Chúa.13 Khi nhận được phước lành của mình, các em sẽ nhận ra rằng Chúa biết đích danh các em. Trong những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, nhiều người muốn Joseph Smith cầu vấn Chúa để có được sự hướng dẫn cụ thể trong cuộc sống của họ. Một số điều mặc khải đó giờ đây là một phần của sách Giáo Lý và Giao Ước. Cũng giống như Các Thánh Hữu đầu tiên, các em có thể xem phước lành tộc trưởng của mình như là “thánh thư cá nhân”.14 Các em nên giữ cho nó được thiêng liêng và không nên chia sẻ với những người bên ngoài gia đình thân thiết của mình.15

Vị tộc trưởng có thể biết trước sự phát triển và những điều kiện của cuộc sống của các em và có thể ban cho các em một phước lành liên quan đến những điều đó. Như một em thiếu nữ đã cho tôi biết: “Có những điều nói về em trong phước lành của em mà ngay cả cha mẹ em cũng không biết.” Chủ Tịch James E. Faust nói rằng mỗi phước lành tộc trưởng là “điều mặc khải cá nhân được soi dẫn từ Thượng Đế.” Mỗi phước lành tộc trưởng là “một vì sao để tuân theo, một nơi nương tựa của linh hồn chúng ta.” Chúng tiết lộ những khả năng và tiềm năng của chúng ta.16

Chủ Tịch Boyd K. Packer nói rằng các phước lành của chúng ta là “một [khái lược] về những điều mà chúng ta có thể đạt được trong cuộc sống của mình.”17 Chủ Tịch Monson gọi phước lành của chúng ta là “một quả cầu Liahona ánh sáng.”18

Vì một phước lành tộc trưởng không có nghĩa là một lời tiên đoán cho tất cả những điều sẽ xảy ra trong cuộc sống của người được ban phước, chúng ta nên tìm kiếm và tuân theo sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh để nhận được sự hiểu biết sâu xa hơn cho hướng đi của mình trong đời. Những điều giảng dạy của phúc âm luôn luôn là một chỉ dẫn để có được một sự hiểu biết trọn vẹn về vận mệnh và các đặc ân của chúng ta. Chẳng hạn, các phước lành tộc trưởng có thể không đề cập đến việc một người sẽ kết hôn hay có con cái, nhưng chúng ta đã được giảng dạy trong phúc âm là phải kết hôn trong đền thờ và lập gia đình. Chúng ta có thể tự mình tuân theo những lời giảng dạy này của phúc âm mà không cần đến sự hướng dẫn cá nhân cụ thể.

Khi tôi còn học trung học, người cố vấn đọc kết quả của những bài thi của tôi và nói cho tôi biết rằng bà không nghĩ là tôi sẽ học giỏi ở đại học. Nhưng sau khi thành tâm nghiên cứu phước lành tộc trưởng của mình, tôi cảm thấy rằng tôi không thể từ bỏ mục tiêu suốt đời của mình. Vậy nên, vì tôi có được sự am hiểu kế hoạch của Chúa dành cho tôi, nên tôi đã có niềm hy vọng trong lòng mình và tôi đã có thể tiến bước một cách tự tin. Tôi khám phá ra rằng tôi đã thành công trong lĩnh vực đó và tôi đã nhận được một bằng đại học. Khi chúng ta biết được mình là ai và điều mà chúng ta cần phải làm, thì dễ dàng hơn để làm những quyết định quan trọng về học vấn, nghề nghiệp và hôn nhân. Dễ dàng hơn để chiếu ánh sáng của mình trong gia đình mình, với bạn bè, và ở tất cả những nơi khác.

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Quả thật, quả thật, ta nói cho các ngươi hay, ta cho các ngươi làm ánh sáng của dân này. Một cái thành ở trên đồi không thể bị che khuất được.

“Này, có ai đốt nến mà lại để dưới cái đấu chăng? Không, nhưng người ta để trên chân đèn, và nó soi sáng mọi người ở trong nhà;

“Vậy nên, hãy để ánh sáng của các ngươi chiếu trước mặt dân này, để họ thấy được những việc làm tốt đẹp của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi trên trời.”19

Khi các em biết được mình là ai và nên làm gì với cuộc sống của mình, thì các em không muốn giấu ánh sáng của các em.

Ví dụ, các em không muốn “giấu ánh sáng của mình” bằng cách mặc đồ mà làm cản trở tiềm năng hoàng gia của mình. Các em sẽ không dùng lời lẽ hay những câu chuyện không thích đáng hoặc làm hư hại thân thể mình với những hình xâm hoặc những thủ tục khác mà làm giảm giá trị một người con gái hoàng gia. Các em sẽ không làm giảm giá trị quyền thừa kế của mình bằng cách mang vào cơ thể mình bất cứ chất gì có hại hoặc gây nghiện ngập. Cũng như các em sẽ không xem hoặc tham gia vào bất cứ hành vi nào vô luân và hạ thấp địa vị cao quý của các em. Các em tìm kiếm tất cả những điều gì đáng khen và có đạo đức, đáng yêu chuộng, và có tiếng tốt20 vì các em biết các em có một di sản cao quý .

Các em là con cái quý báu của lời hứa. Nếu các em chịu tuân giữ các luật lệ và các lệnh truyền của Chúa và nghe theo tiếng nói của Ngài thì Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ ban cho các em sự khen ngợi, danh tiếng, và sự tôn trọng trội hơn mọi dân.21 Phước lành tộc trưởng của các em phải soi dẫn các em để có những thay đổi trong cuộc sống của các em khi cần. Nó chứa đựng những lời hứa mà các em chỉ có thể nhận được qua sự trung tín của mình. Nếu không trung tín, các em không thể dự kiến rằng phước lành của mình sẽ được ứng nghiệm.

Đôi khi các thiếu nữ nghĩ rằng vì họ làm lỗi lầm nên họ không xứng đáng để nhận một phước lành tộc trưởng hoặc họ đã tự mình loại ra khỏi phước lành mà họ đã được ban cho. Hãy nhớ rằng, lời giảng dạy cơ bản của Chúa Giê Su Ky Tô là đức tin nơi Ngài và quyền năng của Ngài để chuộc tội lỗi của chúng ta. “Sa Tan muốn các em nghĩ rằng các em không thể hối cải nhưng điều đó hoàn toàn không đúng!”22 Khi dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, chúng ta cam kết thay đổi cuộc sống của mình tốt hơn. Chúng ta nên luôn luôn cố gắng trở thành một con người mới giống như Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Sứ Đồ Phao Lô gọi điều này là “[sống] trong đời mới.”23 Nếu các em có những lỗi lầm trầm trọng mà có thể loại các em ra khỏi quyền thừa kế cao quý của mình, thì hãy sẵn sàng chia sẻ nỗi buồn của mình với vị giám trợ của các em. Vị ấy là người bạn của các em trong tiến trình hối cải và đã được phong nhiệm để hành động với tư cách là một phán quan nơi đây trên thế gian thay thế cho Đấng Cứu Rỗi, là Vị Phán Quan Vĩnh Cửu. Sự hối cải giống như một cục gôm khổng lồ và nó có thể tẩy xóa vết mực cố định! Đó không phải là điều dễ nhưng điều đó có thể làm được.24 Chúa phán: “Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”25

Các em thiếu nữ thân mến, phước lành tộc trưởng của các em sẽ giúp các em biết rằng các em có một quyền thừa kế cao quý . Khi các em lớn hơn, các em sẽ thấy những lời tiên tri trong phước lành của các em được ứng nghiệm trong cuộc sống của các em. Chúa có những điều quan trọng và đầy phấn khởi cho các em làm. Đây là lúc để các em “đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của [các em] có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia.”26 “Vậy nên hãy để ánh sáng của các [em] chiếu trước mặt dân này, để họ thấy được những việc làm tốt đẹp của các [em] mà tôn vinh Cha các [em] trên trời.”27 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì (1966), 589.

  2. Xin xem: “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  3. Xin xem GLGƯ 138:56.

  4. Xin xem Áp Ra Ham 3:25; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Tuyển Chọn, Sự,” 662.

  5. Xin xem “Teaching Children about Patriarchal Blessings,” Ensign, tháng Mười năm 1987, 54. Chủ tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Các anh chị em có chuẩn bị cho con cái mình về [các phước lành tộc trưởng của chúng] không, hay các anh chị em để cho điều đó tự nhiên xảy đến? … Tôi thiết tưởng mỗi người mẹ nên bắt đầu nói về các phước lành tộc trưởng với con cái mình khi chúng được một vài tuổi, để chúng sẽ được chuẩn bị cho điều đó” (trong Conference Report, Đại Hội Giáo Vùng Manchester England, tháng Sáu năm 1976, 23).

  6. Xin xem Ezra Taft Benson, Sermons and Writings of President Ezra Taft Benson (2003), 149.

  7. Xin xem Ensign, tháng Mười năm 1987, 55.

  8. Xin xem Sáng Thế Ký 26:4; Áp Ra Ham 2:9.

  9. Joseph Fielding Smith, Doctrine of Salvation, do Bruce R. McConkie soạn, 3 tập (1954-56), 3:248-49.

  10. 3 Nê Phi 20:25.

  11. “Carry On,” Hymns, số 255.

  12. 1 Phi E Rơ 2:9.

  13. Xin xem Áp Ra Ham 1:2-3.

  14. Sermons and Writings of President Ezra Taft Benson, 149.

  15. Xin xem Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm (2004), 113.

  16. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1995, 81-82; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 63.

  17. “Vị Tộc Trưởng Giáo Khu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 44.

  18. Trong Conference Report, tháng Mười năm 1986; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 67.

  19. 3 Nê Phi 12:14–16.

  20. Xin xem Các Tín Điều 1:13.

  21. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 26:17–19.

  22. Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ (2001), 30.

  23. Rô Ma 6:4.

  24. Xin xem Trung Thành cùng Đức Tin, 132–35.

  25. GLGƯ 58:42.

  26. GLGƯ 115:5.

  27. 3 Nê Phi 12:16.