2006
Thế Hệ Đang Vươn Lên của Chúng Ta
Tháng Năm năm 2006


Thế Hệ Đang Vươn Lên của Chúng Ta

Thế hệ đang vươn lên của chúng ta xứng đáng với các nỗ lực tốt nhất của chúng ta để hỗ trợ và củng cố họ trong cuộc hành trình đến tuổi trưởng thành.

Xin chào các anh em nắm giữ chức tư tế. Tối nay trên khắp thế giới chúng ta quy tụ lại gần các đền thờ của Chúa hơn bao giờ hết trong lịch sử của nhân loại. Qua lòng nhân từ trìu mến của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta trong việc hướng dẫn các vị tiên tri của Ngài, giờ đây hiện có 122 ngôi đền thờ đang phục vụ cho dân giao ước của Chúa để nhận được các phước lành đền thờ của họ và thực hiện các giáo lễ thiết yếu cho các tổ tiên đã qua đời của họ. Và thêm nhiều đền thờ nữa đã được thông báo sẽ xây cất và đang xây cất! Chúng ta cám ơn Chủ Tịch Hinckley về sự lãnh đạo đầy soi dẫn của ông trong nỗ lực vĩ đại này.

Trong thời kỳ đầu tiên của Sách Mặc Môn, các tín hữu của Giáo Hội cũng đã quy tụ lại gần một đền thờ để nhận lãnh lời chỉ dẫn từ vị tiên tri và lãnh đạo của họ. Vào cuối đời mình, Vua Bên Gia Min đã kêu gọi những người cha quy tụ gia đình họ lại với nhau, để đưa ra cho họ lời chỉ bảo và khuyên răn. Chúng ta đọc từ Mô Si A 2:

“Và chuyện rằng, khi họ lên đến đền thờ, họ dựng lều chung quanh, mỗi người ở cùng với gia đình mình…

“… Mọi người đều hướng cửa lều của mình về phía đền thờ, để họ có thể ở trong lều của mình mà nghe được những lời vua Bên Gia Min ngỏ cùng họ” (Mô Si A 2:5–6).

Tôi thích nghĩa bóng của những câu thánh thư này. Thưa các anh em, nói theo cách ẩn dụ, cửa nhà của chúng ta có hướng về đền thờ mà chúng ta rất yêu mến không? Chúng ta có tham dự đền thờ càng thường xuyên càng tốt để cho con cái chúng ta có thể thấy qua tấm gương của mình tầm quan trọng của những chốn thiêng liêng và đặc biệt này không?

Như đã được ghi trong Mô Si A, gia đình tiếp nhận lời của Chúa qua vị tiên tri của họ với lòng nhiệt tình và sự cam kết. Dân chúng đã cảm động bởi những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min đến nỗi họ đã lập một giao ước mới để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Tuy nhiên, có một phần kết thúc buồn cho câu chuyện này. Về sau chúng ta biết được trong Mô Si A liên quan đến những người từng là trẻ nhỏ trong các lều vào lúc Vua Bên Gia Min đưa ra bài giảng:

“Giờ đây chuyện rằng, có nhiều người trong thế hệ đang vươn lên không hiểu được những lời của vua Bên Gia Min nói, vì khi vua nói với dân ông thì họ đang còn nhỏ bé; và họ không tin vào truyền thống của tổ phụ họ” (Mô Si A 26:1).

Thưa các anh em, điều gì đã xảy ra cho thế hệ đang vươn lên đó? Tại sao các trẻ nhỏ không chấp nhận những truyền thống ngay chính của tổ phụ họ? Quan trọng hơn nữa, chúng ta hiện sống nhiều thế kỷ sau đó, trong một thời kỳ mà có nhiều đền thờ và sự hướng dẫn liên tục của vị tiên tri, và thế hệ đang vươn lên của chúng ta thì sao? Chúng ta có lý do để lo lắng không? Chắc chắn là có!

Các em thanh thiếu niên có mặt ở đây tối nay và trên khắp thế giới, và các thiếu nữ đồng lứa với họ, đều rất đặc biệt. Chủ Tịch Hinckley đã nói về các em như sau:

“Nhiều lần tôi đã nói tôi tin rằng chúng ta có một thế hệ những người trẻ tuổi tốt nhất mà Giáo Hội này đã từng biết … Họ cố gắng làm điều đúng. Họ rất thông minh và có khả năng, trong sạch và tươi trẻ, hấp dẫn và lanh lợi … Họ biết phúc âm là gì và đang cố gắng sống theo phúc âm, tìm đến Chúa để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Ngài” (“Your Greatest Challenge, Mother,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 113; Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 97–98).

Tất cả chúng ta mà có dự phần với giới trẻ này đều biết lẽ thật của những lời của Chủ Tịch Hinckley.

Tuy nhiên, Anh Cả Henry B. Eyring thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ cho chúng ta một lời cảnh cáo đáng sợ khi nói về giới trẻ:

“Nhiều người trong số họ rất phi thường trong sự trưởng thành về phần thuộc linh của họ và trong đức tin của họ. Nhưng ngay cả những người tốt nhất trong số họ cũng bị thử thách nhiều. Và thử thách sẽ trở nên gay go hơn” (“We Must Raise Our Sights,” Ensign, tháng Chín năm 2004, trang 14).

Lời cảnh cáo này cho rằng “thử thách sẽ trở nên gay go hơn” làm tôi chú ý . Thế hệ đang vươn lên của chúng ta xứng đáng với các nỗ lực tốt nhất của chúng ta để hỗ trợ và củng cố họ trong cuộc hành trình đến tuổi trưởng thành.

Trong những thời kỳ nguy nan này, khi giới trẻ của chúng ta càng ngày càng phải đương đầu với nghịch cảnh thì chúng ta có thể học hỏi từ người khác. Trong quân đội, nhưng nhất là trong tất cả các binh chủng hải quân trên khắp thế giới, mọi người thủy thủ đều hiểu một thành ngữ, đó là sự kêu gọi giúp đỡ tức thì, bất luận họ đang làm gì hoặc họ đang ở đâu trên tàu. Thành ngữ ấy là “Mọi thủy thủ trình diện trên boong tàu.” Nhiều trận hải chiến thắng hoặc thua tùy vào sự đáp ứng tiếng kêu gọi này.

Chúng ta—là các tín hữu của Giáo Hội, những người lãnh đạo của giới trẻ, những người cha hay lo âu và những người ông đầy quan tâm—tất cả chúng ta đều cần đáp ứng tiếng kêu gọi “mọi người sẵn sàng làm bổn phận” cũng giống như nó thuộc vào giới trẻ và những người thanh niên trẻ tuổi của chúng ta. Chúng ta đều phải tìm kiếm các cơ hội để ban phước cho giới trẻ dù chúng ta hiện có hoặc không có kết giao thân thiết với họ. Chúng ta phải tiếp tục giảng dạy và củng cố những người cha và những người mẹ trong các vai trò thiêng liêng của họ với con cái của họ trong nhà. Chúng ta phải thường xuyên tự hỏi rằng cuộc thi đấu thể thao phụ thêm đó, sinh hoạt phụ thêm đó hoặc công việc lặt vặt bên ngoài nhà có quan trọng hơn việc gia đình có mặt với nhau ở nhà không.

Thưa các anh em, bây giờ là lúc mà mỗi hành động chúng ta làm, trong mỗi nơi chúng ta đi, với mỗi người Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi mà chúng ta gặp, chúng ta cần có được một sự nhận thức gia tăng về sự cần thiết để củng cố, nuôi dưỡng và làm một ảnh hưởng tốt lành trong cuộc sống của họ.

Trong gia đình của mình, chúng tôi đã có một kinh nghiệm như thế với các vị lãnh đạo chức tư tế tuyệt vời, đầy thận trọng. Khi tôi mới được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi cách đây một vài năm, chúng tôi được chỉ định để dọn đến Solihull, nước Anh để phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Chị Rasband và tôi mang hai đứa con nhỏ nhất của mình theo với chúng tôi trong công tác này. Con gái của chúng tôi là một thành niên độc thân trẻ tuổi và con trai của chúng tôi 17 tuổi thì thích trò chơi bóng bầu dục kiểu Hoa Kỳ và chơi rất giỏi. Chúng tôi rất lo lắng về chúng. Không có bạn bè, không có thân bằng quyến thuộc và không có trò chơi bóng bầu dục Hoa Kỳ! Tôi tự hỏi: “Kinh nghiệm mới mẻ đầy hào hứng này có phải là một thử thách nghiêm trọng đối với gia đình chúng tôi không?”

Câu trả lời đến trong một công việc chỉ định ban đầu mà tôi nhận được. Tôi được yêu cầu nói chuyện với những người truyền giáo tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo ở Preston, Anh quốc. Tôi gọi điện thoại cho Chủ Tịch White của trung tâm đó và rất vui mừng khi nghe nói rằng ông đã biết về hoàn cảnh gia đình của tôi. Ông đề nghị chúng tôi có sự tham dự của các con tôi trong cuộc thăm viếng Preston của chúng tôi. Vừa khi đến đó, ông còn mời đứa con gái và đứa con trai của chúng tôi nói chuyện với những người truyền giáo! Thật là một điều cảm động đối với chúng để được dự phần vào và chia sẻ chứng ngôn của chúng về công việc của Chúa!

Khi kết thúc và sau những lời từ giã dịu dàng với những người truyền giáo đó, chúng tôi đi thăm viếng Đền Thờ Preston England xinh đẹp nằm gần Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo. Khi chúng tôi đi đến gần cửa trước, thì thấy đứng nơi đó là Chủ Tịch và Chị Swanney, vị chủ tịch đền thờ và người vợ của ông. Họ chào chúng tôi và mời chúng tôi vào đền thờ: “Anh Cả Rasband, anh và gia đình anh có muốn thực hiện phép báp têm cho người chết không?” Thật là một ý kiến tuyệt diệu! Chúng tôi nhìn nhau và chấp nhận lời mời đó bằng thái độ biết ơn. Sau khi thực hiện các giáo lễ, và trong khi đứa con trai của tôi và tôi vẫn còn đứng trong hồ báp têm, mắt nhòa lệ vui mừng, thì nó đặt tay lên vai tôi và hỏi: “Cha ơi, tại sao chúng ta chưa bao giờ làm điều này trước đây?”

Tôi đã nghĩ đến tất cả các trò chơi bóng bầu dục và những cuốn phim mà chúng tôi đã cùng nhau đi xem, tất cả những giây phút vui thú mà chúng tôi đã chia sẻ—chắc chắn là những ký ức đẹp và các truyền thống đều rất quan trọng để xây dựng.

Tuy nhiên, tôi nhận biết rằng chúng tôi đã có một cơ hội để thêm vào những kinh nghiệm thuộc linh đầy ý nghĩa hơn với con cái của chúng tôi giống như điều mà chúng tôi đã trải qua ở Preston vào ngày hôm đó. Nhờ vào những vị lãnh đạo Chức Tư Tế đầy quan tâm và tinh mắt ấy, lúc đó tôi đã biết rằng gia đình của chúng tôi sẽ được yên ấm ở Âu Châu. Chúng tôi biết ơn biết bao đối với nhiều vị lãnh đạo chức tư tế và Hội Thiếu Nữ là những người đã luôn luôn trông nom và nhân từ đối với con cái của chúng tôi và con cái của các anh em.

Nhìn đến một thời kỳ khác trong Sách Mặc Môn, Nê Phi đã sống trong một tình huống mà một số người trong gia đình của ông gặp khó khăn với sự vâng lời, sự hòa thuận và sự trung tín. Hầu như chắc chắn là họ hiểu sự cần thiết để cam kết lưu tâm đến con cái thuộc thế hệ đang vươn lên. Trong cuối đời mình, ông đã nói:

“Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).

Tôi cầu nguyện rằng với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế, mỗi người chúng ta có thể làm tất cả những điều nằm trong khả năng của mình để giảng dạy cho giới trẻ của mình biết họ có thể tìm đến nguồn gốc nào cho sự xá miễn tội lỗi của họ, đó chính là Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin cho mỗi người chúng ta đáp ứng với các nỗ lực chân thành nhất của mình cho tiếng kêu gọi “mọi người sẵn sàng làm bổn phận” vì nó thuộc vào sự cứu rỗi thế hệ đang vươn lên của chúng ta—chắc chắn là rất đáng bỏ ra các nỗ lực tốt nhất của chúng ta.

Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội chân chính và tại thế của Chúa, do Ngài hướng dẫn qua Vị Tiên Tri yêu dấu của chúng ta, chính là Gordon B. Hinckley là người mà tôi yêu mến và tán trợ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.