2006
Công Cụ Hòa Bình của Chúa
Tháng Năm năm 2006


Công Cụ Hòa Bình của Chúa

Là những người mang lấy danh của Đấng Ky Tô, chúng ta có vô tình làm theo khuôn mẫu phỉ báng, nói xấu và bắt chước đầy cay đắng không?

Tôi có một người bạn là thành viên của nhóm hội thảo chính trị mà mỗi tuần đều được thấy trên đài truyền hình quốc gia. Khi giải thích về vai trò của mình, người ấy nói: “Chúng tôi được khuyến khích nói trước khi suy nghĩ!” Chúng ta dường như sống trong một kỷ nguyên có nhiều người nói mà không suy nghĩ, khuyến khích những phản ứng với xúc cảm thay vì những câu trả lời có suy nghĩ. Cho dù đó là trên sân khấu quốc gia hay quốc tế, trong mối quan hệ cá nhân hay trong chính trường hoặc nơi diễn đàn chung, thì tiếng nói trở nên ngày càng inh ỏi và việc gây tổn thương và bị tổn thương dường như là cố ý hơn là vô tình.

Chúa đã cảnh cáo rằng từ lúc ban đầu và trong suốt lịch sử, Sa Tan sẽ khích động lòng tức giận của dân chúng.1 Trong Sách Mặc Môn, La Man đề ra một kiểu mẫu than vãn để khích động lòng tức giận, gia tăng cơn thịnh nộ và xúi giục giết người.2 Nhiều lần trong Sách Mặc Môn, chúng ta thấy có những người lừa đảo và tà ác xúi giục cơn thịnh nộ và gây ra xung đột. Trong thời của Tổng Lãnh Binh Mô Rô Ni, người bội giáo A Ma Lịch Gia đã khích động “lòng dân La Man chống lại dân Nê Phi.”3 A Mu Lôn và các thầy tư tế tà ác của Nô Ê; Nê Hô; Cô Ri Ho; và người bội giáo Giô Ram (danh sách của những người làm ô danh này tiếp tục trong suốt Sách Mặc Môn), là những người khích động quần chúng và xúi giục sự nghi ngờ, ủng hộ sự tranh cãi và đào sâu sự oán thù.

Khi phán cùng Hê Nóc, Chúa đã nói rõ rằng cả thời điểm Ngài giáng sinh lẫn thời điểm trước khi Ngài tái lâm sẽ là “những ngày của sự tà ác và báo thù.”4 Và Chúa đã phán rằng trong những ngày sau cùng, cơn thịnh nộ sẽ trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.5 Cơn thịnh nộ được định nghĩa là cơn phẫn nộ ngay chính của Thượng Đế lẫn những trường hợp bạo động dữ dội và cơn tức giận cùng cực hoặc hung tợn của con người. Cơn thịnh nộ của Thượng Đế nổi lên từ mối quan tâm của một Đức Chúa Cha nhân từ mà con cái của Ngài thường “không có tình nghĩa, và thù hằn chính dòng máu của [mình]”6 trong khi cơn thịnh nộ sau xảy ra từ một dân tộc “không còn một chút quy củ hay lòng thương xót nào nữa, … quá đáng trong sự đồi bại của mình.”7 Tôi e rằng thế gian sẽ trải qua cả hai cơn thịnh nộ, và tôi nghi rằng cơn thịnh nộ của Thượng Đế thì được gây ra bởi những người khích động lòng con người trở nên tà ác, phỉ báng và bạo động vì căm thù.

Những điều mất mát đầu tiên vì cơn tức giận của con người là lẽ thật và sự hiểu biết. Gia Cơ đã khuyên dạy rằng chúng ta phải “mau nghe mà chậm nói, chậm giận; Vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”8 Như Hê Nóc đã nhận xét, ngai của Thượng Đế là một ngai bình an, công bình và lẽ thật.9 Cho dù đó là bạn bè giả dối hoặc giáo viên bất chính, họa sĩ hay nghệ sĩ biểu diễn, các nhà bình luận hoặc những người viết thư cho các tờ báo địa phương, những người tìm kiếm quyền hành hoặc của cải, thì cũng hãy đề phòng những người khuấy động cơn tức giận của chúng ta như vậy để ý nghĩ thanh thản và cảm nghĩ bác ái bị áp chế.

Tại dòng suối Mặc Môn, An Ma đã mời gọi những người muốn thiết lập mối quan hệ giao ước với Thượng Đế đứng làm nhân chứng của Thượng Đế và mang gánh nặng lẫn cho nhau.10 Là những người quả thật đã lập giao ước thiêng liêng, chúng ta phải luôn luôn trung thành với đường đi, lẽ thật và sự sống chính là Chúa Giê Su Ky Tô.

Là những người mang lấy danh của Đấng Ky Tô, chúng ta có vô tình làm theo khuôn mẫu phỉ báng, nói xấu và bắt chước đầy cay đắng không? Những khác biệt cá nhân hoặc đảng phái hay nghề nghiệp hoặc tôn giáo có làm cho những người có quan điểm khác biệt trở thành xấu không? Chúng ta có bỏ thời giờ ra để hiểu những lập trường dường như khác biệt của những người khác và, nơi nào có thể, tìm kiếm quan điểm chung của nhau không?

Tôi còn nhớ rằng khi còn là một sinh viên cao học tôi đã viết một bài phê bình về một nhà triết học chính trị quan trọng. Rõ ràng là tôi không đồng ý với ông. Vị giáo sư của tôi bảo tôi rằng bài của tôi hay nhưng chưa đủ hay. Bà nói rằng trước khi anh khởi đầu bài phê bình của mình, trước hết anh phải có phần trình bày vững mạnh về lập trường mà anh phản đối, một phần trình bày mà nhà triết học ấy có thể chấp nhận. Tôi viết lại bài. Tôi vẫn còn những điểm khác biệt quan trọng với nhà triết học ấy nhưng tôi đã hiểu ông rõ hơn và tôi thấy được những ưu điểm và đức tính cũng như những nhược điểm, về sự tin tưởng của ông. Tôi học được một bài học mà tôi đã áp dụng trong mọi khía cạnh của cuộc sống của mình.

Tướng Andrew Jackson, khi ông bước dọc theo hàng quân tại Trận Chiến New Orleans, đã nói cùng quân của ông rằng: “Các anh em, hãy hạ mũi súng mình xuống thấp hơn!” Tôi nghĩ rằng nhiều người chúng ta cần phải hạ “mũi súng” của mình xuống thấp hơn một chút. Mặt khác, chúng ta cần phải nâng cao sự tao nhã trong bài nghị luận riêng và trước công chúng. Chúng ta nên tránh châm biếm, xuyên tạc lập trường của những người khác, và phỉ báng những động cơ và cá tính của họ, nếu được. Như Chúa đã dạy, chúng ta cần phải ủng hộ những người nam và người nữ lương thiện, khôn ngoan và tốt lành bất cứ họ ở đâu và nhìn nhận rằng ở giữa “mọi môn phái, đảng phái và giáo phái” thì có những người không biết được lẽ thật phúc âm vì họ không biết tìm lẽ thật [phúc âm] này nơi đâu.”11 Chúng ta sẽ giấu kín ánh sáng đó bởi vì chúng ta đã bước vào tập tục phỉ báng, rập khuôn, gây tổn thương và bị tổn thương chăng?

Đôi khi quá dễ dàng để vô tình có một tinh thần nhạo báng và chỉ trích cay độc khi đối phó với những người có quan điểm trái ngược với mình. Chúng ta làm thoái chí hoặc hạ thấp giá trị của những người khác ngõ hầu làm cho những người khác hoặc ý kiến của họ bị khinh miệt. Đó là khí cụ chính yếu của những người đang ở trong tòa nhà to lớn và đồ sộ mà Tổ Phụ Lê Hi đã thấy trong khải tượng.12 Giu Đe, người em trai của Đấng Ky Tô, đã cảnh cáo rằng “trong các thời kỳ sau rốt, sẽ có mấy người hay nhạo báng làm theo lòng ham muốn không tin kính của mình. Ấy chính chúng nó là kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt, không có Đức Thánh Linh.”13

Tương tự với sự nhạo báng là tinh thần chỉ trích cay độc. Sự chỉ trích cay độc có khuynh hướng tìm bắt lỗi. Họ hoàn toàn và dứt khoát cho thấy một sự hoài nghi đầy khinh miệt nơi sự chân thành và ngay chính. Ê Sai đã nói rằng những người này “coi chừng sự bất chính” và “lấy lời nói định tội người ta, gài bẫy cho những người kiện cáo trước cửa, lấy sự hư không làm khuất người công bình.”14 Về khía cạnh này, Chúa đã khuyên dạy trong những ngày sau rằng chúng ta “thôi bắt lỗi nhau” và “trên hết mọi sự đó, phải khoác lên mình sợi dây ràng buộc của lòng bác ái, như một chiếc áo choàng ngoài, là dây liên lạc của sự toàn hảo và bình an.”15

Chủ Tịch George Albert Smith đã nhận xét: “Không có điều gì trên thế gian độc hại hoặc tai hại cho gia đình nhân loại hơn lòng căm thù, thành kiến và thái độ tàn nhẫn mà một số người có đối với đồng loại của họ.”16 Trong những vấn đề chính trị, ông đã cảnh cáo: “Bất cứ lúc nào khuynh hướng chính trị của các anh chị em khiến các anh chị em nói điều không tốt về các anh em của mình, thì hãy biết rằng các anh chị em đang trong tình thế nguy hiểm.”17 Khi nói về sứ mệnh lớn lao của vương quốc ngày sau, ông đã khuyên dạy: “Đây không phải là một giáo hội chiến đấu mà chúng ta thuộc vào. Đây là một giáo hội mang đến hòa bình cho thế gian. Bổn phận của chúng ta không phải là đi vào thế gian để tìm kiếm lỗi lầm nơi những người khác, cũng không phải chỉ trích những người khác bởi vì họ không hiểu. Mà đặc ân của chúng ta, trong lòng nhân từ và tình yêu thương, là đi giữa họ và chia sẻ với họ lẽ thật mà Chúa đã mặc khải trong ngày sau cùng này.”18

Chúa đã lập chúng ta làm một dân tộc cho một sứ mệnh đặc biệt. Như Ngài đã phán bảo cùng Hê Nóc trong thời xưa, thời kỳ mà chúng ta đang sống sẽ là một thời kỳ tối tăm, nhưng nó cũng sẽ là một thời kỳ mà sự ngay chính sẽ đến từ thiên thượng, và lẽ thật sẽ được đem ra từ lòng đất để một lần nữa làm chứng về Đấng Ky Tô và sứ mệnh chuộc tội của Ngài. Cũng như cơn lụt đang dâng cao, sứ điệp đó sẽ tràn ngập thế gian và những người được chọn của Chúa sẽ được quy tụ lại từ bốn phương trời.19 Bất cứ ở nơi nào chúng ta sống trên thế gian, chúng ta cũng đều đã được uốn nắn là một dân tộc để làm công cụ hòa bình của Chúa. Theo như lời của Phi E Rơ, chúng ta đã được Thượng Đế nhận là thuộc về Ngài để rao truyền chiến thắng của Ngài là “Đấng đã ganh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài: anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời.”20 Chúng ta không thể để cho mình rơi vào một thế gian có khuynh hướng gây tổn thương và bị tổn thương. Đúng hơn, như Chúa đã mặc khải cho Phao Lô lẫn Mặc Môn, chúng ta không được ganh tỵ lẫn cao ngạo. Chúng ta không dễ bị khiêu khích hoặc có hành vi khó coi. Chúng ta không vui trong sự bất chính mà chỉ vui trong lẽ thật. Chắc chắn đây là tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô mà chúng ta đang đại diện.21

Trong một thế gian dẫy đầy sự tức giận tột bực, vị tiên tri của thời kỳ chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, đã khuyên dạy: “Giờ đây có nhiều điều chúng ta có thể và phải làm trong những thời kỳ khó khăn này. Chúng ta có thể đưa ra ý kiến của mình về tính chất của tình thế theo cách mà chúng ta thấy nó, nhưng chúng ta đừng bao giờ để cho những lời nói hoặc công việc xấu xa liên quan đến các anh chị em của mình trong nhiều quốc gia khác nhau ở phe bên này hoặc phe bên kia. Những khác biệt chính trị không bao giờ biện minh cho lòng căm thù hay ác tâm. Tôi hy vọng rằng dân của Chúa có thể có hòa bình với nhau trong những thời kỳ rối ren, bất luận lòng trung thành mà họ có đối với những chính quyền hay đảng phái nào.”22

Là nhân chứng chân thật của Đấng Ky Tô trong những ngày sau, chúng ta chớ rơi vào sự tối tăm, ngõ hầu, theo những lời của Phi E Rơ, chúng ta “không thể thấy xa,” mà hãy trở nên hữu dụng trong chứng ngôn về Đấng Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài, trong ý nghĩ, lời nói, hành động.23 Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su Ky Tô là đường đi, lẽ thật và sự sống. Joseph Smith, vị tiên tri cao trọng của Sự Phục Hồi, là công cụ mà qua đó chúng ta đã được lập thành một dân tộc, ngày nay vẫn còn được hướng dẫn bởi một vị tiên tri của Thượng Đế, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Mỗi ngày chúng ta hãy tái lập trong lòng mình tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô và cùng với Đức Thầy của chúng ta để khắc phục bóng tối của thế gian.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Xin xem 2 Nê Phi 28:20; GLGƯ 10:24.

  2. Xin xem 1 Nê Phi 16:37–38.

  3. An Ma 48:1.

  4. Môi Se 7:46, 60.

  5. Xin xem GLGƯ 115:6.

  6. Môi Se 7:33.

  7. Mô Rô Ni 9:18–19.

  8. Gia Cơ 1:19–20.

  9. Xin xem Môi Se 7:31.

  10. Xin xem Mô Si A 18:8–10.

  11. GLGƯ 123:12; xin xem thêm 98:10.

  12. Xin xem 1 Nê Phi 8:26–33; 11:36.

  13. Giu Đe 1:18–19.

  14. Ê Sai 29:20–21.

  15. GLGƯ 88:124–25.

  16. Sayings of a Saint, do Alice K. Chase tuyển chọn (1952), 30.

  17. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1914, 12.

  18. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1935, 44.

  19. Xin xem Môi Se 7:62.

  20. 1 Phi E Rơ 2:9–10.

  21. 1 Cô Rinh Tô 13:4–6; Mô Rô Ni 7:45–47.

  22. “Chiến Tranh và Hòa Bình,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 80.

  23. 2 Phi E Rơ 1:8–9.