2006
Để Chúng Ta Có Thể Luôn Được Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta
Tháng Năm năm 2006


Để Chúng Ta Có Thể Luôn Được Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta

Chúng ta cũng nên cố gắng phân biệt khi nào chúng ta “tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa” … [và] nên để ý và học hỏi từ những sự lựa chọn và ảnh hưởng mà tách rời chúng ta khỏi Đức Thánh Linh.

Hôm nay, tôi nói chuyện nhằm nhắc nhở và khuyên nhủ những người trong chúng ta là các tín hữu thuộc Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây tôi cầu xin và mời gọi Đức Thánh Linh giúp tôi và các anh chị em khi chúng ta cùng nhau học hỏi.

Phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi là “giáo lễ khởi đầu của phúc âm” của Chúa Giê Su Ky Tô và phải được đến trước bằng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và sự hối cải chân thành và trọn vẹn. “Phép Báp Têm bằng nước … phải được tiếp theo bởi phép báp têm bằng Thánh Linh để được trọn vẹn” (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Phép Báp Têm,” 153). Như Đấng Cứu Rỗi đã dạy Ni Cô Đem: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sinh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5). Sứ điệp của tôi buổi trưa này chú trọng đến phép báp têm bằng Thánh Linh và các phuớc lành đến từ sự đồng hành của Đức Thánh Linh.

Giáo Lễ và Giao Ước Liên Quan đến Phép Báp Têm

Khi mỗi chúng ta chịu phép báp têm, chúng ta đã thiết lập một giao ước trọng thể với Cha Thiên Thượng. Giao ước là sự thỏa thuận giữa Thượng Đế và con cái của Ngài trên thế gian, và việc hiểu rằng Thượng Đế định đoạt những điều kiện của tất cả các giao ước phúc âm là điều rất quan trọng. Các anh chị em và tôi không quyết định những điều kiện của một giao ước. Đúng hơn, khi sử dụng quyền tự quyết về đạo đức của mình, chúng ta chấp nhận những điều kiện của một giao ước theo như Đức Cha Vĩnh Cửu đã đặt ra (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giao Ước,” trang 77).

Giáo lễ cứu rỗi của phép báp têm phải được thực hiện bởi một người có thẩm quyền thích đáng từ Thượng Đế. Những điều kiện cơ bản của giao ước mà chúng ta đã thiết lập trong phép báp têm là như sau: chúng ta làm chứng rằng chúng ta tình nguyện mang danh Chúa Giê Su Ky Tô và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho chúng ta. Phước lành đã được hứa để tôn trọng giao ước này là để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta (xin xem GLGƯ 20:77). Nói cách khác, phép báp têm bằng nước dẫn đến cơ hội ủy quyền có được sự đồng hành liên tục của thành viên thứ ba của Thiên Chủ Đoàn.

Lễ Xác Nhận và Phép Báp Têm bằng Thánh Linh

Tiếp theo phép báp têm của mình, mỗi người chúng ta được đặt tay lên đầu bởi những người có thẩm quyền chức tư tế và được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và chúng ta được ban cho Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 49:14). Lời nói “hãy nhận Đức Thánh Linh” trong lễ xác nhận của chúng ta là một chỉ thị để cố gắng nhận được phép báp têm bằng Thánh Linh.

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy: “Nếu một người không được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội hoặc tiếp nhận Đức Thánh Linh thì phép báp têm của người ấy không được hữu hiệu, hoặc chỉ hữu hiệu như việc báp têm cho một bao cát” (History of the Church, 5:499). Chúng ta chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi. Chúng ta cũng phải chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước và đắm mình trong Thánh Linh của Chúa, “và tiếp đó là sự xá miễn các tội lỗi của các ngươi bằng lửa và Đức Thánh Linh” (2 Nê Phi 31:17).

Khi đạt được kinh nghiệm với Đức Thánh Linh, chúng ta học biết rằng những cường độ của sự ảnh hưởng của Thánh Linh không phải luôn luôn giống nhau. Những ấn tượng thuộc linh mạnh mẽ, sâu sắc không thường xuyên đến với chúng ta. Cho dù chúng ta cố gắng trung tín và biết vâng lời, thì sẽ có những lúc mà sự hướng dẫn, sự đảm bảo và sự bình an của Thánh Linh cũng không dễ dàng nhận thấy được trong cuộc sống của chúng ta. Quả thật, Sách Mặc Môn mô tả những người dân La Man trung tín là những người “được báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh mà họ không hay biết điều đó” (3 Nê Phi 9:20).

Ảnh hưởng của Đức Thánh Linh được diễn tả trong thánh thư như “một tiếng nói nhỏ nhẹ” (1 Các Vua 19:12; xin xem thêm 3 Nê Phi 11:3) và một “tiếng nói hết sức dịu dàng” (Hê La Man 5:30). Do đó, Thánh Linh của Chúa thường giao tiếp với chúng ta trong những cách thức thầm lặng, tinh vi và tế nhị.

Tự Lánh Xa khỏi Thánh Linh của Chúa

Trong cuộc nghiên cứu cá nhân và lời chỉ dẫn trong lớp học của mình, chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra sự soi dẫn và những thúc giục mà chúng tôi nhận được từ Thánh Linh của Chúa. Và một phương pháp như vậy thì chính xác và hữu ích. Chúng ta nên siêng năng tìm cách nhận biết và đáp ứng theo những thúc giục khi những thúc giục này đến với chúng ta. Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng của phép báp têm bằng Thánh Linh có thể thường bị bỏ qua trong sự phát triển phần thuộc linh của chúng ta.

Chúng ta cũng nên cố gắng phân biệt khi nào chúng ta “tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa, khiến Ngài không còn chỗ đứng trong [chúng ta] để hướng dẫn [chúng ta] vào những nẻo đường của sự khôn ngoan, ngõ hầu [chúng ta] được phước, được thịnh vượng và được bảo tồn” (Mô Si A 2:36). Chính vì phước lành đã được hứa là để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, chúng ta nên để ý và học hỏi từ những sự lựa chọn và ảnh hưởng mà tách rời chúng ta khỏi Đức Thánh Linh.

Tiêu chuẩn thì rõ ràng. Nếu một điều gì mà chúng ta suy nghĩ, nhìn thấy, lắng nghe hoặc dẫn mình xa lánh khỏi Đức Thánh Linh thì chúng ta chỉ cần ngừng suy nghĩ, nhìn thấy, lắng nghe hoặc làm điều đó. Ví dụ, nếu có một điều nào nhằm để giải trí, lại làm chúng ta xa lánh khỏi Đức Thánh Linh, thì chắc chắn chúng ta không nên dự phần vào loại giải trí đó. Vì Thánh Linh không thể ngự với điều gì thô tục, thô bỉ hoặc khiếm nhã, thì dĩ nhiên chúng ta không nên làm những điều đó. Bởi vì chúng ta xa lánh Thánh Linh của Chúa khi chúng ta tham gia vào những sinh hoạt mà chúng ta biết rằng chúng ta nên xa lánh, cho nên chúng ta dứt khoát không nên làm những điều đó.

Tôi ý thức được rằng chúng ta là những người nam và người nữ sa ngã đang sống trong một thế giới hữu diệt và chúng ta không thể có sự hiện diện của Đức Thánh Linh với chúng ta mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh có thể lưu lại với chúng ta nhiều, nếu không phải là hầu như luôn luôn—và chắc chắn là Thánh Linh có thể ngự với chúng ta nhiều hơn là khi Thánh Linh vắng mặt bên chúng ta. Khi trở nên gắn bó mãi mãi với Thánh Linh của Chúa thì chúng ta nên cố gắng nhận ra những ấn tượng khi Thánh Linh đến và những ảnh hưởng hoặc sự kiện mà khiến cho chúng ta tự xa lánh khỏi Đức Thánh Linh.

Việc nhận “Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn của mình” (GLGƯ 45:57) thì có thể thực hiện được và là thiết yếu cho sự tăng trưởng phần thuộc linh và sự sống sót trong một thế giới ngày càng tà ác. Đôi khi với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta nói và hành động thể như việc nhận biết được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của mình là sự kiện hiếm có và khác thường. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng lời hứa của giao ước là để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Phước lành thượng thiên áp dụng cho mỗi một tín hữu của Giáo Hội đã chịu phép báp têm, được làm lễ xác nhận và được chỉ dẫn để “nhận được Đức Thánh Linh.”

Vật Chỉ Hướng Liahona là một Khuôn Mẫu và một Biểu Tượng cho Thời Kỳ của Chúng Ta

Trong thời kỳ của chúng ta Sách Mặc Môn là nguồn giúp đỡ chính yếu mà chúng ta cần phải tìm đến trong việc học hỏi cách thức mời gọi sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh. Sự mô tả trong Sách Mặc Môn về Liahona, vật chỉ hướng hoặc chiếc la bàn do Lê Hi và gia đình ông sử dụng trong cuộc hành trình của họ trong vùng hoang dã, đặc biệt đã được gồm vào trong biên sử với tính cách là một khuôn mẫu và một biểu tượng cho thời kỳ của chúng ta và cũng là một bài học thiết yếu về điều mà chúng ta nên làm để vui hưởng các phước lành của Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta cố gắng sắp xếp các thái độ và hành động của mình được ngay chính hơn, thì Đức Thánh Linh trở thành Đấng hỗ trợ cho chúng ta ngày nay cũng như Liahona đã hỗ trợ cho Lê Hi và gia đình ông trong thời kỳ của họ. Chính các yếu tố mà làm cho Liahona hoạt động cho Lê Hi cũng sẽ mời gọi Đức Thánh Linh đến với cuộc sống của chúng ta. Và chính các yếu tố mà khiến cho Liahona không hoạt động vào thời xưa cũng sẽ khiến cho chúng ta tự lánh xa khỏi Đức Thánh Linh ngày nay.

Vật Chỉ Hướng Liahona: Các Mục Đích và Các Nguyên Tắc

Khi chúng ta học hỏi và suy ngẫm về các mục đích của vật chỉ hướng Liahona và các nguyên tắc mà qua đó nó hoạt động được, thì tôi làm chứng rằng chúng ta sẽ nhận được sự soi dẫn thích hợp với các hoàn cảnh và nhu cầu của cá nhân và gia đình mình. Chúng ta có thể và sẽ được ban phước với sự hướng dẫn liên tục từ Đức Thánh Linh.

Vật chỉ hướng Liahona được Chúa chuẩn bị và ban cho Lê Hi và gia đình ông sau khi họ rời Giê Ru Sa Lem và hành trình vào vùng hoang dã (xin xem An Ma 37:38 và GLGƯ 17:1). Chiếc la bàn hay vật chỉ hướng này chỉ đường cho Lê Hi và đoàn người của ông phải đi (xin xem 1 Nê Phi 16:10), ngay cả một “lộ trình thẳng dẫn đến vùng đất hứa” (An Ma 37:44). Những cây kim chỉ hướng trên Liahona hoạt động “theo đức tin, sự chuyên tâm và sự chú ý ” (1 Nê Phi 16:28) của những người làm cuộc hành trình và không hoạt động khi những người trong gia đình đó cãi vã, thô lỗ, lười biếng hoặc cẩu thả (xin xem 1 Nê Phi 18:12, 21; và An Ma 37:41, 43).

Chiếc la bàn cũng cung ứng một phương tiện mà qua đó Lê Hi và gia đình ông có thể “hiểu được những đường lối của Chúa” (1 Nê Phi 16:29). Do đó, các mục đích chính yếu của Liahona là nhằm cung ứng sự hướng dẫn lẫn sự chỉ dẫn trong một cuộc hành trình dài và gay go. Vật chỉ hướng này là một dụng cụ để chỉ bên ngoài phần thuộc linh bên trong của họ trước mặt Thượng Đế. Nó hoạt động tùy theo các nguyên tắc của đức tin và sự tận tụy.

Cũng giống như Lê Hi đã được phước trong thời xưa, mỗi người chúng ta trong thời kỳ này đã được ban cho một chiếc la bàn thuộc linh mà có thể hướng dẫn và chỉ dẫn chúng ta trong cuộc hành trình hữu diệt của mình. Đức Thánh Linh được ban cho các anh chị em và tôi khi chúng ta ra khỏi thế gian và bước vào Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi qua phép báp têm và lễ xác nhận. Bởi thẩm quyền của thánh chức tư tế, chúng ta đã được làm lễ xác nhận là tín hữu của Giáo Hội và được khuyên bảo phải tìm kiếm sự đồng hành liên tục của “thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 14:17).

Khi mỗi người chúng ta tiến bước trong cuộc sống, chúng ta nhận được sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh cũng giống như Lê Hi đã được hướng dẫn qua vật chỉ hướng Liahona. “Vì này, một lần nữa, tôi nói cho các người hay rằng, nếu các người đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh, thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm” (2 Nê Phi 32:5).

Đức Thánh Linh hoạt động trong cuộc sống của chúng ta một cách chính xác giống như vật chỉ hướng Liahona đã hoạt động cho Lê Hi và gia đình ông, tùy theo đức tin, sự chuyên cần và sự chú ý của chúng ta.

“Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế… .

“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi, và vương trượng của ngươi là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật” (GLGƯ 121:45-46).

Và ngày nay, Đức Thánh Linh cung ứng cho chúng ta những phương tiện mà qua đó chúng ta có thể nhận được, “bằng những điều nhỏ nhặt và tầm thường” (An Ma 37:6), sự hiểu biết lớn hơn về những đường lối của Chúa: “Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).

Thánh Linh của Chúa có thể là Đấng hướng dẫn của chúng ta và sẽ ban phước cho chúng ta với sự hướng dẫn, sự chỉ dẫn và sự bảo vệ thuộc linh trong cuộc sống hữu diệt của chúng ta. Chúng ta mời gọi Đức Thánh Linh vào cuộc sống của mình qua lời cầu nguyện đầy ý nghĩa của riêng cá nhân và chung gia đình, nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô, siêng năng vâng lời một cách trọn vẹn, trung tín và tôn trọng các giao ước, và qua đức hạnh, lòng khiêm nhường và sự phục vụ. Và chúng ta nên kiên trì tránh những điều khiếm nhã, thô lỗ, đầy tội lỗi hoặc xấu xa mà khiến cho chúng ta tự lánh xa khỏi Đức Thánh Linh.

Chúng ta cũng mời gọi sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng vào mỗi ngày Sa Bát: “Và để các ngươi có thể giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian một cách trọn vẹn hơn, các ngươi phải đến nhà nguyện và dâng Tiệc Thánh vào ngày thánh của ta” (GLGƯ 59:9).

Qua giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta tái lập giao ước báp têm của mình và có thể nhận được và luôn luôn gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của mình (xin xem Mô Si A 4:12, 26). Ngoài ra, chúng ta được nhắc nhở hằng tuần về lời hứa để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta. Rồi khi chúng ta cố gắng giữ cho mình được trong sạch và khỏi tì vết của thế gian, thì chúng ta trở thành những người xứng đáng luôn luôn có được Thánh Linh ngự cùng.

Vào tháng Hai năm 1847 Tiên Tri Joseph Smith hiện đến cùng Brigham Young trong một giấc mơ hay khải tượng. Chủ Tịch Young đã hỏi Vị Tiên Tri có một sứ điệp nào cho Các Vị Thẩm Quyền không. Tiên Tri Joseph đáp: “Hãy nói cho các tín hữu biết phải khiêm nhường và trung tín, và phải chắc chắn giữ gìn Thánh Linh của Chúa và Thánh Linh đó sẽ hướng dẫn họ đúng. Hãy cẩn thận và chớ xây khỏi tiếng nói êm nhỏ; tiếng nói ấy sẽ dạy cho họ biết điều phải làm và nơi nào phải đi; nó sẽ kết trái cho vương quốc” (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 41; sự nhấn mạnh được thêm vào). Trong tất cả các lẽ thật mà Tiên Tri Joseph đã có thể giảng dạy cho Brigham Young trong dịp thiêng liêng đó, ông đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đạt được và giữ gìn Thánh Linh của Chúa.

Thưa các anh chị em, tôi làm chứng về sự thực tế hằng sống của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và của Đức Thánh Linh. Cầu xin cho mỗi người chúng ta sống sao để có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta và như vậy hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành hướng dẫn, chỉ dẫn và bảo vệ cần thiết trong những ngày sau này. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.