2006
Ta Là Sự Sáng Mà Các Ngươi Sẽ Đưa Cao
Tháng Năm năm 2006


“Ta Là Sự Sáng Mà Các Ngươi Sẽ Đưa Cao”

Mỗi việc làm nhỏ nhặt [giống như Đấng Ky tô] của chúng ta có thể chỉ mang đến một ánh sáng rất nhỏ nhưng khi được gộp chung lại với nhau thì chúng bắt đầu tạo ra một sự khác biệt đầy ý nghĩa.

Tôi nhớ đến một miếng vải thêu mẫu giản dị mà tôi đã thêu khi còn là một bé gái nhỏ trong Hội Thiếu Nhi. Miếng vải ghi rằng: “Tôi sẽ mang ánh sáng phúc âm vào nhà mình.” Tôi tự hỏi: “Ánh sáng đó là gì?” Chính Chúa Giê Su đã giải thích điều này một cách rõràng nhất trong khi Ngài giảng dạy cho dân Nê Phi. Ngài phán: “Vậy nên, các ngươi hãy đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian.” Rồi Ngài giải thích: “Ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao—như các ngươi đã thấy ta làm.” (3 Nê Phi 18:24, sự nhấn mạnh được thêm vào).

Dân Nê Phi đã thấy Ngài làm điều gì, và tôi có thể nào làm những điều đó trong nhà mình không? Khi dân chúng mong muốn Ngài ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa thì lòng Ngài đầy thương xót đối với họ và ở nán lại với họ. Rồi Ngài chữa bệnh cho họ, cầu nguyện với họ, dạy dỗ họ, khóc với họ, ban phước cho từng đứa con nhỏ của họ, cho họ ăn, và thực hiện cùng chia sẻ Tiệc Thánh để họ có thể giao ước mà luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài. Giáo vụ của Ngài ở giữa họ là giảng dạy và chăm sóc cho mỗi người, và hoàn tất công việc của Đức Chúa Cha đã truyền lệnh cho Ngài để làm. Ngài không màng đến bản thân Ngài. Khi tôi biết được điều này, tôi bắt đầu một nỗ lực suốt đời để mang ánh sáng của Ngài vào nhà mình qua những hành động vị tha giống như Đấng Ky Tô.

Đây không phải là một công việc dễ dàng. Cuộc sống tốt lành ở nhà thường không được khen ngợi. Có thể dễ dàng để “đứng dậy và chiếu sáng, để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho các quốc gia” (GLGƯ 115:5, sự nhấn mạnh được thêm vào) hơn là để ánh sáng của các ngươi có thể là một cờ lệnh cho gia đình mình. Đôi khi những người khác không thấy chúng ta làm điều tốt, chia sẻ ánh sáng của mình trong nhà của mình. Đó là bản tính tự nhiên của con người để mong muốn và tìm kiếm lời tán thưởng và sự chú ý . Hê La Man đã dạy các con trai của mình Nê Phi và Lê Hi làm những việc tốt lành của tổ tiên của họ là những người mà họ đã được đặt tên theo: “đó là các con chớ làm những việc này để khoe khoang, mà các con làm những việc này là để tích lũy cho mình một kho tàng trên trời” (Hê La Man 5:8). Không nên thực hiện những việc làm tốt vì mục đích để nhận được sự tán thưởng.

Charles Dickens có một nhân vật trong quyển sách Bleak House của ông, tên là Bà Jellyby, mà nhược điểm của bà được ông gán cho là “lòng tự thiện đối với những người ở chốn xa xôi.” Bà nhiệt thành giúp đỡ một bộ lạc đang đau khổ ở một vùng xa xôi đến nỗi bà đuổi đi đứa con bị ngược đãi và dơ bẩn của mình đang tìm đến bà để cần được an ủi. Bà Jellyby muốn chắc chắn rằng những việc làm tốt lành của mình phải được phô trương và mọi người nhìn thấy. (Xin xem Charles Dickens, Bleak House, [1985], 82–87.) Có lẽ một số người trong chúng ta thích trợ giúp các nạn nhân bão lụt hơn là những người cần được giúp đỡ trong nhà mình. Vậy thì, cả hai điều ấy đều quan trọng nhưng sự giúp đỡ trong nhà là trách nhiệm chính yếu và vĩnh cửu của chúng ta. “Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới, Liahona, tháng Mười năm 2004, 49).

Tôi nghĩ đến một nhân vật khác trong tác phẩm văn học mà khá trái ngược với nhân vật của Dickens. Dorothea là một nhân vật nữ chính trong một quyển tiểu thuyết ưa thích của tôi, Middlemarch. Bà được nhớ đến vào cuối sách về những việc làm âm thầm, vị tha đối với gia đình và bạn bè. Sách viết rằng: “Con người thật của bà … biểu lộ nơi mà thế gian không ai biết. Nhưng ảnh hưởng mà bà có đối với những người chung quanh thì lan rộng một cách không thể lường được: vì thế gian trở nên tốt một phần là nhờ vào các hành động nhỏ nhặt; và lý do mà những sự việc đó không tồi tệ đối với bạn và tôi như chúng đã từng là tồi tệ, một phần là nhờ vào những người đã trung tín sống một cuộc sống ẩn dật và an nghỉ trong những ngôi mộ không ai ghé đến” (George Eliot, Middlemarch [1986], 682).

Trong những năm tháng chuẩn bị này, các em là các thiếu nữ dành nhiều thời giờ của mình trong trường học hoặc công việc làm nơi mà các em nhận được những lời tán thưởng, vinh dự, phần thưởng, huy chương hoặc chiến tích. Khi các em rời giai đoạn đó để đến vai trò làm người mẹ trẻ tuổi, thì có một sự giảm sút hẳn những lời tán thưởng hoặc phần thưởng từ những người khác. Tuy nhiên, không có cơ hội nào thêm nữa trong khả năng khác của mình để phục vụ một cách vị tha như Đấng Ky Tô đã làm bằng cách chăm sóc cho hằng trăm nhu cầu hằng ngày về mặt vật chất, tình cảm và thuộc linh. Các em sẽ mang ánh sáng phúc âm vào nhà của mình—không phải để cho những người khác trông thấy mà là để xây dựng những người khác—những người nam và những người nữ có sức mạnh và ánh sáng.

Mái nhà cũng là nơi chốn riêng tư, vì thế đáng tiếc thay chúng ta thường ngừng cố gắng làm điều tốt. Trong nhà và trong gia đình của mình, đôi khi chúng ta trở nên tệ hại nhất đối với những người quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Tôi còn nhớ rõ một buổi sáng nọ khi tôi lên 14 tuổi. Trước khi tôi rời nhà đi học, tôi đã giận dữ và không cư xử tử tế với cha mẹ và các anh em của tôi. Sau khi rời nhà, tôi rất lễ phép với người tài xế xe buý t và thân mật với bạn bè của mình. Tôi cảm thấy sự khác biệt trong các hành động của mình và một cảm nghĩ hối hận chan hòa lòng tôi. Tôi xin phép người thầy giáo cho tôi được vắng mặt trong một vài phút để gọi điện thoại về nhà. Tôi xin lỗi mẹ tôi về hành vi của mình và nói với bà rằng tôi yêu và biết ơn bà biết bao và hứa sẽ cư xử tốt hơn để cho thấy tình yêu thương và lòng biết ơn của mình.

Rất khó cho đa số chúng ta để sống một ngày trong nhà mình mà không cãi nhau. Dân tộc Nê Phi đã có được một xã hội toàn hảo trong 200 năm “trong xứ không có chuyện tranh chấp nào xảy ra… . Và cũng không có những sự ganh tị, xung đột, xáo trộn, tà dâm, dối trá hay sát nhân, dâm dật nào xảy ra; và quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:15–16).

Một số chúng ta sinh ra trong một gia đình với nhiều vấn đề rất khó khăn. Và ngay cả những gia đình tốt cũng có nhiều thử thách. Chúng ta phải cố gắng cư xử trong nhà của mình như Đấng Ky Tô đã làm với dân Nê Phi. Như bản tuyên ngôn về gia đình đã dạy: “Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.” (Liahona, tháng Mười năm 2004, 49). Chúng ta phải là ánh sáng để giúp gia đình mình khắc phục tội lỗi, cơn tức giận, sự đố kỵ và cãi nhau. Chúng ta có thể cùng cầu nguyện chung, cùng khóc với nhau, chữa lành vết thương tình cảm hay tinh thần cho nhau, và yêu thương và phục vụ nhau một cách vô vị kỷ .

Các em là các em thiếu nữ giờ đây đang chuẩn bị để củng cố mái nhà và gia đình tương lai của mình bằng cách mang ánh sáng phúc âm vào mái nhà và gia đình hiện tại của mình. Những điều nhỏ nhặt, dường như vô nghĩa mà các em làm có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Tôi có đọc về một số con đom đóm được tìm thấy trong các hang động ở Tân Tây Lan. Mỗi một con đom đóm tự nó chỉ phát ra một ánh sáng rất nhỏ không đáng kể. Nhưng khi hằng triệu con đom đóm thắp sáng từng cái hang động một thì chúng phát ra đủ ánh sáng cho một người có thể thật sự đọc được. Tương tự như thế mỗi việc làm nhỏ nhặt của chúng ta có thể chỉ cung ứng một ánh sáng rất nhỏ nhưng khi được gộp chung lại với nhau chúng bắt đầu tạo ra một sự khác biệt đầy ý nghĩa. Tối nay, ca đoàn sẽ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc chia sẻ các ánh sáng nhỏ bé của mình khi họ hát bài “Hãy Chiếu Sáng”:

Ánh sáng của tôi chỉ là một tia sáng nhỏ.

Ánh sáng đức tin và cầu nguyện của tôi;

Nhưng kìa! nó rực rỡ như mặt trời sáng chói của Thượng Đế,

Vì nó được Thượng Đế thắp sáng.

Tôi không được che giấu tia sáng nhỏ của mình;

Chúa đã phán bảo với tôi như vậy.

’Nó được ban cho tôi để giữ cho nó được sáng,

Để tất cả mọi người có thể thấy nó tỏa rực.

Hãy chiếu sáng, chiếu sáng, chiếu sáng rực rỡ và tỏa lan;

Hãy chiếu sáng, chiếu sáng giờ đây ngày đã đến.

(Children’s Songbook, 144)

Chúng ta có thể chiếu sáng bằng cách trông nom em bé trai, ăn trưa với một người chị hay em gái trong quán ăn ở trường, làm công việc nhà, chống lại sự thôi thúc để cãi nhau, hân hoan trong sự thành công của nhau, chia sẻ một món ăn vặt, chăm sóc khi một người nào đó bị bệnh, ban đêm đặt lên trên cái gối một lá thư ngắn để cám ơn cha mẹ, tha thứ cho người xúc phạm đến mình, chia sẻ chứng ngôn của mình.

Ở Lỗ Ma Ni, tôi đã gặp Raluca, một thiếu nữ 17 tuổi mới vừa gia nhập Giáo Hội. Lễ báp têm của em là một cơ hội vui mừng vì, trong số các điều khác, toàn thể gia đình của em đã tham dự. Người mẹ và chị của em ấy đã cảm nhận được Thánh Linh nơi đó và cũng muốn có những cuộc thảo luận của người truyền giáo. Điều này làm cho cha của em lo lắng vì ông cảm thấy đã mất tất cả gia đình của mình vì giáo hội xa lạ này. Vậy nên ông đã không để cho sự việc ấy xảy ra, và trong một thời gian đã có một mối bất hòa trong gia đình họ. Tuy nhiên, Raluca nhớ rằng em đã lập giao ước báp têm để mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Em đã cố gắng giơ cao ánh sáng của Ngài bằng cách làm trong nhà mình những việc mà Ngài làm. Em là một người hòa giải. Em là một tấm gương. Em là một giảng viên. Em là một người chữa lành. Cuối cùng tấm lòng của cha em đã được xoa dịu, và ông đã để cho những người khác học hỏi thêm về Giáo Hội. Rồi họ cũng chịu phép báp têm. Và cuối cùng, trước niềm vui lớn lao của mọi người, người cha của gia đình cũng gia nhập Giáo Hội. Tại lễ Báp Têm của mình, người cha đã nói chuyện và nói rằng có một thời gian mà gia đình họ giống như hai trái tim đập khác nhịp trong cùng một gia đình. Nhưng giờ đây họ đã có cùng một đức tin và một phép báp têm, đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau. Ông ngỏ lời cám ơn những người truyền giáo và các tín hữu đã giúp đỡ họ. Rồi ông đưa ra lời khen đặc biệt cho con gái của mình Raluca đã sống giống như Đấng Ky Tô trong nhà của họ trong thời kỳ khó khăn đó, đã làm người hòa giải, người chữa lành, người giảng viên, tấm gương và ánh sáng mà cuối cùng đã mang toàn thể gia đình đến với Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mỗi em đều có ánh sáng. Khi tôi nhìn vào gương mặt của các em nơi đây tối nay và khi tôi nhớ đến gương mặt của các em mà tôi đã thấy khi tôi hành trình khắp thế giới, thì tôi thấy ánh sáng rạng rỡ trong vẻ mặt của các em, “chẳng khác chi mặt các thiên sứ” (Hê La Man 5:36). Giống như các con trai của Hê La Man trong một thế giới che phủ bởi bóng tối tội lỗi, các gương mặt của Nê Phi và Lê Hi, hai con trai của Hê La Man, “thật rạng rỡ vô cùng” (Hê La Man 5:36). Những người đứng chung quanh họ muốn có cùng ánh sáng đó và đã hỏi: “Chúng ta phải làm sao đây để cho đám mây đen tối kia có thể được dời đi không còn bao phủ chúng tôi nữa?” (Hê La Man 5:40). Họ được giảng dạy phải hối cải và có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Khi họ làm vậy thì đám mây đen tối bị xua tan; và họ được vây quanh bởi ánh sáng, một cột lửa, và dẫy đầy niềm vui không tả xiết từ Đức Thánh Linh (Xin xem Hê La Man 5:43–45).

Khi các em chia sẻ ánh sáng của mình, thì những người khác cũng sẽ tìm thấy ánh sáng rực rỡ hơn. Có ai khác cần ánh sáng của các em nhiều bằng gia đình các em không? Tôi nhìn thấy các em là các em thiếu nữ phi thường với vẻ mặt rạng rỡ là sức mạnh của hiện tại và hy vọng của tương lai trong nhà của các em và trong Giáo Hội. .

Chúa Giê Su Ky Tô là ánh sáng mà chúng ta phải giơ cao. “Ngài là sự sáng, sự sống và hy vọng của thế gian. Con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Vị Sứ Đồ,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 2–3). Cầu xin cho mỗi người chúng ta chiếu sáng với sự sáng của Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.