2006
Sự Hối Cải, Phước Lành của Vai Trò Tín Hữu
Tháng Năm năm 2006


Sự Hối Cải, Phước Lành của Vai Trò Tín Hữu

Sự hối cải … không phải là một nguyên tắc nghiêm khắc…. Nguyên tắc đó nhân từ và khoan dung.

Các anh em thân mến, tôi vừa hạ mình lẫn lấy làm vinh dự để ở trong vị thế này. Vì những lý do hiển nhiên đối với các anh em, tôi không bao giờ nghĩ rằng một sự kêu gọi như vậy sẽ đến với tôi. Cách đây một năm, khi tôi được tán trợ, Chủ Tịch Hinckley đã nói rõ với toàn thể Giáo Hội rằng ông đã không khởi xướng tiến trình đưa đến sự kêu gọi của tôi. Về sau tôi nói với ông rằng có lẽ tôi là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương độc nhất trong lịch sử của Giáo Hội đã được tán trợ bởi các tín hữu mặc dù có lời phủ nhận của vị tiên tri!

Tuy nhiên, tôi biết ơn về sự biểu quyết tán trợ của các anh em và hết lòng cam kết cho chính nghĩa trọng đại này. Tôi biết ơn không tả xiết cho gia đình của tôi, vợ con tôi và cha mẹ tốt của tôi. Mẹ tôi qua đời cách đây đúng hai năm, chỉ hai ngày sau đại hội tháng Tư. Vóc dáng bà nhỏ, tuy nhiên tôi được bà giúp đỡ rất nhiều. Ảnh hưởng của bà sẽ luôn luôn ở với tôi. Tôi không thể kính trọng bà một cách thích đáng bằng điều tôi nói mà chỉ bằng cách tôi sống.

Tôi không biết nói điều gì về cha tôi mà sẽ không làm ông ngượng nghịu, ngoại trừ điều tôi yêu thương ông và tôi tán trợ ông. Có thể mang tiếng là nói chuyện riêng, nhưng tôi xin nói rằng khi tôi thấy ông trở nên lớn tuổi hơn, tâm trí tôi trở về với những ngày mà chúng tôi còn nhỏ khi ông thường nằm trên sàn nhà và vật lộn cùng chơi đùa với chúng tôi và bế chúng tôi vào lòng ông và ôm chúng tôi cùng cù lét chúng tôi, hoặc kéo chúng tôi lên giường với Mẹ và Cha khi chúng tôi bị bệnh hoặc sợ hãi trong đêm. Ký ức của tôi về ông sẽ luôn luôn là tiếng cười và tình yêu thương; về tính kiên định, về chứng ngôn, về sự làm việc siêng năng, về đức tin và lòng chung thủy. Ông là người tử tế và khôn ngoan, và tôi được phước vô cùng để không những tán trợ ông làm vị tiên tri của tôi trong thời kỳ này trên trần thế mà tôi còn có quyền có được ông làm người cha bây giờ và trong suốt thời vĩnh cửu.

Cách đây vài tuần tôi cảm thấy hào hứng khi Anh Cả Douglas Callister thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi được yêu cầu cho biết lịch sử ngắn gọn của ông ngoại của ông, LeGrand Richards trong buổi họp nhóm túc số. Trong số những điều thú vị mà ông thuật lại thì có điều này: Khi Anh Cả Richards còn là một vị giám trợ trẻ tuổi, ông đã đi thăm những người kém tích cực. Ông đã mạnh dạn mời họ nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh về đề tài: “Vai trò tín hữu của tôi trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với tôi.” Ngạc nhiên thay, một vài người trong số họ đã đáp ứng một cách rõ ràng và kinh nghiệm đó đã đặt họ ở trên con đường trở về với sự tích cực trọn vẹn trong Giáo Hội.

Tôi muốn nói về đề tài đó buổi tối hôm nay. Tôi xin mời mỗi anh em, lớn tuổi hoặc trẻ tuổi, hãy dành riêng một quyển sổ tay nhỏ cho đề tài này. Hãy viết lên trên đầu trang nhất những lời: “Vai trò tín hữu của tôi trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với tôi.” Rồi liệt kê ngắn gọn những điều đến với tâm trí của mình. Theo thời gian, sẽ có thêm những ý nghĩ mà các anh em có thể thêm vào bản liệt kê của mình. Chẳng mấy chốc các anh em sẽ có một quyển sách nhỏ càng ngày càng dày thêm mà sẽ chan hòa các anh em với lòng biết ơn và sự nhận thức đối với vai trò tín hữu của mình trong Giáo Hội của Chúa. Nó còn có thể cung ứng một nguồn tài liệu cho các bài nói chuyện mà các anh em có thể được yêu cầu để đưa ra trong tương lai.

Bản liệt kê của tôi đã dài lắm rồi và tôi chỉ chọn một danh mục giản dị từ bản liệt kê đó để thảo luận buổi tối hôm nay. Tôi phải để dành những đề tài khác cho một chỗ khác và một lúc khác.

Tôi sẽ nói ngắn gọn về nguyên tắc hối cải. Tôi biết ơn biết bao về sự hiểu biết mà chúng ta có về nguyên tắc trọng đại này. Nó không phải là một nguyên tắc nghiêm khắc, như tôi đã nghĩ khi tôi còn niên thiếu. Nguyên tắc đó nhân từ và khoan dung. Gốc Hê Bơ Rơ của chữ đó có nghĩa là, hoàn toàn, “quay về,”1 hoặc quay trở lại với Thượng Đế. Đức Giê Hô Va đã khẩn nài với con cái Y Sơ Ra Ên: “Hãy trở về! Ta sẽ không lấy nét mặt giận nhìn ngươi đâu, vì ta hay thương xót; ta chẳng ngậm giận đời đời. Chỉn ngươi phải nhận lỗi mình: ngươi đã phạm tội nghịch cùng Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi,”2

Khi chúng ta nhận biết tội lỗi của mình và thú tội cùng từ bỏ chúng, và “quay về cùng Thượng Đế,” thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.

Trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo mới đây, hai trong số các anh cả của chúng tôi yêu cầu tôi gặp một người tầm đạo đã được dự định để chịu phép báp têm trong ngày hôm sau. Người ấy có một số câu hỏi mà họ không thể trả lời. Chúng tôi lái xe đến nhà của người ấy nơi mà tôi gặp một người góa phụ trẻ tuổi gần 30 tuổi với một đứa con. Chồng của người ấy chết trong một tai nạn thảm thương một vài năm trước. Những câu hỏi của người ấy rất chín chắn và người ấy rất dễ lĩnh hội. Sau khi những câu hỏi này đã được giải đáp, tôi hỏi người ấy có còn mối quan tâm nào nữa không. Người ấy cho biết rằng có và người ấy muốn nói chuyện riêng với tôi. Tôi yêu cầu các anh cả bước ra ngoài và đứng ở bãi cỏ nơi mà họ có thể thấy rõ chúng tôi qua một cánh cửa sổ lớn. Ngay khi cửa đóng lại sau lưng họ thì người ấy bắt đầu khóc. Người ấy kể lại những năm tháng đơn độc của mình, đầy đau khổ và cô đơn. Trong những năm tháng đó, người ấy đã phạm một số lỗi lầm nghiêm trọng. Người ấy nói rằng người ấy biết mình đã làm sai nhưng thiếu sức mạnh để chọn con đường đúng cho đến khi người ấy gặp những người truyền giáo của chúng ta. Trong những tuần mà họ giảng dạy cho người ấy, người ấy đã cầu khẩn Chúa tha thứ cho người ấy. Người ấy tìm kiếm sự bảo đảm từ tôi rằng qua sự hối cải của mình và qua các giáo lễ báp têm và sự tiếp nhận Đức Thánh Linh, người ấy có thể được sạch tội và trở nên xứng đáng với vai trò tín hữu trong Giáo Hội. Tôi giảng dạy cho người ấy từ thánh thư, và chia sẻ chứng ngôn của mình về nguyên tắc hối cải và về Sự Chuộc Tội.

Ngày hôm sau, vợ tôi và tôi tham dự lễ báp têm của người ấy và của đứa con gái nhỏ của người ấy. Căn phòng đông đủ bạn bè từ tiểu giáo khu của người ấy, sẵn sàng và hăng hái để hỗ trợ người ấy với tư cách là tín hữu mới của Giáo Hội. Khi chúng tôi rời buổi lễ, lòng tôi tràn đầy cảm giác biết ơn về nguyên tắc hối cải kỳ diệu đó và về Sự Chuộc Tội mà có thể làm cho sự hối cải có thể thực hiện được; về phép lạ của sự cải đạo và về Giáo Hội vĩ đại này và các tín hữu của Giáo Hội, và về những người truyền giáo của chúng ta.

Vai trò tín hữu của tôi trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với tôi? Nó có nghĩa là tất cả mọi thứ. Nó ảnh hưởng, làm sinh động, thấm nhuần, và mang lại mục đích và ý nghĩa cho mọi điều trong cuộc đời mà quan trđối với tôi: mối quan hệ của tôi với Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và với Vị Nam Tử Thiêng Liêng của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Nó dạy cho tôi biết rằng qua sự tuân theo các nguyên tắc và các giáo lễ của phúc âm, tôi sẽ tìm ra được sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống này, và được mời gọi để sống nơi hiện diện của Thượng Đế, với gia đình tôi, trong cuộc sống mà chắc chắn sẽ tiếp theo cuộc sống trần thế, nơi mà lòng thương xót của Ngài sẽ thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý , và bao quanh tôi và gia đình tôi, và các anh em và gia đình các anh em, bởi vòng tay an toàn.3 Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Joseph P. Healey, “Repentance,” trong The Anchor Bible Dictionary, David Noel Freedman xuất bản, 6 tập (1992), 5:671.

  2. Giê Rê Mi 3:12–13.

  3. Xin xem An Ma 34:16.