2006
Như Trẻ Nhỏ
Tháng Năm năm 2006


Như Trẻ Nhỏ

Bản tính của chúng ta phải được thay đổi để trở nên như một đứa trẻ nhằm đạt được sức mạnh mà chúng ta cần phải có để được an toàn về mặt đạo đức trong thời kỳ hiểm họa.

Các vị tiên tri của Thượng Đế đã nhìn thấy trước thời kỳ mà chúng ta đang sống. Sứ Đồ Phao Lô đã viết cho Ti Mô Thê: “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn.”1 Bất cứ người nào có mắt để thấy dấu hiệu của thời gian và có tai để nghe những lời của các vị tiên tri đều biết rằng hiểm họa thì thật là khủng khiếp. Hiểm họa đến từ quyền lực của sự tà ác. Những quyền lực đó càng lúc càng gia tăng. Vậy nên, sẽ trở nên khó hơn, chứ không dễ hơn, để tuân giữ các giao ước mà chúng ta phải lập để sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Những ai trong chúng ta mà lo lắng về tương lai như thế cho bản thân mình và cho những người mình thương yêu—trong gia đình, trong các nhóm túc số và trong lớp học của chúng ta—chúng ta có được hy vọng trong lời hứa của Chúa đã ban cho chúng ta về một nơi an toàn trong những cơn bão tố sắp đến. Đây là lời diễn tả về nơi đó. Các anh chị em đã đọc về nơi đó trong thánh thư. Các vị tiên tri tại thế đã nhiều lần diễn tả về nơi đó. Một người cha nhân từ đã nói cho các con trai mình biết về nơi đó bằng cách thức này khi người cha ấy cố gắng củng cố các con trai mình để chống lại những cơn bão của sự cám dỗ:

“Và giờ đây, hỡi các con trai của cha, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”2

Không lúc nào quan trọng hơn lúc này để hiểu cách thức để xây dựng trên nền móng chắc chắn đó. Đối với tôi, không có nơi đâu tốt để tìm bằng nơi bài giảng cuối cùng của Vua Bên Gia Min mà đã được ghi chép trong Sách Mặc Môn. Hầu hết chúng ta đã đọc lại bài giảng đó mới đây và đã hơn một lần ngẫm nghĩ về nó. Vua Bên Gia Min đã có thể nhìn thấy chúng ta và con cháu chúng ta. Ông biết bởi quyền năng tiên tri điều mà chúng ta đối phó. Ông biết từ kinh nghiệm bản thân sự kinh khiếp của chiến tranh. Ông đã bảo vệ dân ông trong chiến trường, dựa vào quyền năng của Thượng Đế. Ông đã thấy rõ ràng quyền lực khủng khiếp của Lu Xi Phe để cám dỗ và khắc phục chúng ta.

Ông là một vĩ nhân thánh thiện. Và ông đã biết cách để mời gọi con người xây dựng trên đá của sự an toàn đó cũng như bất cứ các vị tiên tri nào của Chúa.

Ông đã bắt đầu bài giảng của ông nơi mà tất cả chúng ta đều phải bắt đầu giúp những người khác tránh khỏi thảm họa thuộc linh. Người ta phải tin rằng sự nguy hiểm là có thật để muốn tìm ra sự an toàn. Họ phải sợ hậu quả của việc làm ngơ đối với hiểm hoạ. Ông đã giải thích rõ ràng về những nguy cơ mà chúng ta gặp phải vì chúng ta được tự do để chọn giữa điều đúng với điều sai và vì chúng ta không thể tránh những hậu quả của những sự lựa chọn đó. Ông đã nói thẳng thừng và nghiêm khắc vì ông biết những nỗi đau khổ nào sẽ đến với những người có thể không nghe và không lưu ý đến những lời cảnh cáo của ông.

Đây là cách ông diễn tả những hậu quả đi theo sự lựa chọn của chúng ta để tuân theo sự thúc giục của Thánh Linh của Đấng Ky Tô hoặc đi theo những thông điệp tà ác đến từ Sa Tan, mà mục đích của nó là để cám dỗ chúng ta và bẫy chúng ta vào tội lỗi:

“Vì này, có một lời nguyền rủa đã được dành sẵn cho kẻ nào chịu vâng theo quỷ dữ đó; vì nếu kẻ nào chịu vâng theo nó, và duy trì như vậy và chết trong tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ phải uống sự đoán phạt vĩnh viễn, vì đã vi phạm luật pháp của Thượng Đế trái với sự hiểu biết của mình… .

“Vậy nên, nếu kẻ đó không hối cải, và tiếp tục sống trong tội lỗi và chết như là một kẻ thù của Thượng Đế, thì những sự đòi hỏi của một công lý thiêng liêng sẽ đánh thức linh hồn bất diệt của hắn để nhận thức một cách sâu xa những tội lỗi mình, khiến hắn phải thối lui trước sự hiện diện của Chúa, và làm cho tâm hồn hắn tràn đầy tội lỗi, đau đớn và lo âu, chẳng khác chi một đám lửa không thể bị dập tắt được, mà ngọn lửa cứ cháy bừng lên mãi mãi và đời đời.”

Vua Bên Gia Min đã tiếp tục nói: “Hỡi các niên lão, hỡi các thanh niên, và hỡi các con trẻ nào có thể hiểu được lời tôi nói, vì tôi đã nói một cách minh bạch để các người có thể hiểu được, tôi xin cầu nguyện rằng các người thức tỉnh mà nhớ tới tình trạng khủng khiếp của những kẻ đã rơi vào vòng phạm giới.”3

Đối với tôi, quyền năng của lời cảnh cáo đó là một hình ảnh đang hiện ra trong tâm trí tôi vào lúc mà mỗi chúng ta đứng trước Đấng Cứu Rỗi sau cuộc sống này để được phán xét. Khi Vua Bên Gia Min nói cùng tôi về việc thối lui trước sự hiện diện của Chúa thì lòng tôi trở nên sợ hãi. Tôi có thể thấy mình đứng trong ngày phán xét đó trước Đấng Cứu Rỗi phục sinh đầy vinh quang. Tôi hết lòng không muốn mình sẽ thối lui, mà sẽ nhìn lên Ngài và thấy Ngài mỉm cười và nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm. Hãy đến.”4

Vua Bên Gia Min đã giải thích rõ cách thức chúng ta có thể đạt được hy vọng để nghe những lời đó nếu chúng ta tìm cách trong cuộc sống này để thay đổi bản tính của mình qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là cách duy nhất mà chúng ta có thể xây dựng trên nền tảng chắc chắn và như thế đứng vững trong sự ngay chính trong những cơn bão của sự cám dỗ.

Vua Bên Gia Min diễn tả sự thay đổi đó với một sự so sánh tuyệt vời, được các vị tiên tri sử dụng trong hằng ngàn thế kỷ và cũng được chính Chúa sử dụng. Đó là: chúng ta có thể, và chúng ta phải, trở nên như một đứa trẻ—một đứa trẻ nhỏ.

Đối với một số người, điều đó sẽ không dễ hiểu hay dễ chấp nhận. Hầu hết chúng ta đều muốn được mạnh mẽ. Chúng ta có thể thấy việc trở nên như một đứa trẻ giống như việc trở nên yếu đuối. Hầu hết cha mẹ mong muốn con cái mình đôi khi trở nên ít ngây ngô như trẻ con hơn. Ngay cả Vị Sứ Đồ Phao Lô cũng đã dùng những lời này khi ông sắp khuyên nài chúng ta phải kết hợp lòng bác ái, tình thương yêu thuần túy của Đấng Ky Tô vào cuộc sống của chúng ta. “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn, bèn bỏ những điều thuộc về trẻ con.”5

Nhưng Vua Bên Gia Min, là người hiểu rõ như bất cứ người trần thế nào ý nghĩa về việc làm một người có sức mạnh và can đảm, nói rõ rằng việc trở nên như một đứa trẻ không phải là ngây ngô như trẻ con. Điều này phải giống như Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã cầu nguyện cùng Cha Ngài để có được sức mạnh mà có thể làm theo ý Ngài và rồi làm đúng như vậy. Bản tính của chúng ta phải được thay đổi để trở nên như một đứa trẻ nhằm đạt được sức mạnh mà chúng ta cần phải có để được an toàn trong thời kỳ hiểm họa về mặt đạo đức.

Đây là lời diễn tả đầy sống động của Vua Bên Gia Min về điều mà sự thay đổi đó để trở nên như một đứa trẻ là gì và cách thức mà điều đó đến cùng chúng ta:

“Và con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”6

Chúng ta được an toàn trên đá, tức là Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta đã quy phục trong đức tin nơi Ngài, đã đáp ứng theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh để tuân giữ các giáo lệnh đủ lâu và đủ trung tín để quyền năng của Sự Chuộc Tội làm thay đổi lòng chúng ta. Khi qua kinh nghiệm đó, chúng ta trở nên như một đứa trẻ trong khả năng thương yêu và vâng lời của mình, thì chúng ta đang ở trên nền tảng vững chắc.

Qua Vua Bên Gia Min chúng ta học được điều chúng ta có thể làm để đem chúng ta tới nơi an toàn đó. Nhưng hãy nhớ rằng: những điều chúng ta làm là phương tiện chứ không phải kết quả chúng ta tìm kiếm. Điều chúng ta làm để cho Sự Cứu Chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô thay đổi chúng ta thành con người mà chúng ta cần phải trở thành. Đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô mang chúng ta đến sự hối cải và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúng ta vâng lời và chống lại sự cám dỗ bằng cách tuân theo những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Cuối cùng, bản tính của chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ trở nên như một đứa trẻ, biết vâng lời Thượng Đế và nhân từ hơn. Sự thay đổi đó, nếu chúng ta làm tất cả những gì chúng ta phải làm để giữ nó, sẽ cho chúng ta hội đủ điều kiện để tận hưởng các ân tứ mà đến qua Đức Thánh Linh. Rồi chúng ta sẽ được an toàn trên đá chắc chắc duy nhất.

Như các anh chị em, tôi đã cảm nhận điều mà Vua Bên Gia Min đã có ý nói khi ông nói rằng chúng ta có thể trở nên như một đứa trẻ trước Thượng Đế. Tôi đã cầu nguyện, như các anh chị em đã làm, để biết phải nên làm gì khi những sự lựa chọn trước mặt tôi sẽ có kết quả vĩnh cửu. Trong nhiều năm, tôi đã thấy một mẫu mực luôn luôn tái diễn trong những lúc mà những sự đáp ứng cho một lời cầu nguyện như vậy đã đến với tôi rõ ràng nhất.

Chẳng hạn, có một lần tôi đã cầu nguyện suốt đêm để biết mình nên chọn làm điều gì vào sáng hôm sau. Tôi biết không có sự lựa chọn nào khác có ảnh hưởng sâu đậm hơn đến cuộc sống của những người khác và bản thân tôi. Tôi biết sự lựa chọn nào thì có vẻ dễ chịu nhất cho tôi. Tôi biết kết quả nào mà tôi mong muốn. Nhưng tôi không thể thấy được tương lai. Tôi không thể thấy được sự lựa chọn nào sẽ dẫn đến kết quả nào. Vậy nên, cơ nguy bị sai lầm có vẻ quá to lớn đối với tôi.

Tôi đã cầu nguyện, nhưng trong nhiều giờ dường như không có sự trả lời. Khi trời sắp sáng, một cảm giác đến với tôi. Hơn lúc nào hết kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã cảm thấy mình như là một đứa trẻ. Tâm trí của tôi dường như trở nên lắng đọng. Có một sự bình an trong sự yên tĩnh nội tâm đó.

Tôi có phần nào ngạc nhiên khi thấy mình cầu nguyện lớn tiếng: “Thưa Cha Thiên Thượng, điều con muốn không quan trọng. Con không quan tâm đến điều mà con muốn nữa. Con chỉ muốn rằng ý Cha được nên. Đó là điều duy nhất mà con muốn. Xin Cha cho con biết con phải làm gì.”

Trong giây phút đó, tôi cảm thấy một sự bình tĩnh bên trong mà tôi chưa từng cảm nhận trước đó. Và tôi nhận được một sứ điệp và tôi đã biết chắc nó đến từ ai. Điều tôi nên làm đã rất rõ ràng. Tôi đã không nhận được một lời hứa nào về kết quả ra sao. Chỉ có một sự chắc chắn rằng tôi là một đứa trẻ đã được cho biết con đường nào sẽ dẫn tôi đến những gì Ngài muốn cho tôi.

Tôi học từ kinh nghiệm đó và vô số kinh nghiệm tương tự rằng sự diễn tả về Đức Thánh Linh như là một tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ là sự thật. Nó rất nên thơ nhưng nó không phải là bài thơ. Chỉ khi nào lòng tôi được bình yên và bình tĩnh, trong sự quy phục giống như một trẻ nhỏ, thì Thánh Linh mới được nghe thấy rõ ràng trong tâm trí tôi.

Vua Bên Gia Min đã dạy chúng ta cách thức mà những giây phút đó có thể đến thường xuyên hơn, tức là chúng cần phải đến thường xuyên vì những hiểm họa mà chúng ta gặp. Ông đã bảo chúng ta rằng có những điều mà chúng ta có thể và cần phải làm để mời gọi phước lành của sự thay đổi đó đến với tấm lòng như của một đứa trẻ.

Tất cả những điều đó đều liên quan tới điều đòi hỏi cần phải làm những gì để xây đắp đức tin lớn hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và như vậy hội đủ điều kiện để có được sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Vua Bên Gia Min đã đưa ra lý do cho điều đó:

“Và ngoài ra, ta nói cho ngươi hay rằng, sẽ không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường hoặc một phương tiện nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô, Chúa Vạn Năng mà thôi.”7

Điều chúng ta cần là đức tin nơi Ngài và yêu thương Ngài. Chúng ta phải biết rằng Ngài hằng sống và Ngài là ai. Khi chúng ta biết, chúng ta sẽ thương yêu Ngài. Vua Bên Gia Min đã đề nghị cách thức để biết Ngài trong những lời sau đây, mà anh chị em đã thưòng nghe:

“Vì làm sao một người có thể nhận biết được chủ mà mình chưa bao giờ phục vụ, và là một người xa lạ đối với mình, xa lạ cả trong ý tưởng lẫn ý muốn trong tâm hồn mình?”8

Chúng ta tiến đến việc thương yêu những người chúng ta phục vụ. Nếu chúng ta chọn bắt đầu phục vụ Đức Thầy dù chỉ trong một chút đức tin đi nữa thì chúng ta sẽ bắt đầu biết được Ngài. Chúng ta sẽ tiến đến việc biết được các mục đích của Ngài dành cho những người chúng ta phục vụ cho Ngài. Dù họ không chấp nhận sự đề nghị phục vụ của chúng ta, nhưng chúng ta cũng sẽ cảm thấy sự biết ơn của Ngài nếu chúng ta kiên trì.

Khi kiên trì, chúng ta sẽ cảm thấy cần đến ảnh hưởng của Đức Thánh Linh bởi vì nhiệm vụ của chúng ta dường như vượt quá khả năng của mình. Lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng ta dâng lên Cha Thiên Thượng sẽ được đáp ứng. Đức Thánh Linh có một mục đích chính là làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ trong sự phục vụ Ngài, thì Đức Thánh Linh sẽ đến và xác nhận đức tin của chúng ta nơi Ngài. Đức tin của chúng ta nơi Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng. Và, khi chúng ta tiếp tục phục vụ Ngài, thì chúng ta sẽ tiến đến việc yêu thương Ngài. Việc được kêu gọi phục vụ là một sự kêu gọi để tiến đến việc yêu thương Đức Thầy mà chúng ta phục vụ. Đó là một sự kêu gọi để thay đổi bản tính của chúng ta.

Việc giữ phước lành của sự thay đổi đó trong tấm lòng của chúng ta sẽ đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, và đức tin. Vua Bên Gia Min đã dạy ít nhất một số điều mà điều đó sẽ đòi hỏi. Ông đã nói rằng để giữ lại sự xá miễn tội lỗi của chúng ta hằng ngày thì chúng ta phải đem thức ăn cho kẻ đói, đem áo quần cho kẻ thiếu mặc, thăm viếng người bệnh, và giúp đỡ những người khác về phần tinh thần lẫn vật chất.9 Ông đã cảnh cáo rằng chúng ta phải đề phòng, kẻo tinh thần tranh chấp sẽ xâm chiếm lòng chúng ta.10 Ông đã giải thích rõ rằng sự thay đổi mạnh mẽ mà đến với chúng ta qua Sự Chuộc Tội đang tác động trong chúng ta thì có thể bị giảm đi nếu chúng ta không đề phòng tội lỗi. Chúa đã cảnh cáo: “Vậy nên giáo hội phải chú tâm và cầu nguyện luôn, kẻo họ bị sa vào sự cám dỗ; Phải, và ngay cả những người đã được thánh hóa cũng phải chú tâm nữa.”11

Ân tứ có thể bị mất vì sự phạm tội. Vua Bên Gia Min đã dạy rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho nỗ lực kiên quyết mà cần có để chống cự lại sự cám dỗ. Ông đã cảnh cáo dân ông về những cám dỗ cụ thể. Nhưng sau khi đưa ra những lời cảnh cáo đó, ông đã đặt trách nhiệm lên trên họ. Dù chúng ta có cầu nguyện càng thường xuyên để không bị chế ngự bởi sự cám dỗ và được giải thoát khỏi điều ác, nhưng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho chính mình. Đây là những lời mà ông đã nói, thực ra không phải là lời của ông mà là lời của Thượng Đế:

“Và sau cùng hết, tôi không thể kể hết tất cả những điều mà bởi đó các người có thể phạm tội được, vì có nhiều đường lối và nhiều cách thức khác nhau, nhiều đến đỗi tôi không thể đếm được.

“Nhưng tôi có thể nói tóm tắt với các người rằng: Nếu các người không tự kiểm soát lấy mình, cùng tư tưởng, lời nói và việc làm của mình, và tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, và kiên trì trong đức tin về những gì mình đã nghe nói về sự hiện đến của Chúa chúng ta, cho đến ngày cuối cùng của mình, thì các người sẽ phải bị diệt vong. Và giờ đây, hỡi loài người, hãy ghi nhớ và đừng để cho mình phải bị diệt vong.”12

Với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể tự đề cao cảnh giác. Chúng ta có thể cầu nguyện để nhận biết và loại bỏ những ý nghĩ tội lỗi đầu tiên. Chúng ta có thể cầu nguyện để nhận biết sự cảnh cáo là không nói những lời làm tổn thương hay cám dỗ một người nào khác. Và chúng ta có thể, khi chúng ta cần phải làm, cầu xin sự khiêm nhường và đức tin để hối cải.

Chắc chắn là sẽ có một số người nghe tiếng nói của tôi mà sẽ có ý nghĩ này đến với tâm trí của họ: “Nhưng những sự cám dỗ thật quá mãnh liệt đối với tôi. Tôi đã chống cự hết khả năng của mình. Đối với tôi, các giáo lệnh quá khó. Tiêu chuẩn thì quá cao.”

Điều đó không đúng. Đấng Cứu Rỗi là Đấng Biện Hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Ngài biết những yếu kém của chúng ta. Ngài biết cách thức để cứu giúp những người bị cám dỗ.13

Tôi làm chứng cùng các anh chị em rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống và rằng Ngài là nền tảng vững chắc. Tôi biết rằng bằng cách thực hành đức tin của mình nơi Ngài chúng ta có thể được tẩy sạch và thay đổi để trở nên thanh khiết và vững mạnh, như là một đứa trẻ. Tôi chia sẻ với các anh chị em chứng ngôn của tôi rằng Đức Thánh Linh có thể dẫn dắt chúng ta đến lẽ thật và rời xa tội lỗi.

Joseph Smith đã thấy Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế và là một chứng thư của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Đây là Giáo Hội chân chính. Tôi biết rằng chúng ta có thể chọn niềm vui đã được hứa về cuộc sống vĩnh cửu, dù cho đây là thời kỳ đầy hiểm họa.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. 2 Ti Mô Thê 3:1.

  2. Hê La Man 5:12.

  3. Mô Si A 2:33, 38, 40.

  4. Xin xem Ma Thi Ơ 25:21.

  5. 1 Cô Rinh Tô 13:11.

  6. Mô Si A 3:19.

  7. Mô Si A 3:17.

  8. Mô Si A 5:13.

  9. Xin xem Mô Si A 4:26.

  10. Xin xem Mô Si A 2:32.

  11. GLGƯ 20:33–34.

  12. Mô Si A 4:29–30.

  13. Xin xem GLGƯ 62:1.