2006
Sự Tin Cậy vào Chức Tư Tế Thiêng Liêng của Chúng Ta
Tháng Năm năm 2006


Sự Tin Cậy vào Chức Tư Tế Thiêng Liêng của Chúng Ta

Chức tư tế thật sự không phải là một ân tứ mà là một lệnh truyền để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Cách đây vài năm, Clark, đứa con trai út của chúng tôi, sắp đến sinh nhật thứ 12 của nó, nó và tôi đang rời Tòa Nhà Hành Chính của Giáo Hội thì Chủ Tịch Harold B. Lee đến gần và chào hỏi chúng tôi. Tôi nói với Chủ tịch Lee rằng Clark sắp lên 12 tuổi, và thế là Chủ Tịch Lee quay qua nó và hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra cho cháu khi cháu lên 12 tuổi?”

Đây là một trong những lúc mà người cha cầu nguyện cho con trai mình sẽ được soi dẫn để đưa ra câu trả lời thích hợp. Không chút do dự, Clark đã nói với Chủ Tịch Lee: “Cháu sẽ được sắc phong là một thầy trợ tế!”

Câu trả lời ấy là điều mà tôi đã cầu nguyện và cũng là điều mà Chủ Tịch Lee đã tìm kiếm. Rồi ông khuyên con chúng tôi: “Hãy nhớ, việc nắm giữ chức tư tế là một phước lành lớn lao.”

Tôi hết lòng hy vọng rằng mỗi thiếu niên mà nhận được chức tư tế sẽ tôn trọng chức tư tế đó và trung tín với sự tin cậy được giao phó khi được truyền giao chức tư tế. Cầu xin cho mỗi chúng ta là người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế biết những gì mình tin tưởng. Như Sứ Đồ Phi E Rơ đã khuyên dạy, cầu xin cho chúng ta luôn sẵn sàng “để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”1 Sẽ có những dịp trong cuộc sống của mỗi chúng ta khi chúng ta sẽ được kêu gọi để giải thích hay bênh vực cho tín ngưỡng của mình. Khi thời gian để bênh vực đến thì thời gian để chuẩn bị đã qua rồi.

Đa số các em là các thiếu niên sẽ có cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của mình khi các em phục vụ với tư cách là người truyền giáo trên khắp thế giới. Hãy chuẩn bị từ bây giờ cho đặc ân tuyệt diệu đó.

Tôi đã có được nhiều cơ hội. Một cơ hội đã xảy ra cách đây 21 năm, trước khi Cộng Hòa Dân Chủ Đức—hay thường được gọi là Đông Đức—được tự do khỏi quyền thống trị của chế độ Cộng Sản. Tôi đến thăm bộ trưởng bộ nội vụ ngoại giao Đông Đức, Bộ Trưởng Gysi. Khi đó Đền Thờ Freiberg, ở Đông Đức đang được xây cất cùng với hai hoặc ba nhà hội khác. Bộ Trưởng Gysi và tôi đã nói chuyện về một số đề tài, kể cả chương trình xây cất toàn cầu của chúng ta. Rồi ông hỏi: “Tại sao giáo hội của ông giàu có như vậy đến đỗi có đủ khả năng xây cất các tòa nhà trong nước chúng tôi và khắp nơi trên thế giới? Làm sao quý vị có tiền được như vậy?”

Tôi trả lời rằng Giáo Hội không giàu có gì nhưng chúng tôi tuân theo nguyên tắc đóng tiền thập phân trong Kinh Thánh cổ xưa, mà nguyên tắc đó đã được nhấn mạnh lại trong thánh thư ngày nay của chúng ta. Tôi cũng giải thích rằng Giáo Hội của chúng ta không có những giáo sĩ được trả lương và cho biết rằng đây là hai lý do mà chúng ta có thể xây cất các tòa nhà đang được tiến hành khi ấy, kể cả đền thờ tuyệt đẹp ở Freiberg.

Bộ Trưởng Gysi rất cảm động với chi tiết mà tôi đã trình bày và tôi rất biết ơn rằng tôi có thể trả lời các câu hỏi của ông.

Cơ hội để trình bày một lẽ thật có thể đến khi chúng ta ít ngờ nhất. Chúng ta hãy nên chuẩn bị.

Trong một dịp nọ, Chủ Tịch David O. McKay đã được một người phụ nữ không phải là tín hữu của Giáo Hội hỏi rằng niềm tin cụ thể nào đã làm cho những điều giảng dạy của Giáo Hội khác biệt với bất cứ tín ngưỡng nào khác. Về sau, khi nói về điều này, Chủ Tịch McKay nói rằng ông đã cảm thấy được soi dẫn để trả lời “điều khác biệt những sự tin tưởng của giáo hội chúng tôi với những tín ngưỡng khác là thẩm quyền liêng liêng bởi sự mặc khải trực tiếp.”2

Ở đâu mà chúng ta có thể tìm ra được một ví dụ đầy ý nghĩa về thẩm quyền thiêng liêng bởi sự mặc khải trực tiếp hơn là những sự kiện đã xảy ra “vào một ngày xinh đẹp quang đãng vào đầu xuân năm một ngàn tám trăm hai mươi” đó, khi mà thiếu niên Joseph Smith đã đi vào rừng để cầu nguyện. Những lời của ông mà diễn tả giây phút lịch sử ấy thì có tính chất đầy thuyết phục: “Tôi thấy hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta, Hãy Nghe Lời Người!”3

Những ý nghĩ của chúng tôi quay về với cuộc viếng thăm của vị sứ giả thiên thượng, Giăng Báp Tít, vào ngày 15 tháng Năm năm 1829. Nơi đó bên bờ Sông Susquehanna, gần Harmony, Pennsylvania, Giăng đã đặt tay lên đầu Joseph Smith và Oliver Cowdery và sắc phong họ bằng cách nói rằng: “Hỡi các người cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta tryền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phụ trợ của các thiên sứ và của phúc âm của sự hối cải, và của báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi.”4 Vị sứ giả đã loan báo rằng ông hành động dưới sự chỉ dẫn của Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng, là những vị nắm giữ các chìa khóa của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tiếp theo là lễ sắc phong và phép báp têm. Đây là một ví dụ khác nữa về thẩm quyền thiêng liêng bởi sự mặc khải trực tiếp.

Đến kỳ định, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã được gởi tới để ban các phước lành của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Các Vị Sứ Đồ này đã được Chúa gởi tới để sắc phong và làm lễ xác nhận cho Joseph và Oliver thành các Vị Sứ Đồ và là những nhân chứng đặc biệt cho danh Ngài. Thẩm quyền thiêng liêng bởi sự mặc khải trực tiếp đã biểu thị đặc điểm của cuộc thăm viếng thiêng liêng này.

Do những kinh nghiệm này, tất cả chúng ta đều mang điều kiện tất yếu—chính là cơ hội được phước và bổn phận trọng thể—để trung thành với sự tin cậy mà chúng ta đã nhận được.

Chủ Tịch Brigham Young đã tuyên bố: “Chức Tư Tế của Vị Nam Tử của Thượng Đế là … luật pháp mà qua đó các thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục mãi mãi.”5 Chủ Tịch Joseph F. Smith, khi bàn rộng về đề tài này, đã khuyên bảo: “Đó chỉ là quyền năng của Thượng Đế giao phó cho con người mà qua đó con người có thể hành động trên thế gian vì sự cứu rỗi của gia đình nhân loại, trong danh của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và của Đức Thánh Linh, và hành động một cách hợp pháp; không tiếm quyền đó, cũng như không mượn nó từ các thế hệ đã chết và qua đời, nhưng thẩm quyền đã được ban cho trong thời kỳ này mà chúng ta đang sống bởi các thiên sứ phụ trợ và những linh hồn từ trên cao, trực tiếp từ nơi hiện diện của Thượng Đế Toàn Năng.”6

Khi tôi gần 18 tuổi và chuẩn bị nhập ngũ trong Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đã được đề cử để tiếp nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Phận sự của tôi là gọi điện thoại cho Chủ Tịch Paul C. Child, vị chủ tịch giáo khu của tôi, để có một cuộc phỏng vấn. Ông là người yêu thích và am hiểu thánh thư, và ý định của ông là tất cả những người khác cũng phải yêu thích và am hiểu thánh thư. Vì tôi biết được từ những người khác về các cuộc phỏng vấn khá chi tiết và tỉ mỉ của ông nên cuộc nói chuyện của chúng tôi trên điện thoại thì giống như sau:

“A lô, thưa Chủ Tịch Child. Đây là Anh Monson. Tôi được vị giám trợ yêu cầu đến gặp chủ tịch về việc tôi được sắc phong làm một anh cả.”

“Tốt lắm, Anh Monson. Chừng nào anh có thể đến gặp tôi?”

Vì biết rằng buổi lễ Tiệc Thánh của ông là lúc 4 giờ và mong muốn rằng sự hiểu biết thánh thư của mình sẽ không bị phơi bày quá nhiều trong khi ông phỏng vấn, tôi đề nghị: “Dạ thưa 3 giờ được không ạ?”

Ông đáp: “Ồ, Anh Monson, sẽ không đủ thời giờ cho chúng ta nghiên cứu thánh thư. Anh có thể đến vào lúc 2 giờ trưa và mang theo bộ thánh thư của anh và đã được chính tay anh đánh dấu được không?”

Cuối cùng ngày Chúa Nhật cũng đến, và tôi đến nhà của Chủ Tịch Child. Tôi được chào đón nồng hậu và rồi cuộc phỏng vấn bắt đầu. Ông nói: “Anh Monson, anh nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn.” Dĩ nhiên, tôi đã biết điều đó. Ông tiếp tục: “Anh có bao giờ thấy một thiên sứ phù trợ cho anh không?”

Tôi đáp: “Dạ tôi không chắc.”

Ông nói: “Anh có biết là anh được quyền có được điều đó không?”

Câu trả lời của tôi là: “Dạ không.”

Rồi ông chỉ thị: “Anh Monson, hãy đọc thuộc lòng tiết 13 của sách Giáo Lý và Giao Ước.”

Tôi bắt đầu: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh của Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ …”

Chủ Tịch Child ra lệnh: “Hãy ngừng lại.” Rồi với một giọng điềm tĩnh, thân mật, ông khuyên bảo: “Anh Monson, chớ bao giờ quên rằng với tư cách là người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, anh được quyền có được sự phù trợ của các thiên sứ. Bây giờ, hãy đọc tiếp đoạn sau.”

Tôi đọc thuộc lòng phần còn lại của tiết đó. Chủ Tịch Child nói: “Tốt lắm.” Rồi ông thảo luận với tôi vài tiết khác của sách Giáo Lý và Giao Ước liên quan đến chức tư tế. Đó là một cuộc phỏng vấn dài nhưng tôi không bao giờ quên cuộc phỏng vấn đó. Vào lúc kết thúc, Chủ Tịch Child choàng vai tôi và nói: “Bây giờ anh đã sẵn sàng để nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Hãy nhớ rằng Chúa ban phước cho người chịu phục vụ Ngài.”

Nhiều năm về sau, Paul C. Child, lúc bấy giờ thuộc Ủy Ban An Sinh của Chức Tư Tế, và tôi đã cùng tham dự một đại hội giáo khu. Tại phiên họp của giới lãnh đạo chức tư tế, khi đến lượt của ông để nói chuyện, ông cầm quyển thánh thư của mình trong tay và đi từ bục chủ tọa xuống chỗ giáo đoàn ngồi. Là người biết rõ Chủ Tịch Child, tôi biết điều ông sắp làm. Ông trích dẫn từ sách Giáo Lý và Giao Ước, kể cả tiết 18 liên quan đến giá trị của một người, cho thấy rằng chúng ta phải lao nhọc trong suốt cuộc sống của mình để mang những người khác đến với Chúa. Rồi ông quay sang một vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả và hỏi: “Giá trị của một con người là gì?”

Vị chủ tịch nhóm túc số đầy sửng sốt đã ngập ngừng trong khi người ấy đang suy tính cho câu trả lời. Tôi cầu nguyện trong lòng để người ấy có thể trả lời câu hỏi đó. Cuối cùng, người ấy trả lời: “Giá trị của một người là khả năng của người ấy để trở thành giống như Thượng Đế.”

Anh Child đóng quyển thánh thư của mình lại, bước đi một cách nghiêm nghị và lặng lẽ lên các dãy ghế và trở lại bục giảng. Khi bước ngang qua tôi, ông nói: “Một câu trả lời thâm thúy nhất.”

Chúng ta cần phải biết lời thề và giao ước của chức tư tế bởi vì nó liên quan đến tất cả chúng ta. Đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đó là lời tuyên bố đòi hỏi chúng ta phải trung tín và tuân theo các luật pháp của Thượng Đế và làm vinh hiển những sự kêu gọi của mình. Đối với những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn, đó là lời công bố về bổn phận và trách nhiệm tương lai để họ có thể tự chuẩn bị nơi đây và bây giờ.

Lời thề và giao ước này đã được Chúa đề ra trong những lời sau đây:

“Vì những ai trung thành để nhận được hai chức tư tế mà ta đã nói đến, và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của họ, thì được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của họ được đổi mới.

“Họ trở thành con trai của Môi Se và A Rôn, và dòng dõi của Áp Ra Ham, và giáo hội và vương quốc, và dân chọn lọc của Thượng Đế.

“Và ngoài ra, tất cả những ai tiếp nhận chúc tư tế này tức là tiếp nhận ta, lời Chúa phán vậy;

“Vì kẻ nào tiếp nhận các tôi tớ ta tức là tiếp nhận ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận ta tức là tiếp nhận Cha ta;

“Và kẻ nào tiếp nhận Cha ta tức là tiếp nhận vương quốc của Cha Ta; vậy nên tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho kẻ đó.”7

Cố Anh cả Delbert L. Stapley thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đã có lần nhận xét: “Có hai đòi hỏi chính về lời thề và giao ước này. Trước hết là sự trung thành, có nghĩa là tuân theo luật của Thượng Đế, gồm có việc theo đúng tất cả các tiêu chuẩn phúc âm… .

“Sự đòi hỏi thứ nhì … là làm vinh hiển sự kêu gọi của mình. Làm vinh hiển là tôn trọng, tôn cao và làm vinh quang và làm cho nó được quý trọng hay kính trọng hơn. Nó cũng có nghĩa là làm tăng thêm tầm quan trọng của, nới rộng ra và làm cho lớn lao hơn.”8

Có lần Chủ Tịch Joseph Smith đã được hỏi: “Thưa Anh Joseph, anh thường khuyên chúng tôi làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng tôi. Điều đó có nghĩa gì?” Người ta nói ông đã trả lời: “Làm vinh hiển một sự kêu gọi là cho thấy tầm quan trọng của nó qua cách thức nó được tôn trọng, để ánh sáng thiên thượng có thể chiếu rọi qua sự thi hành sự kêu gọi đó của một người trước mặt những người khác. Một anh cả làm vinh hiển sự kêu gọi của mình khi người ấy học biết những bổn phận của mình là gì với tư cách là một anh cả và rồi thi hành theo.”

Những người mang Chức Tư Tế A Rôn nên được cho cơ hội để làm vinh hiển sự kêu gọi của họ trong chức tư tế đó.

Một Chúa Nhật cách đây hai năm, tôi đã tham dự lễ Tiệc Thánh trong tiểu giáo khu của mình. Điều đó rất là hiếm. Có ba thầy tư tế tại bàn Tiệc Thánh, với em thiếu niên ở giữa có hơi bị khuyết tật trong động tác nhưng nhất là trong lời nói. Hai lần em đã cố gắng ban phước bánh nhưng đều bị vấp một cách tệ hại, dĩ nhiên là em ấy rất ngượng ngùng vì đã không thể đọc lời cầu nguyện một cách hoàn hảo. Rồi một trong hai thầy tư tế kia ban phước bánh thay cho em ấy.

Trong lúc chuyền bánh, tôi tự nghĩ: “Tôi không thể để cho em thiếu niên đó kinh nghiệm sự thất bại tại bàn Tiệc Thánh.” Tôi đã có cảm giác mạnh mẽ rằng nếu tôi không nghi ngờ, thì em ấy có thể ban phước nước một cách hữu hiệu. Vì tôi đang ngồi trên bục chủ tọa cạnh bàn tiệc thánh, tôi nghiêng người qua và nói với thầy tư tế ngồi gần tôi nhất, chỉ vào em thiếu niên đã gặp khó khăn lúc nãy và nói “Hãy để cho em ấy ban phước nước, lời cầu nguyện đó ngắn hơn.” Và rồi tôi cầu nguỵên. Tôi không muốn em ấy bị thất bại hai lần. Tôi yêu thích đoạn thánh thư đó mà cho chúng ta biết rằng chúng ta chớ nghi nhờ mà phải tin.9

Đến lúc ban phước nước, em thiếu niên đó quỳ xuống lần nữa và dâng lời cầu nguyện, có hơi ngập ngừng một chút nhưng không thiếu một chữ nào. Tôi mừng thầm. Khi các thầy trợ tế chuyền các khay nước, tôi nhìn qua em thiếu niên ấy và đưa ngón tay cái lên làm dấu hiệu chúc mừng em. Em cười rất tươi với tôi. Khi các thiếu niên được cho phép về ngồi với gia đình họ, em đến ngồi trên băng ghế giữa cha mẹ mình. Thật là một niềm vui khi thấy mẹ em tươi cười cùng em và ôm em nồng nàn trong lúc cha em chúc mừng em và choàng vai em. Cả ba người cùng nhìn hướng về phía tôi, và tôi đã đưa ngón tay cái lên làm dấu chúc mừng họ. Tôi có thể thấy người cha và người mẹ đã gạt nước mắt. Tôi cảm thấy có ấn tượng rằng tương lai của em thiếu niên này sẽ được tốt đẹp.

Chức tư tế thật sự không phải là một ân tứ mà là một lệnh truyền để phục vụ, một đặc ân để nâng đỡ, và một cơ hội để ban phước cho cuộc sống của những người khác.

Cách đây không lâu tôi đã nhận được một lá thư về một thầy trợ tế trẻ tuổi chọn lọc, Isaac Reiter, và những thầy trợ tế, thầy giảng và thầy tư tế, mà đã phục vụ, nâng đỡ và ban phước cho cuộc sống của em cũng như cho cuộc sống của họ.

Isaac vật lộn với bệnh ung thư từ khi em mới bảy tháng tuổi cho đến khi em qua đời ở tuổi 13. Khi em và gia đình em dọn đến gần một bệnh viện để Isaac có thể nhận được sự chăm sóc y tế thích đáng, các thành viên của Chức Tư Tế A Rôn trong tiểu giáo khu gần đó đã được yêu cầu để ban Tiệc Thánh cho họ mỗi Chúa Nhật. Giáo lễ hàng tuần này trở thành điều ưa thích cho những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn tham dự. Cùng với những người lãnh đạo của họ và gia đình Isaac, họ vây quanh giường bệnh của Isaac, hát những bài thánh ca và chia sẻ chứng ngôn. Rồi Tiệc Thánh được ban phước. Là một thầy trợ tế, Isaac luôn luôn nài nỉ để cho em chuyền Tiệc Thánh cho gia đình mình và những người đã đem đến Tiệc Thánh. Trong lúc nằm trên giường bệnh, em thu hết sức mình để cầm cái khay đựng bánh hay nước đã được ban phước. Tất cả những người hiện diện đều đến gần Isaac để dự phần Tiệc Thánh từ cái khay. Chẳng mấy chốc, các y tá và nhân viên y tế khác bắt đầu tham gia buổi lễ khi họ nhận thấy rằng Isaac đã rất gần gũi với Cha Thiên Thượng và luôn luôn kính trọng Ngài. Mặc dù yếu ớt và bị đau đớn, Isaac đã luôn luôn giữ mình trong vinh dự của một người nắm giữ chức tư tế hoàng gia.

Isaac đã là một tấm gương lớn cho các thiếu niên trong tiểu giáo khu. Các em ấy thấy ước muốn được làm tròn các bổn phận của em, dù em đang ở vào giờ phút cuối của đời mình, và các em ấy nhận thức được rằng các bổn phận đó đích thật là một đặc ân. Các em ấy bắt đầu đến sớm hơn để chuẩn bị Tiệc Thánh và có thể vào chỗ ngồi đúng giờ. Đã có sự trang nghiêm hơn.

Isaac Reiter đã trở thành một bài học sống về việc làm vinh hiển chức tư tế. Tại tang lễ của em, có người đã nói rằng trong suốt đời em, em đã đặt một chân vào thiên đàng. Chắc chắn là em vẫn tiếp tục làm vinh hiển các bổn phận của mình và phụ giúp trong công việc ở bên kia bức màn che.

Đối với những người trong chúng ta đang nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, thì luôn luôn có đặc ân của chúng ta để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình. Chúng ta là những người chăn đang chăm sóc Y Sơ Ra Ên. Các con chiên đói đang trông đợi, sẵn sàng để được ăn bánh của sự sống. Thưa các anh em, chúng ta có sẵn sàng để nuôi đàn chiên của Thượng Đế không? Điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết giá trị của linh hồn con người, để chúng ta không bao giờ bỏ cuộc đối với một trong những người con trai quý giá của Ngài.

Nếu có người nào nghĩ rằng mình quá yếu đuối không thể làm tốt hơn được vì nỗi sợ hãi lớn nhất, nỗi sợ bị thất bại, thì không có gì an ủi và bảo đảm hơn những lời của Chúa: “Ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta, vì nếu họ biết hạ mình trước mặt ta và có đức tin nơi ta, thì lúc đó ta sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ.”10

Có phép lạ ở khắp nơi khi những sự kêu gọi của chức tư tế được làm vinh hiển. Khi đức tin thay thế sự nghi ngờ, khi sự phục vụ vị tha loại trừ sự tranh đấu ích kỷ , thì quyền năng của Thượng Đế đem lại các mục đích của Ngài. Thượng Đế kêu gọi người nào, thì Thượng Đế sẽ làm cho người đó có đủ khả năng.

Cầu xin Cha Thiên Thượng của chúng ta luôn luôn ban phước, và luôn luôn soi dẫn cùng luôn luôn hướng dẫn tất cả những người nắm giữ chức tư tế quý báu của Ngài là lời cầu nguyện chân thành của tôi, và tôi dâng lên lời cầu nguyện này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

GHI CHÚ

  1. 1 Phi E Rơ 3:15.

  2. Xin xem David O. McKay, Stepping Stones to an Abundant Life (1971), 375.

  3. Joseph Smith—Lịch Sử 1:14, 17.

  4. GLGƯ 13:1.

  5. Discourses of Brigham Young, do John A. Widtsoe (1954) tuyển chọn, 130.

  6. Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 (1939), 139–40.

  7. GLGƯ 84:33–38.

  8. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1957, 76.

  9. Xin xem Mặc Môn 9:27.

  10. Ê The 12:27.