2008
Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng
Tháng Năm năm 2008


Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng

Trong số báo đại hội này, những tài liệu hướng dẫn được cung cấp để bổ sung cho sách Aaronic Priesthood Manual 3Young Women Manual 3. Trong những khu vực mà không có các quyển sách này, những phần tuyển chọn sau đây từ Sự Giảng Dạy, Không Có Sự Kêu Gọi Quan Trọng Nào Bằng (danh mục số 36123) được cung ứng để giúp các vị lãnh đạo, các giảng viên và các bậc cha mẹ cải tiến các nỗ lực giảng dạy của họ.

GIÚP CÁC CÁ NHÂN CHẤP NHẬN TRÁCH NHIỆM ĐỂ HỌC HỎI PHÚC ÂM

Trách Nhiệm của Mỗi Người để Học Hỏi Phúc Âm

Trong một bức thư về việc học hỏi phúc âm, Anh Cả Bruce R. McConkie đã viết: “Giờ đây chúng ta hãy cùng tiến đến … một kết luận mà sẽ có một hiệu quả với sự cứu rỗi vĩnh cửu của chúng ta. Đó là mỗi người cần phải tự học các giáo lý phúc âm. Không một ai có thể làm điều đó cho mình cả. Mỗi người phải tự có trách nhiệm học hỏi phúc âm; mỗi người đều có thể kiếm được cùng những quyển thánh thư như nhau và được quyền nhận sự hướng dẫn của cùng một Đức Thánh Linh; mỗi người phải trả cái giá đã được Thượng Đế đề ra nếu người ấy muốn đạt được hạt trân châu vô giá.

“Cùng một nguyên tắc đó chi phối cả việc học hỏi lẽ thật lẫn việc sống theo các tiêu chuẩn của phúc âm đó. Không một ai có thể hối cải giùm và thay cho một người khác; không một người nào có thể tuân giữ các giáo lệnh giùm cho một người khác, không một ai có thể được cứu trong tên của một người khác. Và không một ai có thể đạt được chứng ngôn hoặc tiến tới trong ánh sáng và lẽ thật đến vinh quang vĩnh cửu cho một người nào khác ngoài mình. Cả sự hiểu biết về lẽ thật lẫn các phước lành mà đến với những người tuân theo các nguyên tắc chân chính thì là vấn đề cá nhân. Và cũng giống như một Thượng Đế công bằng ban cùng một sự cứu rỗi cho mỗi người sống theo cùng các luật pháp, Ngài cũng ban cùng sự hiểu biết đó về các lẽ thật vĩnh cửu của Ngài cho tất cả những người chịu trả cái giá đòi hỏi nơi một người đi tìm kiếm lẽ thật.

“Hệ thống của Giáo Hội nhằm đạt được sự hiểu biết phúc âm là như sau:

“a. Trách nhiệm thuộc về mỗi người để đạt được sự hiểu biết về lẽ thật qua những nỗ lực của người ấy.

“b. Kế đến, gia đình cần phải giảng dạy những người trong gia đình. Cha mẹ được truyền lệnh phải nuôi dạy con cái trong ánh sáng và lẽ thật. Mái gia đình phải là nơi giảng dạy chính yếu trong cuộc sống của một Thánh Hữu Ngày Sau.

“c. Để giúp đỡ gia đình và các cá nhân, Giáo Hội, với tính cách là một cơ quan dịch vụ, cung ứng nhiều cơ hội để giảng dạy và học hỏi. Chúng ta được truyền lệnh phải ‘giảng dạy lẫn nhau về giáo lý của vương quốc’ (GLGƯ 88:77). Điều này được thực hiện trong các buổi lễ Tiệc Thánh, trong các đại hội và các buổi họp khác, bởi các thầy giảng tại gia, trong các lớp chức tư tế và các lớp bổ trợ, trong suốt các lớp giáo lý và các viện giáo lý , và qua hệ thống giáo dục của Giáo Hội” (“Finding Answers to Gospel Questions,” trong Charge to Religious Educators, xuất bản lần thứ 3 [1994], 80).

Vai Trò của Giảng Viên trong Việc Giúp Các Cá Nhân Học Hỏi Phúc Âm

Khi biết rằng các cá nhân có trách nhiệm học hỏi phúc âm, thì chúng ta có thể hỏi: Vai trò của các giảng viên là gì? Đó là giúp các cá nhân chấp nhận trách nhiệm học phúc âm—để khơi dậy nơi họ ước muốn học hỏi, hiểu, và sống theo phúc âm và cho họ thấy cách làm như vậy.

Chị Virginia H. Pearce, là người đã từng phục vụ với tư cách là đệ nhất cố vấn trong chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nữ, đã nói:

“Mục tiêu của một giảng viên thì nhiều hơn là việc chỉ đưa ra một bài thuyết trình về lẽ thật. Đó là việc mời gọi Thánh Linh và sử dụng những kỹ thuật mà sẽ gia tăng cơ hội cho người học viên có thể khám phá ra lẽ thật [và] được thúc đẩy để áp dụng nó …

“… Hãy tưởng tượng ra hằng trăm ngàn lớp học mỗi Chúa Nhật mà mỗi lớp học với một giảng viên hiểu rằng ‘việc học hỏi cần phải do học viên thực hiện. Do đó chính người học viên phải bắt tay hành động. Khi một giảng viên trở thành trọng tâm nổi bật, chỉ là người độc nhất nói, và ngoài ra còn đảm nhiệm tất cả sự sinh hoạt, thì hầu như chắc chắn rằng người ấy đã làm gián đoạn sự học hỏi của các học viên’ [Asahel D. Woodruff, Teaching the Gospel (1962), 37].

“Một giảng viên tài giỏi không nghĩ rằng: ‘Tôi phải làm gì trong lớp học ngày nay?’ mà sẽ hỏi: ‘Các học viên của tôi sẽ làm gì trong lớp ngày hôm nay?’; chứ không phải là: ‘Tôi sẽ giảng dạy điều gì ngày hôm nay?’ mà thay vì thế: ‘Làm thế nào tôi giúp cho các học viên của mình khám phá ra điều mà họ cần biết?’ [Teaching the Gospel: A Handbook for CES Teachers and Leaders (1994), 13]. Người giảng viên tài giỏi không muốn các học viên rời lớp học và nói rằng người giảng viên thì tuyệt diệu và đặc sắc biết bao. Người giảng viên này muốn các học viên khi rời lớp học sẽ nói rằng phúc âm thì tuyệt diệu biết bao!” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1996, 13–14; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 12).

Những người giảng viên mà hiểu trách nhiệm thật sự của mình thì tôn trọng quyền tự quyết của mỗi người mà họ giảng dạy. Họ vui mừng khi những người mà họ giảng dạy tự học thánh thư, và góp phần sâu sắc vào những cuộc thảo luận. Các giảng viên thành công nhất khi các học viên siêng năng học và tăng trưởng trong phúc âm và nhận được sức mạnh từ Thượng Đế.

Các giảng viên xuất sắc thì không chiếm lấy công học hỏi và tăng trưởng của những người mà họ giảng dạy. Giống như những người làm vườn mà trồng trọt và chăm sóc mùa màng, họ cố gắng tạo ra những điều kiện học hỏi tốt nhất. Rồi họ cảm tạ Thượng Đế khi họthấy sự tiến triển của những người mà họ giảng dạy. Phao Lô đã viết: “Người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (1 Cô Rinh Tô 3:7).

Khuyến Khích Sự Tự Lực trong Việc Học Hỏi Phúc Âm

Những đề nghị sau đây có thể giúp các anh chị em khuyến khích những người khác nhận trách nhiệm để học hỏi phúc âm:

  • Duy trì lòng nhiệt tình của các anh chị em để học thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Lòng nhiệt tình của các anh chị em có thể soi dẫn những người mà các anh chị em giảng dạy để tuân theo tấm gương của các anh chị em.

  • Khi các anh chị em giảng dạy, hãy luôn luôn hướng sự chú ý đến thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Điều này sẽ giúp các tín hữu đánh giá cao lời của Thượng Đế là có ý nghĩa dồi dào như thế nào.

  • Đặt ra những câu hỏi mà đòi hỏi các học viên tìm ra những câu trả lời trong thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Mặc dù đôi khi là điều đúng để hỏi các học viên họ nghĩ gì về một số đề tài, nhưng thường thường, một ý kiến hay hơn là hỏi họ về điều mà thánh thư và các vị tiên tri ngày sau giảng dạy.

  • Đưa ra những sự chỉ định mà đòi hỏi việc học thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Hãy cân nhắc việc kết thúc một bài học bằng cách đặt ra một câu hỏi hoặc đưa ra một sự chỉ định mà đòi hỏi những người có mặt phải tra cứu thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Ngay cả các trẻ nhỏ cũng có thể nhận được sự chỉ định này. Ví dụ, sau một bài học về sự cầu nguyện, các anh chị em có thể yêu cầu các em đọc với cha mẹ các em một câu chuyện trong thánh thư hoặc một bài nói chuyện đại hội trung ương về sự cầu nguyện.

  • Giúp các học viên hiểu rằng những người trong thánh thư là có thật đã trải qua những thử thách và niềm vui trong nỗ lực của họ để phục vụ Chúa. Thánh thư có ý nghĩa nhiều hơn khi chúng ta nhớ rằng các vị tiên tri và những người khác trong thánh thư đã trải qua nhiều điều giống như chúng ta đang trải qua.

  • Cho các học viên thấy cách tìm ra sự giải đáp cho những thử thách của cuộc sống trong thánh thư và trong những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Ví dụ, các anh chị em có thể giúp họ sử dụng bảng chú dẫn trong các số báo đại hội của tạp chí Giáo Hội để tìm kiếm lời khuyên dạy về các đề tài như sự an ủi, hối cải, tha thứ, mặc khải, hoặc cầu nguyện.

  • Công khai khuyến khích những người mà các anh chị em giảng dạy học thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau. Một số họ chưa hề hiểu trách nhiệm của mình để học hỏi phúc âm. Một số khác thì đã quên. Một vị giám trợ đã nhận xét rằng có một lần ông đã tham dự một buổi họp huấn luyện của Hội Thiếu Nhi nơi mà lời mời học thánh thư mỗi ngày đã được đưa ra. Do kết quả trực tiếp từ kinh nghiệm đó, ông chỉ thiếu có một ngày không học thánh thư trong 13 năm kế tiếp. Ông nói rằng sự học hỏi này đã thay đổi cuộc sống của ông.

  • Hãy chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi là trọng tâm của tất cả mọi điều mà các thánh thư và các vị tiên tri ngày sau giảng dạy. Hãy đặc biệt mạnh dạn chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về Đấng Cứu Rỗi. Khi những người mà các anh chị em giảng dạy nhận ra Đấng Cứu Rỗi trong thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau, thì nỗi khát khao học hỏi của họ sẽ gia tăng và chứng ngôn của họ sẽ được củng cố.