2008
Phải Lấy Đức Tin mà Cầu Xin
Tháng Năm năm 2008


Phải Lấy Đức Tin mà Cầu Xin

Lời cầu nguyện đầy ý nghĩa đòi hỏi sự truyền đạt thiêng liêng và việc làm thánh thiện.

Hình Ảnh
Elder David A. Bednar

Tôi xin mời gọi Đức Thánh Linh phụ giúp chúng ta khi chúng ta xem xét một nguyên tắc mà có thể giúp cho những lời cầu nguyện của chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn—nguyên tắc phúc âm phải lấy đức tin mà cầu xin.

Tôi muốn xem lại ba ví dụ của việc lấy đức tin mà cầu xin trong lời cầu nguyện đầy ý nghĩa và thảo luận các bài học mà chúng ta có thể học được từ mỗi ví dụ đó. Khi chúng ta nói về sự cầu nguyện, tôi xin nhấn mạnh từ có ý nghĩa. Việc chỉ dâng lên một lời cầu nguyện thì khá khác biệt với việc dâng lên một lời cầu nguyện có ý nghĩa. Tôi mong rằng tất cả chúng ta đều biết rằng việc cầu nguyện là thiết yếu cho sự phát triển và bảo vệ phần thuộc linh của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta biết thì không luôn luôn phản ảnh ở điều chúng ta làm. Và mặc dù chúng ta nhận biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện nhưng tất cả chúng ta đều có thể cải tiến sự kiên định và hiệu quả của những lời cầu nguyện riêng cá nhân và chung với gia đình của chúng ta.

Lấy Đức Tin mà Cầu Xin và Hành Động

Ví dụ cổ điển của việc lấy đức tin mà cầu xin là Joseph Smith và Khải Tượng Thứ Nhất. Khi thiếu niên Joseph đang tìm cách để biết sự thật về tôn giáo thì ông đọc những câu sau đây trong chương thứ nhất sách Gia Cơ:

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.

“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ” (Gia Cơ 1:5–6).

Xin hãy lưu ý đến sự cần thiết phải lấy đức tin mà cầu xin mà tôi hiểu có nghĩa là không những cần phải nói mà còn phải làm nữa, hai bổn phận phải cầu xin lẫn thi hành, cần phải truyền đạt và hành động.

Việc suy ngẫm câu Kinh Thánh này đã đưa Joseph đến việc đi vào khu rừng vắng vẻ gần nhà mình để cầu nguyện và tìm kiếm sự hiểu biết thuộc linh. Hãy lưu ý đến những câu hỏi mà đã dẫn Joseph đến lối suy nghĩ và cầu khẩn.

“Ở giữa trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm này, tôi thường tự hỏi: Bây giờ mình phải làm gì đây? Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được? …

“Mục đích của tôi là đi cầu vấn Chúa để được biết giáo phái nào trong số tất cả các giáo phái là đúng, ngõ hầu tôi có thể biết giáo phái nào để gia nhập” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:10, 18).

Những câu hỏi của Joseph không những tập trung vào điều cần phải biết mà còn vào điều ông cần phải làm! Lời cầu nguyện của ông không phải chỉ là: “Giáo hội nào đúng? Mà câu hỏi của ông là: Giáo hội nào tôi cần phải gia nhập?” Joseph đi vào rừng để lấy đức tin mà cầu xin, và ông đã quyết định để hành động theo.

Đức tin chân chính tập trung nơi Chúa Giê Su Ky Tô và luôn luôn dẫn đến hành động ngay chính. Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng “đức tin [là] nguyên tắc đầu tiên trong tôn giáo được mặc khải, và nền tảng của mọi sự ngay chính” và đó cũng là “nguyên tắc hành động trong tất cả các tri thể” (Lectures On Faith, [1985], 1). Chỉ hành động không thôi thì không phải là đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, mà hành động theo các nguyên tắc đúng mới là thành phần chính của đức tin. Do đó, “đức tin không có việc làm là vô ích chăng?” (Gia Cơ 2:20).

Tiên Tri Joseph về sau đã giải thích rằng “đức tin không những là nguyên tắc hành động mà còn là nguyên tắc quyền năng, trong tất cả các tri thể, cho dù trên thiên thượng hoặc trên thế gian” (Lectures On Faith, 3). Do đó, đức tin nơi Đấng Ky Tô đưa đến hành động ngay chính mà gia tăng khả năng và quyền năng thuộc linh. Sự hiểu biết rằng đức tin là một nguyên tắc hành động và quyền năng soi dẫn chúng ta để sử dụng tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta đúng theo với lẽ thật phúc âm, mời gọi các quyền năng cứu chuộc và củng cố của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của chúng ta, và nới rộng quyền năng bên trong chúng ta mà qua đó chúng ta tự quản lý chính mình (xin xem GLGƯ 58:28).

Từ lâu tôi đã có ấn tượng với sự thật rằng lời cầu nguyện đầy ý nghĩa đòi hỏi sự truyền đạt thiêng liêng và việc làm thánh thiện. Các phước lành đòi hỏi một nỗ lực nào đó về phần chúng ta trước khi chúng ta có thể đạt được các phước lành đó, và sự cầu nguyện, với tính cách là “một hình thức của việc làm, … là một phương tiện đã được quy định để đạt được tất cả các phước lành cao quý nhất” (Bible Dictionary, “Prayer,” 753). Chúng ta tiến tới và kiên trì trong công việc cầu nguyện đã được thánh hóa sau khi chúng ta nói “A Men” bằng cách hành động theo những điều mà chúng ta đã bày tỏ lên Cha Thiên Thượng.

Việc lấy đức tin mà cầu xin đòi hỏi sự lương thiện, nỗ lực, sự cam kết, và kiên trì. Tôi xin đan cử một minh họa về điều tôi muốn nói và đưa ra một lời mời cho các anh chị em.

Chúng ta hết lòng cầu nguyện cho sự an toàn và sự thành công của những người truyền giáo toàn thời gian trên khắp thế giới. Và một yếu tố chung trong nhiều lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu xin cho những người truyền giáo sẽ được đưa dẫn đến những cá nhân và gia đình là những người đã sẵn sàng để nhận được sứ điệp về Sự Phục Hồi. Nhưng cuối cùng trách nhiệm của tôi và của các anh chị em là tìm ra những người cho những người truyền giáo giảng dạy. Những người truyền giáo là các giảng viên toàn thời gian; các anh chị em và tôi là những người đi tìm toàn thời gian. Và các anh chị em và tôi với tư cách là những người truyền giáo suốt đời không nên cầu nguyện để cho những người truyền giáo toàn thời gian làm công việc của chúng ta!

Nếu các anh chị em và tôi thật sự cầu nguyện và lấy đức tin mà cầu xin, giống như Joseph Smith đã làm—nếu chúng ta chịu cầu nguyện với kỳ vọng để hành động chứ không phải chỉ là bày tỏ ước muốn—thì công việc rao giảng phúc âm sẽ tiến triển một cách khác thường. Một lời cầu nguyện với đức tin như vậy có thể gồm có một số yếu tố sau đây:

  • Cám ơn Cha Thiên Thượng về các giáo lý và các giáo lễ của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mà mang đến hy vọng và hạnh phúc vào cuộc sống của chúng ta.

  • Cầu xin có được sự can đảm và mạnh dạn để mở miệng ra và chia sẻ phúc âm với gia đình và bạn bè của chúng ta.

  • Khẩn nài Cha Thiên Thượng giúp đỡ chúng ta nhận ra những cá nhân và gia đình là những người sẽ lĩnh hội lời mời của chúng ta để được những người truyền giáo giảng dạy trong nhà của chúng ta.

  • Cam kết làm phần vụ của mình trong ngày này và tuần này—và thỉnh cầu sự giúp đỡ để vượt qua mối lo âu, nỗi sợ hãi và sự ngần ngại.

  • Tìm kiếm ân tứ phân biệt—có mắt để thấy và tai để nghe các cơ hội truyền giáo khi chúng xảy đến.

  • Nhiệt thành cầu nguyện để có sức mạnh hành động khi chúng ta biết là chúng ta cần phải làm như vậy.

Lòng biết ơn sẽ được bày tỏ, và các phước lành khác có thể được thỉnh cầu trong một lời cầu nguyện như vậy, mà sẽ kết thúc trong danh của Đấng Cứu Rỗi. Và rồi công việc cầu nguyện đã được thánh hóa đó sẽ tiếp tục và gia tăng.

Cùng một mẫu mực truyền đạt thiêng liêng và công việc đã được thánh hóa này có thể được áp dụng trong những lời cầu nguyện của chúng ta cho những người nghèo túng, bệnh tật và đau khổ, cho những người trong gia đình và bạn bè là những người đang gặp khó khăn, và cho những người không đi tham dự các buổi họp Giáo Hội.

Tôi làm chứng rằng lời cầu nguyện trở nên có ý nghĩa khi chúng ta lấy đức tin mà cầu xin và hành động theo. Tôi xin mời tất cả chúng ta nên cầu nguyện với đức tin về lệnh truyền của Thượng Đế ban cho chúng ta là phải rao giảng phúc âm. Khi chúng ta làm như vậy, tôi hứa rằng các cơ hội để thuyết giảng phúc âm sẽ đến, và chúng ta sẽ được ban phước để nhận biết và hành động theo các cơ hội sẽ được ban cho.

Cho Đến Khi Đức Tin của Chúng Ta Đã Được Thử Thách

Ví dụ thứ nhì của tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kiên trì qua thử thách của đức tin chúng ta. Cách đây một vài năm, một gia đình đi đến Châu Âu từ Hoa Kỳ. Ngay sau khi đến địa điểm của họ, đứa con trai 13 tuổi bị bệnh khá nặng. Thoạt đầu, người cha và người mẹ nghĩ rằng đứa con đau bụng vì sự mệt mỏi từ chuyến bay dài, và gia đình đó vẫn tiếp tục cuộc hành trình.

Ngày qua ngày, tình trạng của đứa con trở nên tồi tệ. Sự mất nước trong cơ thể của nó gia tăng. Người cha ban cho đứa con một phước lành chức tư tế, nhưng không có khả quan hiển nhiên.

Vài giờ trôi qua, và người mẹ quỳ xuống bên đứa con trai và khẩn nài trong lời cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng cho sức khỏe của đứa bé. Họ ở xa nhà trong một quốc gia xa lạ và không biết cách kiếm ra sự phụ giúp y khoa.

Người mẹ hỏi đứa con có muốn cầu nguyện với bà không. Bà biết rằng việc chỉ chờ đợi phước lành được kỳ vọng sẽ xảy ra thì không đủ; họ cần phải tiếp tục hành động. Trong khi giải thích rằng phước lành mà đứa con đã nhận được vẫn còn hiệu lực, bà đã đề nghị một lần nữa sự khẩn nài trong lời cầu nguyện, như Các Sứ Đồ thời xưa đã làm: “Xin thêm đức tin cho chúng tôi” (Lu Ca 17:5). Lời cầu nguyện gồm có sự tuyên bố tin cậy nơi quyền năng chức tư tế và sự cam kết để kiên nhẫn làm bất cứ điều gì có thể cần thiết cho phước lành sẽ được thực hiện—nếu phước lành đó vào lúc ấy đúng theo ý muốn của Thượng Đế. Ngay sau khi họ dâng lên lời cầu nguyện giản dị này, thì tình trạng của đứa con được khả quan.

Hành động trung tín của người mẹ này và đứa con của bà đã giúp mời gọi quyền năng chức tư tế đã được hứa và làm thỏa mãn phần nào điều kiện mà chúng ta “chớ nên tranh biện vì lẽ mình không trông thấy được; vậy thì [chúng ta] không thể nhận được bằng chứng cho đến khi đức tin của [chúng ta] đã được thử thách” (Ê The 12:6). Cũng giống như ngục thất đang giam giữ An Ma và A Mu Léc đã không sụp đổ xuống đất “[cho đến] khi họ đã có đức tin,” và cũng giống như Am Môn và các anh em truyền giáo của ông đã không chứng kiến được các phép lạ nhiệm mầu trong giáo vụ của họ “[cho đến] khi họ đã có đức tin,” (xin xem Ê The 12:12-15), vậy nên việc chữa lành đứa bé trai 13 tuổi này chỉ đến “sau khi họ đã có đức tin” và đã được hoàn tất “theo như đức tin của họ trong lời cầu nguyện” (GLGƯ 10:47).

Xin Ý Cha Được Nên, chớ Không Theo Ý Tôi

Ví dụ thứ ba của tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhận biết và chấp nhận ý muốn của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta. Cách đây vài năm, có một người cha trẻ rất tích cực trong Giáo Hội khi còn nhỏ nhưng đã chọn một lối đi khác trong thời thanh thiếu niên của mình. Sau khi phục vụ trong quân ngũ, người ấy đã kết hôn với một cô gái yêu kiều, và chẳng bao lâu con cái đã được sinh ra trong gia đình đó.

Vào một ngày nọ, không hề được báo trước, đứa con gái nhỏ bốn tuổi của họ bị bệnh trầm trọng và phải vào nằm bệnh viện. Trong nỗi tuyệt vọng và lần đầu tiên trong nhiều năm, người cha đã quỳ xuống cầu nguyện, cầu xin rằng mạng sống của đứa con gái của mình sẽ được bảo tồn. Tuy nhiên, tình trạng của đứa bé trở nên tồi tệ. Dần dần, người cha này cảm giác rằng đứa con gái nhỏ của mình sẽ không sống được nữa, và từ từ những lời cầu nguyện của người này thay đổi; người ấy không còn cầu nguyện để có được sự chữa lành mà thay vì thế để có sự hiểu biết. “Xin ý Cha được nên” hiện là lời cầu khẩn của người ấy.

Chẳng mấy chốc con gái của người ấy bị hôn mê, và người cha biết rằng đứa con sẽ qua đời trong vài giờ nữa. Được củng cố với sự hiểu biết, sự tin cậy và quyền năng vượt quá khả năng của mình, hai cha mẹ trẻ tuổi đã cầu nguyện lần nữa, cầu xin có được cơ hội để ôm chặt đứa con một lần nữa trong khi đứa con còn tỉnh. Đôi mắt của đứa con mở ra, và đôi cánh tay yếu ớt của nó giang đến cha mẹ nó cho một cái ôm cuối cùng. Và rồi đứa bé qua đời. Người cha biết rằng những lời cầu nguyện của họ đã được đáp ứng—Cha Thiên Thượng nhân từ, đầy lòng trắc ẩn đã an ủi tấm lòng của họ. Ý muốn của Thượng Đế đã được hoàn tất—và họ đã nhận được sự hiểu biết. (Phỏng theo H. Burke Peterson, “Adversity and Prayer,” Ensign, tháng Giêng năm 1974, 18.)

Việc phân biệt và chấp nhận ý muốn của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta là những yếu tố cơ bản của việc lấy đức tin mà cầu xin trong lời cầu nguyện đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, chỉ nói “ý Cha được nên,” thôi thì không đủ. Mỗi người chúng ta cần có sự giúp đỡ của Thượng Đế trong việc dâng ý muốn của mình lên Ngài.

“Sự cầu nguyện là hành động mà qua đó ý muốn của Đức Chúa Cha và ý muốn của đứa con được hòa nhập với nhau” (Bible Dictionary, “Prayer,” 752-753). Lời cầu nguyện khiêm nhường, khẩn thiết và kiên trì làm cho chúng ta có thể nhận ra và tuân theo ý muốn của Cha Thiên Thượng. Và trong điều này, Đấng Cứu Rỗi đã ban cho một tấm gương toàn hảo khi Ngài cầu nguyện trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, “cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi… . Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết” (Lu Ca 22:42, 44).

Mục tiêu của những lời cầu nguyện của chúng ta không phải là trình lên một bản liệt kê về những nguyện vọng hoặc một loạt những điều đòi hỏi—mà là bảo đảm cho mình và cho những người khác các phước lành mà Thượng Đế đang thiết tha muốn ban cho, đúng theo ý muốn và kỳ định của Ngài. Mỗi lời cầu nguyện chân thành đã được Cha Thiên Thượng nghe thấy và đáp ứng, nhưng những câu trả lời mà chúng ta nhận được có thể không phải là điều mà chúng ta kiên nhẫn trông mong hoặc đến với chúng ta khi chúng ta muốn hay theo cách mà chúng ta đoán trước. Lẽ thật này rất hiển nhiên trong ba ví dụ mà tôi đã trình bày ngày hôm nay.

Sự cầu nguyện là một đặc ân và ước muốn chân thành của tâm hồn. Chúng ta có thể dâng lên những lời cầu nguyện đầy ý nghĩa thay vì những lời cầu nguyện thông thường chứa đựng những câu nói cũ rích thiếu suy nghĩ hoặc nỗ lực thật sự và dâng lên lời cầu nguyện có ý nghĩa khi chúng ta lấy đức tin mà cầu xin và hành động một cách thích đáng, khi chúng ta kiên trì qua thử thách của đức tin của mình, và khi chúng ta khiêm nhường nhìn nhận và chấp nhận câu “dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”

Tôi làm chứng về sự xác thực và thiên tính của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, của Con Trai Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và của Đức Thánh Linh. Tôi làm chứng rằng Đức Chúa Cha có nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu xin cho mỗi người chúng ta cố gắng với quyết tâm lớn lao hơn để lấy đức tin mà cầu xin và do đó làm cho những lời cầu nguyện của chúng ta có ý nghĩa thật sự. Tôi cầu nguyện như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.