2008
Một Người ở giữa Đám Đông
Tháng Năm năm 2008


Một Người ở giữa Đám Đông

Chúng ta hãy lặng lẽ và quyết tâm tiến đến Đấng Cứu Rỗi, có đức tin rằng Ngài quan tâm đến chúng ta và có quyền năng để chữa lành và giải cứu chúng ta.

Hình Ảnh
Elder Dennis B. Neuenschwander

Trong sách Lu Ca, chúng ta đọc về một người đàn bà bị bệnh mất huyết trong 12 năm dài. Người ấy tốn hết tiền của cho việc chữa trị y khoa nhưng vẫn không tìm ra được sự chữa lành. Trong đám đông dân chúng, người đàn bà ấy đã tiến đến gần Đấng Cứu Rỗi từ đằng sau và rờ trôn áo của Ngài. Chúa Giê Su muốn biết ai đã rờ vào Ngài vì Ngài cảm thấy quyền năng đó xuất ra khỏi Ngài. Các Sứ Đồ không thể hiểu câu hỏi và hỏi: “Thưa Thầy, đoàn dân vây lấy và ép Thầy. Đức Chúa Giê Su phán rằng: Có người đã rờ đến ta”1 Rồi người đàn bà run sợ thú nhận rằng mình đã tiến đến gần Ngài và đã được lành bệnh ngay. Đấng Cứu Rỗi bảo người ấy đi cho bình an và nói rằng đức tin của người ấy đã chữa lành người ấy.

Có rất nhiều điều cần phải học hỏi và suy ngẫm trong câu chuyện ngắn đầy thú vị này.

Tôi có thể hình dung ra đám đông đó. Chắc hẳn phải có khá đông người, khi người ta lấn ép Chúa Giê Su. Có thể còn là một đám đông ồn ào, khi người ta xô đẩy để cố gắng được nhìn thấy Ngài rõ hơn. Tôi tự hỏi tại sao họ ở đó. Tôi nghĩ rằng đa số họ đến vì tò mò. Bất cứ nơi nào Ngài đi thì tin Ngài đến và các câu chuyện về các phép lạ của Ngài đi trước Ngài. Có lẽ họ trông mong thấy được một điều gì khác thường, một sự kiện không được bỏ lỡ. Mặc dù không được đề cập đến, nhưng có lẽ cũng có những người Pha Ri Si trong đám đông đó, là những người luôn luôn dường như ở bên cạnh để rình mò cơ hội nhằm gài bẫy, gây khó khăn hoặc tìm một điều gì đó mà họ có thể lên án Chúa Giê Su. Có thể cũng có một số người đến để nhạo báng chăng?

Ở giữa đám đông đó có một người đàn bà. Tôi thấy một người đàn bà khiêm nhường, có lẽ còn là một người đàn bà nhút nhát, lặng lẽ tiến đến gần Đấng Cứu Rỗi từ đằng sau và rồi với sự ngượng ngịu thú nhận rằng người ấy đã rờ vào trôn áo của Ngài. Người ấy là một người đàn bà đã tuyệt vọng và nghèo khổ vì những khó khăn của mình. Người ấy hết lòng cần được giúp đỡ. Bề ngoài thì không có gì khác biệt giữa người ấy với bất cứ người nào khác trong đám đông. Không một ai cố gắng ngăn cản người ấy không cho đi về hướng của Chúa Giê Su. Dĩ nhiên, các Sứ Đồ không để ý đến người ấy cũng như không cố gắng ngăn cản người ấy. Nhưng có một điều gì đã làm cho người ấy khác biệt với đám đông vào ngày đó. Mặc dù chen chúc giữa đám đông, nhưng người ấy đã quyết tâm và lặng lẽ tiến buớc với một mục đích duy nhất trong tâm trí: đến với Đấng Cứu Rỗi, có đức tin rằng Ngài có quyền năng để chữa lành người ấy, rằng Ngài quan tâm đến người ấy và sẽ đáp ứng nhu cầu của người ấy. Chỉ trong việc này thôi người ấy đã khác biệt với đám đông. Đám đông đến để nhìn, nhưng người đàn bà đến để được chữa lành.

Cũng có những câu chuyện thú vị khác trong thánh thư của một người trung tín ở giữa đám đông. An Ma đang ở giữa các thầy tư tế tà ác của Vua Nô Ê. Đây là những người được mô tả là kiêu ngạo trong lòng, lười biếng và thờ thần tượng, là những người nói dối và những lời vô bổ cùng dân chúng.2 Họ đã đi lạc khỏi những đường lối của Chúa, vì họ đã không áp dụng lòng họ cho sự hiểu biết.3 Khi A Bi Na Đi đưa ra sứ điệp của ông về sự hối cải, họ đã nhạo báng ông và cuối cùng giết chết ông. Đây quả thật là một đám đông tà ác. Tuy nhiên, như thánh thư đã chỉ rõ: “nhưng trong số của bọn chúng có một người,”4 đã tin. An Ma một mình chấp nhận và tin vào điều mà A Bi Na Đi đã dạy. Với lòng can đảm, ông đã xa rời đám đông để tuân theo Chúa. Ảnh hưởng của một người như thế ở giữa đám đông đối với lộ trình lịch sử của dân Nê Phi thì không thể đo lường được.

Một trong những đám đông nổi tiếng nhất trong Sách Mặc Môn là đám đông ở trong tòa nhà to lớn và rộng rãi trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống. Tòa nhà đầy nguời, trẻ lẫn già, nam lẫn nữ, là những người đang nhạo báng và chỉ trỏ những người đang ăn trái trên cây.5 Rủi thay, một số người đã nếm trái ấy lại nghe theo đám đông và “đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”6 Tuy nhiên, cũng có những người đã ăn trái cây ấy và không lưu ý đến đám đông.7 Đây là những người vui hưởng các phước lành trọn vẹn của cây sự sống.

Thật ra những câu chuyện này không phải là về đám đông mà về những cá nhân ở giữa đám đông đó. Chúng thật sự chính là về các anh chị em và tôi. Tất cả chúng ta đều sống ở giữa đám đông của thế gian này. Hầu hết tất cả chúng ta đều giống như nguời đàn bà kể trên, mặc cho đám đông, vẫn đến cùng Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta đều có đức tin rằng chỉ một cái rờ thôi thì cũng sẽ mang đến sự chữa lành cho những linh hồn đau khổ và sự cứu giúp những nhu cầu bên trong nội tâm của chúng ta.8 Có các tín hữu mới của Giáo Hội trong nhiều đất nước thường giống như An Ma. Họ nghe những lời nói về cuộc sống khi không một ai trong gia đình họ hay trong vòng bạn bè của họ chịu nghe. Tuy thế họ vẫn có can đảm để chấp nhận phúc âm và vạch ra con đường xuyên qua đám đông. Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta hiểu ý nghĩa của việc ăn trái tuyệt vời của cây sự sống trước mặt những kẻ nhạo báng, và ý nghĩa của việc vận dụng mọi nỗ lực can đảm để không lưu ý đến họ.

Việc vất vả chen lấn trong đám đông của thế gian thì có thể là đơn thân độc mã và khó khăn. Sự lôi kéo và xô đẩy của đám đông đối với người muốn bỏ đi tìm một điều gì tốt lành hơn có thể rất mạnh mẽ và khó khăn để vượt qua.

Ai có thể tìm đến, hỗ trợ và cuối cùng giải cứu một nguời giữa đám đông hữu hiệu hơn Đấng Cứu Rỗi? Ngài hiểu ý nghĩa của việc tồn tại giữa một đám đông hỗn loạn mà vẫn luôn trung tín. Đám đông trên thế gian không nhận ra Ngài và nói rằng “người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ” và rằng “không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.”9 Vua Bên Gia Min nói rằng thế gian “cũng chỉ xem Ngài như một người thường.”10 Ê Sai còn mô tả thêm vị trí của Đấng Ky Tô ở giữa đám đông của thế gian bằng những lời này:

“Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì.

“Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ.”11

Nê Phi viết rằng “thế gian, vì sự bất chính của mình, sẽ xét đoán Ngài như một người hư không.”12

Tuy vậy, cuối cùng, Con Trai Đầu Lòng này của Thượng Đế là Đấng thường bị xét đoán sai và hiểu lầm, sẽ nổi bật lên khỏi vị trí của một người thường giữa đám đông để làm Đấng Được Xức Dầu, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Thế. Sự nổi bật này đã được báo trước một cách khiêm nhường trong lời phán của Đấng Cứu Rỗi cho vài thầy tế lễ cả và trưởng lão rằng “hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà.”13

Thưa các anh chị em, tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta có thể được an toàn khi đi ngang qua các đám đông trên thế gian này. Trong tất cả các hoàn cảnh sống, chúng ta hãy lặng lẽ và quyết tâm tiến đến Đấng Cứu Rỗi, có đức tin rằng Ngài quan tâm đến chúng ta và có quyền năng để chữa lành và giải cứu chúng ta. Chúng ta hãy lưu tâm đến những lời của Ngài về cuộc sống và dự phần một cách trọn vẹn, liên tục và can đảm của trái sinh ra từ những lời đó của Ngài.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 8:45.

  2. Xin xem Mô Si A 11:5–11.

  3. Xin xem Mô Si A 12:25–27.

  4. Mô Si A 17:2.

  5. Xin xem 1 Nê Phi 8:27.

  6. 1 Nê Phi 8:28.

  7. Xin xem 1 Nê Phi 8:33.

  8. Xin xem Lu Ca 4:18.

  9. Ê Sai 53:2.

  10. Mô Si A 3:9.

  11. Ê Sai 53:3–4.

  12. 1 Nê Phi 19:9.

  13. Ma Thi Ơ 21:42.