2008
Hãy Chú Tâm vào Lời Nói của Các Vị Tiên Tri
Tháng Năm năm 2008


Hãy Chú Tâm vào Lời Nói của Các Vị Tiên Tri

Là những người nắm giữ chức tư tế của Giáo Hội, trách nhiệm long trọng của chúng ta là tuân theo vị tiên tri của mình.

Hình Ảnh
Elder Quentin L. Cook

Các anh em chức tư tế thân mến, tôi biết ơn được hiện diện với các anh em tại phiên họp đại hội trung ương này trong ngày lịch sử này.

Chúng ta khâm phục những người đã liều mạng để giải cứu những ai đang lâm vào cảnh hiểm nguy.1 Khi đến thăm Nam California trong trận giông và hỏa hoạn Santa Ana hoành hành vào cuối năm qua, tôi ra về với hai cảm tưởng. Cảm tưởng đầu tiên là cách mà các tín hữu Giáo Hội đã đến để phụ giúp những người đang gặp hoạn nạn. Cảm tưởng thứ nhì là họ đã biết ơn biết bao đối với những người lính cứu hỏa. Một người chủ nhà đã mô tả điều mà người ấy đã thấy những người lính cứu hỏa làm. Người ấy nói rằng những cơn giông Santa Ana đã thổi từ sa mạc nóng hướng đến đại dương. Một khi trận hỏa hoạn bắt đầu, thì những cơn giông nóng của sa mạc mang theo những ngọn lửa với tốc độ đến 97 hay 113 cây số một giờ. Người chủ nhà này đã mô tả lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ của mình khi người ấy nhìn những người lính cứu hỏa đứng với vòi nước của họ ở đằng sau một khu vực đã được phát quang sạch sẽ đối diện một bức tường lửa cao đến 3 mét đang đổ ập xuống họ với tốc độ cực nhanh này. Những người nam và những người nữ gan dạ này đã có thể giải cứu cả người dân lẫn nhà cửa trong khi đang ở trong cảnh nguy hiểm liên tục của riêng mình.

Thỉnh thoảng, với tư cách là các cá nhân và với tư cách là giáo hội, chúng ta trải qua những thời kỳ khủng hoảng và hiểm nguy. Một số điều này xảy đến rất nhanh giống như trận hỏa hoạn. Những điều khác thì khó thấy và hầu như không bị phát hiện trước khi chúng đổ ập xuống chúng ta. Một số điều đòi hỏi hành động quả cảm nhưng hầu hết đều ít ngoạn mục hơn. Cách đối phó của chúng ta là chủ yếu. Mục đích của tôi trong buổi tối hôm nay là tái nhấn mạnh cho những người nắm giữ chức tư tế tầm quan trọng của việc lưu tâm đến những lời của vị tiên tri. Đây là một cách chắc chắn để đối phó với đủ mọi loại hiểm nguy cho thể xác và thuộc linh. Một số ví dụ sau đây có thể hữu ích.

Nhiều người trong các anh em đã tham dự vào những chuyến đi vất vả như vậy để kinh nghiệm và biết ơn sự giải cứu đầy xúc động của đoàn xe kéo tay Willie và Martin. Thoạt tiên tôi trở nên ý thức về sự giải cứu này khi tôi còn niên thiếu. Mẹ tôi cho tôi một quyển sách do Orson F. Whitney viết, về sau là một Sứ Đồ.2 Quyển sách của Anh Cả Whitney giúp cho tôi quen thuộc với nỗ lực quả cảm do Brigham Young hướng dẫn để giải cứu đoàn xe kéo tay. Họ đã gặp cơn bão mùa đông nơi cánh đồng trên cao ở Wyoming. Một số người chết và nhiều người khác suý t chết. Brigham Young biết được cảnh ngộ khốn khổ của họ và tại Đại Hội Trung Ương vào tháng Mười năm 1856 đã chỉ thị cho Các Thánh Hữu tạm ngừng mọi sinh hoạt và đi giải cứu những người đang lâm vào cảnh tuyệt vọng ở trên các cánh đồng.3

Sự đáp ứng đã gây ấn tượng sâu sắc. Anh Cả Whitney thuật lại: “Những người nam quả cảm này qua hành động anh hùng của họ—vì đó là sự liều mạng của họ mà thật sự bất chấp các cơn bão mùa đông trên những cánh đồng—được lưu danh muôn thuở, và chiếm được lòng biết ơn vĩnh viễn của hằng trăm người mà chắc chắn đã được cứu mạng nhờ vào hành động xảy ra đúng lúc của những người đi giải cứu.”4

Một lý do mà mẹ tôi đã cho tôi quyển sách đó là vì Anh Cả Whitney đã đặc biệt đề cập đến ông cố ngoại của tôi, David Patten Kimball, là người đã tham dự vào sự giải cứu khi ông mới 17 tuổi. Tất cả những người đi giải cứu đều chống chọi với cảnh tuyết ngập sâu và thời tiết giá băng trong hầu hết cuộc giải cứu của đoàn xe kéo tay này. Với sự hy sinh cá nhân lớn lao, David và những người bạn của ông đã giúp mang nhiều người tiền phong ngang qua Dòng Sông Sweetwater đóng đầy băng.5 Câu chuyện có thật này đã làm tôi cảm kích rất nhiều. Tôi muốn chứng tỏ lòng tận tụy của mình đối với Chúa qua một hành động gây ấn tượng nào đó. Tuy nhiên, trong một lần đi thăm ông ngoại của tôi, ông đã giải thích rằng khi Chủ Tịch Brigham Young gửi cha ông là David và các thiếu niên khác đi làm sứ mệnh giải cứu, thì Chủ Tịch Brigham Young đã chỉ thị cho họ phải làm mọi điều mà họ có thể làm để giải cứu đoàn xe kéo tay cho dù phải liều mạng của mình.6 Hành động quả cảm này của họ rõ ràng là nhằm ‘tuân theo tiên tri Brigham Young’ và khi làm như vậy, bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ông ngoại tôi nói với tôi rằng sự tận tâm kiên định, trung thành với lời khuyên bảo của một vị tiên tri là bài học thật sự mà tôi cần phải học hỏi từ sự phục vụ của ông cố ngoại của tôi. Cũng như David và những người bạn của ông đã quả cảm để giúp giải cứu những người tiền phong, thì ngày nay việc tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri chúng ta cũng là điều quả cảm.

Một câu chuyện thường được kể lại từ Kinh Cựu Ước minh họa nguyên tắc này. Na A Man, một người lãnh đạo tài ba ở Sy Ri, mắc bệnh phong. Ông biết rằng tiên tri Ê Li Sê ở Y Sơ Ra Ên, có thể chữa lành cho ông. Ê Li Sê nhắn qua một sứ giả rằng Na A Man cần phải đi tắm bảy lần dưới sông Giô Đanh, và ông sẽ được sạch bệnh phong. Thoạt đầu, Na A Man nổi giận trước lời khuyên dạy này. Tuy nhiên, các tôi tớ của ông nói: “Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao?” Rồi Na A Man đã tuân theo lời khuyên dạy của tiên tri Ê Li Sê và ông đã được lành.7

Giống như Na A Man, các em là những người trẻ tuổi nắm giữ chức tư tế đều có thể mong muốn “làm một điều gì đó vĩ đại” hoặc tham dự vào một điều gì gây ấn tượng giống như việc giải cứu đoàn xe kéo tay. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tái xác nhận lời hứa của mình trong việc gia tăng sự xứng đáng của những người trẻ tuổi là những người đã được giới thiệu đi phục vụ truyền giáo. Việc giữ mình khỏi các tội lỗi của thế gian và đáp ứng những tiêu chuẩn cao về sự phục vụ truyền giáo cần phải là một mục tiêu. Việc tự chuẩn bị để nhận một sự kêu gọi từ vị tiên tri nhằm rao giảng phúc âm và giải cứu linh hồn của một số con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng thì sẽ đầy ý nghĩa lẫn quả cảm. Các em có thể đáp ứng thử thách này.

Trong suốt lịch sử, Cha Thiên Thượng nhân từ và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đứng đầu của Giáo Hội, đã ban phước cho chúng ta với các vị tiên tri là những người khuyên dạy và báo trước những hiểm nguy trong tương lai.8 Trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 21, đặc biệt khi nói về vị tiên tri, Chúa đã phán:

“Các ngươi phải chú tâm vào tất cả những lời nói của hắn cùng những giáo lệnh mà hắn sẽ ban cho các ngươi khi hắn tiếp nhận được, khi hắn bước đi trong sự thánh thiện trước mặt ta;

“Vì vậy các ngươi phải tiếp nhận lời nói của hắn với tất cả lòng kiên nhẫn và đức tin, chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng ta.”9

Buổi sáng hôm nay, chúng ta đã có đặc ân lớn lao trong một buổi họp long trọng để tán trợ Chủ Tịch Thomas S. Monson với tư cách là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải và chủ tịch thứ 16 của Giáo Hội trong gian kỳ này. Vào cuối phiên họp chức tư tế này của đại hội, chúng ta sẽ được ban phước để nghe bài nói chuyện đầu tiên của ông tại đại hội trung ương với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội. Chúng ta sẽ tán trợ ông hết lòng và với tất cả các hành động của mình khi chúng ta lưu ý kỹ đến điều mà ông giảng dạy và điều mà chúng ta cảm thấy.

Tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi đối với vị tiên tri trước đây của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, đã được ghi sâu vào lòng tôi và sẽ ở mãi với tôi trong suốt thời vĩnh cửu. Nhưng cũng giống như vẫn còn chỗ trong lòng của chúng ta cho tất cả con cái được sinh ra trong gia đình mình, chúng ta vẫn có cùng tình yêu mến và tận tâm đối với mỗi vị tiên tri mà Chúa kêu gọi để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài.

Các vị tiên tri được soi dẫn để báo trước cho chúng ta biết về những điều ưu tiên nhằm bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy. Ví dụ như Chủ Tịch Heber J. Grant, vị tiên tri từ năm 1918 đến năm 1945, đã được soi dẫn để nhấn mạnh sự tôn trọng triệt để Lời Thông Sáng,10 nguyên tắc kèm theo lời hứa đã được Chúa mặc khải cho Tiên Tri Joseph.11 Ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc không hút thuốc hoặc uống rượu và chỉ dẫn các vị giám trợ phải xem lại các nguyên tắc này trong những cuộc phỏng vấn để giới thiệu đi đền thờ.

Vào lúc đó, việc hút thuốc được xã hội chấp nhận như là một hành vi thích đáng, ngay cả quyến rũ. Giới y khoa chấp nhận việc hút thuốc với một chút lo lắng vì những cuộc nghiên cứu khoa học liên kết việc hút thuốc với vài bệnh ung thư chưa được nghiên cứu sâu cho đến về sau. Chủ Tịch Grant đã khuyên dạy một cách mạnh mẽ, và chúng ta được biết là một dân tộc tránh uống rượu và hút thuốc.

Từ cuối thập niên 1960, việc sử dụng ma túy bất hợp pháp đã lan tràn khắp thế giới. Mặc dù có một số tín hữu chống đối, nhưng phần đông giới trẻ Thánh Hữu Ngày Sau đã có thể tránh được việc sử dụng đầy nguy hại của ma túy.

Việc tuân theo Lời Thông Sáng đã mang đến cho các tín hữu của chúng ta, nhất là giới trẻ của chúng ta, một sự ngăn ngừa chống lại việc sử dụng ma túy và những vấn đề sức khỏe vì việc sử dụng ma túy mà ra và mối nguy hiểm về mặt đạo đức. Rủi thay, dường như có việc tái sử dụng ma túy trong thời đại chúng ta. Việc sống theo Lời Thông Sáng ngày nay sẽ giải thoát các em ra khỏi những điều hiểm nguy nghiêm trọng nhất mà các em có thể đối phó trong cuộc sống này.

Đôi khi các vị tiên tri giảng dạy chúng ta về những ưu tiên mà các vị tiên tri đưa ra và sẽ cung ứng sự bảo vệ cho chúng ta bây giờ và trong tương lai. Ví dụ như Chủ Tịch David O. McKay là vị tiên tri từ năm 1951 đến năm 1970. Một phạm vi tập trung đầy ý nghĩa là sự nhấn mạnh của ông về gia đình. Ông đã dạy rằng không có một sự thành công nào khác có thể đền bù cho sự thất bại trong nhà.12 Ông khuyến khích các tín hữu phải củng cố gia đình bằng cách gia tăng việc tuân thủ tín ngưỡng. Những lời giảng dạy của ông là một sự bảo vệ từ sự tan vỡ của thể chế hôn nhân mà đã xảy ra sau khi ông qua đời.13 Nhờ vào lời giảng dạy của Chủ Tịch McKay, Các Thánh Hữu Ngày Sau đã củng cố sự cam kết của họ với gia đình và hôn nhân vĩnh cửu.

Là những người nắm giữ chức tư tế của Giáo Hội, trách nhiệm long trọng của chúng ta là tuân theo vị tiên tri của mình. Chúng ta tán trợ Chủ Tịch Monson và hai cố vấn của ông, Chủ Tịch Eyring và Chủ Tịch Uchtdorf.

Chúng tôi muốn các em trẻ tuổi biết rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson đã được Chúa chuẩn bị từ thời niên thiếu của ông để làm vị tiên tri.14 Sau khi phục vụ trong hải quân vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã được sắc phong với tư cách là giám trợ vào lúc 22 tuổi và rồi phục vụ trong chủ tịch đoàn giáo khu. Vào lúc 32 tuổi, ông đã phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Canada với người yêu và cũng là người bạn đời của ông là Frances Monson. Ông được Chủ Tịch McKay kêu gọi làm Sứ Đồ khi ông chỉ mới 36 tuổi. Ông là người trẻ nhất được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ trong 98 năm qua và đã phục vụ trong 44 năm. Hai mươi hai năm vừa qua ông đã phục vụ với tư cách là cố vấn cho Các Chủ Tịch Ezra Taft Benson, Howard W. Hunter, và Gordon B. Hinckley.15

Tiết 81 của sách Giáo Lý và Giao Ước đã đưa ra những lời chỉ dẫn cho một cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Nó chứa đựng các nguyên tắc quan trọng của chức tư tế. Lời chỉ dẫn đầu tiên là phải “trung thành trong việc cố vấn.” Chủ Tịch Monson đã trung thành trong việc cố vấn cho mỗi vị trong số ba vị tiên tri mà ông đã phục vụ dưới quyền của ba vị ấy. Tình đoàn kết của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong tất cả các quyết định quan trọng của họ đã là một tấm gương cho tất cả chúng ta với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế trong việc điều hành Giáo Hội.

Lời chỉ dẫn thứ nhì là “rao giảng phúc âm.” Chủ Tịch Monson từng là một người truyền giáo lỗi lạc trong suốt đời ông. Nỗ lực truyền giáo của cá nhân ông, công việc trông coi Sở Truyền Giáo, và sự kêu gọi cùng huấn luyện các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đã được đảm trách với lòng nhiệt tình. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho sách hướng dẫn mới dành cho người truyền giáo, Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Ngoài những đóng góp về nội dung có giá trị, ông còn soi dẫn việc bao gồm những câu chuyện có thật để làm cho sự hướng dẫn được thú vị hơn. Với con mắt lành nghề ấn loát, ông đã cải tiến đồ họa và cách bố trí. Ông quả thật là một người truyền giáo lỗi lạc.

Lời chỉ dẫn thứ ba đọc rằng: “Vậy nên, hãy trung thành; hãy đứng vững trong chức vụ mà ta đã chỉ định cho ngươi; hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”16 Nhiều anh chị em của chúng ta gặp phải những vấn đề nguy hại trong cuộc sống của họ. Chính việc chúng ta là những người lãnh đạo chức tư tế, cha mẹ, bạn bè và các thầy giảng tại gia tìm đến họ trong một cách thức giống như Đấng Ky Tô làm cho chúng ta có thể giống như những người đi giải cứu đoàn xe kéo tay.

Các nỗ lực giải cứu của Chủ Tịch Monson về phương diện này là một mẫu mực đặc biệt. Với tư cách là giám trợ, ông đã học cách phục sự các tín hữu của tiểu giáo khu của ông. Ông đã giữ liên lạc và phục vụ con cái của họ. Bất kể lịch làm việc đầy bận rộn đến mấy, ông cũng có thể nói chuyện tại tang lễ của tất cả 84 góa phụ đã từng sống trong tiểu giáo khu của ông khi ông làm giám trợ.

Ông đã đích thân tìm đến những người gặp hoạn nạn trong một cách thức phi thường. Những năm dài trông coi các nỗ lực nhân đạo của ông đã ban phước cho những người ở khắp nơi trên khắp thế giới, cả các tín hữu lẫn những người không cùng tôn giáo với chúng ta. Giáo vụ giống như Đấng Ky Tô của ông đã mang đến sự an ủi và sự bình an cho vô số người. Một người bạn của tôi mất một đứa cháu nội trong một tai nạn thảm khốc đã nói với tôi rằng nỗi buồn của ông hầu như không thể nào thấu hiểu được. Sự giúp đỡ ông của Chủ Tịch Monson đã hầu như thay đổi từ nỗi buồn hầu như quá mãnh liệt đến sự bình an vượt qua mọi sự hiểu biết phàm tục. Nỗ lực của ông để đích thân phục sự những người đau ốm và khổ sở thì rất phi thường.

Chủ Tịch Monson đã cố gắng hết sức mình để “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.” Ông đã làm vinh hiển sự kêu gọi của ông với tư cách là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong một cách phi thường. Ông đã dũng cảm làm chứng cho tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới, mà điều này là trách nhiệm chính yếu của tất cả Các Sứ Đồ.

Lúc ấy với tư cách là thành viên ít thâm niên hơn của Nhóm Túc Số Mười Hai, lần đầu tiên được tham dự vào việc tái tổ chức Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong căn phòng trên lầu của Đền Thờ Salt Lake vào tháng Hai vừa qua, tôi đã kinh nghiệm được sự xác nhận của Thánh Linh khi Nhóm Túc Số Mười Hai đã riêng từng cá nhân lẫn đồng lòng tán trợ Chủ Tịch Monson với tư cách là vị tiên tri của Chúa và Chủ Tịch của Giáo Hội.

Tôi biết ơn Cha Thiên Thượng, là Đấng yêu thương chúng ta, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và, qua Sự Chuộc Tội, là Đấng giải cứu tối thượng của chúng ta khỏi những hiểm nguy vật chất và thuộc linh của cuộc sống. Ngài là Đấng biện hộ của chúng ta với Đức Chúa Cha. Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giăng 15:13.

  2. Xin xem Orson F. Whitney, Life of Heber C. Kimball, xuất bản lần thứ nhì (1945), 413–14.

  3. Xin xem Gordon B. Hinckley, “ Đức Tin để Dời Núi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 83–84.

  4. Life of Heber C. Kimball, 413.

  5. Xin xem Chad M. Orton, “The Martin Handcart Company at the Sweetwater: Another Look,” BYU Studies, tập 45, số 3 (2006): 5–37.

  6. Xin xem Marva Jeanne Kimball Pedersen, Crozier Kimball: His Life and Work (1995), 6–7.

  7. Xin xem 2 Các Vua 5:1–14.

  8. Xin xem A Mốt 3:7.

  9. GLGƯ 21:4–5.

  10. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant (khóa học của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và Hội Phụ Nữ, 2002), 189–97.

  11. Xin xem GLGƯ 89.

  12. Được trích dẫn từ J. E. McCulloch, Home: The Savior of Civilization (1924), 42; trong Conference Report, tháng Tư năm 1935, 116.

  13. Xin xem Brad Schiller, “The Inequalilty Myth,” Wall Street Journal, ngày 10 tháng Ba năm 2008, A15.

  14. Xin xem các ví dụ sau đây: 1 Sa Mu Ên 2:26; Mặc Môn 1:2; Joseph Smith— Lịch Sử 1:7.

  15. Xin xem Deseret Morning News 2008 Church Almanac (2007), 35.

  16. GLGƯ 81:3–5.