2008
Đức Tin của Tổ Phụ Chúng Ta
Tháng Năm năm 2008


Đức Tin của Tổ Phụ Chúng Ta

Tôn giáo chân chính không phải bắt nguồn từ điều làm cho con người hài lòng hoặc từ những phong tục của các tổ phụ, mà thay vì thế phải từ điều làm cho Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, hài lòng.

Hình Ảnh
President Dieter F. Uchtdorf

Chúng ta được ban phước biết bao bởi phần âm nhạc tuyệt vời của Đại Ca Đoàn Tabernacle.

Các anh chị em và các bạn thân mến, tôi hân hoan cùng với các anh chị em trong ngày hôm nay có được đặc ân để tự gọi mình là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, và được xem là một tín hữu trong số các anh chị em.

Tôi nhớ lại phản ứng đầu tiên của mình khi tôi nhận được sự kêu gọi thiêng liên này từ Chúa để phục vụ với tư cách là thành viên mới nhất của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội này—tôi cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui. Kể từ lúc đó, tôi đã học biết được ý nghĩa mới của các từ sự khiêm nhường, lòng biết ơn,đức tin.

Tôi có thể bảo đảm với các anh chị em rằng không một ai ngạc nhiên trước sự kêu gọi của tôi bằng các con cháu của tôi.

Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không tìm kiếm lẫn từ chối những sự kêu gọi đến từ Thượng Đế qua các vị lãnh đạo chức tư tế đầy soi dẫn. Tôi cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ ban cho tôi sức mạnh và một tấm lòng thấu hiểu để làm vinh hiển sự kêu gọi thiêng liêng này theo đúng như ý muốn và mục đích của Ngài.

Chúng ta đều thấy nhớ Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Ảnh hưởng của ông về công việc vĩ đại này sẽ tiếp tục ban phước cho chúng ta.

Tôi cảm thấy có đặc ân để làm việc gần gũi với Chủ Tịch Monson. Tôi quen biết ông đã nhiều năm. Ông là một người có các ân tứ và tài năng kỳ diệu. Ông là vị tiên tri của Thượng Đế. Đức tin và tấm lòng nhân hậu của ông đã trải rộng khắp các quốc gia, sắc ngữ và dân tộc.

Tôi biết ơn được phục vụ với Chủ Tịch Eyring, là người mà tôi yêu mến và kính trọng với tư cách là một người lãnh đạo và giảng viên cao trọng trong vương quốc của Thượng Đế.

Khi Nhóm Túc Số Mười Hai họp lại trong căn phòng trên lầu của Đền Thờ Salt Lake để tán trợ Chủ Tịch Monson với tư cách là Chủ Tịch thứ 16 của Giáo Hội, tôi đã kinh ngạc trước những khả năng, sự thông sáng, và tính thuộc linh của những người đứng chung quanh tôi. Điều đó làm cho tôi nhận biết rõ ràng hơn về sự không thích đáng của mình. Tôi yêu mến những người có đức tin lớn lao này. Tôi biết ơn cơ hội được giơ tay lên để tán trợ và cam kết sự hỗ trợ của tôi đối với họ. Tôi thật sự yêu mến và tán trợ Anh Cả Christofferson, thành viên mới nhất của Nhóm Túc Số Mười Hai.

Khi Chúa kêu gọi Frederick G. Williams làm cố vấn cho Tiên Tri Joseph Smith, Ngài đã truyền lệnh cho ông phải “trung thành; hãy đứng vững trong chức vụ mà ta đã chỉ định cho ngươi; hãy cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”1 Tôi tin lời khuyên dạy này áp dụng cho tất cả những người chấp nhận sự kêu gọi để phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế—và chắc chắn là áp dụng cho tôi trong giai đoạn này của cuộc sống của tôi.

Một Vị Tiên Tri của Thượng Đế và Vị Chủ Tịch của Chúng Ta

Tôi muốn nói một vài lời về Chủ Tịch Thomas S. Monson. Cách đây vài năm, Chủ Tịch Monson đã đến dự một đại hội giáo phận ở Hamburg, Đức, và tôi đã được vinh dự để tháp tùng với ông. Chủ Tịch Monson có một ký ức phi thường và chúng tôi đã nói chuyện về nhiều Thánh Hữu ở Đức—tôi ngạc nhiên rằng ông còn nhớ rõ rất nhiều người.

Chủ Tịch Monson đã hỏi về Anh Michael Panitsch, một cựu chủ tịch giáo khu và sau đó là tộc trưởng và là một trong những người tiền phong kiên quyết của Giáo Hội ở Đức. Tôi nói với ông rằng Anh Panitsch đang bị bệnh nặng, nằm liệt giường và không thể tham dự các buổi họp của chúng tôi.

Chủ Tịch Monson hỏi xem chúng tôi có thể đi thăm anh ấy được không.

Tôi biết rằng ngay trước khi đi Hamburg, Chủ Tịch Monson đã trải qua một cuộc giải phẫu chân và rằng ông đau rất nhiều khi bước đi. Tôi giải thích rằng Anh Panitsch sống ở tầng năm của một tòa nhà mà không có thang máy. Chúng tôi phải leo lên cầu thang để thăm Anh Panitsch.

Nhưng Chủ Tịch Monson cố nài nỉ, vậy nên chúng tôi cùng đi.

Tôi còn nhớ rằng Chủ Tịch Monson đã khó khăn biết bao để đi lên những bậc thang đó. Ông chỉ có thể đi lên một vài bậc thang một lần mà thôi trước khi cần ngừng lại để nghỉ. Ông không hề thốt lên một lời than vãn nào, và ông cũng không đi xuống lại. Vì tòa nhà đó có trần nhà rất cao nên các bậc thang dường như là bất tận, nhưng Chủ Tịch Monson vẫn hân hoan kiên trì cho đến khi chúng tôi đi đến căn hộ của Anh Panitsch ở tầng thứ năm.

Khi đến nơi, chúng tôi có một cuộc thăm viếng tuyệt diệu. Chủ Tịch Monson đã cám ơn Anh Panitsch về cuộc đời tận tâm phục vụ và cho Anh Panitsch nụ cười khích lệ. Trước khi chúng tôi ra về, ông đã ban cho Anh Panitsch một phước lành chức tư tế tuyệt diệu.

Không một ai ngoài Anh Panitsch, gia đình thân thiết của anh ấy, và tôi thấy được hành động can đảm và trắc ẩn đó.

Đáng lẽ Chủ Tịch Monson đã chọn để được nghỉ ngơi trong thời gian giữa các buổi họp dài và thường xuyên của chúng tôi. Đáng lẽ ông đã yêu cầu được đi xem một số danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của Hamburg. Tôi thường nghĩ rằng tất cả các danh lam thắng cảnh của thành phố này thì đặc biệt biết bao nhưng người mà ông muốn đi thăm hơn bất cứ điều gì khác lại là một tín hữu yếu đuối và bệnh hoạn của Giáo Hội là người đã trung thành và khiêm nhường phục vụ Chúa.

Chủ Tịch Monson đến Hamburg để giảng dạy và ban phước cho những người dân của một quốc gia, và đó là điều mà ông đã làm. Nhưng đồng thời, ông đã chú trọng đến các cá nhân, từng người một. Tầm nhìn xa của ông rất sâu rộng để hiểu được sự phức tạp của một Giáo Hội toàn cầu, thế mà ông cũng có lòng trắc ẩn để chú trọng đến một người.

Khi Sứ Đồ Phi E Rơ nói về Chúa Giê Su, là Đấng đã từng là người bạn và người thầy của ông, ông đã đưa ra lời mô tả giản dị này: “[Ngài] đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”2

Tôi cũng cảm thấy như vậy về lời nói về người mà chúng ta tán trợ ngày hôm nay với tư cách là vị tiên tri của Thượng Đế.

Tôn Giáo của Tổ Phụ Chúng Ta

Tôi kinh ngạc trước những lai lịch gốc tích khác biệt của các tín hữu của Giáo Hội. Các anh chị em đều đến từ—mọi sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh chính trị và truyền thống tôn giáo khác nhau.

Vô số kinh nghiệm sống này đã làm cho tôi ngẫm nghĩ đến sứ điệp của một bài thánh ca của chúng ta, “Tôn Giáo của Tổ Phụ Chúng Ta.” Trong đoạn điệp khúc, những lời này đã được lặp lại: “Tôn Giáo của Tổ Phụ Chúng Ta, Tôn Giáo thiêng liêng, chúng tôi sẽ trung thành với tín ngưỡng cho đến chết !”3

Tôn giáo của tổ phụ chúng ta—Tôi rất thích cụm từ đó.

Đối với nhiều tín hữu của Giáo Hội, những lời này gợi đến ý nghĩ họ những người tiền phong dũng cảm đã từ bỏ tiện nghi nhà cửa của họ và đi bằng xe bò, xe ngựa và đường bộ cho đến khi họ đến thung lũng Great Salt Lake. Tôi yêu mến và kính trọng đức tin và lòng can đảm của những người tiền phong đầu tiên của Giáo Hội. Có lúc các tổ phụ của tôi sống bên kia đại dương. Không một ai thuộc vào số người sống ở Nauvoo hay Winter Quarters, và không một ai đã hành trình ngang qua các cánh đồng. Nhưng là tín hữu của Giáo Hội, với lòng biết ơn và sự hãnh diện, tôi xin được có di sản này của người tiền phong làm của mình.

Với cùng một niềm vui đó, tôi xin có được di sản của những người tiền phong thời nay của Giáo Hội đang sống trong mọi quốc gia và những câu chuyện về sự kiên trì, đức tin, và hy sinh của họ đã thêm lời vào cho bài thánh ca của Thánh Hữu Ngày Sau về vương quốc của Thượng Đế.

Khi gia đình của tôi suy ngẫm cụm từ “Tôn Giáo của tổ phụ chúng ta,” thì chúng tôi thường nghĩ đến tôn giáo Luther. Trong nhiều thế hệ, các tổ phụ của chúng tôi đã thuộc vào giáo phái đó. Thật ra, con trai của tôi mới vừa khám phá ra rằng một trong những dòng dõi của gia đình chúng tôi truy ngược về chính Martin Luther.

Chúng ta kính trọng và tôn trọng những tấm lòng chân thành từ mọi tôn giáo, bất luận họ sống nơi nào hoặc khi nào, là những người đã yêu mến Thượng Đế, cho dù đã không có phúc âm trọn vẹn. Chúng ta cùng cất tiếng biết ơn lòng vị tha và can đảm của họ. Chúng ta chấp nhận họ như là anh chị em, con cái của Cha Thiên Thượng của chúng ta.

Chúng ta tin rằng đó là nhân quyền cơ bản để thờ phượng “Đấng Thượng Đế Toàn Năng theo tiếng gọi lương tâm riêng của chúng tôi, và cũng xin dành cho tất cả mọi người có được cùng đặc ân này, để họ thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn.”4

Có Nhiều Tôn Giáo và Phong Tục của Tổ Phụ Chúng Ta Không

Trong khi Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô đang phát triển trên khắp địa cầu—giờ đây với hơn 13 triệu tín hữu—“tôn giáo của tổ phụ chúng ta” có một ý nghĩa nới rộng. Đối với một số người, điều đó có thể ám chỉ đến di sản của gia đình họ trong số hằng trăm Ky Tô giáo khác; đối với những người khác, điều đó có thể ám chỉ các tôn giáo và phong tục Trung Đông, Châu Á hoặc Châu Phi.

Tôi đã sống hầu hết đời mình trong những khu vực trên thế giới mà các tín hữu của Giáo Hội chúng ta chỉ là thiểu số. Trong lúc đó, tôi đã biết được rằng thường thường khi người ta biết về phúc âm phục hồi thì họ rất cảm kích—nhiều người còn muốn gia nhập Giáo Hội. Nhưng họ không muốn làm tổ phụ của họ thất vọng; họ cảm thấy rằng họ cần phải trung thành với đức tin của tổ phụ của họ.

Tôi nhớ khi còn là thiếu niên, vào một ngày Chúa Nhật nọ, tôi thấy có một gia đình mới trong nhà hội của chúng tôi—một người mẹ trẻ với hai đứa con gái. Chẳng bao lâu thì cả ba người đó chịu phép báp têm và trở thành tín hữu của Giáo Hội.

Tôi biết tường tận câu chuyện về sự cải đạo của họ, vì người con gái lớn tên là Harriet, về sau nàng đã trở thành vợ của tôi.

Mẹ của Harriet, là Carmen, mới vừa mất chồng và, trong thời kỳ tự vấn, bà đã trở nên quan tâm đến Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi nghiên cứu các giáo lý , Carmen và hai người con gái của bà biết rằng Giáo Hội là chân chính và đã dự định chịu phép báp têm.

Tuy nhiên, khi Carmen nói cho mẹ của bà nghe về quyết định này, mẹ của bà rất lo lắng và hỏi: “Làm thế nào con lại có thể phản bội tôn giáo của tổ phụ con được?”

Mẹ của Carmen không phải là người duy nhất đã chống đối. Người chị cứng cỏi của Carmen là Lisa, cũng hoàn toàn lo lắng khi nghe tin. Có lẽ lo lắng là một từ quá nhẹ. Lisa đã rất tức giận.

Lisa nói rằng bà sẽ đi tìm những người truyền giáo trẻ tuổi đó và nói cho họ biết rằng họ sai lầm biết bao. Bà đi đến giáo đường, tìm ra những người truyền giáo, và, như các anh chị em đã đoán đúng, Lisa cũng đã chịu phép báp têm.

Nhiều năm sau, mẹ của Carmen cũng nhận được một chứng ngôn rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian. Một ngày nọ, bà nói cùng các con gái và cháu ngoại của mình rằng: “Mẹ cũng muốn ở trên trời giống như các con các cháu.” Lúc giữa tuổi 70, bà cũng đã bước vào nước báp têm và trở thành một tín hữu của Giáo Hội.

Đức Tin của Tổ Phụ Chúng Ta

Vậy thì, đức tin của tổ phụ chúng ta là gì? Có phải là đức tin của cha mẹ, ông bà nội ngoại và ông bà cố của chúng ta không?

Nhưng đức tin của những người thời xưa trước họ là gì? Đức tin của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp là gì? Họ không phải là tổ phụ của chúng ta sao? Chúng ta không thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên sao? Tôn giáo của Nô Ê và Ê Nóc và hai bậc phụ mẫu đầu tiên của chúng ta là A Đam và Ê Va là gì?

Đức tin của Đấng Cứu Rỗi và các môn đồ đi theo Ngài là gì?

Đức tin của Cha Thiên Thượng chúng ta đã luôn luôn trước sau như một kể từ lúc khởi thủy, ngay cả trước lúc sáng thế. Giăng Đấng Mặc Khải đã mô tả cuộc đại chiến trên thiên thượng.5 Vấn đề là quyền tự quyết về đạo đức, cũng như ngày nay. Tất cả những người từng sống trên thế gian là những người chống lại Sa Tan và theo Vị Nam Tử và Đức Chúa Cha. Do đó, chúng ta không trung thành với Thượng Đế Cha Thiên Thượng của chúng ta hay sao?

Là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, “chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh.”6 Và “chúng tôi tin rằng nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”7 Chúng ta tin nơi kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, kế hoạch cứu chuộc, kế hoạch cứu rỗi, nhờ đó con cái của Thượng Đế có thể kinh nghiệm sự hữu diệt và trở về nơi hiện diện của Đức Chúa Cha—một kế hoạch đầy thương xót đã được thiết lập từ trước khi sáng thế.

Đây là kế hoạch và đức tin của Đức Chúa Cha của chúng ta!

Tôi làm chứng rằng giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là đức tin của Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chính là lẽ thật của Ngài đã được mặc khải cùng các tôi tớ của Ngài tức là các vị tiên tri từ thời kỳ của Tổ Phụ A Đam cho đến thời kỳ của chúng ta. Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử đã hiện đến cùng Joseph Smith để phục hồi đức tin của Đức Chúa Cha trên thế gian này, sẽ không bao giờ bị cất đi nữa. Thượng Đế muốn tất cả con cái của Ngài tiếp nhận đức tin đó, bất luận lai lịch gốc tích, văn hóa và phong tục của họ là gì. Tôn giáo chân chính không phải bắt nguồn từ điều làm cho con người hài lòng hoặc từ những phong tục của các tổ phụ, mà thay vì thế phải từ điều làm cho Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta, hài lòng.

Sự mặc khải liên tục là nguyên tắc cơ bản của tôn giáo này. Lời cầu nguyện đầu tiên của Joseph Smith là chứng ngôn mạnh mẽ của điều này. Sự mặc khải là một sự hướng dẫn liên tục mà giữ cho chúng ta luôn luôn trung thành với ý muốn và đức tin của Cha Thiên Thượng.

Cha Thiên Thượng yêu thương con cái của Ngài. Ngài nghe thấu những lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường và chân thành của mọi quốc gia, sắc ngữ và dân tộc. Ngài ban ánh sáng cho những người tìm kiếm và tôn kính Ngài cùng sẵn lòng tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta hân hoan rao truyền rằng đức tin của Đức Chúa Cha đang hiện diện trên thế gian ngày nay.

Chúng tôi xin mời mọi người trên hành tinh tuyệt đẹp này hãy học hỏi giáo lý của Ngài và thử xem giáo lý đó có tuyệt vời, tốt lành và quý báu không. Chúng tôi yêu cầu những người có tấm lòng chân thật hãy học hỏi về giáo lý này và cầu vấn Cha Thiên Thượng xem giáo lý đó có phải là đúng thật không. Và khi làm như vậy, tất cả mọi người đều có thể khám phá, chấp nhận và bước đi trong đức tin chân chính của Đức Chúa Cha tức là đức tin mà sẽ làm cho họ được trọn vẹn.8

Đó là sứ điệp của chúng tôi dành cho thế giới.

Tôi long trọng làm chứng về tính xác thật của Thượng Đế Đức Chúa Cha; Vị Nam Tử, Chúa Giê Su Ky Tô; Đức Thánh Linh; và các vị tiên tri tại thế là những người nắm giữ các chìa khóa, mà đã hiện diện trong sự kế nhiệm liên tục từ Joseph Smith đến Thomas S. Monson ngày nay. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 81:5.

  2. Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.

  3. Hymns, số 84.

  4. Những Tín Điều 1:11.

  5. Xin xem Khải Huyền 12:7–9.

  6. Những Tín Điều 1:1.

  7. Những Tín Điều 1:3.

  8. Xin xem Ma Thi Ơ 9:22.