2008
Các Con Gái của Thượng Đế
Tháng Năm năm 2008


Các Con Gái của Thượng Đế

Không có vai trò nào trong cuộc đời lại thiết yếu và vĩnh cửu hơn vai trò làm mẹ.

Hình Ảnh
Elder M. Russell Ballard

Thưa các anh chị em, mới đây, vợ tôi là Barbara bị giải phẫu lưng và không thể nhấc đồ lên, vặn người hoặc cúi xuống. Do đó, tôi đã làm nhiều việc nhấc lên, vặn người và cúi xuống hơn bao giờ hết—và điều này đã làm cho tôi biết ơn nhiều hơn về những gì mà các phụ nữ, nhất là các chị em là những người mẹ, làm hằng ngày trong nhà của chúng ta.

Mặc dù các phụ nữ sống trong nhà dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau—kết hôn, độc thân, góa phụ, hoặc ly dị, một số người có con cái và một số người thì không có con cái—nhưng tất cả đều được Thượng Đế yêu quý , và Ngài có một kế hoạch cho các con gái ngay chính của Ngài để nhận được các phước lành cao quý nhất của thời vĩnh cửu.

Buổi trưa hôm nay, tôi muốn tập trung bài nói chuyện của mình vào những người mẹ, nhất là những người mẹ trẻ tuổi.

Khi còn là một người cha trẻ tuổi, tôi đã học hỏi về vai trò nặng nề của người mẹ. Tôi phục vụ với tư cách là cố vấn và rồi giám trợ trong thời gian 10 năm. Trong thời gian đó, chúng tôi được ban phước với sáu trong số bảy đứa con của chúng tôi. Barbara thường rất mệt mỏi lúc tôi trở về nhà vào tối Chúa Nhật. Bà cố gắng giải thích những điều như ngồi trên dãy ghế sau trong lễ Tiệc Thánh với gia đình có con nhỏ của chúng tôi. Rồi đến ngày tôi được giải nhiệm. Sau khi ngồi trên bục chủ tọa trong 10 năm, giờ đây tôi ngồi với gia đình mình trên dãy ghế ở đằng sau đó.

Ca đoàn những người mẹ trong tiểu giáo khu đảm trách phần âm nhạc, và tôi thấy mình ngồi một mình với sáu đứa con của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ bận rộn như vậy trong cả đời mình. Tôi cầm các con rối đồ chơi cả trong hai tay, và điều đó cũng không hữu hiệu lắm. Hộp bánh ngũ cốc Cheerios đổ ra, và điều đó làm tôi thật lúng túng. Những quyển sách tô màu dường như cũng không làm thú tiêu khiển được như mong muốn.

Trong khi vất vả với mấy đứa con trong suốt buổi lễ, tôi nhìn lên Barbara, và bà đang nhìn tôi và mỉm cười. Tôi tự mình học cách biết ơn trọn vẹn hơn điều mà tất cả các chị em, những người mẹ thân mến đã làm rất giỏi và rất chính xác!

Một thế hệ sau, với tư cách là một người ông, tôi đã quan sát những nỗi hy sinh của các con gái của tôi trong việc nuôi nấng con cái chúng. Và giờ đây, thêm một thế hệ nữa, tôi đang quan sát một cách kinh ngạc những áp lực trên các cháu gái của tôi khi chúng hướng dẫn con cái của chúng trong thế giới bận rộn và khó khăn này.

Sau khi quan sát và thông cảm với ba thế hệ những người mẹ và nghĩ về người mẹ của mình, tôi biết chắc rằng không có vai trò nào trong cuộc đời lại thiết yếu và vĩnh cửu hơn vai trò làm mẹ.

Không có một cách thức toàn hảo để làm một người mẹ tốt. Mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Mỗi người mẹ có những thử thách khác nhau, những kỹ năng và khả năng khác nhau, và chắc chắn là con cái khác nhau. Sự lựa chọn cũng khác nhau và duy nhất cho mỗi người mẹ và mỗi gia đình. Nhiều người có thể là “những người mẹ toàn thời gian” ít nhất trong những năm đầu phát triển của cuộc sống của con cái họ, và nhiều người khác cũng muốn được như vậy. Một số người có lẽ phải làm việc bán hoặc toàn thời gian; một số người khác có lẽ làm việc ở nhà; một số người chia cuộc sống của mình thành những thời kỳ ở nhà, và gia đình với công việc làm. Điều quan trọng là người mẹ yêu thương thiết tha con cái của mình và, để gìn giữ lòng tận tụy của mình đối với Thượng Đế và người chồng của mình, đã đặt ưu tiên những điều đó lên trên mọi điều khác.

Tôi rất cảm kích trước vô số những người mẹ đã học biết về tầm quan trọng biết bao của việc chú trọng đến những điều mà chỉ có thể được thực hiện trong một thời kỳ đặc biệt của cuộc sống. Nếu một đứa con sống với cha mẹ trong 18 hay 19 năm thì khoảng thời gian đó chỉ là một phần tư cuộc sống của người cha hoặc người mẹ. Và thời kỳ phát triển nhất trong những năm đầu đời của một đứa trẻ thì tiêu biểu ít hơn một phần mười của cuộc sống bình thường của người cha hay người mẹ. Việc chú tâm đến con cái của chúng ta trong một thời gian ngắn mà chúng ta có chúng sống với mình và tìm cách, với sự giúp đỡ của Chúa, giảng dạy chúng tất cả những gì mà chúng ta có thể dạy trước khi chúng rời nhà là điều thiết yếu. Công việc vĩnh cửu và quan trọng này thuộc vào những người cha và những người mẹ với tư cách là những người cộng sự bình đẳng. Tôi biết ơn rằng ngày nay nhiều người cha đã tham gia tích cực hơn trong đời sống của con cái họ. Nhưng tôi tin rằng bản năng và sự tham gia nuôi nấng tích cực của những người mẹ đối với con cái của họ vẫn luôn luôn là chìa khóa chính yếu đối với sự an lạc của con cái. Theo như lời của bản tuyên ngôn về gia đình, thì “Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười 2004, 49).

Chúng ta cần phải nhớ rằng sự cam kết trọn vẹn của vai trò người mẹ và của việc đặt con cái làm ưu tiên có thể là rất khó. Qua kinh nghiệm của bốn thế hệ trong gia đình của chúng tôi, và qua những cuộc thảo luận với những người mẹ có con nhỏ trong khắp Giáo Hội, tôi biết được một điều về những mối cảm xúc của một người mẹ kèm theo sự cam kết của người ấy để ở nhà với các con nhỏ của mình. Có những giây phút vui vẻ nhiều và sự mãn nguyện lạ thường, nhưng cũng có những giây phút đầy cảm giác không thích đáng, buồn chán, và bực bội. Những người mẹ có thể cảm thấy rằng họ ít hoặc không nhận được lòng biết ơn về điều mà họ đã chọn. Đôi khi ngay cả những người chồng cũng dường như không hiểu rõ những khó khăn của vợ mình.

Với tính cách là một Giáo Hội, chúng tôi có lòng kính trọng và biết ơn sâu xa đối với những người mẹ có con nhỏ. Chúng tôi muốn các chị em được hạnh phúc và thành công trong gia đình của mình và có được sự công nhận và hỗ trợ mà các chị em cần và đáng nhận được. Vậy ngày hôm nay, tôi xin hỏi và trả lời vắn tắt bốn câu hỏi. Mặc dù các câu trả lời của tôi dường như rất giản dị, nhưng nếu những điều giản dị được quan tâm đến thì cuộc sống của một người mẹ có thể được thỏa mãn nhất.

Câu hỏi thứ nhất: Các chị em có thể làm gì, với tư cách là một người mẹ trẻ, để giảm bớt áp lực và vui hưởng gia đình mình nhiều hơn?

Thứ nhất, hãy nhận biết rằng niềm vui của vai trò làm mẹ đến tùy lúc. Sẽ có những lúc khó khăn và bực mình. Nhưng ở giữa những thử thách thì có những lúc sáng lạn với niềm vui và sự mãn nguyện.

Tác giả Anna Quindlen nhắc chúng ta nhớ là chớ nên vội vàng bỏ qua những giây phút lướt nhanh này. Bà nói:

“Lỗi lầm lớn nhất mà tôi đã làm (với tư cách là một người mẹ) là một lỗi lầm mà đa số chúng ta đều làm … Tôi không sống đủ cho giây phút đó. Bây giờ thì đặc biệt rõ ràng là giây phút đó đã trôi qua, chỉ còn ghi lại trong hình ảnh. Có một bức ảnh của ba đứa con tôi … ngồi trên cỏ trên một cái khăn trải dưới bóng một cái xích đu vào một ngày hè, tuổi của chúng là sáu, bốn và một. Và tôi ước gì tôi có thể nhớ chúng tôi đã ăn gì, và chúng tôi đã nói chuyện về điều gì, và chúng thì nói điều gì, và chúng trông như thế nào khi chúng ngủ trong đêm đó. Tôi ước gì tôi đã không vội vàng đi làm chuyện kế tiếp: bữa ăn tối, tắm rửa, sách vở, giường gối. Tôi ước gì tôi đã biết trân quý những điều này hơn một chút và bận tâm ít hơn đến những việc làm khác” (Loud and Clear, [2004], 10–11).

Thứ nhì, đừng làm cho mình hoặc con cái mình quá bận rộn. Chúng ta sống trong một thế giới đầy những sự chọn lựa. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thấy mỗi phút chứa đầy những buổi họp mặt liên hoan, lớp học, thời giờ tập thể dục, nhóm đọc sách, câu lạc bộ sách, sưu tập hình ảnh, những sự kêu gọi của Giáo Hội, âm nhạc, thể thao, Mạng Internet, và chương trình truyền hình ưa thích của chúng ta. Một người mẹ nói cho tôi biết về thời gian mà con cái của người ấy có 29 sinh hoạt đã được hoạch định mỗi tuần: học nhạc, Hướng Đạo, khiêu vũ, chơi cho đội bóng chày, đi cắm trại ban ngày, túc cầu, nghệ thuật và vân vân. Người ấy cảm thấy như mình là một tài xế lái tắc xi. Cuối cùng, người ấy đã họp gia đình lại và loan báo: “Phải loại bỏ một sinh hoạt nào đó; chúng ta không có thời giờ cho mình, và không có thời giờ cho nhau.” Gia đình cần có thời gian rảnh rỗi khi mối quan hệ có thể củng cố và vai trò làm cha mẹ có thể hoạt động hữu hiệu. Hãy dành thời giờ ra để cùng lắng nghe, cười đùa và chơi đùa với nhau.

Thứ ba, ngay cả khi các chị em cố gắng bỏ đi một vài sinh hoạt phụ, thì thưa các chị em, hãy tìm ra thời giờ cho bản thân mình, để trau dồi các ân tứ và sở thích của mình. Hãy chọn một hoặc hai điều mà các chị em muốn học hoặc làm, mà sẽ làm phong phú hóa cuộc sống của các chị em, và dành thời giờ cho những điều đó. Nước không thể múc ra từ một cái giếng khô, và nếu các chị em không dành ra một thời gian ngắn cho những gì mà làm cho cuộc sống của các chị em tràn đầy, thì các chị em sẽ càng có ít hơn để ban phát cho những người khác, ngay cả con cái của các chị em. Hãy tránh lạm dụng bất cứ chất nghiện ngập nào, vì nghĩ sai rằng nó sẽ giúp các chị em thành đạt nhiều hơn. Và đừng để cho mình bị sa vào việc lãng phí thời giờ, những điều làm cho tâm trí bị đờ đẫn vì những vở kịch trên truyền hình hoặc bỏ thời giờ tìm kiếm trên Mạng Internet. Hãy tìm đến Chúa trong đức tin, và các chị em sẽ biết điều gì phải làm và cách phải làm.

Thứ tư, cầu nguyện, học hỏi, và giảng dạy phúc âm. Cầu nguyện khẩn thiết về con cái mình và về vai trò của các chị em là một người mẹ. Cha mẹ có thể dâng lên một lời cầu nguyện độc nhất vô nhị và tuyệt vời, vì họ đang cầu nguyện lên Bậc Phụ Thân Vĩnh Cửu của tất cả chúng ta. Có một quyền năng lớn lao trong lời cầu nguyện mà đại để nói rằng: “Thưa Cha, chúng con là cha mẹ giám hộ cho con cái của Cha, xin Cha giúp chúng con nuôi dạy chúng theo cách mà Cha muốn chúng được nuôi dạy.”

Câu hỏi thứ nhì: Một người chồng có thể làm gì thêm để hỗ trợ vợ mình, là mẹ của con cái mình?

Thứ nhất, hãy cho thấy sự biết ơn nhiều hơn và cho thấy sự hỗ trợ thêm về điều mà vợ của các anh em đang làm hằng ngày. Hãy để ý đến những sự việc, và nói cám ơn—thường xuyên. Hãy hoạch định một vài buổi tối chung với nhau, chỉ có hai anh chị.

Thứ nhì, hãy có thời giờ thường xuyên để nói chuyện với vợ của mình về nhu cầu của mỗi đứa con và điều mà các anh em có thể làm để giúp đỡ.

Thứ ba, thỉnh thoảng hãy để cho vợ của các anh em “một ngày xả hơi.” Hãy hoàn toàn đảm nhận công việc nhà và cho vợ của mình nghỉ ngơi từ các bổn phận hằng ngày của chị ấy. Việc đảm nhiệm trong một thời gian sẽ gia tăng nhiều sự biết ơn của các anh em về điều mà vợ của các anh em làm hằng ngày. Các anh em có thể làm nhiều công việc nhấc lên, vặn người, và cúi xuống!

Thứ tư, hãy về nhà từ sở làm và đảm nhận một vai trò tích cực với gia đình mình. Đừng đặt công việc làm, bạn bè hoặc thể thao lên trên việc lắng nghe, chơi đùa với con cái và dạy dỗ con cái.

Câu hỏi thứ ba. Con cái, ngay cả con cái còn nhỏ, có thể làm gì? Bây giờ các em là con cái xin hãy lắng nghe tôi vì có mấy điều giản dị mà các em có thể làm để giúp mẹ của mình.

Các em có thể lượm và cất đồ chơi của mình khi các em chơi xong; và khi các em lớn hơn một chút, thì các em có thể dọn giường của mình, giúp rửa chén bát, và những việc vặt trong nhà—mà không cần phải nhắc nhở.

Các em có thể nói cám ơn thường hơn khi các em ăn xong một bữa ăn tươm tất, khi một câu chuyện được đọc lên cho các em nghe vào lúc lên giường, hoặc khi quần áo sạch sẽ được để vào ngăn tủ của các em.

Hơn hết, các em có thể choàng tay ôm mẹ của mình thường xuyên và nói rằng các em yêu thương bà.

Câu hỏi cuối cùng: Giáo Hội có thể làm gì?

Có rất nhiều điều mà Giáo Hội mang đến cho những người mẹ và gia đình, nhưng vì mục đích của tôi hôm nay, tôi xin được đề nghị rằng giám trợ đoàn và các thành viên trong hội đồng tiểu giáo khu hãy đặc biệt thận trọng và cẩn thận đối với những đòi hỏi về thời giờ và phương tiện nơi những người mẹ trẻ và gia đình của họ. Hãy quen biết với họ và hãy sáng suốt trong điều mà các anh em yêu cầu họ làm vào thời điểm này trong cuộc sống của họ. Lời khuyên dạy của An Ma cho con trai của ông là Hê La Man áp dụng cho chúng ta ngày nay: “Này, cha nói cho con hay rằng, chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được” (An Ma 37:6).

Tôi hy vọng rằng tất cả các chị em thân mến, dù đã kết hôn hay còn độc thân, đừng bao giờ tự hỏi các chị em có giá trị dưới mắt Chúa và trước các vị lãnh đạo của Giáo Hội không. Chúng tôi yêu thương các chị em. Chúng tôi kính trọng các chị em và biết ơn ảnh hưởng của các chị em trong việc gìn giữ gia đình và phụ giúp sự phát triển và sức sống thuộc linh của Giáo Hội. Chúng ta hãy nhớ rằng “gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài” (Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới). Thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri và các sứ đồ, giúp tất cả những người trong gia đình chuẩn bị để được sống chung với nhau bây giờ và trong suốt thời vĩnh cửu. Tôi cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ tiếp tục ban phước cho các phụ nữ của Giáo Hội để tìm ra niềm vui và hạnh phúc trong vai trò thiêng liêng của họ với tư cách là những người con gái của Thượng Đế.

Bây giờ, để kết thúc, tôi muốn thêm chứng ngôn của tôi vào lời kêu gọi tiên tri của Chủ Tịch Monson. Tôi đã biết ông khi ông mới 22 tuổi và tôi thì 21 tuổi. Đó là 58 năm, tôi đã thấy bàn tay của Chúa chuẩn bị ông cho ngày này để chủ tọa Giáo Hội với tư cách là vị tiên tri và Chủ Tịch của chúng ta. Và tôi xin thêm chứng ngôn của tôi vào tất cả những chứng ngôn khác mà đã được đưa ra trong suốt đại hội này, về sự kêu gọi đặc biệt của ông với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, và thêm chứng ngôn của tôi vào tất cả các chứng ngôn của những người khác rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và đây là Giáo Hội của Ngài. Chúng ta đang làm công việc của Ngài, và tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.