2008
Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao
Tháng Năm năm 2008


Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao

Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân, sự tôn cao là một vấn đề gia đình.

Hình Ảnh
Elder Russell M. Nelson

Với lòng biết ơn, chúng tôi xin chào mừng Anh Cả D. Todd Christofferson vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Chúng tôi hết lòng tán trợ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn tuyệt diệu này và tất cả những ai đã được kêu gọi.

Thưa các anh chị em, khi chúng ta nhận được tin Chủ Tịch Gordon B. Hinckley qua đời, mỗi người chúng ta lập tức cảm thấy một sự mất mát lớn lao. Tuy nhiên, vì biết rằng số mạng của ông nằm trong bàn tay của Chúa, chúng ta cảm thấy tâm trạng của mình chuyển đổi từ nỗi thương tiếc thành lòng biết ơn. Chúng ta rất biết ơn về điều chúng ta đã học hỏi được từ vị tiên tri lỗi lạc này của Thượng Đế.

Ngày hôm nay, tại buổi họp trọng thể này, chúng ta đã tuân theo ý muốn của Chúa, là Đấng đã phán rằng “không một người nào được ban cho việc đi thuyết giảng phúc âm của ta, hoặc xây dựng giáo hội của ta, trừ phi kẻ đó được sắc phong bởi một người có thẩm quyền, và được giáo hội coi là có thẩm quyền và đã được các vị lãnh đạo của giáo hội sắc phong một cách đúng đắn.”1 Luật pháp về sự ưng thuận chung2 này đã được ban hành, và Giáo Hội sẽ tiến bước theo lộ trình đã được quy định.

Các tín hữu trên khắp thế giới tán trợ Chủ Tịch Thomas S. Monson và hai vị cố vấn đầy khả năng của ông. Chúng ta “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời;

“Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giê Su là đá góc nhà.”3

Chúa đã mặc khải lý do tại sao “Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri,” Chính là để “các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô:

“Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời.”4

Do đó, giáo vụ của Các Sứ Đồ— Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai—là mang đến sự đoàn kết đó của đức tin và rao giảng sự hiểu biết của chúng ta về Đức Thầy. Giáo vụ của chúng ta là ban phước cho cuộc sống của tất cả những người sẽ học hỏi và tuân theo “đường lối tốt đẹp hơn” của Chúa.5 Và chúng ta cần phải giúp các tín hữu chuẩn bị cho tiềm năng cứu rỗi và sự tôn cao của họ.

Tín điều thứ ba nói rằng “nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi, bằng cách tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của Phúc Âm.”

Việc được cứu rỗi—hoặc đạt được sự cứu rỗi—có nghĩa là được cứu khỏi cái chết thể xác và thuộc linh. Nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả mọi người đều sẽ được phục sinh và cứu rỗi khỏi cái chết thể xác. Con người cũng có thể được cứu rỗi khỏi cái chết thuộc linh cá nhân nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, qua đức tin của họ nơi Ngài, qua việc sống tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm Ngài, và qua việc phục vụ Ngài.

Việc được tôn cao—hoặc đạt được sự tôn cao—ám chỉ trạng thái hạnh phúc và vinh quang cao nhất trong vương quốc thượng thiên. Các phước lành này có thể đến với chúng ta sau khi chúng ta giã từ cuộc sống tạm bợ và hữu diệt này. Thời gian chuẩn bị cho sự cứu rỗi và tôn cao cuối cùng của chúng ta là bây giờ.6

Là một phần chuẩn bị đó, một người trước hết cần phải nghe và hiểu phúc âm. Vì lý do này, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô được mang đến cho “mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc.”7

Trách Nhiệm Cá Nhân

Cách đây vài năm, tôi đã gặp vị vua của một bộ lạc ở Châu Phi. Khi ông nhận biết rằng ông đang được một Sứ Đồ của Chúa giảng dạy thì ông rất lấy làm cảm động. Ông nói rằng có nhiều đám đông dân của ông sẽ chịu phép báp têm nếu ông đưa ra cho họ mệnh lệnh như vậy. Tôi cám ơn ông về lòng tử tế của ông nhưng giải thích rằng Chúa không làm việc theo cách đó.

Sự phát triển đức tin nơi Chúa là một vấn đề cá nhân. Sự hối cải cũng là một vấn đề cá nhân. Chỉ một người với tư cách cá nhân mới có thể chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Mỗi người chúng ta được sinh ra riêng rẽ; tương tự như thế, mỗi người chúng ta “được sinh lại”8 riêng rẽ. Sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân.

Các Trách Nhiệm Gia Đình

Sự tiến bộ cá nhân được nuôi dưỡng trong gia đình mà chính là “trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài.”9 Mái gia đình là nơi mà Thượng Đế muốn chúng ta học hỏi về tình yêu thương và sự phục vụ. Nơi đó một người chồng phải yêu thương vợ mình, một người vợ phải yêu thương chồng mình, và cha mẹ và con cái phải yêu thương lẫn nhau.

Trên khắp thế giới, gia đình càng ngày càng bị tấn công. Nếu gia đình thất bại, thì nhiều hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của chúng ta cũng sẽ thất bại. Và nếu gia đình thất bại, thì tiềm năng vĩnh cửu đầy vinh quang của họ không thể thực hiện được.

Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn vợ chồng phải trung tín với nhau và quý trọng và đối xử với con cái của họ như là di sản của Chúa.10 Trong một gia đình như vậy, chúng ta cùng học hỏi thánh thư và cầu nguyện chung. Và chúng ta tập trung vào đền thờ. Nơi đó chúng ta nhận được các phước lành cao quý nhất mà Thượng Đế đã hoạch định cho các con cái trung tín của Ngài.

Nhờ vào kế hoạch hạnh phúc vĩ đại11 của Thượng Đế, gia đình có thể được sống với nhau vĩnh viễn—với tư cách là những người được tôn cao. Cha Thiên Thượng đã phán: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”12 Cả hai mục tiêu của Ngài đã có thể được thực hiện nhờ vào Sự Chuộc Tội của Con Trai Yêu Dấu của Ngài, là Chúa Giê Su Ky Tô. Sự Chuộc Tội của Ngài làm cho sự phục sinh thành một sự thật và cuộc sống vĩnh cửu thành một điều có thể đạt được đối với tất cả những người đã từng sống.

Sự phục sinh, hoặc sự bất diệt, đến với mỗi người nam và mỗi người nữ với tính cách là một sự ban cho vô điều kiện.

Cuộc sống vĩnh cửu, hoặc vinh quang thượng thiên hay sự tôn cao, là một ân tứ ban cho có điều kiện. Những điều kiện của ân tứ này đã được Chúa lập ra, là Đấng đã phán: “Nếu ngươi tuân giữ các giáo lệnh của ta và kiên trì đến cùng thì ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.”13 Các điều kiện cần hội đủ đó gồm có đức tin nơi Chúa, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và luôn luôn trung tín với các giáo lễ và các giao ước của đền thờ.

Không một nguời nam nào trong Giáo Hội này có thể đạt được đẳng cấp cao nhất trong vinh quang thượng thiên nếu không có một người nữ xứng đáng đã được làm lễ gắn bó cùng người nam đó.14 Giáo lễ đền thờ này làm cho cả hai người đó có thể có được sự tôn cao.

Trong những sự kêu gọi của Giáo Hội, chúng ta có thể được giải nhiệm. Nhưng chúng ta không thể được giải nhiệm khỏi vai trò làm cha mẹ. Từ ngày đầu tiên của lịch sử nhân loại, Chúa đã truyền lệnh cho cha mẹ phải giảng dạy phúc âm cho con cái của họ.15 Môi Se đã viết: “Khá ân cần dạy dỗ … con cái ngươi, và phải nói đến [những lời của Thượng Đế], hoặc khi người ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc người nằm, hay là khi chỗi dậy.”16

Trong thời kỳ chúng ta, Chúa đã phán thêm: “Các ngươi phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật.”17 Giáo Hội phụ giúp chứ không thay thế cha mẹ trong các trách nhiệm của họ để giảng dạy con cái của mình.

Trong thời kỳ này với sự đồi bại lan tràn rất nhanh và sự nghiện ngập hình ảnh sách báo khiêu dâm, cha mẹ có bổn phận thiêng liêng để giảng dạy con cái mình về tầm quan trọng của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng.18 Con cái của Thượng Đế phải hoàn toàn tránh xa những điều xấu xa đó, tức là những điều đang hủy diệt tiềm năng thiêng liêng.

Chúng ta cũng phải dạy con cái mình hiếu kính cha mẹ chúng. Giáo lệnh thứ năm nói rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.”19

Chúng ta có thể dạy dỗ cho con cái mình tốt nhất như thế nào? Chúa đã đưa ra lời chỉ dẫn cụ thể:

“Không có uy quyền hay ảnh hưởng nào có thể hoặc nên được duy trì vì nhờ chức tư tế, mà chỉ có được nhờ sự thuyết phục, nhờ sự nhịn nhục, nhờ sự hiền diệu và nhu mì, và nhờ tình thương yêu chân thật;

“Nhờ lòng nhân từ, và sự hiểu biết thuần túy, là những điều sẽ mở rộng tâm hồn con người một cách không giả dối và không gian xảo—

“Phải kịp thời khiển trách một cách nghiêm khắc, khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù;”20

Khi một đứa con cần sự sửa phạt, các anh chị em có thể tự hỏi: “Tôi có thể nói hoặc làm gì để thuyết phục nó chọn một con đường tốt hơn?” Khi đưa ra sự sửa phạt cần thiết, hãy làm điều đó một cách nhẹ nhàng, kín đáo, trìu mến và không công khai. Nếu cần có lời khiển trách, thì hãy cho thấy một sự gia tăng về tình yêu thương một cách nhanh chóng để không còn có những mầm móng oán giận. Để có sức thuyết phục, tình yêu thương của các anh chị em cần phải chân thành và những lời giảng dạy của các anh chị em được dựa vào giáo lý thiêng liêng và những nguyên tắc đúng đắn.

Đừng cố gắng kiềm chế con cái của các anh chị em, mà thay vì thế, hãy lắng nghe chúng, giúp chúng học hỏi phúc âm, soi dẫn chúng, và hướng dẫn chúng đến cuộc sống vĩnh cửu. Các anh chị em là những người đại diện Thượng Đế trong việc chăm sóc con cái mà Ngài đã giao phó cho các anh chị em. Hãy để ảnh hưởng thiêng liêng của Ngài luôn ở trong lòng của các anh chị em khi các anh chị em giảng dạy và thuyết phục.

Tổ Tiên

Bất cứ cuộc thảo luận nào về các trách nhiệm của gia đình để chuẩn bị cho sự tôn cao cũng sẽ không đầy đủ nếu chúng ta chỉ có cha, mẹ và con cái. Còn ông bà và các tổ tiên khác thì sao? Chúa đã mặc khải rằng chúng ta không thể trở nên trọn vẹn nếu không có họ; họ cũng không thể đạt đến sự trọn vẹn nếu không có chúng ta.21 Các giáo lễ gắn bó là thiết yếu cho sự tôn cao. Một người vợ cần phải được làm lễ gắn bó với người chồng của mình; con cái cần phải được làm lễ gắn bó với cha mẹ của chúng; và chúng ta đều cần phải liên kết với tổ tiên của mình.22

Còn những người không thể kết hôn trong cuộc sống này hoặc những người không thể được làm lễ gắn bó cùng cha mẹ của họ trong cuộc sống này thì sao? Chúng ta biết rằng Chúa sẽ phán xét mỗi người chúng ta theo những ước muốn của lòng chúng ta, cũng như các công việc của chúng ta,23 và rằng các phước lành của sự tôn cao sẽ được ban cho tất cả những ai xứng đáng.24

Với tư cách là con cái giao ước, chúng ta được hưởng rất nhiều ân huệ. Trong tâm hồn của chúng ta đã được gieo những lời hứa lập cùng Các Tổ Phụ Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp. Chúa đã phán:

“Các ngươi là những kẻ thừa kế hợp pháp theo thể cách xác thịt, và đã được che giấu khỏi thế gian cùng với Đấng Ky Tô trong Thượng Đế… .

“Vậy nên, phước thay cho các ngươi nếu các ngươi cứ tiếp tục trong sự nhân từ của ta, làm ánh sáng cho các Dân Ngoại, và qua chức tư tế này, làm kẻ cứu rỗi cho dân Y Sơ Ra Ên của ta.”25

Cuộc sống này là thời gian để chuẩn bị cho sự cứu rỗi và sự tôn cao.26 Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân, sự tôn cao là một vấn đề gia đình.

Là con cái giao ước, chúng ta đã quy tụ trong buổi họp trọng thể vào buổi sáng hôm nay. Sự chú ý đã được tập trung vào những danh hiệu thiêng liêng của các vị tiên tri và sứ đồ. Nhưng trách nhiệm cuối cùng để chuẩn bị cho sự cứu rỗi và sự tôn cao tột bậc là thuộc vào mỗi người, chịu trách nhiệm cho quyền tự quyết cá nhân, hành động trong gia đình của mình, mang một danh hiệu thiêng liêng khác của người mẹ, người cha, người con gái, người con trai, bà nội, bà ngoại hoặc ông nội, ông ngoại.

Trong các vai trò đầy trách nhiệm đó, cầu xin cho chúng ta tiến bước trong đức tin, được hướng dẫn bởi Chúa Giê Su Ky Tô, mà Giáo Hội này thuộc về Ngài, và bởi vị tiên tri của Ngài mà Ngài phán qua vị ấy, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 42:11; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. Xin xem GLGƯ 26:2; 28:13.

  3. Ê Phê Sô 2:19–20.

  4. Ê Phê Sô 4:11–13.

  5. 1 Cô Rinh Tô 12:31; Ê The 12:11.

  6. Xin xem An Ma 34:32–33.

  7. Khải Huyền 14:6.

  8. Giăng 3:3, 7; Mô Si A 27:25; An Ma 5:49; 7:14; Môi Se 6:59.

  9. Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới, Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  10. Xin xem Thi Thiên 127:3.

  11. Xin xem An Ma 42:8.

  12. Môi Se 1:39.

  13. GLGƯ 14:7; xin xem thêm 3 Nê Phi 15:9. Sách Mặc Môn giải thích thêm về tính chất có điều kiện của ân tứ vĩ đại này. Sách nói rằng “các người phải tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky tô, với một niềm hy vọng hết sức sáng lạn, và với tình yêu thương Thượng Đế và mọi người. Vậy nên, nếu các người tiến tới, nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô, và kiên trì đến cùng, này, Đức Chúa Cha có phán rằng: Các ngươi sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu” (2 Nê Phi 31:20; sự nhấn mạnh được thêm vào).

  14. Xin xem GLGƯ 131:1–3.

  15. Xin xem Môi Se 6:57–58. Cũng xin lưu ý đến lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min: “Và các người sẽ không để cho con cái mình phải đói rách; và cũng không để cho chúng phạm các luật pháp của Thượng Đế, và gây gổ, kình chống nhau, và thuần phục quỷ dữ, vốn là của tội lỗi… . Trái lại các người sẽ dạy chúng theo đường lối của lẽ thật và nghiêm chỉnh; các người sẽ dạy chúng biết thương yêu nhau và phục vụ cho nhau” (Mô Si A 4:14–15).

  16. Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:7.

  17. GLGƯ 93:40. Chúa cũng phán rằng: “Phải dạy con cái mình biết cầu nguyện, và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa” (GLGƯ 68:28).

  18. Phao Lô cũng dạy cho Ti Mô Thê như vậy: “Hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai; … Và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô” (2 Ti Mô Thê 3:14–15).

  19. Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12. Hãy nhớ câu châm ngôn đó dành cho cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm Ngôn 22:6).

  20. GLGƯ 121:41–43.

  21. Xin xem GLGƯ 128:15.

  22. Xin xem GLGƯ 128:18.

  23. Xin xem GLGƯ 137:9.

  24. Xin xem GLGƯ 130:20–21; xin xem thêm Rudger Clawson trong Conference Report, tháng Mười năm 1917, 29: Joseph F. Smith, trong Deseret News, ngày 1 tháng Năm năm 1878, 2; Richard G. Scott, “The Joy of Living the Great Plan of Happiness,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 75.

  25. GLGƯ 86:9, 11.

  26. Xin xem An Ma 12:24.