2008
Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Năm năm 2008


Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Phúc âm giảng dạy cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần biết để trở về với Cha Thiên Thượng của mình.

Hình Ảnh
Elder L. Tom Perry

Sứ Đồ Phao Lô đã mạnh dạn tuyên bố: “Tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô Ma 1:16). Sứ điệp này cũng được những người truyền giáo toàn thời gian của chúng ta tuyên bố một cách mạnh dạn khi họ đang phục vụ ở nhiều nơi trên thế giới.

Nói chung, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là một công thức gồm có năm thành phần cho cuộc sống vĩnh cửu. Trước hết, chúng ta hãy xem xem điều mà có thể xảy ra cho chúng ta nếu chúng ta làm theo công thức này, và rồi chúng ta có thể xem xét mỗi thành phần đó.

Chúng ta biết gì về cuộc sống vĩnh cửu? Chúng ta biết từ Môi Se 1:39 rằng công việc và vinh quang của Chúa là mang đến sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Điều này dạy chúng ta rằng sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu là khác nhau và riêng biệt. Ân tứ của cuộc sống vĩnh cửu, mà chỉ được hứa khi những điều kiện nào đó đã được thỏa mãn, thì lớn hơn ân tứ của sự bất diệt rất nhiều.Theo Anh Cả Bruce R. McConkie thì: “Cuộc sống vĩnh cửu không phải là cái tên mà chỉ nói đến khoảng thời gian vô tận của một cuộc sống tương lai; sự bất diệt là sống vĩnh viễn trong trạng thái phục sinh, và nhờ vào ân điển của Thượng Đế, tất cả mọi người sẽ đạt được sự kéo dài vô tận của cuộc sống. Nhưng chỉ những người nào tuân theo sự trọn vẹn của luật pháp phúc âm mới sẽ được thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu … Đó là ‘ân tứ lớn nhất trong số tất cả các ân tứ của Thượng Đế,’ … vì đó là loại, trạng thái, kiểu và phẩm chất của cuộc sống mà chính Thượng Đế đang vui hưởng. Do đó những người nào đạt được cuộc sống vĩnh cửu sẽ nhận được sự tôn cao; họ là các con trai của Thượng Đế, đồng kế tự với Đấng Ky Tô, tín hữu trong Giáo Hội của Con Đầu Lòng; họ khắc phục được mọi sự, có tất cả quyền năng, và nhận được sự trọn vẹn của Đức Chúa Cha …” (Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ nhì, [1966], 237).

Bổn phận của những người truyền giáo của chúng ta, như đã được nói đến ở trang 1 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, là: “mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ tiếp nhận phúc âm phục hồi qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.” (2004)

Trong nhiều quyển sách dạy nấu ăn, có những bức hình về các món ăn hoàn hảo mà công thức làm ra—sự trọn vẹn của niềm vui nấu ăn. Những bức hình này rất quan trọng vì chúng giúp chúng ta hình dung ra kết quả nếu chúng ta tuân theo sát những chỉ dẫn đã được đưa ra trong công thức. Điều quan trọng để bắt đầu với kết quả trong ý nghĩ, nhưng kết quả được trình bày trong các quyển sách dạy nấu ăn chỉ có thể đạt được nếu mọi điều được làm đúng. Nếu những chỉ dẫn không được tuân theo hoặc thiếu hay tính sai một thành phần, thì ít khi nào có được khẩu vị và hình dáng mong muốn. Tuy nhiên, hình ảnh một món ăn hoàn hảo có thể dùng làm động cơ thúc đẩy để thử một lần nữa nhằm tạo ra một món gì ngon lành lẫn đẹp đẽ.

Khi tôi nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu, thì hình ảnh nào đến với ý nghĩ của tôi? Tôi tin rằng nếu chúng ta tạo ra trong tâm trí của mình một hình ảnh rõ ràng và chính xác về cuộc sống vĩnh cửu, thì chúng ta sẽ bắt đầu cư xử khác. Chúng ta sẽ không cần phải được thúc đẩy để làm nhiều điều liên quan đến việc kiên trì đến cùng, giống như việc giảng dạy tại gia hoặc thăm viếng giảng dạy, tham dự các buổi họp của chúng ta, đi đền thờ, sống cuộc sống đạo đức, dâng lời cầu nguyện của mình, hoặc đọc thánh thư. Chúng ta sẽ muốn làm tất cả những điều này và còn làm nhiều hơn nữa vì chúng ta nhận thức rằng những điều này sẽ chuẩn bị cho chúng ta đi đến một nơi nào đó mà chúng ta mong mỏi được đến.

Tại sao mục đích của một người truyền giáo cần phải bắt đầu với việc giúp đỡ những người khác tiếp nhận đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài? Để chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, trước hết người ta cần phải tin tưởng Đấng Cứu Rỗi và phúc âm mà Ngài đã giảng dạy cho chúng ta. Họ cần phải tin rằng Ngài có quyền năng để giữ những lời hứa của Ngài ban cho chúng ta nhờ vào Sự Chuộc Tội. Khi người ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì họ chấp nhận và áp dụng Sự Chuộc Tội và những lời giảng dạy của Ngài.

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy các môn đồ của Ngài như đã được chép trong chương 27 của sách 3 Nê Phi, sự tương thuộc của phúc âm của Ngài với giáo vụ trên trần thế của Ngài cùng Sự Chuộc Tội khi Ngài phán:

“Này, ta đã ban phúc âm của ta cho các ngươi, và đây là phúc âm mà ta đã ban cho các ngươi—rằng ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến… .

“Và chuyện rằng, những ai hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta thì sẽ được tràn đầy, và nếu kẻ đó kiên trì đến cùng, này, kẻ đó sẽ được xem như vô tội trước mặt Cha ta vào ngày ta đứng phán xét thế gian” (các câu 13, 16).

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài hướng chúng ta đến Ngài. Thế gian dạy rằng có thấy mới tin, nhưng đức tin của chúng ta nơi Chúa dẫn chúng ta đến việc tin để chúng ta có thể nhìn thấy Ngài và kế hoạch của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta.

Đức tin của chúng ta cũng dẫn đến hành động—nó dẫn đến những cam kết và thay đổi liên kết với sự hối cải chân thành. Như A Mu Léc đã dạy trong chương 34 sách An Ma:

“Vậy nên, chỉ có kẻ nào có đức tin đưa lại sự hối cải mới hưởng được kế hoạch cứu chuộc vĩ đại và vĩnh cửu.

“Vậy nên, hỡi đồng bào, cầu xin Thượng Đế ban phước các người để các người có thể thực hành đức tin của mình đưa đến sự hối cải, để các người có thể bắt đầu khẩn cầu đến thánh danh Ngài, ngõ hầu Ngài rủ lòng thương xót các người.

“Phải, hãy van xin lòng thương xót của Ngài; vì Ngài có quyền lực để giải cứu” (các câu 16–18).

Tại sao các cá nhân cần phải hối cải trước khi họ chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh? Tiếng nói của Đấng Ky Tô rao giảng cho dân Nê Phi biết về sự chấm dứt của luật hy sinh, và rồi Ngài phán: “Và các ngươi chỉ phải hiến dâng cho ta một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối làm của lễ hy sinh. Và bất cứ kẻ nào đến cùng ta với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối thì sẽ được ta báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 9:20).

Cũng cùng một điều kiện này đã được thảo luận trong tiết 20 sách Giáo Lý và Giao Ước trong một câu mà chúng ta thường dùng để mô tả những điều kiện của phép báp têm. Câu 37 nói rằng: “Tất cả những ai biết hạ mình trước mặt Thượng Đế và ước muốn chịu phép báp têm và đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, và chứng tỏ trước Giáo Hội rằng họ đã thật sự hối cải tất cả tội lỗi của mình … thì họ sẽ được thu nhận vào Giáo Hội của Ngài bằng phép báp têm.”

Các câu thánh thư này giảng dạy các bài học thiết yếu về tính chất của sự hối cải với tính cách là việc chuẩn bị cho phép báp têm và sự tiếp nhận Đức Thánh Linh. Trước hết, sự hối cải gồm có thái độ khiêm nhường. Để chuẩn bị chịu phép báp têm và mang danh của Đấng Ky Tô, chúng ta cần phải hạ mình trước Ngài—dâng lên của lễ hy sinh của chúng ta là một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối và chấp nhận ý muốn của Ngài. Thứ nhì, chúng ta học biết rằng những người này phải xác nhận trước Giáo Hội hoặc một người đại diện của Giáo Hội rằng họ đã hối cải các tội lỗi của họ. Cuối cùng, chúng ta nhìn nhận rằng sự hối cải, tức là một tiến trình thanh tẩy, đi trước phép báp têm, tức là giáo lễ thanh tẩy, để chuẩn bị cho một người nào đó tiếp nhận Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Ân tứ Đức Thánh Linh chỉ dành sẵn cho những người đã được tẩy sạch nhờ vào sự hối cải các tội lỗi của thế gian.

Tại sao chúng ta cần phải chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh? Anh Cả Orson F. Whitney đã dạy: “Phép báp têm gồm có hai phần, và có hai sứ mệnh để thực hiện. Phép báp têm không những thanh tẩy—mà còn [soi sáng] tâm hồn, làm biểu hiện những sự việc của Thượng Đế trong quá khứ, hiện tại, tương lai, và truyền đạt một chứng ngôn chắc chắn về Lẽ Thật. Tâm hồn, được tẩy sạch tội lỗi, là điều kiện để vui hưởng ảnh hưởng vĩnh cửu của Đức Thánh Linh, là Đấng ‘không trú ngụ trong những đền thờ không thánh thiện.’ Nước báp têm bắt đầu công việc thanh tẩy và soi sáng. Phép báp têm phần thuộc linh hoàn tất điều đó.” (BaptismThe Birth of Water and of Spirit [n.d.], 10).

Giáo lễ báp têm bằng nước và lửa được Nê Phi mô tả như một cái cổng (xin xem 2 Nê Phi 31:17). Tại sao phép báp têm là một cái cổng? Vì nó là một giáo lễ tượng trưng cho lối vào một giao ước thiêng liêng và ràng buộc giữa Thượng Đế với con người. Con người hứa phải từ bỏ thế gian, yêu thương và phục vụ đồng bào của mình, thăm viếng những trẻ mồ côi và các góa phụ đang sống trong đau khổ, rao truyền hòa bình, thuyết giảng phúc âm, phục vụ Chúa, và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Chúa hứa “trút Thánh Linh của Ngài xuống [chúng ta] một cách dồi dào hơn” (Mô Si A 18:10), cứu chuộc Các Thánh Hữu của Ngài về phần thể xác lẫn thuộc linh, tính họ chung với những người thuộc về lần Phục Sinh Thứ Nhất, và ban cho cuộc sống vĩnh cửu. Phép báp têm và việc tiếp nhận Đức Thánh Linh là những cách thức đã được quy định để bước vào con đường chật và hẹp đưa đến cuộc sống vĩnh cửu.

Theo Sứ Đồ Phao Lô, thì phép báp têm cũng tượng trưng cho việc chúng ta xuống nấm mồ biển cả mà từ đó chúng ta được sống “cuộc đời mới” (Rô Ma 6:4) trong Đấng Ky Tô. Giáo lễ báp têm tượng trưng cho cái chết và Sự Phục Sinh của Đấng Ky Tô—chúng ta chết với Ngài để chúng ta có thể sống với Ngài. Trong ý nghĩa này, phép báp têm là giáo lễ cứu rỗi đầu tiên và việc tiếp nhận Đức Thánh Linh giúp mỗi người chúng ta tiến bước và kiên trì đến cùng.

Làm thế nào chúng ta kiên trì đến cùng? Việc kiên trì đến cùng đòi hỏi sự trung tín đến cùng, như trong trường hợp của Phao Lô, là người đã nói với Ti Mô Thê: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin (2 Ti Mô Thê 4:7). Hiển nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, mà là khó khăn, gay go và cuối cùng được rèn luyện khi chúng ta chuẩn bị trở về sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta và lãnh nhận các phước lành.

Việc kiên trì đến cùng dứt khoát không phải là một công việc tự làm được một mình. Trước hết, nó đòi hỏi quyền năng cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta không thể trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng trừ phi chúng ta được trong sạch, và như vậy chúng ta cần phải tiếp tục hối cải. Theo lý tưởng, chúng ta luôn luôn hối cải, nhưng chúng ta cũng tham dự lễ Tiệc Thánh mỗi tuần để dự phần Tiệc Thánh và tái lập các giao ước báp têm của mình. Thứ hai, việc kiên trì đến cùng đòi hỏi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ hướng dẫn và thánh hóa chúng ta. Thứ ba, chúng ta cần phải là một phần tử thiết yếu của một cộng đồng Thánh Hữu, phục vụ và nhận sự phục vụ từ các anh chị em của chúng ta trong phúc âm. Với phép báp têm, chúng ta trở thành một phần của Đấng Ky Tô (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:11–13); mỗi người chúng ta có một vai trò để xử sự, mỗi người chúng ta đều quan trọng, nhưng để được thành công, chúng ta cần phải được hợp nhất trong Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Thứ tư, chúng ta cần phải chia sẻ phúc âm với những người khác. Những lời hứa để mang dù chỉ một người đến với Chúa rất sâu xa và vĩnh cửu (xin xem GLGƯ 18:15). Ngoài ra, phúc âm tất nhiên mọc rễ sâu nơi những người thường xuyên chia sẻ phúc âm. Cuối cùng, chúng ta cần phải duy trì đức tin và hy vọng nơi Đấng Ky Tô để kiên trì đến cùng, và trong số nhiều cách mà chúng ta làm điều này là việc cầu nguyện, nhịn ăn, và đọc thánh thư. Những lối thực hành này sẽ củng cố chúng ta chống lại mưu đồ tinh vi và như tên lửa của kẻ nghịch thù.

Tôi yêu mến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, vì phúc âm định rõ con đường mà chúng ta có thể dự phần trái của phúc âm, có được “một niềm hân hoan cực độ” (1 Nê Phi 8:12) mà chỉ có phúc âm mới có thể mang lại mà thôi, và kiên trì đến cùng qua tất cả các thử thách của cuộc sống trần thế. Phúc âm giảng dạy cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần biết để trở về với Cha Thiên Thượng nhân từ của mình với tư cách là các nhân vật phục sinh và vinh quang. Cầu xin cho tất cả chúng ta duy trì trong tâm trí mình khải tượng về cuộc sống vĩnh cửu, và cầu xin cho chúng ta siêng năng trong việc tuân theo công thức cho cuộc sống vĩnh cửu tức là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cầu xin cho chúng ta được kiên trì đến cùng. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.