2008
Lời của Ta … Không Bao Giờ Chấm Dứt
Tháng Năm năm 2008


“Lời của Ta … Không Bao Giờ Chấm Dứt”

Chúng ta mời gọi tất cả mọi người hãy đặt câu hỏi về sự kỳ diệu của điều mà Thượng Đế đã và đang phán truyền kể từ thời Kinh Thánh.

Hình Ảnh
Elder Jeffrey R. Holland

Thưa Chủ Tịch Monson, tôi xin phép có một chốc lát cho đặc ân riêng, được không ạ?

Là một trong Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương đầu tiên được mời nói chuyện tiếp theo sứ điệp đặc biệt của chủ tịch cho Giáo Hội vào buổi sáng hôm nay, tôi xin được nói một điều thay cho tất cả Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương và thật sự là thay cho toàn thể Giáo Hội.

Trong số nhiều đặc ân mà chúng ta đã có trong đại hội lịch sử này, kể cả việc tham dự một buổi họp trọng thể mà trong đó chúng tôi đã có thể đứng lên và tán trợ chủ tịch với tư cách là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải, tôi không thể không cảm thấy rằng đặc ân quan trọng nhất mà chúng tôi đã có là đích thân chứng kiến sự chuyển giao trách nhiệm thiêng liêng của vị tiên tri lên trên vai của chủ tịch, hầu như điều đó được thực hiện bằng chính bàn tay của các thiên sứ. Những người tham dự buổi họp chức tư tế trung ương tối hôm qua và tất cả những người hiện diện trong buổi phát thanh và truyền hình trên toàn cầu về phiên họp buổi sáng hôm nay đều đã tận mắt chứng kiến sự kiện này. Đối với tất cả những người tham dự, tôi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với giây phút như vậy. Tôi nói điều đó với tình yêu mến đối với Chủ Tịch Monson và nhất là lòng kính mến đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta về cơ hội tuyệt vời để đuợc “chính mắt … ngó thấy sự oai nghiêm của Ngài” (2 Phi E Rơ 1:16), như Sứ Đồ Phi E Rơ đã có lần nói.

Trong đại hội trung ương tháng Mười vừa qua, tôi đã nói có hai lý do chính mà Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô bị cáo buộc một cách sai lầm không phải là Ky Tô giáo. Vào lúc đó, tôi đã nói đến một trong số các vấn đề giáo lý đó—quan điểm của chúng ta dựa vào thánh thư về Thiên Chủ Đoàn. Ngày hôm nay, tôi muốn được nói đến giáo lý quan trọng kia mà tiêu biểu cho tín ngưỡng của chúng ta nhưng lại làm cho một số người quan tâm, ấy là lời khẳng định bạo dạn rằng Thượng Đế tiếp tục phán truyền lời Ngài và mặc khải lẽ thật của Ngài, những điều mặc khải mà hỗ trợ một bộ tác phẩm được công nhận là thánh thư mà vẫn mở rộng cho những điều bổ sung mới.

Một số Ky Tô hữu, hầu hết vì tình yêu mến thật sự của họ đối với Kinh Thánh, đã tuyên bố rằng không thể nào cho phép có thêm thánh thư được nữa ngoài Kinh Thánh ra. Khi tuyên bố bộ kinh sách khải huyền đã hoàn tất, những người bạn của chúng ta trong một số tín ngưỡng khác đã từ chối chấp nhận phần bày tỏ thiêng liêng mà chúng ta trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô rất trân quý : Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, Trân Châu Vô Giá và sự hướng dẫn đang tiếp diễn mà các vị tiên tri và các sứ đồ đã được xức dầu của Thượng Đế nhận được. Ít nhất là trong một phần, đó là nhờ vào sự bất đồng ý kiến cơ bản này về việc bộ kinh sách đã chấm dứt hoàn toàn không thêm bớt gì được nữa mà chúng ta đã bị khước từ bởi một số người mệnh danh là “Ky Tô hữu.” Mặc dù không cảm thấy bất mãn đối với những người đã đưa ra lời phê phán như vậy, chúng ta bác bỏ một cách lễ độ nhưng kiên quyết một sự mô tả không dựa vào thánh thư như vậy của Ky Tô giáo chân chính.

Một trong những luận cứ thường được sử dụng trong bất cứ sự bênh vực nào cho việc bộ kinh sách đã chấm dứt hoàn toàn không thêm bớt gì được nữa là đoạn đã được ghi trong sách Khải Huyền 22:18 của Kinh Tân Ước: “Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách này: Nếu ai thêm vào sách tiên tri này điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách này.” Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều sự nhất trí ở giữa hầu hết tất cả những nhà nghiên cứu Kinh Thánh rằng câu này chỉ áp dụng cho Sách Khải Huyền chứ không phải cho toàn thể Kinh Thánh. Các học giả trong thời kỳ chúng ta đều nhìn nhận một số “sách” trong Kinh Tân Ước thì gần như chắc chắn là được viết ra sau khi sách Khải Huyền của Giăng trên Đảo Bát Mô được tiếp nhận. Loại sách này ít nhất gồm có các sách Phi E Rơ 1 và 2, Giu Đe, ba Bức Thư của Giăng, và có lẽ toàn thể sách Phúc Âm của Giăng.1 Có lẽ còn có thêm nhiều sách hơn các sách này nữa.

Nhưng có một câu trả lời giản dị hơn cho lý do tại sao đoạn đó trong quyển sách cuối cùng của Kinh Tân Ước lại không thể áp dụng cho toàn thể Kinh Thánh. Đó là vì toàn thể Kinh Thánh, như chúng ta biết—một bộ sưu tập các bản văn gộp lại thành một quyển duy nhất—chưa ra đời khi câu đó được viết ra. Trong nhiều thế kỷ sau khi Giăng đã đưa ra bài viết của mình, thì từng quyển sách của Kinh Tân Ước được lưu hành một cách riêng rẽ hoặc có lẽ chung với một vài văn bản khác, nhưng hầu hết chưa bao giờ với tính cách là một bộ trọn vẹn. Trong số toàn bộ sưu tập 5.366 bản được biết đến là bản thảo Kinh Tân Ước Hy Lạp, thì chỉ có 35 bản thảo là chứa đựng toàn thể Kinh Tân Ước như chúng ta biết bây giờ, và 34 bản trong số các bản thảo đó đều được sưu tập sau năm 1000 sau công nguyên.2

Vấn đề là hầu như mỗi vị tiên tri của thời Cựu Tân Ước đều thêm vào thánh thư mà nhận được từ người tiền nhiệm của mình. Nếu những lời của Môi Se trong kinh Cựu Ước là đủ, như một số người tưởng lầm như thế,3 thì, chẳng hạn, một người cần phải hỏi tại sao lại cần có những lời tiên tri về sau của Ê Sai hoặc của Giê Rê Mi là người đi sau ông? Không kể đến Ê Xê Chi Ên và Đa Ni Ên, Giô Ên, A Mốt, và tất cả những người khác. Nếu một điều mặc khải cho một vị tiên tri trong một thời điểm là đủ cho mọi thời, thì điều gì biện minh cho nhiều quyển khác này? Điều gì biện minh cho các quyển sách này đã được Đức Giê Hô Va làm sáng tỏ khi Ngài phán cùng Môi Se: “Công việc của ta không có tận cùng, và … lời của ta … không bao giờ chấm dứt.”4

Một nhà nghiên cứu đạo Tin Lành đã đặt ra một câu hỏi gây ấn tượng mạnh nơi giáo lý sai lầm về bộ kinh sách đã chấm dứt hoàn toàn không thêm bớt gì được nữa. Ông viết: “Trên nền tảng Kinh Thánh hoặc lịch sử nào mà sự soi dẫn của Thượng Đế đã bị hạn chế về những tài liệu viết tay mà giáo hội hiện nay gọi là Kinh Thánh của mình? … Nếu Thánh Linh đã chỉ soi dẫn cho những tài liệu viết tay vào thế kỷ thứ nhất, thì điều đó có nghĩa là thời nay cùng một Thánh Linh đó không được đề cập đến nữa trong giáo hội về những vấn đề mà có một mối quan tâm trọng đại như thế sao?”5 Chúng ta cũng khiêm nhường đặt ra những câu hỏi như vậy.

Sự mặc khải liên tục không hạ thấp hoặc làm mất uy tín của một sự mặc khải đang hiện hữu. Kinh Cựu Ước không làm mất đi giá trị của mình trong mắt của chúng ta khi chúng ta được giới thiệu với Kinh Tân Ước và Kinh Tân Ước còn được gia tăng thêm khi chúng ta đọc Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi suy ngẫm về thánh thư bổ sung mà đã được Các Thánh Hữu Ngày Sau chấp nhận, chúng ta có thể hỏi: Những người Ky Tô hữu đầu tiên trong nhiều thập niên đã chỉ tiếp cận với sách Phúc Âm nguyên thủy của Mác (thường được xem là Sách Phúc Âm đầu tiên của Kinh Tân Ước đã được viết ra)—thì họ có bị xúc phạm khi nhận được thêm những câu chuyện với nhiều chi tiết hơn do Ma Thi Ơ và Lu Ca viết ra sau đó, chưa kể đến những đoạn mới và phần nhấn mạnh về những điều mặc khải đã được Giăng đưa ra sau này không? Chắc chắn là họ đã rất hân hoan với nhiều bằng chứng thuyết phục hơn về thiên tính của Đấng Ky Tô đã tiếp tục nhận được. Và chúng ta cũng hân hoan như vậy.

Xin đừng hiểu lầm. Chúng ta yêu mến và kính trọng Kinh Thánh, như Anh Cả M. Russell Ballard đã dạy rất rõ ràng từ bục giảng này chỉ cách đây đúng một năm.6 Kinh Thánh là lời của Thượng Đế. Kinh Thánh luôn luôn được công nhận đầu tiên trong bộ kinh sách của chúng ta, “các tác phẩm tiêu chuẩn” của chúng ta. Thật vậy, chính việc đọc câu năm của chương thứ nhất sách Gia Cơ mà đã đưa Joseph Smith đến khải tượng của ông về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử mà cho ra đời Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ chúng ta. Nhưng ngay cả lúc bấy giờ, Joseph cũng biết rằng chỉ quyển Kinh Thánh không thôi cũng không thể là câu trả lời cho tất cả những câu hỏi về tôn giáo mà ông và những người khác giống như ông đã có. Như ông đã nói bằng chính lời mình, các giáo sĩ trong cộng đồng của ông đang tranh luận—đôi khi rất tức giận—về các giáo lý của họ. Ông nói: “Giáo sĩ tranh chấp với giáo sĩ, người cải đạo tranh chấp với người cải đạo; … về ngôn từ và sự tranh cãi về quan điểm.” Trớ trêu thay, chỉ một điều độc nhất mà các tôn giáo đang tranh chấp này cùng có là sự tin tưởng nơi Kinh Thánh, nhưng như Joseph viết: “các vị giảng đạo của các giáo phái đã hiểu cùng những đoạn thánh thư theo một ý khác biệt nhau, đến nỗi làm cho tôi mất hết tin tưởng vào việc giải đáp câu hỏi [về giáo hội nào là chân chính] bằng cách cầu cứu đến Kinh Thánh.”7 Rõ ràng, Kinh Thánh, thường được mô tả vào lúc bấy giờ là “điểm tương đồng,” thì không hề được như vậy—rủi thay đó chính là một đầu đề tranh luận.

Vì vậy, một trong các mục đích lớn lao của sự mặc khải tiếp tục qua các vị tiên tri tại thế là tuyên bố với thế gian qua những bằng chứng bổ sung rằng Kinh Thánh là đúng thật. Một vị tiên tri thời xưa đã nói khi đề cập đến Sách Mặc Môn: “Biên sử này được ghi chép với mục đích làm cho các người có thể tin vào biên sử kia,” khi nói về Kinh Thánh.8 Trong một điều mặc khải đầu tiên nhất mà Joseph Smith nhận được, Chúa đã phán: “Này, ta không đem [Sách Mặc Môn] này của ta để hủy diệt những điều mà họ đã nhận được từ trước [Kinh Thánh], nhưng để xây dựng thêm cho những điều đó.”9

Một điểm khác cũng cần được nêu ra. Vì rõ ràng là có các Ky Tô hữu từ lâu trước khi có Kinh Tân Ước hoặc ngay cả một sự góp nhặt những lời phán của Chúa Giê Su, do đó không thể nào xác nhận được rằng Kinh Thánh là điều mà làm cho một người thành Ky Tô hữu. Bằng những lời của một nhà nghiên cứu được quý trọng về Kinh Tân Ước, N.T. Wright: “Chúa Giê Su phục sinh, vào cuối sách Phúc Âm của Ma Thi Ơ, không có nói: ‘Tất cả thẩm quyền trên trời và dưới đất đều được ban cho các quyển sách mà ngươi sắp viết ra,’ mà thay vì thế: ‘’Tất cả thẩm quyền trên trời và dưới đất đều được ban cho ta.’”10 Nói cách khác: “Thánh thư tự mình tách rời … khỏi sự kiện rằng thẩm quyền cuối cùng, chân chính thuộc vào chính Thượng Đế.”11 Như vậy thánh thư không phải là nguồn hiểu biết tối thượng cho Các Thánh Hữu Ngày Sau. Thánh thư là những biểu hiện của nguồn tối thượng. Nguồn hiểu biết và thẩm quyền tối thượng cho một Thánh Hữu Ngày Sau là Thượng Đế hằng sống. Sự truyền đạt về các ân tứ đó từ Thượng Đế như là sự mặc khải đang tồn tại, sinh động và thiêng liêng.12

Giáo lý này nằm ở ngay trọng tâm của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và sứ điệp của chúng ta cho thế giới. Giáo lý này phát triển ý nghĩa của một cuộc họp trọng thể ngày hôm qua mà trong đó chúng ta đã tán trợ Thomas S. Monson là vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Chúng ta tin nơi một Thượng Đế là Đấng đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, là Đấng không âm thầm, không vắng mặt, cũng như Ê Li đã nói về Thần của các thầy tư tế Ba Anh, rằng Thần ấy “đang suy ngẫm, hoặc ở đâu xa, hoặc đương đi đường; hay là có lẽ … ngủ, và sẽ thức dậy.”13 Trong Giáo Hội này, ngay cả các em nhỏ trong Hội Thiếu Nhi cũng đọc thuộc lòng: “Chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế.”14

Trong việc tuyên bố về thánh thư mới và sự mặc khải tiếp tục, chúng ta cầu nguyện rằng chúng ta sẽ không bao giờ kiêu ngạo và vô tình. Nhưng sau khi một khải tượng thiêng liêng trong một khu rừng thiêng liêng bây giờ đã trả lời một cách khẳng định là có cho câu hỏi: “Có Thượng Đế không?” thì Joseph Smith và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô bắt buộc chúng ta phải đối phó với câu hỏi tất yếu tiếp theo: “Ngài có phán truyền không?” Chúng ta mang tin vui cho họ rằng Ngài có và đã từng phán bảo. Với tình yêu thương và sự trìu mến từ Ky Tô giáo của mình, chúng ta mời gọi tất cả mọi người hãy đặt câu hỏi về sự kỳ diệu của điều mà Thượng Đế đã và đang phán truyền kể từ thời Kinh Thánh.

Về một ý nghĩa nào đó, Joseph Smith và các vị tiên tri kế nhiệm của ông trong Giáo Hội này trả lời câu nói thách thức mà Ralph Waldo Emerson đã đưa ra cho các sinh viên ở Trường Harvard Divinity cách đây 170 năm tính đến mùa hè sắp tới. Nhà thông thái của Concord đã biện hộ với nhóm người đạo Tin Lành tài giỏi và thông minh nhất là họ giảng dạy rằng “một Thượng Đế hiện hữu chứ không phải đã hiện hữu; [một Thượng Đế] hiện đang phán bảo chứ không phải đã phán bảo.”15

Tôi làm chứng rằng các tầng trời đang mở rộng. Tôi làm chứng rằng Joseph Smith đã và hiện là một vị tiên tri của Thượng Đế, rằng Sách Mặc Môn thật sự là “một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.” Tôi làm chứng rằng Thomas S. Monson là vị tiên tri của Thượng Đế, một vị sứ đồ hiện đại với các chìa khóa của vương quốc trong tay ông, một người mà tôi đích thân chứng kiến thẩm quyền được trao cho. Tôi làm chứng rằng sự hiện diện của những tiếng nói có thẩm quyền, của các vị tiên tri và những điều mặc khải thiêng liêng liên tục là trọng tâm của sứ điệp Ky Tô giáo này bất cứ lúc nào giáo vụ được phép của Đấng Ky Tô hiện diện trên thế gian. Tôi làm chứng rằng một giáo vụ như vậy đang hiện diện trên thế gian lần nữa và được tìm thấy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô này. Trong sự tận tâm chân thành của mình đối với Chúa Giê Su ở Na Xa Rét chính là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Thế, chúng tôi xin mời tất cả mọi người xem xét điều mà chúng tôi đã nhận được về Ngài, cùng với chúng tôi uống cạn nước văng ra cho đến cuộc sống đời đời,”16 những điều nhắc nhở liên tục này rằng Thượng Đế hằng sống, rằng Ngài yêu thương chúng ta, và rằng Ngài vẫn phán truyền. Tôi bày tỏ lời cảm tạ sâu xa của nhân mình rằng công việc của Ngài không có tận cùng, và “lời của Ngài không bao giờ chấm dứt.” Tôi làm chứng về sự chăm sóc thiêng liêng đầy nhân từ như vậy và sự ghi chép về điều đó, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Stephen E. Robinson, Are Mormons Christians? (1991), 46. Vấn đề về kinh sách thánh thư được thảo luận ở các trang 45–56. Kinh sách thánh thư được định nghĩa là “một bản liệt kê chính thức của các quyển sách được chấp nhận là Thánh Thư” (Từ Điển Merriam Webster’s Collegiate, xuất bản lần thứ 11 [2003], “canon”).

  2. Xin xem Are Mormons Christians? 46; xin xem thêm Bruce M. Metzger, Manuscripts of the Greek Bible: An Introduction to Greek Paleography (1981), 54–55. ; xin xem thêm Are Mormons Christians? 46.

  3. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:2, để có ví dụ.

  4. Môi Se 1:4.

  5. Lee M. McDonald, The Formation of the Christian Biblical Canon, duyệt lại và xuất bản (1995), 254, 2255–56.

  6. Xin xem M. Russell Ballard, “The Miracle of the Holy Bible,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 80–82.

  7. Joseph Smith—Lịch Sử 1:5, 6, 12.

  8. Mặc Môn 7:9; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  9. GLGƯ 10:52; xin xem thêm GLGƯ 20:11.

  10. N. T. Wright, The Last Word: Beyond the Bible Wars to a New Understanding of the Authority of Scripture (2005), xi, 24.

  11. Wright, The Last Word, 24.

  12. Để có được một bài tiểu luận đầy đủ về đề tài này, xin xem Dallin H. Oaks, “Scripture Reading and Revelation,” Ensign, tháng Giêng năm 1995, 76–9.

  13. 1 Các Vua 18:27.

  14. Những Tín Điều 1:9.

  15. “An Address,” Selected The Complete Writings of Ralph Waldo Emerson (1950), 801929), 45.

  16. Giăng 4:14.