2008
Mở Rộng Lòng Chúng Ta
Tháng Năm năm 2008


Mở Rộng Lòng Chúng Ta

Hãy làm điều đó thành một phần nỗ lực hằng ngày của mình để mở rộng tâm hồn của mình cho Thánh Linh.

Hình Ảnh
Elder Gerald N. Lund

Ngày hôm nay, tôi muốn nói về tầm quan trọng của việc mở rộng tâm hồn của mình cho Đức Thánh Linh.

Sau phép báp têm, chúng ta được làm lễ xác nhận và được ban cho Đức Thánh Linh. Đây là một ân tứ thiêng liêng. Đức Thánh Linh an ủi, giảng dạy, cảnh cáo, soi sáng và soi dẫn chúng ta. Nê Phi đã nói điều đó một cách rất giản dị: “Nếu các người đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm.”1 Chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh nếu chúng ta muốn trải qua một cách an toàn thời kỳ mà Sứ Đồ Phao Lô đã gọi là “những thời kỳ khó khăn”2 mà chúng ta hiện đang sống.

Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn, điều đó cho phép Ngài ngự trong lòng của chúng ta và truyền đạt thẳng với linh hồn của chúng ta.3 Tiếng nói của Thánh Linh được mô tả là êm dịu và nhỏ nhẹ và là lời thì thầm.4 Làm thế nào một tiếng nói có thể là êm nhẹ? Tại sao nó được so sánh với lời thì thầm? Bởi vì Thánh Linh hầu như luôn luôn nói cùng tâm trí của chúng ta,5 thay vì nói cho tai của chúng ta nghe. Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Đức Thánh Linh nói bằng một tiếng nói mà các anh chị em cảm nhận hơn là nghe.”6 Chúng ta cảm nhận được những điều trong tâm hồn mình. Trong thánh thư, các vị tiên tri dạy rằng sự mặc khải cá nhân thì gần gũi với tâm hồn. Ví dụ:

Mặc Môn dạy rằng: “Nhờ sự nhu mì và sự khiêm tốn trong lòng nên mới có được sự viếng thăm của Đức Thánh Linh.”7

An Ma nói rằng: “Kẻ nào chai đá trong lòng chỉ nhận được một phần nhỏ lời của Thượng Đế, còn kẻ nào không chai đá trong lòng thì sẽ được ban cho phần lớn lời của Ngài.”8

Mặc Môn viết về dân Nê Phi: “[Tâm hồn họ tràn ngập] niềm hân hoan và an ủi … nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.”9

Và rồi tác giả của Thi Thiên chỉ viết: “Đức Giê Hô Va ở gần những người có lòng đau thương.”10

Thưa các anh chị em, không phải đó là điều mà chúng ta đều tìm kiếm sao—để được Đức Thánh Linh đến viếng thăm, để có được Chúa cận kề bên chúng ta hơn, để tìm ra niềm vui và sự an ủi trong cuộc sống của chúng ta sao? Nếu thế, thì việc đánh giá kỹ tình trạng của tâm hồn chúng ta là một trong những điều thiết yếu nhất mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống này.

Tâm hồn là một nơi nhạy cảm. Nó nhạy cảm đối với nhiều ảnh hưởng, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nó có thể bị những người khác làm tổn thương. Nó có thể bị tội lỗi làm cho chai cứng. Nó có thể được xoa dịu bởi tình yêu thương. Khi còn nhỏ, chúng ta học cách bảo vệ tâm hồn mình. Điều đó giống như việc chúng ta dựng lên một hàng rào chung quanh tâm hồn của mình với một cái cổng trong đó. Không một ai có thể vào cổng đó trừ phi chúng ta cho phép họ vào.

Trong một số trường hợp, cái hàng rào mà chúng ta dựng lên quanh tâm hồn mình có thể giống như một cái hàng rào thấp có cọc thẳng đứng với tấm bảng ghi chữ “Chào Mừng” ở trên cái cổng. Những tâm hồn khác đã bị tổn thương và chai cứng bởi tội lỗi đến nỗi chúng có một cái hàng rào lưới sắt cao hai mét rưỡi có kẽm gai ở bên trên bao quanh chúng. Cánh cổng có khóa móc và có tấm bảng ghi chữ “Cấm Vào” trên đó.

Chúng ta hãy áp dụng ý nghĩ về một cánh cổng đưa đến tấm lòng để nhận sự mặc khải cá nhân. Nê Phi dạy: “Khi một người nói lên nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh thì quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời ấy vào [đến] tâm hồn con cái loài người.”11 Anh Cả David A. Bednar chú thích về việc sử dụng từ đến. “Xin hãy lưu ý cách mà quyền năng của Thánh Linh mang sứ điệp đến chứ không nhất thiết phải vào tâm hồn… . Cuối cùng, … nội dung của một sứ điệp và sự làm chứng của Đức Thánh Linh thấm nhuần vào tâm hồn nếu người nhận cho phép những điều này làm thế.”12

Tại sao chỉ là đến tâm hồn? Quyền tự quyết cá nhân rất là thiêng liêng đến nỗi Cha Thiên Thượng sẽ không bao giờ ép buộc tâm hồn con người, mặc dù Ngài có quyền năng vô hạn. Con người có thể cố gắng làm như vậy, nhưng Thượng Đế thì không. Nói cách khác, Thượng Đế cho phép chúng ta làm người bảo vệ, hoặc người gác cổng của tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần phải tự ý mở rộng tâm hồn mình cho Thánh Linh vì Ngài sẽ không tự ép buộc Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta.

Vậy thì chúng ta mở rộng tâm hồn mình như thế nào?

Trong Bài Giảng trên Núi, Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời.”13 Nếu một điều gì thanh khiết thì nó sẽ không nhơ bẩn hoặc ô uế bởi những điều không thuộc vào điều đó. Sự thanh khiết trong lòng chắc chắn là một trong những điều kiện quan trọng nhất để nhận được sự soi dẫn từ Thượng Đế. Mặc dù không một ai trong chúng ta có tâm hồn toàn hảo nhưng nếu chúng ta càng sốt sắng cố gắng để loại bỏ sự không thanh khiết, hoặc đẩy ra những điều mà không thuộc vào nơi đó, thì chúng ta càng mở rộng tâm hồn mình cho Đức Thánh Linh. Hãy lưu ý đến lời hứa tuyệt vời của tiên tri Gia Cốp: “Hỡi tất cả những ai có tấm lòng thanh khiết, hãy ngẩng đầu lên nhận những lời êm ái của Thượng Đế và thụ hưởng tình thương của Ngài… .”14

Trong khi ở trong Ngục Thất Liberty, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải mô tả tình trạng của một vài tấm lòng:

“Này, có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn. Và tại sao họ không được chọn?

“Vì lòng họ quá quan tâm đến những vật chất của thế gian này, và khát vọng đến danh lợi của loài người.”15

Nhiều người trong thế gian hiện sống trong những hoàn cảnh thịnh vượng và bình an. Trong Sách Mặc Môn, sự thịnh vượng thường dẫn dắt người ta xa rời Chúa. Mặc Môn đã cảnh cáo: “Chúng ta có thể thấy được vào chính lúc Ngài ban sự thịnh vượng cho dân Ngài, phải, trong sự gia tăng các đồng ruộng, các đàn gia súc và các bầy thú của họ, cùng vàng, bạc, và tất cả các vật quý giá đủ loại và mỹ thuật; … rồi chính lúc đó họ chai đá trong lòng, và quên Chúa, Thượng Đế của họ.”16

Chúa đã lưu ý rằng có ba hậu quả hiển nhiên của việc nặng lòng với những vật chất của thế gian: Trước hết, chúng ta tìm cách che giấu thay vì hối cải các tội lỗi của mình. Kế đến, chúng ta tìm cách thỏa mãn tính kiêu ngạo và lòng ham muốn vô bổ của mình hơn là tìm kiếm những sự việc của Thượng Đế. Cuối cùng, chúng ta bắt đầu sử dụng quyền thống trị bất chính trên những người khác.17

Hãy lưu ý rằng tính kiêu ngạo là hậu quả tất nhiên của việc nặng lòng với những vật chất của thế gian. Tính kiêu ngạo làm tâm hồn chúng ta chai đá một cách nhanh chóng đối với những thúc giục của Thánh Linh. Ví dụ, Chúa đã phán: “Ta, là Chúa, không được hài lòng về tôi tớ Sidney Rigdon của ta; hắn tự cao tự đại trong lòng và không chịu nghe lời khuyên dạy mà trái lại đã làm cho Thánh Linh buồn phiền.”18 Hãy so sánh lời phán đó với lời hứa này: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”19

Trong điều mặc khải nhận được trong Ngục Thất Liberty, Chúa đã mô tả hậu quả của một tấm lòng nặng về vật chất của thế gian: “Này, thiên thượng sẽ tự rút lui, Thánh Linh của Chúa sẽ buồn phiền … [và] này, trước khi người ấy nhận thức được như vậy, thì người ấy bị bỏ rơi một mình… .”20 Thưa các anh chị em, trong những “thời kỳ rất hiểm nguy” này, chúng ta không thể làm Thánh Linh buồn phiền và để bị bỏ mặc một mình.

Tôi xin nói lại, tình trạng của tâm hồn chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến sự bén nhạy của chúng ta đối với những sự việc thuộc linh. Chúng ta hãy làm điều đó thành một phần nỗ lực hằng ngày của mình để mở rộng tâm hồn của mình cho Thánh Linh. Vì chúng ta là những người bảo vệ tâm hồn của mình, nên chúng ta có thể chọn làm như vậy. Chúng ta chọn điều mà chúng ta đặt vào lòng mình hoặc loại bỏ ra khỏi lòng mình. May mắn thay, Chúa thiết tha muốn giúp chúng ta chọn lựa một cách khôn ngoan.

Tôi xin kết thúc bằng chứng ngôn với hai lời hứa của Ngài cho những người tìm cách đến cùng Ngài: “Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương [Ngài], … ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy.”21

Và cuối cùng lời tuyên bố đầy soi dẫn này của Sứ Đồ Phao Lô: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”22

Cầu xin chúng ta luôn luôn cầu xin Đấng Ky Tô củng cố tâm hồn chúng ta và làm tràn đầy tâm hồn của chúng ta với tình yêu thương của Ngài là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. 2 Nê Phi 32:5.

  2. 2 Ti Mô Thê 3:1.

  3. Xin xem GLGƯ 8:2.

  4. Xin xem GLGƯ 85:6.

  5. Xin xem GLGƯ 8:2.

  6. “Personal Revelation: The Gift, the Test, and the Promise,” Liahona, tháng Sáu năm 1997, 10.

  7. Mô Rô Ni 8:26.

  8. An Ma 12:10.

  9. Hê La Man 3:35.

  10. Thi Thiên 34:18.

  11. 2 Nê Phi 33:1; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  12. “Seek Learning by Faith,” Liahona, tháng Chín năm 2007, 17.

  13. Ma Thi Ơ 5:8.

  14. Gia Cốp 3:2.

  15. GLGƯ 121:34–35.

  16. Hê La Man 12:2.

  17. Xin xem GLGƯ 121:36–37.

  18. GLGƯ 63:55.

  19. GLGƯ 112:10.

  20. GLGƯ 121:37–38.

  21. Mô Rô Ni 7:48.

  22. Phi Líp 4:13.