2008
Những Tấm Gương Ngay Chính
Tháng Năm năm 2008


Những Tấm Gương Ngay Chính

Bổn phận của chúng ta là phải có một cuộc sống mà chúng ta có thể nêu gương ngay chính.

Hình Ảnh
President Thomas S. Monson

Thưa các anh em, buổi tối hôm nay, tôi nhận thấy rằng các anh em đang hiện diện nơi đây trong Trung Tâm Đại Hội lẫn ở hằng ngàn địa điểm khác, tiêu biểu cho cuộc quy tụ lớn nhất của chức tư tế từ trước đến giờ. Chúng ta là một phần tử trong nhóm anh em đông đảo nhất trên khắp thế giới. Chúng ta thật là may mắn và được phước biết bao để làm người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế.

Chúng ta đã được chỉ dạy và nâng cao tinh thần khi chúng ta lắng nghe những sứ điệp đầy soi dẫn. Tôi cầu nguyện rằng tôi có thể có được sự hỗ trợ bằng đức tin và những lời cầu nguyện của các anh em khi tôi chia sẻ với các anh em những ý nghĩ và cảm tưởng mà đã đến với tâm trí tôi mới đây khi tôi chuẩn bị để ngỏ lời cùng các anh em.

Là những người mang chức tư tế, chúng ta đã được sinh ra trên thế gian trong thời điểm khó khăn. Chúng ta sống trong một thế giới phức tạp với nhiều chiều hướng xung đột ở khắp nơi. Những mưu đồ chính trị phá hoại sự ổn định của các quốc gia, các nhà độc tài tóm gọn quyền hành trong tay, và nhiều tầng lớp xã hội dường như bị áp bức vĩnh viễn, bị tước đoạt cơ hội, và bỏ mặc với cảm nghĩ thất bại.

Chúng ta là những người đã được sắc phong chức tư tế của Thượng Đế có thể tạo ra một sự khác biệt. Khi chúng ta hội đủ điều kiện để có sự giúp đỡ của Chúa, thì chúng ta có thể xây dựng các thiếu niên, chúng ta có thể hàn gắn tâm hồn của những người đàn ông, chúng ta có thể thực hiện những phép lạ trong sự phục vụ thiêng liêng lên Ngài. Các cơ hội của chúng ta thì vô tận.

Nhiệm vụ của chúng ta là nêu gương chính đáng. Chúng ta được củng cố bởi lẽ thật rằng lực lượng hùng mạnh nhất trên thế gian ngày nay là quyền năng của Thượng Đế trong khi quyền năng này được thực hiện qua con người. Thưa các anh em, nếu chúng ta đang làm công việc của Chúa, thì chúng ta được quyền có sự giúp đỡ của Chúa. Xin đừng bao giờ quên lẽ thật đó. Dĩ nhiên, sự giúp đỡ thiêng liêng đó được căn cứ vào sự xứng đáng của chúng ta. Mỗi người phải tự hỏi: Đôi tay của tôi có trong sạch không? Lòng tôi có thanh khiết không? Tôi có phải là một tôi tớ xứng đáng của Chúa không?

Chúng ta bị bao quanh bởi rất nhiều điều nhằm hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi những điều đức hạnh và thiện lành và cám dỗ chúng ta với điều mà khiến cho chúng ta trở nên không xứng đáng để sử dụng chức tư tế mà chúng ta mang. Tôi không chỉ nói với các thiếu niên của Chức Tư Tế A Rôn, mà với những người thuộc mọi lứa tuổi. Những cám dỗ đến dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt cuộc sống của chúng ta.

Thưa các anh em, chúng ta có luôn luôn được hội đủ điều kiện để thực hiện các bổn phận thiêng liêng đi kèm với chức tư tế mà chúng ta đang mang không? Các em thiếu niên—các em là các thầy tư tế—các em có trong sạch trong thể xác và tinh thần khi các em ngồi tại bàn Tiệc Thánh vào ngày Chúa Nhật và ban phước cho các biểu tượng của Tiệc Thánh không? Các em thiếu niên là các thầy giảng, các em có xứng đáng để chuẩn bị Tiệc Thánh không? Các thầy trợ tế, khi các em chuyền Tiệc Thánh cho các tín hữu của Giáo Hội, các em có làm như vậy mà biết rằng các em đã hội đủ điều kiện về phần thuộc linh để làm như vậy không? Mỗi người các em có hiểu trọn vẹn tầm quan trọng của tất cả các bổn phận thiêng liêng mà các em đang thực hiện không?

Các bạn trẻ thân mến của tôi, hãy vững mạnh. Triết lý của loài người bao vây chúng ta. Tội lỗi ngày nay thường khoác lên bộ mặt khoan dung. Đừng để bị lừa gạt; ở đằng sau bộ mặt đó là nỗi đau buồn, khổ sở và đau đớn. Các em biết điều gì là đúng và điều gì là sai và không có sự giả dối, tuy nhiên sự cám dỗ có thể thay đổi điều đó. Tính chất của sự phạm giới vẫn như vậy. Nếu có những người được gọi là bạn mà thúc giục các em làm bất cứ điều gì các em biết là sai, thì các em phải là người đứng lên bênh vực cho lẽ phải, cho dù các em có làm điều đó đơn độc một mình đi nữa. Hãy có lòng can đảm về mặt đạo đức để làm gương sáng cho những người khác noi theo. Sẽ không có tình bạn nào quý báu hơn lương tâm trong sáng của các em, sự trong sạch về mặt đạo đức—và thật là một cảm nghĩ vinh quang biết bao để biết rằng các em đang được trong sạch đứng nơi chỉ định của mình và với sự tin tưởng rằng các em xứng đáng để làm như vậy.

Thưa các anh em trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, các anh em có siêng năng cố gắng mỗi ngày để sống theo lối sống mà các anh em cần phải sống không? Các anh em có tử tế và yêu thương vợ con mình không? Các anh em có luôn luôn và trong mọi tình huống đều lương thiện trong những giao dịch của mình với những người chung quanh không?

Nếu có bất cứ anh em nào đã phạm tội, thì có những người sẽ giúp đỡ các anh em để trở nên trong sạch và xứng đáng trở lại. Vị giám trợ hoặc chủ tịch chi nhánh của các anh em đang nóng lòng và sẵn sàng giúp đỡ và sẽ, với sự thông cảm và lòng trắc ẩn, làm hết khả năng mình để phụ giúp các anh em trong tiến trình hối cải, để các anh em một lần nữa được đứng trong sự ngay chính trước mặt Chúa.

Nhiều người trong các anh em còn nhớ Chủ Tịch N. Eldon Tanner là người đã phục vụ với tư cách là cố vấn cho bốn Vị Chủ Tịch của Giáo Hội. Ông đã nêu lên một tấm gương hoàn toàn ngay chính trong suốt quá trình làm việc trong ngành công nghiệp, trong khi phục vụ trong chính quyền Canada, và cũng như trong đời tư của ông. Ông đã cho chúng ta lời khuyên dạy đầy soi dẫn này:

“Không có một điều gì mang lại niềm vui và sự thành công lớn lao hơn việc sống đúng theo những lời giảng dạy của phúc âm. Hãy làm gương; hãy là một ảnh hưởng tốt lành… . ”Mỗi người chúng ta đã được tiền sắc phong để làm một số công việc với tư cách là tôi tớ được chọn lựa [của Thượng Đế] là những người mà Ngài thấy xứng đáng để truyền giao chức tư tế và quyền năng để hành động trong danh Ngài. Hãy luôn luôn nhớ rằng những người khác trông cậy vào sự lãnh đạo của các anh em và các anh em đang tạo ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến cuộc sống của các cá nhân, mà ảnh hưởng nào thì cũng sẽ tác động nhiều đến thế hệ mai sau.”1

Thưa các anh em, tôi xin lặp lại rằng, với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế, bổn phận của chúng ta là phải có một cuộc sống mà chúng ta có thể nêu gương ngay chính cho những người khác noi theo. Khi tôi suy ngẫm về cách mà chúng ta có thể nêu lên một tấm gương như vậy, thì tôi nghĩ đến một kinh nghiệm mà tôi đã có cách đây vài năm trong khi đang tham dự một đại hội giáo khu. Trong phiên họp chung, tôi đã quan sát một đứa bé trai ngồi với gia đình nó ở dãy ghế trước của trung tâm giáo khu. Tôi đang ngồi trên bục chủ tọa. Trong khi buổi họp đang tiến hành, tôi bắt đầu thấy rằng nếu tôi ngồi tréo chân này lên trên chân kia, thì đứa bé ấy cũng làm giống như vậy. Nếu tôi đổi cách tréo chân lại thì đứa bé kia cũng làm theo. Tôi để tay lên trên đùi mình, thì nó cũng làm thế. Tôi dựa tay vào cằm thì nó cũng làm như vậy. Bất cứ điều gì tôi làm, thì nó cũng bắt chước theo hành động của tôi. Điều này tiếp tục cho đến lúc tôi sắp ngỏ lời cùng giáo đoàn. Tôi quyết định thử nó. Tôi nhìn thẳng vào nó, vì chắc chắn rằng nó đang chú ý đến tôi, và rồi tôi ngọ nguậy đôi tai mình. Nó cố gắng làm theo nhưng không có kết quả, tôi đã thắng được nó rồi! Nó không thể ngọ nguậy đôi tai của nó được. Nó quay sang cha nó đang ngồi cạnh nó và thì thầm một điều gì đó với cha nó. Nó chỉ vào đôi tai của nó và rồi chỉ vào tôi. Khi cha của nó nhìn về phía tôi, hiển nhiên để nhìn vào đôi tai đang ngọ nguậy của tôi, thì tôi ngồi nghiêm trang với hai tay khoanh lại, không cử động một bắp thịt nào cả. Người cha liếc nhìn đứa con một cách ngờ vực, đứa bé bấy giờ trông hơi thất vọng. Cuối cùng nó cười bẽn lẽn với tôi và nhún vai.

Tôi đã nghĩ về kinh nghiệm đó trong nhiều năm khi tôi suy ngẫm đến cách, nhất là khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta hay bắt chước gương của cha mẹ, các vị lãnh đạo, bạn bè của mình. Tiên tri Brigham Young nói: “Chúng ta đừng bao giờ tự cho phép làm bất cứ điều gì mà chúng ta không muốn thấy con cái mình làm. Chúng ta cần phải nêu lên cho chúng thấy tấm gương mà chúng ta muốn chúng bắt chước.”2

Tôi xin nói cùng các anh em là những người cha hoặc các vị lãnh đạo của các em thiếu niên, hãy cố gắng nêu tấm gương mà các em cần. Dĩ nhiên, người cha cần phải là tấm gương chính và em thiếu niên nào được phước có một người cha xứng đáng thì em ấy quả thật rất may mắn. Tuy nhiên, ngay cả một gia đình gương mẫu với cha mẹ siêng năng và trung tín, cũng có thể sử dụng tất cả sự giúp đỡ và hỗ trợ mà họ có thể có được từ những người tốt và quan tâm thật sự. Cũng có em thiếu niên mà không có cha, hoặc người cha của em hiện không nêu tấm gương mà em cần. Đối với thiếu niên đó, Chúa đã ban cho một nhóm người giúp đỡ trong Giáo Hội—các vị giám trợ, các cố vấn, các giảng viên, các trưởng Hướng Đạo, các thầy giảng tại gia. Khi chương trình của Chúa được hữu hiệu và hoạt động thích đáng thì sẽ không có một thiếu niên nào trong Giáo Hội mà không có được ảnh hưởng của những người nam tốt lành trong cuộc sống của nó.

Hiệu quả của một vị giám trợ, người cố vấn hoặc giảng viên đầy soi dẫn thì không tùy thuộc vào những dấu hiệu của quyền năng hoặc sự dồi dào vật chất của thế gian này. Những người lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thường là những người soi dẫn những người khác với sự tận tâm đối với lẽ thật, là những người làm cho việc tuân theo bổn phận dường như là bản chất của con người, là người thay đổi một điều thông thường thành một điều mà chúng ta tha thiết mong muốn được giống như người đó.

Còn có một Đấng mà chúng ta chớ bỏ qua—và quả thật, đó là Đấng gương mẫu chính yếu của chúng ta—là Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự giáng sinh của Ngài đã được các vị tiên tri báo trước; các thiên sứ loan truyền giáo vụ trần thế của Ngài. Ngài “lớn lên, và mạnh mẽ, được đầy dẫy sự khôn ngoan, và ơn Đức Chúa Trời ngự trên Ngài.”3

Sau khi Ngài được Giăng làm phép báp têm trong dòng sông được biết là Sông Giô Đanh, Ngài đã bắt đầu giáo vụ chính thức của Ngài cho con người. Chúa Giê Su đã không đếm xỉa đến những lời lẽ ngụy biện của Sa Tan. Đối với bổn phận đã được Cha Ngài chỉ định, Ngài ngước mặt lại, trịnh trọng hứa và hy sinh mạng Ngài. Thật là một cuộc sống vô tội, vị tha, cao quý và thiêng liêng. Chúa Giê Su đã lao nhọc. Chúa Giê Su đã yêu thương. Chúa Giê Su đã phục vụ. Chúa Giê Su đã làm chứng. Chúng ta không thể nào cố gắng bắt chước một tấm gương cao quý hơn thế? Từ bây giờ, ngay trong đêm nay, chúng ta hãy bắt đầu làm vậy. Hãy từ bỏ con người cũ của chúng ta cùng với sự thất bại, thất vọng, nghi ngờ và không tin. Chúng ta tiến đến một cuộc sống mới—một cuộc sống đầy đức tin, hy vọng, can đảm và niềm vui. Không có nhiệm vụ nào dường như quá lớn, không có trách nhiệm nào quá nặng nề, không có bổn phận nào là gánh nặng. Mọi việc đều có thể làm được.

Cách đây nhiều năm, tôi có nói về một người đã noi theo gương Đấng Cứu Rỗi, là người đứng vững vàng và chân thật, vững mạnh và xứng đáng qua những cơn giông bão của cuộc đời. Người ấy đã dũng cảm làm vinh hiển những sự kêu gọi của chức tư tế của mình. Người ấy đã nêu gương cho mỗi người chúng ta. Người ấy tên là Thomas Michael Wilson, con trai của Willie và Julia Wilson ở Lafayette, Alabama.

Khi anh ấy còn là thiếu niên, anh và gia đình của mình chưa phải là tín hữu của Giáo Hội, anh ấy bị mắc bệnh ung thư, tiếp theo với sự điều trị bằng phóng xạ rất đau đớn, và rồi được phước với sự thuyên giảm. Căn bệnh này khiến cho gia đình anh nhận thức rằng không những cuộc sống là quý báu mà nó còn rất ngắn ngủi. Họ bắt đầu tìm kiếm tôn giáo để giúp họ vượt qua thời điểm đau khổ này. Sau đó, họ được giới thiệu với Giáo Hội, và cuối cùng mọi người ngoại trừ người cha đã chịu phép báp têm. Sau khi chấp nhận phúc âm, thanh niên Wilson mong muốn được cơ hội làm người truyền giáo, mặc dù anh lớn tuổi hơn đa số thanh niên lúc bấy giờ khi họ bắt đầu công việc truyền giáo. Khi anh 23 tuổi thì anh nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo ở Phái Bộ Truyền Giáo Utah Salt Lake City.

Những người bạn đồng hành truyền giáo của Anh Cả Wilson mô tả đức tin của anh ấy là trọn vẹn, vững chắc và kiên quyết. Anh là một tấm guơng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sau 11 tháng phục vụ truyền giáo, căn bệnh tái phát. Bấy giờ bệnh ung thư xương đòi hỏi phải cắt cánh tay và vai của anh. Tuy thế, anh vẫn kiên trì trong công việc truyền giáo của mình.

Lòng can đảm và ước muốn mãnh liệt của Anh Cả Wilson để vẫn tiếp tục truyền giáo đã làm cảm động lòng của người cha ngoại đạo của anh đến nỗi ông đã tìm hiểu về những lời giảng dạy của Giáo Hội và cũng đã trở thành tín hữu.

Tôi biết rằng có một người tầm đạo mà Anh Cả Wilson giảng dạy đã chịu phép báp têm nhưng rồi muốn được làm lễ xác nhận bởi Anh Cả Wilson, tức là người mà chị ấy rất kính trọng. Với một vài người khác, chị ấy đã đi đến giường bệnh của Anh Cả Wilson trong bệnh viện. Nơi đó, với bàn tay còn lại của mình đặt trên đầu chị ấy, Anh Cả Wilson đã làm lễ xác nhận cho chị ấy thành tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Wilson tiếp tục từng tháng một với sự phục vụ quý báu nhưng đầy đau đớn của mình với tư cách là người truyền giáo. Những phước lành đã được ban cho, những lời cầu nguyện đã được dâng lên. Nhờ vào tấm gương tận tụy của anh, những người cùng phục vụ truyền giáo với anh đã sống gần Thượng Đế hơn.

Tình trạng sức khỏe của Anh Cả Wilson suy sụp. Khi cái chết gần kề, anh phải trở về nhà. Anh yêu cầu được phục vụ thêm một tháng nữa, và lời yêu cầu của anh đã được chấp thuận. Anh đặt đức tin của mình nơi Thượng Đế và Ngài là Đấng mà Thomas Michael Wilson đã âm thầm tin cậy sẽ mở cánh cửa thiên thượng và ban phước cho mình một cách dồi dào. Cha mẹ của anh là Willie và Julia Wilson, cùng với người em trai của anh là Tony đến Salt Lake City để giúp con trai và anh trai của họ trở về nhà ở Alabama. Tuy nhiên, vẫn còn một phước lành đang được cầu xin, mong mỏi nhưng chưa được ban cho. Gia đình ấy mời tôi đến đền thờ Jordan River với họ, nơi mà các giáo lễ thiêng liêng gắn bó gia đình trong thời vĩnh cửu cũng như thời tại thế đã được thực hiện.

Tôi nói lời từ giã với gia đình Wilson. Tôi còn có thể thấy được Anh Cả Wilson khi anh cám ơn tôi đã đến với anh và những người thân của anh. Anh nói: “Điều gì xảy ra cho chúng tôi trong cuộc sống này thì không quan trọng miễn là chúng tôi có được phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo phúc âm đó. Dù tôi có giảng dạy phúc âm ở bên này hay bên kia bức màn che thì cũng không quan trọng miễn là tôi có thể giảng dạy phúc âm.” Thật là dũng cảm. Thật là một sự tin tưởng kỳ diệu. Thật là một tình yêu mến tuyệt vời! Gia đình Wilson đã thực hiện cuộc hành trình dài trở về nhà ở Lafayette, nơi mà Anh Cả Thomas Michael Wilson qua đời. Anh đã được chôn cất ở đó với tấm thẻ tên truyền giáo của anh.

Thưa các anh em, giờ đây, khi chúng ta rời buổi họp chức tư tế trung ương này, chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm chuẩn bị cho cơ hội của mình, và để làm vinh hiển chức tư tế mà chúng ta mang qua sự phục vụ của mình, những cuộc sống mà chúng ta ban phước, và những tâm hồn mà chúng ta có đặc ân để giúp cứu vớt. Các anh em là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh”4 và các anh em có thể tạo ra một sự khác biệt. Tôi làm chứng về những lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, A Men.

Ghi Chú

  1. “For They Loved the Praise of Men More Than the Praise of God” Ensign, tháng Mười Một năm 1975, 74.

  2. Deseret News, ngày 21 tháng Sáu năm 1871, 235.

  3. Lu Ca 2:40.

  4. 1 Phi E Rơ 2:9.